Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
06:26 (GMT +7)

Tản mạn về hệ thống và văn hóa mười hai con giáp ở Việt Nam và một số nước châu Á

Mỗi dân tộc trên thế giới trong quá trình hình thành và phát triển của mình đều đã từng trải qua sự sùng bái vật tổ trong thời kỳ xã hội nguyên thủy. Nếu chúng ta thừa nhận văn hóa mười hai con giáp có liên hệ với tín ngưỡng thờ vật tổ của người nguyên thủy thì mỗi quốc gia trên thế giới dù ít dù nhiều cũng có nền văn hóa “mười hai” của riêng mình.

12 con giáp Việt trong cung Hoàng Đạo
12 con giáp Việt trong cung Hoàng Đạo

Hệ thống mười hai con giáp là hình tượng văn hóa thường xuyên xuất hiện trong đời sống của người dân nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại các quốc gia khác nhau, sẽ có những sự thay đổi trong thứ tự các con giáp xuất hiện trong hệ thống.

Ở một số quốc gia châu Á có mối liên hệ văn hóa với Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam, hệ thống mười hai con giáp là một sơ đồ phân loại theo các thuộc tính đã biết của nó cho mỗi năm trong một chu kỳ 12 năm và lặp lại.

Hệ thống mười hai con giáp trong mỗi nền văn hóa lại có một chút khác biệt với nhau. Đó là do khi du nhập vào một nền văn hóa mới, chúng lại chịu sự biến đổi bởi ngôn ngữ, môi trường sống, phong tục và tập quán của nền văn hóa đó. Vì vậy, mỗi nền văn hóa lại có một vũ trụ quan riêng biệt, với những quy tắc vận hành thế giới khác nhau.  

Mười hai con giáp ở một số nước châu Á

Ở Trung Quốc: Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng khái niệm mười hai con giáp có xuất xứ từ Trung Quốc. Hệ thống này đã xuất hiện nơi đây muộn nhất là từ thời Xuân Thu - Chiến quốc, gọi là thập nhị địa chi. Vốn dĩ 12 các chi ở đây là chỉ 12 cung trong vòng tròn, tương ứng với 12 tháng trong năm, 12 canh giờ trong một ngày và cũng là 4 phương 8 hướng. Kết hợp với thập thiên can, chúng tạo ra hệ thống can chi dùng để tính toán về thời gian, các mùa, sự thay đổi của trời đất.

Có thể hiểu, ban đầu chúng đơn thuần là các khái niệm phục vụ cho toán học và thiên văn. Về sau, hệ thống địa chi được gán cho một loài vật để tăng thêm tính hình tượng và dần đi vào đời sống văn hóa dân gian, gọi là “sinh tiếu”. Trên các hiện vật khảo cổ lâu đời nhất về mười hai con giáp thời Tiền Tần tồn tại những phiên bản động vật sinh tiếu khác xa với những gì chúng ta biết ngày nay như “Thìn” không phải là “Rồng” mà chỉ là con sâu hoặc “Tỵ” là “Hươu” thay vì “Rắn”, hoặc “Tuất” là “Dê”. Đến thời Tây Hán, các ghi chép về mười hai con giáp đã trở nên giống với ngày nay.

Thứ tự mười hai con giáp trong năm của người Trung Quốc được xếp theo một thứ tự nhất định, nó có mục đích nhằm để xác định được chu kỳ cũng như là cách gọi tên của thời gian bắt đầu từ: Tý (Chuột) , Sửu (Bò) , Dần (Hổ) , Mão (Thỏ) , Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa) , Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà) , Tuất (Chó) , Hợi (Lợn).  

Thứ tự của 12 con giáp trong một ngày của người Trung Quốc dựa vào cách viết và đặc tính hoạt động của từng con vật, thứ tự như sau: Tý (chuột) từ 23 giờ đêm cho đến 1 giờ sáng hôm sau chính là thời gian chuột hoạt động mạnh nhất. Sửu (bò) từ rạng sáng 1 giờ cho đến 3 giờ là giờ trâu thường ăn cỏ đêm và cũng là lúc nông dân cho trâu ăn và chuẩn bị đi cày. Dần (hổ) là khi bình minh từ 3 giờ cho đến 5 giờ sáng chính là lúc hổ đi kiếm mồi và hung hãn, nguy hiểm nhất. Mão (thỏ) được tính lúc mặt trời mọc từ 5h cho đến 7h là lúc thỏ ra khỏi hang để ăn cỏ còn đọng lại hơi sương. Thìn (rồng) tính từ 7h sáng đến 9h sáng là thời gian ăn điểm tâm. Khi đó thường hay có sương mù và mặt trời mọc, là lúc rồng cưỡi mây đạp gió. Thân (khỉ) từ 15h đến 17h là lúc mặt trời trải rộng và dần ngả về phía Tây, lúc này khỉ vui mừng hú hót theo đàn. Cuối cùng là Hợi (lợn) lúc 21h đến 23h là lúc mọi người dừng hoạt động đi ngủ, cũng có nơi nói rằng đây là thời điểm lợn ngủ say nhất.

 Ngoài ra ngày nay, rất nhiều người Trung Quốc ưa thích cách kết hợp hệ thống vị trí các vì tinh tú với ngày sinh tháng đẻ của mình để suy luận tính cách và vận mệnh cho riêng mình, sở dĩ có điều này là do văn hóa mười hai cung hoàng đạo có nguồn gốc từ Ba Bi Lon cổ du nhập vào Trung Quốc. Mười hai cung hoàng đạo ngoài cung Song Tử, cung Thất Nữ, cung Bảo Bình và cung Thiên Xứng, các cung còn lại đều liên quan đến động vật.

Ở Ấn Độ:  Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có nền văn minh lâu đời, văn hóa mười hai giữa hai nước có sự tương đồng, đây là kết quả của sự giao lưu văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển của hai nền văn hóa lớn.

 Cách sắp xếp mười hai con giáp của Ấn Độ gần giống với hệ mười hai con giáp của Trung Quốc. Theo nội dung truyện thần thoại, “A Bà Phọc Sa”, mười hai con giáp là mười hai con vật kéo xe của mười hai vị thần. Mười hai con giáp của Ấn Độ cũng phân theo thứ tự là Chuột, Trâu, Sư Tử, Thỏ, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Chim cánh vàng, Chó, Lợn.  So sánh với hệ mười hai con giáp của Trung Quốc ta thấy hệ mười hai con giáp của Ấn Độ có một chút khác biệt, Sư Tử thay thế vị trí Hổ, Chim cánh vàng thay thế vị trí Gà, các vị trí thay đổi đều cùng loài, không có khác biệt gì lớn.

Loài Sư Tử thay thế vị trí Hổ trong 12 con giáp của Ấn Độ
Loài Sư Tử thay thế vị trí Hổ trong 12 con giáp của Ấn Độ

Theo chiêm tinh Ấn Độ, 12 con giáp trong ngày, ở một thời gian nhất định sẽ cầm tinh một loài vật khác như: Người tuổi Tý: từ lúc 0h đến 8h cầm tinh chim yến, từ 8h - 16h cầm tinh con chuột, còn từ 16h - 0h sẽ cầm tinh con dơi. Người tuổi Sửu: từ 0h đến 8h cầm tinh con trâu, từ 8h đến 16h cầm tinh con cua, từ 16h đến 0h cầm tinh con rùa. Người tuổi Dần: từ 0h đến 8h cầm tinh con mèo rừng, từ 8h đến 16h cầm tinh con báo, từ 16h đến 0h cầm tinh con hổ. Người tuổi Mão: từ 0h đến 8h cầm tinh con nhím, từ 8h đến 16h cầm tinh con mèo, từ 16h đến 0h cầm tinh con cầy. Người tuổi Thìn: từ 0h đến 8h cầm tinh con rồng, 8h đến 16h cầm tinh giao long, 16h đến 0h cầm tinh con cá…

Ở Nhật Bản: Cũng giống như Việt Nam hay Trung Quốc, tại Nhật cũng chia ra 12 con giáp. Theo thứ tự, 12 con giáp ở Nhật là: Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Cừu), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Lợn rừng). Có một số điểm khác biệt nhỏ: Ở Việt Nam thì Sửu là Trâu thì Nhật Bản là Bò; Mão là Mèo thì họ là Thỏ; Mùi là Dê thì họ là Cừu… Người Nhật  Bản cũng tin rằng tuổi có ảnh hưởng nhất định tới tính cách và vận hạn của mỗi con người.

Người Nhật quan niệm mỗi con vật có tính cách khác nhau như: Tuổi Tý (Chuột) tính cách vui vẻ, xởi lởi, dễ mến nhưng cũng dễ nổi giận, học thức ít nhưng lại tự tin vào tài năng. Tuổi Sửu (Trâu) có tính nhẫn nại, cần mẫn, chịu khó, không hay khoe khoang nên dễ tranh thủ được sự giúp đỡ của người khác, tuy nhiên tính tình nóng nảy nên dễ sinh cục tính. Tuổi Dần (Hổ) thường nhạy cảm, đa tình, có đời sống nội tâm cao nên thường hay do dự và quả cảm, kiên trì nhưng có vẻ ích kỷ, thiển cận. Tuổi Thố (Thỏ) tính tình rất ôn hòa, do vậy mà gia đình bình an, hoạt động mạnh mẽ, hiền hòa và biết vâng lời.

Hình ảnh năm con thỏ (Mão) trong tết nguyên đán của người Trung Quốc và Nhật Bản
Hình ảnh năm con thỏ (Mão) trong tết nguyên đán của người Trung Quốc và Nhật Bản

Tuổi Thìn (Rồng) là biểu hiện của người có uy quyền, có chính nghĩa dễ giàu có và tiếng tăm. Đồng thời khỏe mạnh, năng nổ, ngang bướng, dễ bị khích bác, kích động, nên khó làm chủ bản thân…. Tuổi Dậu (Gà) là con giáp mang điều tốt lành tử tế và thích chăm sóc người khác. Tuổi Dậu hay bận rộn lo toan, tham công tiếc việc, đầu óc mộng tưởng viển vông việc gì cũng muốn làm nhưng lại dễ bi quan thất vọng. Tuổi Hợi (Lợn rừng) có dũng khí và tính mạo hiểm, kiên định, kiên trì có mục đích rõ rệt, ít bạn nhưng có tình, sẵn sàng hy sinh vì bạn nhưng không biết giữ bí mật, đường tình duyên không thuận lợi.

  Cũng giống như Việt Nam, ở Nhật cũng có quan niệm năm tuổi - năm hạn (sẽ có năm tiền hạn, chính hạn và hậu hạn). Năm hạn là năm người đó sẽ có thể gặp nhiều điều không may. Không nên làm những việc đại sự quan trọng trong năm tuổi. Năm hạn của nam và nữ ở Nhật được chia khác nhau. Nếu như ở Việt Nam chia ra tứ hành xung (ví dụ Dần - Thân - Tỵ - Hợi) và tam hợp (Sửu - Tỵ - Dậu) thì ở Nhật cũng có chia tuổi xung khắc và hợp với nhau.

Mười hai con giáp ở Việt Nam

Hệ mười hai con giáp của Việt Nam gần giống với hệ mười hai con giáp của Trung Quốc, khác biệt lớn nhất là Thỏ của Trung Quốc được thay thế bởi Mèo của Việt Nam. Đây có lẽ là biến thể mười hai con giáp mà mọi người chúng ta đều quen thuộc nhất.

Trong phiên bản của người Kinh, thứ tự hệ thống mười hai con giáp này là: Tý (Chuột); Sửu (Trâu); Dần (Hổ); Mão (Mèo); Thìn (Rồng); Tỵ (Rắn); Ngọ (Ngựa); Mùi (Dê); Thân (Khỉ); Dậu (Gà); Tuất (Chó); Hợi (Lợn). Dễ thấy Trâu là một loài bản địa phổ biến của vùng Đông Nam Á nên đã thay thế cho Bò, giống loài phổ biến hơn tại Trung Quốc. Ngoài ra, mèo cũng đã thay thế cho thỏ, dù rằng thỏ cũng là một loài phổ biến tại nước ta. Lý giải cho điều này, có người cho rằng vì từ “mão” phát âm gần giống với “mèo” nên người Việt đã có sự thay đổi như vậy. Có giải thích cho trường hợp này có lẽ là ở Việt Nam, đã từng phân ra làm 2 luồng “Mão là mèo” của dân thường và “Mão là thỏ” của các quý tộc, sau đó thì do sự kết thúc của chế độ phong kiến mà Mèo đã đánh bật hoàn toàn Thỏ ra khỏi vị trí con giáp.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, 12 con giáp không chỉ là một phần quan trọng của lịch sử mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày và quyết định nhiều khía cạnh của cuộc sống. Những con giáp này không chỉ đơn thuần là một cách để xác định tuổi tác mà còn được sử dụng để dự đoán tương lai, xác định tính cách, và đánh giá sự hợp nhau của các mối quan hệ. Dưới đây là một số điểm nổi bật về tuổi của con người ứng với mỗi con giáp.

Tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, hai con giáp “Mão - Mèo”, “Tý - Chuột” xếp trong hệ thống 12 con giáp ở Việt Nam
Tranh Đông Hồ “Đám cưới chuột”, hai con giáp “Mão - Mèo”, “Tý - Chuột” xếp trong hệ thống 12 con giáp ở Việt Nam

Tuổi Tý: Con giáp này thường được liên kết với sự thông minh và sáng tạo. Những người sinh trong năm Tý thường được xem là có tư duy nhanh nhạy và khả năng lãnh đạo tốt. Họ có sự tinh tế trong việc nhận biết và khai thác cơ hội, và thường có khả năng thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuổi Sửu: Sự bền bỉ và kiên nhẫn là điểm mạnh của con giáp Sửu. Họ thường được liên kết với sự đáng tin cậy và kiên định. Con người thuộc con giáp Sửu thường có khả năng vượt qua khó khăn và thách thức, và họ luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ để đạt được mục tiêu.

Tuổi Dần: Được coi là biểu tượng của sự mạnh mẽ và nhiệt huyết, con người thuộc con giáp Dần thường có tinh thần phiêu lưu và tham vọng cao.

Linh vật “Rồng” biểu tượng uy quyền trong văn hóa Việt và trong tín ngưỡng 12 con giáp
Linh vật “Rồng” biểu tượng uy quyền trong văn hóa Việt và trong tín ngưỡng 12 con giáp

Tuổi Thân: Sự kiên nhẫn và công bằng là đặc điểm của con giáp Thân. Họ thường được xem là công bằng và luôn quan tâm đến sự hòa hợp trong mối quan hệ. Con người thuộc con giáp Thân thường có khả năng thấu hiểu và đánh giá công bằng, và họ thường là người trung thành trong tình bạn và gia đình.

Tuổi Dậu: Con giáp này thường được liên kết với sự thân thiện và hòa đồng. Họ có khả năng tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ với người khác và thường là người bạn thân thiết và vui vẻ.

Tuổi Hợi: Thường được xem là đại diện của sự thông minh và duyên dáng. Họ có sự nhạy bén trong tư duy và khả năng thích nghi với nhiều tình huống. Con người thuộc con giáp Hợi thường có tài năng trong việc tạo ra môi trường thoải mái và hòa nhã cho người xung quanh…

Tuổi Thìn: Sự linh hoạt và sáng tạo là điểm đặc trưng của con giáp Thìn. Họ thường có khả năng thích nghi nhanh chóng với môi trường và có tài năng trong việc tìm ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp.

Trong tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở châu Á “Thìn - Rồng” là linh vật tượng trưng cho sức mạnh, cho sự uy nghiêm và quyền uy tối thượng. Như đã bàn luận, thời Tiền Tần ở Trung Quốc “Thìn” không phải là “Rồng” mà chỉ là con sâu hoặc “Tỵ”, nhưng đến thời Tây Hán vị trí con Rồng được xếp thứ tự sau Tý, Sửu, Dần, Mão (Thỏ)… Ở Ấn Độ, năm Thìn đứng sau năm Chuột, Trâu, Sư Tử, Thỏ. Ở Nhật Bản, Rồng đứng sau  Mão (Thỏ)...

Ở Việt Nam “Rồng” xếp thứ tự sau Tý, Sửu, Dần, Mão. Hình tượng con Rồng (năm Rồng) gắn với tín ngưỡng thờ nước của các cư dân nông nghiệp. Rồng được coi là tổ tiên của người Việt trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu cơ. Rồng là vật tổ của người Việt, là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Hình tượng Rồng rất gần gũi với người dân Việt Nam, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng (Phượng)”.

Trần Văn Ái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy