Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
02:32 (GMT +7)

Súa

Vào đầu năm học, lớp chúng tôi có thêm một thành viên mới: Giàng Seo Súa. Súa dáng nhỏ bé nhưng khá nhanh nhẹn. Đôi mắt một mí lúc nào cũng sùm sụp, giọng nói thì hơi ngọng. Vẻ rụt rè của nó làm bọn con gái thích chí gọi nó là “người rừng”. Không hiểu đứa nào nghĩ ra cái “độc chiêu” là gán ghép thằng Súa với cái Hằng “voi”- đứa con gái béo ụ, to nhất lớp. Nhìn khuôn mặt đỏ bừng lên của Súa mỗi khi bị trêu ghẹo, tôi thấy tội nghiệp cho nó. Bọn con trai thì gọi nó là “thằng đeo vòng”, “thằng đàn bà” vì trên cổ Súa có cái vòng bạc to tướng. Có hôm, vào ngày lễ, ngày tết còn thấy nó đeo đến hai ba cái liền. Thằng Mạnh “pháo” luôn tỏ vẻ khó chịu vì điều đó. Hắn bảo: đàn ông gì cái loại này, hãm!

Súa không có ai là bạn thân trong lớp, trừ tôi. Bởi tôi cũng thấy gần gũi và quý mến Súa. Trước đây mẹ tôi có thời gian công tác ở trong bản. Tôi nhớ mẹ kể suýt nữa tôi bị đẻ rơi ở giữa rừng nếu lần ấy không được mấy người đồng bào dân tộc thay nhau cõng mẹ xuống tận đường lớn, vẫy nhờ xe đưa mẹ vào bệnh viện. Thi thoảng, có thời gian rỗi, nhất là vào dịp nghỉ hè, mẹ con tôi lại về chơi thăm bà con ở cái bản miền núi ấy. Mỗi lần đi chơi theo mẹ về bản là một kỉ niệm thật vui đối với tôi. Lí do thứ hai tôi và thằng Súa thân nhau là vì chúng tôi ở cùng phòng trong trường nội trú. Mặc dù nhà tôi chỉ cách trường độ dăm ba cây nhưng mẹ tôi vẫn xin cho tôi được ở nội trú để sinh hoạt, học tập cho tiện. Phòng có đến tám đứa ở trên bốn cái giường tầng nhưng đứa nào cũng lười cái khoản vệ sinh phòng ở, ngoài Súa. Súa không ngại quét nhà đã đành, cả việc lau chùi phòng tắm, nhà vệ sinh nó cũng không quản ngại, nề hà gì cả. Nó cứ cặm cụi, cần mẫn quét dọn và lau chùi với một thái độ chăm chút, tỉ mẩn lạ thường. Thậm chí, đôi khi Súa còn giặt giúp cả những bộ quần áo mà bọn cùng phòng mặc đi đá bóng về, rồi lười như hủi, quẳng luôn vào một góc nhà tắm. Mấy cậu cùng phòng coi việc làm của Súa như một lẽ dĩ nhiên, không cần hàm ơn trả ơn gì cả, cứ như là việc Súa làm, chẳng liên quan gì đến chúng nó. “Đàn bà quét dọn là tất nhiên!” vẫn lại thằng Mạnh “pháo” buông một câu lạnh tanh như thế.

Súa rất ít khi kể về gia đình làng bản của mình. Thi thoảng, vào những buổi chiều chập choạng, tôi thấy nó thẫn thờ đứng trước ban công, thả ánh mắt trầm tư về một nơi xa tít phía những ngọn núi vẽ những đường cong mờ đục lên nền trời. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy nó mân mê cái vòng bạc đeo nơi cổ. Chiếc vòng mà rất ít khi tôi thấy nó tháo ra, cả khi đi ngủ, lúc đi tắm. Có lần tôi bảo: sao mày lại đeo vòng như con gái vậy? Súa không nói gì, chỉ cười thật hiền.

Nhưng Súa lại không hiền chút nào. Đúng ra là nó không nhút nhát như bọn con trai con gái lớp tôi tưởng. Súa dữ dội như một núi lửa phun trào. Đấy là lần lớp tôi đá bóng với lớp 7D, cái lớp toàn những bọn nghịch ngợm nhất trường. Lớp tôi nhiều con gái, với lại ít đứa biết đá bóng. Tôi cũng vậy, chỉ có thể ngồi ngoài làm cổ động viên. Súa lần đầu tham gia đội bóng đã chiếm luôn vị trí tiền đạo. Tuy nhỏ người nhưng Súa khá dẻo dai, lanh lẹ. Công bằng mà nói, nó đá hay nhất lớp. Phía đội bên kia có thằng Linh “ngựa” nổi tiếng là đầu gấu. Ở trường không có đứa nào dám trực tiếp đương đầu với nó. Cả thằng Mạnh “pháo” lớp tôi cứ to còi ở lớp thế thôi, trước mặt Linh “ngựa” thì nhũn như chi chi. Thằng Linh đá hậu vệ, là chốt chặn cuối cùng của bên kia, thế mà bị Súa rê dắt qua mặt. Không tranh được bóng, lại bị thằng bé hơn vượt qua, thằng Linh “ngựa” tức tối chạy theo, không tranh bóng mà xô mạnh Súa. Tay thằng Linh “ngựa” túm vào chiếc vòng của Súa mà giật, chiếc vòng bung ra khỏi cổ. Thằng Linh “ngựa” tay cầm chiếc vòng, miệng chế giễu: Thằng đàn bà này, mày quên mặc váy à? Súa đứng sững lại, mặt nó tái mét rồi đỏ bầm lên, đôi mắt trừng trừng nhìn vào chiếc vòng bạc nơi tay thằng Linh “ngựa”, rồi nhào ra định giật lại. Thằng Linh “ngựa” vừa giấu chiếc vòng ra sau, vừa cười hô hố như trêu ngươi. Bọn con trai lớp tôi im lặng, không thằng nào lên tiếng. Tôi thấy thương Súa nhưng cũng chẳng có cách nào giúp nó được. Thật bất ngờ, Súa bỗng co người lại như con tôm càng rồi nhanh như cắt bật tung lên, đầu đâm thẳng vào giữa bụng thằng Linh “ngựa”. Bị một cú bất ngờ, thằng Linh “ngựa” ngã chỏng gọng, mồm nó há ra, ú ớ không thành tiếng, chiếc vòng tuột khỏi tay, dúm dó trên mặt cỏ. Súa nhặt chiếc vòng rồi bỏ đi về hướng kí túc xá mặc cho tất cả những người chứng kiến đều chết lặng đi một lát rồi mới ầm ĩ kêu la, xúm vào xem thằng Linh “ngựa” đau như thế nào. Tôi chạy về phòng, thấy Súa lầm lì ngồi ở góc nhà, trên tay vẫn cầm chiếc vòng. Những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt nó. Tôi đưa cho nó chiếc khăn mặt. Mắt Súa vẫn chăm chăm, bất động nhìn chiếc vòng bạc, thất thần, vô hồn như người mất vía.

Sau lần ấy, Súa nghỉ học. Mặc dù chỉ bị phê bình trước nhà trường nhưng nó vẫn nhất quyết bỏ học. Trước khi đi, nó ngồi với tôi cả buổi chiều bên góc sân vận động, nơi diễn ra trận đấu quyết liệt hôm nào. Súa ngồi lặng im rất lâu rồi bằng một động tác dứt khoát, mạnh mẽ, nó đưa tay lên cổ, tháo chiếc vòng bạc rồi đeo vào cổ tôi. “Đây là vòng vía”- Súa nói cụt lủn. “Vòng vía là gì?”. Nó không nói. Tôi cũng không hỏi. Tôi cũng lẳng lặng cởi chiếc dây chuyền bằng bạc vẫn đeo trên cổ. Chiếc dây chuyền mẹ đeo cho tôi từ ngày đầu đi học. “Để tránh gió” - mẹ nói thế. Tôi đeo vào cổ cho thằng Súa. Nó im lặng, nắm chặt tay tôi. Đôi mắt ánh lên một nét cười thật hiền.

Học hết lớp 9 ở trường nội trú, tôi lên tỉnh học cấp ba, rồi vào đại học. Chiếc vòng vía Súa tặng, tôi không đeo trên cổ mà cất vào ngăn kéo bàn học của tôi ở nhà. Thi thoảng tôi lại lấy ra ngắm nghía. Tôi nhớ Súa, Giàng Seo Súa. Có lần nó kể với tôi, nó là con út. Con trai út người Mông thì đệm là seo, có nghĩa là nhỏ. Còn vòng vía, tôi hỏi một thầy giáo đại học chuyên nghiên cứu về người Mông thì được biết: vòng vía là vật thiêng, là vật hộ mệnh của người Mông. Người Mông coi nó như linh hồn của mình vậy. Chỉ trao nó cho người thân thiết nhất, người kết nghĩa anh em. Trao vòng vía như trao gửi linh hồn. Tôi bỗng giàn giụa nước mắt. Súa ơi, giờ cậu ở đâu?

Truyện ngắn. Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục