Tết của ngày xưa…
Hồi còn nhỏ, tôi không thể giải thích Tết là gì. Tôi chỉ biết rằng Tết là một điều gì đó rất đặc biệt với bọn trẻ con chúng tôi. Chỉ cần nhắc tới Tết là đứa nào cũng mong ngóng, đếm từng ngày để Tết đến, rồi tiếc nuối khi Tết sắp qua. Tết đơn giản là được nghỉ học, là được mừng tuổi, là được ăn ngon, là được may áo mới, là được đốt pháo… Có lẽ bởi ngày xưa thiếu thốn, từ miếng ăn đến bộ quần áo đẹp, nên rất tự nhiên, chúng tôi mong ngóng Tết.
Không khí Tết đến rõ rệt với mọi nhà thường vào ngày 23 tháng Chạp, khi cúng tiễn ông Táo lên chầu trời. Dịp này, chúng tôi – lũ học sinh – cũng vừa thi xong học kỳ I và háo hức chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài ngày.
Ngày này, nhà nhà cũng bắt đầu dựng cây nêu và treo lá cờ. Thường thì bố tôi vào trong xóm để chọn một cây tre thật cao, thật thẳng, tỉ mỉ cắt tỉa cành rồi dựng cây nêu. Một nhà dựng xong thì tới nhà bên cạnh dựng tiếp. Cứ thế, khi hai bên đường rợp bóng cây nêu, là không khí Tết đã về đến ngõ.
Vào chiều 23 Tết, nhà nhà nô nức ra sông thả cá chép, để ông Táo về trời tâu với Ngọc Hoàng mọi việc trong năm và cầu may mắn cho năm mới. Quê tôi chiều 23 Tết, ra sông thả cá đông như hội, người nối người kín dọc đường dẫn tới bờ sông. Gặp nhau ai cũng vui vẻ nói cười, chào hỏi.
Từ 25 đến tận sáng ngày 30 Tết, chợ búa tấp nập người mua sắm Tết. Những ngày giáp Tết, mưa phùn làm chợ ướt nhẹp, nhưng người với người vẫn cứ chen chúc nhau. Ông nội bắt đầu mua ống giang, chẻ lạt để sẵn đó gói giò và bánh chưng. Ông đóng một cái khuôn gỗ nhỏ để gói bánh cho vuông vức. Từng lớp lá dong, lá chuối được đặt khéo léo theo lớp. Gạo nếp thì ngâm trước, xóc thêm muối, cho thêm nước lá cơm nếp để bánh xanh và thơm. Đậu xanh đồ chín, giã nát rồi viên thành từng vầng làm nhân bánh cùng với thịt ba chỉ. Chọn loại thịt nhiều mỡ một chút rồi ướp hành khô, nước mắm và tiêu bắc cho thơm. Tôi lăng xăng chạy quanh nhìn ngó, rồi bắt chước ông gói bánh và cũng tự gói cho mình một chiếc nhỏ xíu. Chiếc bánh của tôi thường được ăn trước để thử vị cả nồi bánh.
Đêm nấu bánh chưng là đêm hội với cả nhà, nhất là lũ trẻ. Trong tiết trời giá lạnh của ngày cuối năm, ai cũng háo hức xúm quanh trông nồi bánh, đun thêm củi, châm thêm nước và không thể quên vùi những củ khoai lang vào tro than bếp sẵn đó. Khoai lang nướng thơm nức, bóc ăn luôn cho nóng dù tay lấm lem đen. Nhà đông người, ăn gì cũng vui, cũng ngon. Mà thật ra, chỉ cần cả nhà quây quần ngồi bên nhau bên nồi bánh chưng Tết đã là vui rồi. Đứa nào đứa nấy hăng hái nhận thức đêm trông nồi bánh chưng, nhưng khi đến hơn 11 giờ tối, thì thường đã không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ.
Nhà tôi có món giò bò gia truyền. Ngày Tết, có bao nhiêu món ngon, nhưng tôi vẫn thích nhất món giò bò đó. Từ đầu tháng Chạp, ông nội đã bắt đầu phơi vỏ quýt để chuẩn bị cho việc gói giò. Gói giò cần nhiều loại gia vị để tạo mùi hương, nhưng đặc trưng nhất là hương thơm từ vỏ quýt khô rang cháy giòn, giã nhỏ. Hương thơm này quện với miếng thịt bò hầm mềm, nén chặt gói trong lá chuối, thêm vị cay nồng của tiêu bắc, thơm ngọt và cay nóng của thảo quả, và cảm giác giòn sần sật của nấm tai mèo. Khi chấm vào bát nước mắm cốt, vắt chút chanh và thái vài miếng ớt đỏ, ăn kèm dưa hành muối, thì đúng là Tết thật chứ còn gì nữa. Tết trong từng miếng ăn đặc trưng.
Thịt để làm giò bò thường là nguyên một cái thủ bò, thêm vài cái tai lợn để giò giòn và keo hơn, rồi pha thịt và các gia vị. Có lẽ vật lộn với cái thủ bò to và pha thịt là vất vả nhất, còn khó nhất là khâu gia giảm gia vị. Giò có ngon hay không, có đậm đà hay không là do khâu này. Tôi không biết bí quyết của ông nội, nhưng tôi nhớ sự tỉ mẩn từng chút một của ông khi thêm bột vỏ quýt, ngũ vị hương, thảo quả. Thêm nhiều thì lại đắng, ít thì không dậy mùi thơm. Bao nhiêu năm rồi, từ ngày ông mất, tôi không thể tìm lại được hương vị giò bò như xưa. Cũng có lẽ vì hồi đó đói, nên ăn miếng giò bò thấy ngon đến lạ.
Ngày xưa nhà tranh, tôi tìm được cái khe nhỏ bên hông nhà. Có cái chai thủy tinh nhỏ, tôi dùng làm “lợn đất” nhét tiền bố mẹ cho và cả tiền bán sắt vụn gom góp vào. Chỗ cất giấu bí mật ấy tôi chỉ cho mỗi mình mẹ biết. Phải lách người mãi mới chui lọt vào được, trộm mà biết chắc cũng mắc kẹt trong đó mất. Tết năm ấy, tôi “đập lợn”, đâu được hơn một nghìn đồng. Tôi ra chợ sắm Tết mà chẳng biết mua gì vì tiền ít quá, cuối cùng chỉ mua được cái hộp đựng tăm bằng nhựa.
Tôi không thể nào quên đêm giao thừa lạnh rét căm căm năm ấy, cả nhà quây quần bên nhau ăn con gà luộc. Con gà ấy sao mà mềm và ngon thế, cảm giác ấy sao mà ấm áp, hạnh phúc chan hòa trong gia đình nhỏ. Bao năm rồi tôi vẫn nhớ mãi, vẫn không sao tìm lại cảm giác “ngon” của ngày xưa như vậy nữa.
Sáng sớm mùng 1 Tết, bố treo một dây pháo to trước nhà rồi châm đốt. Tiếng pháo nổ đanh, xác pháo đỏ cả một góc sân, mùi pháo thơm đặc trưng in đậm trong tâm trí tôi. Đốt pháo xong, trẻ con xúm lại nhặt những quả pháo lép. Thằng cu em tôi có lần nhặt được quả pháo tưởng lép mà khi cầm lên thì nó nổ luôn trên tay, sợ xanh mắt mèo. Sợ vậy nhưng chẳng đứa nào chừa. Người lớn thì chơi pháo to, còn trẻ con thì chơi pháo tép. Dây pháo tép nhỏ xíu, đốt kêu lẹt đẹt hoặc có thể dùng đá đập từng quả nổ lép bép. Sau này cấm pháo, không còn những mẹt pháo đủ loại bày bán ngoài chợ nữa. Ngày mới cấm, chúng tôi vẫn còn lén mua ít pháo diêm, đốt trộm.
Hỏi trẻ con thích nhất gì ở Tết, thích nhiều thứ lắm, nhưng tôi cá là thích nhất được mừng tuổi. Ngày ông bà nội tôi còn, cứ sáng ngày mùng một Tết, từng đứa cháu mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình, xếp thành một hàng để lần lượt ông bà mừng tuổi. Ông đưa phong bao đỏ cho từng đứa, rồi xoa đầu bảo: "Năm nay cố gắng học giỏi nhé". Có đứa thì ông bảo mừng tuổi để hay ăn chóng lớn, có đứa thì ông bảo mừng tuổi để bớt ham chơi. Ngẫm lại tôi mới thấy, ông bà mừng tuổi mà như trao truyền những ước vọng tốt đẹp cho những đứa cháu yêu quý. Ai được mừng tuổi rồi thì khoanh tay khẽ nói: "Dạ, cháu cám ơn ông bà". Cái nền nếp xưa cũ của gia đình tam đại đồng đường vào ngày Tết, mỗi khi nghĩ lại tôi đều thấy ấm lòng.
Mỗi năm mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, kể một chút về những chuyện xưa cũng là dịp ôn cố tri tân. Để nhớ về một thời tiếng pháo nổ, để nhớ cái ngon của miếng giò bò gia truyền, nhớ những đêm thức trông nồi bánh chưng Tết. Để nhớ một thời ta là trẻ con háo hức đón Tết. Giờ thì trưởng thành, đã là bố của các con nhỏ, tôi giống như bố mẹ xưa, muốn lo cho các con một cái Tết đủ đầy. Nay thì không còn lo thiếu cái ăn nữa, mà chỉ lo các con không còn biết đến hương vị Tết cổ truyền, Tết của ngày xưa.
Lê Ngọc Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...