Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:49 (GMT +7)

Tham gia “vùng Thủ đô” với tâm thế vững vàng

VNTN - Thái Nguyên cùng với hai tỉnh khác là Phú Thọ và Bắc Giang đã chính thức nằm trong 10 tỉnh vùng Thủ đô Hà Nội theo Quyết định Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành. Việc nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô là cơ hội, lực đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực khẳng định vị trí Trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc bộ.


Được hưởng lợi nhiều từ cơ chế, chính sách phát triển

Không cần khẳng định thêm, chúng ta cũng hiểu rất rõ vai trò của Thủ đô Hà Nội đối với đất nước: là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, kỹ thuật của cả nước. Hà Nội còn là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính lớn của Quốc gia. Hơn nữa Hà Nội được ví như trái tim thân yêu của cả nước. Các tỉnh, thành nằm trong vùng Thủ đô cũng có những thế mạnh khác nhau, đã và đang tạo ra chuỗi liên kết kinh tế - xã hội chặt chẽ. Bởi vậy, việc trở thành thành viên của vùng Thủ đô là điều mong muốn không hề nhỏ của các tỉnh, thành lân cận. Từ năm 2008, Quy hoạch Vùng Thủ đô chỉ có 7 tỉnh, thành, trong đó ngoài toàn bộ ranh giới Hà Nội, phạm vi được mở rộng ra các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Hòa Bình. Trước yêu cầu liên kết và mở rộng tầm ảnh hưởng ra xa hơn, tạo lực đẩy phát triển, Thủ đô đã đề xuất và được chấp thuận để kết nối vùng với 3 tỉnh lân cận, trong đó có Thái Nguyên.

Theo các nhà phân tích thì việc chúng ta được bổ sung vào vùng Thủ đô không chỉ là vinh dự trong quan hệ bang giao mà còn thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, bước vào vùng Thủ đô, chúng ta được rất nhiều, tất nhiên, trong đó có cả cơ hội và thách thức. Nhưng trên thực tế, được tạo dựng để có cơ hội và thách thức đã là điều rất đáng mừng, nhất là với một tỉnh đang khao khát liên kết, hội nhập để phát triển như Thái Nguyên. Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, trở thành "vệ tinh" của Hà Nội sẽ được hưởng lợi nhiều từ cơ chế, chính sách phát triển của Thủ đô và cả vùng Thủ đô. Chẳng nói đâu xa, ngay như việc tiêu thụ nông sản của Hà Nội thôi cũng đã phần nào tạo đà phát triển nông nghiệp cho các tỉnh, thành trong vùng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, các làng trồng rau xanh ở Hòa Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi ngày cũng xuất hàng trăm tấn rau xanh phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô, trong khi đó nếu chỉ bán tại địa phương hoặc giao hàng ở một số tỉnh lẻ lân cận tối đa cũng được vài chục tấn/ngày. Thực tế thì nhờ có thị trường lớn là Hà Nội mà các làng trồng rau xanh một số tỉnh trong vùng đã có điều kiện sản xuất và mở rộng kinh doanh. Với chúng ta, hiện tại gần như chưa có sản phẩm rau xanh "made in Thái Nguyên" nào có mặt tại Thủ đô. Tuy nhiên, tới đây điều đó không khó, chỉ còn là vấn đề thời gian và chất lượng sản phẩm.

Công bằng mà nói, còn rất nhiều hàng hóa khác sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường Hà Nội và cả vùng Thủ đô theo một kênh liên kết chính thống, có ưu tiên, ưu đãi được cam kết với vai trò là thành viên trong Vùng. Từ nay, các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của chúng ta như sắt thép, xi măng, chè xanh, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, sản phẩm cơ khí chế tạo, dụng cụ cầm tay… sẽ có thêm thị phần với số lượng cung cấp lớn hơn, lâu bền hơn. Xin nêu một ví dụ, lâu nay, người dân Hà Nội nói riêng và vùng Thủ đô nói chung vẫn ưa chuộng và sử dụng hàng nội thất từ các làng nghề truyền thống nội vùng, trong đó có làng nghề Đồng Kỵ - Bắc Ninh. Nhưng tới đây, cả vùng sẽ có điều kiện nhiều hơn để biết tới các sản phẩm mỹ nghệ chất lượng của chúng ta qua các làng nghề mộc gia dụng ở Phú Bình, Phổ Yên...

Như vậy, với các cam kết của vùng Thủ đô, 10 tỉnh thành trong quy hoạch vùng sẽ tạo thành chuỗi liên kết bền chắc với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Thái Nguyên chúng ta được xem là có vị trí quan trọng đối với cả vùng Thủ đô vì là cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô với vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Trong quy hoạch, Thái Nguyên đảm nhận vai trò phát triển y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao cho cả vùng và toàn quốc. Ngoài ra, còn là nơi phát triển du lịch (với điểm nhấn là Khu du lịch hồ Núi Cốc, khu ATK nổi tiếng); phát triển công nghiệp công nghệ cao tại khu vực phía Nam của tỉnh; sản xuất các sản phẩm nông, lâm nghiệp chất lượng cao.

Cảng Đa Phúc giáp ranh với Thủ đô Hà Nội đang phát huy vai trò chung chuyển hàng hóa giữa Thái Nguyên và các tỉnh, thành vùng Thủ đô

Chúng ta có gì khi nhập cuộc?

Trước những lợi thế đó, chúng ta đã có gì để có thể tạo dựng cho mình tâm thế vững vàng với sự tự tin cần thiết để bước vào chuỗi liên kết của một vùng kinh tế có tầm ảnh hưởng nhất cả nước?

Nếu xét tổng thể, chúng ta vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng từng lĩnh vực cụ thể, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để tham gia hợp tác một cách sòng phẳng với tất cả các thành viên trong vùng Thủ đô. Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng tốt với bình quân chung 10 năm gần đây đạt khoảng 12,82%, cao hơn nhiều so với khu vực và cả nước. GDP bình quân đầu người của chúng ta hiện nay đạt 46,4 triệu đồng/năm, tăng gấp gần 2 lần so với GDP bình quân chung của vùng trung du miền núi Bắc bộ. Công nghiệp được xem là ngành kinh tế chủ lực với tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 là 365 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn làm thay đổi diện mạo kinh tế của tỉnh như Dự án khai thác và chế biến khoáng sản Núi pháo, Nhà máy xi măng Quang Sơn, Nhà máy nhiệt điện An Khánh... và đặc biệt là dự án có vốn đầu tư khổng lồ (trên 6 tỷ USD) của Tập đoàn Sam Sung.

Đối với dịch vụ, du lịch, 10 năm qua tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 8,67%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt tốc độ tăng bình quân 16,7% năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD năm 2015. Chúng ta có hệ thống giao thông khá thuận lợi, kết nối với Thủ đô và các tỉnh trong vùng như tuyến Quốc lộ 37, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3 cũ và nhiều tuyến đường tỉnh kết nối với các vùng, trong đó có vùng Thủ đô. Thái Nguyên được xác định là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn thứ 3 cả nước với gần 10 trường đại học, trên 20 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trong đó hạt nhân là Đại học Thái Nguyên với hàng vạn sinh viên đang học tập. Như thế, xét trong tương quan vùng Thủ đô, chúng ta có lợi thế rất lớn về cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng.

Thái Nguyên đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, tạo việc làm cho lao động các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô. Trong ảnh: Sản xuất điện tử tại Samsung Thái Nguyên.

Với một vài phác thảo đó thôi cũng đủ chứng minh rằng chúng ta đang có một hành trang thuận lợi để có thể tự tin tham gia "sân chơi chung" của vùng kinh tế trọng điểm nhất nhì cả nước này. Với những gì hiện có, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng Thái Nguyên không chỉ nắm vững cơ hội mà còn có thể vượt qua những thách thức trong quá trình hòa nhập phát triển.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy