Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:13 (GMT +7)

Tạm biệt Hindia

(Tiếp theo kỳ trước)

VNTN -Tôi chới với. Từ xa tôi thấy Jan đưa ngón tay cái chỉa xuống.

“Đợi tí!” tôi bám theo Geertje. “Để tôi đưa cô về đó.”

Lần này Geertje không từ chối. Và tôi thầm biết ơn Jan sẵn sàng cho chúng tôi mượn chiếc xe mô tô của anh.

“Cẩn thận với chàng trai này đó, Madame,” Jan nháy mắt nói. “Ở Hà Lan nhiều nàng không may đang chờ hắn trở về.”

“Vậy sao? Gọi tôi là “cô”, hay gọi tên thôi cũng được,” Geertje đáp.

“Ồ, vậy cứ gọi tôi là Jan.”

“Và tôi là Martin,” tôi nói, tay vỗ nhẹ vào ngực.

“Cô không muốn vứt đôi guốc gỗ trại phát cho hay sao?”, tôi hỏi khi nhìn xuống chân Geertje, “Bọn lính không phát giày cho phụ nữ và trẻ em sao? Họ cũng phân phối son môi và phấn. Cô sẽ lại đẹp ngay.”

“Tôi không quen mang giày, nên tôi cất giày trong va li. Ở trại, tôi thực sự chạy tốt khi đi guốc,” Geertje giải thích với tiếng cười khi ngồi lên mô tô sau lưng tôi.

Chúa ơi.

Tiếng cười khan, đôi lúm đồng tiền trên má ấy.

Đúng là một sự kết hợp kỳ lạ với đôi lông mày được tỉa một cách mộc mạc.

Một gương mặt của sự bí ẩn.

Người phụ nữ này có một gia đình không? Nàng có chồng không?

Nhưng nàng đã yêu cầu gọi nàng là “cô”.

“Tiểu đoàn X thường đi qua Gunung Sahari. Họ đang bảo vệ các khu cư dân của người Âu, nhưng dĩ nhiên không ai biết khi nào sẽ có một cuộc tấn công. Cô có nghĩ về đề nghị của tôi không?”

Tôi nhìn Geertje qua gương chiếu hậu.

Nàng hình như muốn nói gì đó, nhưng tiếng xe mô tô của Jan cực kỳ ồn. Cuối cùng cả hai chúng tôi im lặng suốt chặng đường còn lại.

Ở ngã tư Kwitang tôi rẽ phải, rời bỏ hàng dài những xe tải chở phụ nữ và trẻ em lại phía sau.

Ôi, những trẻ em ấy. Tiếng vỗ tay vui vẻ, tiếng hát những bài ca vui. Chúng không nhận ra rằng quê hương Đông Ấn, nơi chúng sinh ra, rất có thể sớm trở thành kỷ niệm.

“Trước hồ kia,” Geertje nói và vẫy tay.

Tôi ghé vào. Ngôi nhà lớn đang trong tình trạng thảm hại. Tường bẩn. Kính cửa sổ bể rơi rải rác. Điều lạ là cỏ trong sân hình như mới được cắt.

“Đợi chút!” tôi nói và nắm cánh tay Geertje khi nàng định chạy vào sân. Tôi lấy ra con dao găm nhỏ từ trong túi xách để sau xe mà tôi đã mượn của Jan. Tôi đẩy cửa trước. Cửa bị khóa.

“Cô vẫn muốn vào chứ?” tôi hỏi.

“Dạ,” Geertje đáp, “Cất con dao của anh đi. Để tôi gõ cửa. Tôi hy vọng nhà không bị chiếm bởi một gia đình người Âu khác.”

“Hay bởi quân đội,” tôi nói.

Geertje gõ cửa nhiều lần. Không có ai trả lời. Chúng tôi đi vòng ra phía sau. Cửa sau mở hé. Chúng tôi định vào thì nghe tiếng chân từ vườn đi đến. Một người phụ nữ Indonesia đi về phía chúng tôi. Cỡ năm mươi tuổi.

“Ôi cô!” người đàn bà kêu lên, ôm lấy chân Geertje.

Geertje kéo vai người đàn bà nâng bà đứng dậy.

“Nhật Bản đã thất bại. Tôi về nhà, Iyah à. Chồng bà đâu? Hai người vẫn sống ở đây chứ?” Geertje hỏi, “Đây là ông Witkerk, bạn tôi. Martin, đây là Iyah. Bà quản gia của tôi.”

Iyah cúi chào tôi, rồi quay lại nhìn Geertje.

“Sau khi tôi đến thăm cô lần cuối, nhà bị người Nhật chiếm. Nhà dùng làm nơi ở cho các sĩ quan. Tôi nấu ăn cho họ. Tôi không thể đi đâu được. Đó là lý do tôi không thể đến thăm cô,” Iyah lại òa khóc, “Cha của cô đâu, mẹ của cô, và em Robert?”

“Mẹ tôi chết tháng trước, vì dịch tả,” Geertje nói khi đẩy cửa mở rộng hơn, rồi đi vào bên trong. Iyah và tôi vào theo. “Ba tôi và em Robert bị đưa đi Burma. Tôi đã nhờ chỉ huy trại tìm tin tức của họ,” nàng tiếp tục.

“Mọi thứ có giá trị bị lấy đi. Những bức ảnh trên tường cũng bị lấy hết. Chúng được thay bằng những lá cờ Nhật. Nhưng cách nay không quá lâu, họ đã vội vã bỏ đi. Tôi không biết họ đi đâu. Họ bỏ nhiều thứ của họ lại,” Iyah nói, “Tôi lấy các đồ dùng nhà bếp trong phòng kho và gọi chồng tôi đến. Sau khi trở thành đầu bếp, tôi đã dọn đến ở phòng kho trong sân sau. Sau khi họ bỏ đi, tôi không dám ở lại. Nhưng tôi đến và làm những gì có thể để giữ cho nơi này sạch sẽ mỗi khi có cơ hội.”

“Mời chồng bà đến đây. Mình sẽ xây dựng lại ngôi nhà này. Khi các ngân hàng mở cửa trở lại, có thể tôi sẽ rút về một số tiền tiết kiệm của tôi,” Geertje để Iyah ra ngoài, rồi tiếp tục xem xét ngôi nhà.

Một số bàn ghế và tủ còn lại, dù trống rỗng không có gì trong đó. Có một ngạc nhiên trong phòng khách: một cây dương cầm thanh nhã màu đen. Điều ngạc nhiên nhất là người Nhật đã không lấy nó đi, hay làm hư nó. Có lẽ họ đã dùng nó để giải trí.

Geertje phủi đi lớp bụi mỏng, mở nắp bàn phím. Những nốt nhạc vui vang lên trong phòng.

“Một bài dân ca?” tôi hỏi.

Geertje gật đầu, “Si Patoka'an.”

Nàng bắt đầu chơi đàn.

“Cô có vẻ là một người hòa hợp với thiên nhiên và con người ở đây. Họ cũng thích cô. Tình yêu thương của họ dành cho cô có vẻ trong sáng và chân thành,” tôi nói, “Nhưng thời kỳ có những gia nhân sẽ sớm kết thúc. Hoa Kỳ đang ngày càng gia tăng biểu lộ sự không thích chủ nghĩa thực dân của họ. Thế giới bên ngoài thì cũng đang giám sát từng chút sự thay đổi đang diễn ra ở đây. Và sự hiện diện của chúng ta trong hơn ba trăm năm làm người cai trị đất nước này, một số người có thể nói là đang ăn tới quả tim của đất nước này, thì đang làm tệ hơn cho sự thương lượng của chúng ta. Tôi không nghĩ là Đông Ấn Hà lan sẽ quay lại, tuy nhiên bất chấp khó khăn thế nào đi nữa chúng ta cố gắng lấy nó lại từ những người theo chủ nghĩa dân tộc bản địa.”

“Ngay khi lửa cách mạng bắt đầu, không ai có thể ngăn lại,” Geertje nói, các phím đàn dương cầm bây giờ im lặng dưới những ngón tay nàng, “Họ chỉ muốn độc lập, như cha tôi nói. Cha tôi là một người ái mộ Sneevlit. Ông ấy đã chuẩn bị để rời bỏ những đặc quyền của ông ấy ở đây. Tôi là một giáo viên dạy người địa phương. Tôi sinh ra và lớn lên giữa những người địa phương. Khi người Nhật nắm quyền, tôi nhận ra Đông Ấn Hà Lan với mọi đường lối quí tộc của nó, đã kết thúc. Tôi phải quyết tâm từ bỏ nó. Và dù định mệnh đổ xuống tôi thế nào, tôi vẫn ở lại đây. Nói theo cách của anh, không phải là “một người có quyền”. Tôi không biết điều đó. Người Nhật dạy chúng ta một bài học, là làm một đầy tớ thì khủng khiếp như thế nào. Sau khi sống phồn vinh, sẽ không là xấu hổ khi chúng ta chạy trốn vào lúc những người này cần sự hướng dẫn của chúng ta hay sao?”

“Những người này…” tôi không thể nói tiếp.

Có một khoảng lặng vài phút.

“Có một người thợ săn tìm thấy một con cọp bé,” cuối cùng tôi buông ra một tiếng thở dài, “Con thú được chăm sóc với tình yêu thương. Nó trở nên thuần tính. Nó ăn và ngủ với người thợ săn cho tới khi lớn. Nó không bao giờ được cho ăn thịt. Một hôm, người thợ săn bị đứt tay vì cái dĩa thiếc của con cọp. Máu chảy ra từ vết thương.”

“Con cọp liếm máu, trở nên dữ tính, và rồi tấn công người thợ săn,” Geertje nói chen ngang. “Anh đang cố nói rằng vào một lúc nào đó những người dân bản xứ sẽ đâm tôi từ phía sau, đúng không?”

“Chúng ta sống giữa một sự biến động mang tầm thế giới. Nhiều giá trị đang bị dẹp sang một bên. Sau nhiều thế kỷ, chúng ta nhận ra rằng đất nước này không phải là đất Mẹ của chúng ta,” tôi đáp, “tôi đề nghị lần thứ ba đây, hãy đi khi còn có thể.”

“Về Hà Lan à?” Geertje đóng đàn dương cầm, “Thậm chí tôi còn không biết nơi đó, quê xứ của tổ tiên tôi đấy, là ở đâu nữa.”

“Ở Zundert thị trấn của tôi, có nhiều nhà cho thuê giá cả hợp lý. Cô có thể ở đó trong khi chờ tin của ba cô.”

“Cám ơn anh,” Geertje mỉm cười, “Anh biết tôi ao ước sống ở đâu mà.”

Đó là câu trả lời của Geertje cách đây nhiều tháng.

Tôi đã gặp nàng thêm hai lần nữa. Một lần tôi lắp mấy ô cửa sổ nhà nàng, và một lần đưa nàng đi chợ. Sau đó, tôi bận bịu nhiều vì công việc. Geertje cũng tập trung vào việc xây dựng lại nhà nàng. Khó mà tưởng tượng có tia lửa tình nào giữa hai chúng tôi.

Chợt có tin một cuộc giao tranh dữ dội vừa xảy ra đêm qua, trận đánh lan từ Meester Cornelis đến Kramat. Nhiều nhóm thanh niên bán quân sự tổ chức nhiều cuộc tấn công quan trọng vào một số khu vực bằng hành động có kế hoạch và có tổ chức. Một xe tăng Hà Lan đã bị chiếm giữ ở vùng lân cận Senen-Gunung Sahari.

Tôi lo cho Geertje. Thực sự tôi cần đi tìm nàng ngay. Để bảo nàng đến ở với chúng tôi một thời gian. Hy vọng là nàng sẽ không từ chối.

Schurck đã đi ngoại tỉnh vì vậy tôi không thể mượn xe mô tô của anh. May sao, dù khá đắt tiền, tôi mướn được một chiếc ô tô và lái xe của khách sạn.

“Đậu ngay mặt tiền, thưa ông?” giọng của Dullah đưa tôi trở lại hiện thực là mình đang ở trong chiếc xe Chevrolet nóng hực.

“Phải. Đợi ở đây nhé,” tôi nói và lo âu nhảy xuống xe.

Phía trước nhà của Geertje, nhiều người lính Hà Lan đang đứng vẻ rất cảnh giác. Những người lính khác đang đi rảo ở sân sau. Hiên nhà đã bị phá hỏng. Cửa trước bị sụp, lốm đốm những vết đạn. Nền nhà và tường tan hoang, đen thui, hậu quả của một vụ nổ lựu đạn.

“Xin lỗi, tôi là nhà báo!” tôi nói trong khi chen qua đám đông, tay cầm thẻ nhà báo. Mắt tôi lướt qua khắp nơi. Tôi đi vào từng phòng với nhiều cảm xúc lẫn lộn, chờ thấy xác của Geertje nằm trong một vũng máu trên nền nhà. Nhưng hình ảnh kinh khủng ấy không có. Một người lính lại gần tôi. Ông ta dường như là người chỉ huy. Tôi đưa thẻ nhà báo.

“Chuyện gì xảy ra vậy, Trung sĩ… Zwart?” tôi hỏi sau khi liếc qua bảng tên trên ngực ông ta, “Có phải nhà này là mục tiêu của cuộc tấn công tối qua? Người trong nhà đâu cả rồi?”.

“Chính chúng tôi đã tập kích vào đây. Những người trong nhà đã chạy trốn. Anh là nhà báo? Thật là ngẫu nhiên. Chúng tôi định loan tin để mọi người cảnh giác,” trung sĩ Zwart nói, và đưa tôi vào nhà bếp, “Đây là nơi bọn phản loạn tụ tập. Chúng tôi thấy nhiều tài liệu tuyên truyền chống Hà Lan tại đây.”.

“Xin lỗi,” tôi nói. “Theo tôi biết thì nhà này của cô Geertje, một công dân Hà Lan.”

“Anh quen cô ta à? Chúng tôi sẽ hỏi nhiều câu hỏi đấy. Có sự tình nghi rằng cô Geertje, bí danh là “Ngọc Xích đạo” còn có bí danh là “Đất Mẹ”, là những cái tên chúng tôi thường được nghe qua làn sóng phát thanh bất hợp pháp gần đây, đã theo phía kia.”

Geertje ư?

Tôi sững sờ, muốn phản đối ngay, nhưng trung sĩ Zwart bận kéo một khung cửa lật lớn gần nhà kho.

Đó là một hầm trú ẩn.

Tôi đã không chú ý đến chỗ này khi tôi đến thăm Geertje thời gian trước đây.

Tôi theo viên trung sĩ đi xuống những bậc cấp.

Không có gì lạ về chuyện này. Những gia đình người Hà Lan hiểu biết thường có một phòng như thế này. Nó là nơi trú ẩn khi có không kích hồi đầu cuộc chiến. Đó là một gian phòng ẩm thấp, chừng bốn mét vuông. Có một cái bàn dài, mấy cái ghế và một tủ sứt bể đựng chén bát và những chồng giấy. Những tờ giấy đó thực sự là tài liệu tuyên truyền chống Hà Lan.

Trung sĩ Zwart cho xem một vật giấu sau một tấm màn phía sau tủ chén.

Một máy phát vô tuyến!

“Một vật của người Nhật bỏ lại,” viên trung sĩ nói.

Tôi nghẹn lời. Thật khó để tin toàn bộ chuyện này, nhưng điều làm tôi thật sự lạnh người là những gì tôi thấy trên bức tường tàn tạ phía tay trái, ở đó có một bồn rửa và treo một tấm gương. Có chữ viết trên tấm gương. Dòng chữ viết vội bằng son môi:

“Tạm biệt Hindia.* Chào mừng Cộng hòa Indonesia.”

Tôi thấy trong trí tôi hình ảnh Geertje với đôi lúm đồng tiền của nàng, đang ngồi trên ruộng lúa hát cùng người dân nàng yêu thương:

“Đây là đất nước tôi. Đây là quê hương tôi. Dù định mệnh đổ xuống tôi thế nào, tôi vẫn ở lại đây.”

Ngay từ đầu Geertje biết đâu là vị trí của nàng. Tôi chầm chậm hiểu ra lời nàng với thực tiễn này và hai chữ “phản bội” trong đầu tôi biến mất

___________

*Hindia: Đông Ấn Hà Lan - tiền thân của nước Indonesia.

Truyện ngắn. Iksaka Banu

Võ Hoàng Minh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước