Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:41 (GMT +7)

Sự tinh tế khi nhìn nhận tác phẩm mỹ thuật

VNTN - Có nhiều quan niệm khác nhau về đánh giá tác phẩm mỹ thuật, rằng tác phẩm đó đặt giá bao nhiêu tiền, đạt giải gì, tác giả bán được nhiều tranh hay không… Tuy nhiên, để đánh giá đúng đắn nhất, trước hết phải xem tác phẩm được vẽ như thế nào, thông điệp người xem nhận được là gì, sức sống của tác phẩm được bao lâu…, rồi mới bàn tới ý kiến đánh giá của hội đồng nghệ thuật.


Thể hiện tác phẩm

 Xem tác phẩm, thông qua hình thức nghệ thuật phải thấy được sự lao động, tìm tòi dày công của tác giả. Không nên đặt câu hỏi họa sỹ vẽ gì, mà cần hỏi họ vẽ như thế nào. Bởi khi sáng tạo họ hoàn toàn chủ động biểu cảm bằng cảm xúc mà không bị lệ thuộc vào vấn đề khác như kinh tế, chính trị. Thế nên mới có sự khác nhau giữa tranh sáng tác và tranh sao chép, “tranh chợ”. Trong các triển lãm hiện nay (nhất là triển lãm cá nhân) ta thấy có nhiều họa sỹ trẻ kiến thức cơ bản chưa vững mà phá cách sớm quá. Theo “giải thích” của họ, hình vẽ lệch lạc gọi là “bóp hình”, màu sống sượng là “màu ấn tượng”; vẽ đắp dày không biết lớp sơn nào vẽ trước lớp sơn nào vẽ sau gọi là “phong cách”… Hiện trạng đó đã phần nào làm cho người xem mất phương hướng, chỉ biết thốt lên “chẳng hiểu gì cả!”, rồi các dịp triển lãm mỹ thuật sau, họ chẳng còn mặn mà, hứng thú.

Hoa diên vĩ - tranh sơn dầu của Van Gogh

Có khá nhiều họa sỹ chạy theo phong cách, bút pháp của những họa sỹ thành danh, vô tình làm mất đi bản ngã cá nhân. Việc sáng tác có thể coi là khoa học sáng tạo ra cái đẹp. Không giống khoa học ứng dụng thuần túy, trong nghệ thuật cái “đúng” chưa chắc đã là đẹp. Nhưng “đúng” trong nghệ thuật lại là sự phù hợp, thuận mắt, thuận ý. Mỹ thuật cũng như nghệ thuật biểu diễn vậy, lên sân khấu diễn mới là nghệ thuật, thật như đời mà không diễn thì không ra nghệ thuật biểu diễn. Một họa sỹ chép lại một bức ảnh thật giống, họa phẩm đó không thể gọi là bức tranh đẹp… Các họa sỹ bậc thầy bấy lâu thường khuyên học trò rằng học rồi phải “quên” để cảm xúc không bị chi phối trong quá trình thể hiện, không nên để lý trí điều tiết toàn bộ trong quá trình sáng tác của mình. Có nghĩa là học kiến thức cơ sở thì bài bản giống nhau, nhưng khi thẩm thấu vào mỗi cá nhân rồi “thoát” ra thành tác phẩm thì khác nhau hoàn toàn.

Để có tác phẩm giàu cá tính các họa sỹ phải thực tế, học hỏi rất nhiều. Các họa sĩ Việt Nam chuyên vẽ tranh “ngây thơ” có thể chú ý cách vẽ của Henri Matisse (1869-1954); vẽ tranh sinh hoạt mộc mạc thì khai thác mỹ học của Paul Gauguin (1848 - 1903); vẽ phong cảnh thường hay xem tranh của họa sỹ Isaac Iliych Levitan (1860-1900). Để có phong cách nghệ thuật bộc lộ được tâm trạng bản thân và ấn tượng một thiên nhiên sinh động, những sáng tác của Levitan thường là kết quả của nghiên cứu và quan sát những tác phẩm phong cảnh của Jean - Baptiste - Camille Corot (1796 - 1875) và những tác phẩm ấn tượng những năm 80 của thế kỷ XIX. Thậm chí ông còn tự học tiếng Pháp để hiểu Corot hơn và Levitan còn đến nước Pháp để xem các họa sỹ ấn tượng vẽ… Thực tế, các tác giả của chúng ta không ai có đủ ý chí đầu tư học hỏi nghệ thuật như vậy.

Phong cách nghệ thuật của mỗi tác phẩm từ lâu đã trở thành một tiêu chí giá trị quan trọng cho người thưởng thức nghệ thuật. Người yêu mỹ thuật bỏ một khoản tiền mong muốn sở hữu một tác phẩm mỹ thuật vì nó độc đáo, có dấu ấn của phong cách cá nhân họa sỹ. Để có được điều này, người sáng tác mỹ thuật phải biết thoát mình ra khỏi khu rừng phong cách nghệ thuật.

Tác phẩm mang thông điệp, ấn tượng gì?

Đề tài hay chủ đề chính là nội dung của tác phẩm. Bất kỳ thể loại tranh gì cũng đều có nội dung và cần thực tế. Có quan niệm cho rằng tranh trừu tượng không cần nội dung, không cần thực tế. Hiểu như vậy là chưa đầy đủ. Thực tế trong tác phẩm mỹ thuật có khi thể hiện “thì” hiện tại, hoặc quá khứ, hoặc có thể là “thì” tương lai, nó được nằm trong ký ức của họa sỹ hoặc do họ tưởng tượng ra từ logic cuộc sống đã trải nghiệm.

Ví như bức tranh thế kỷ Ghécnica của danh họa Picasso, chỉ vẽ hai tuần trong xưởng. Ông không trực tiếp đi thực tế lấy tư liệu mà thông tin để ông vẽ được Ghécnica lại do anh lái xe cung cấp. Chỉ trong xưởng vẽ thôi mà Picasso đã cho người xem một bức tranh đầy ấn tượng, thấy sự tàn khốc, kinh hoàng của chiến tranh tàn phá thành phố Ghécnica - Tây Ban Nha.

Sức sống của tác phẩm

Nhiều tác phẩm được giải trong cuộc triển lãm nào đó, nhưng sau đó… xếp xó, không ai nhắc đến sau khi tháo gỡ khỏi khu trưng bày. Như vậy, vô hình chung tác phẩm đó đã chết rồi. Nhiều tác phẩm rất tốt nhưng cũng bị chính tác giả (người sinh ra nó) lãng quên. Đứa con tinh thần sinh ra mà không được nuôi dưỡng thì sẽ hỏng. Do vậy, tác phẩm ra đời cần có người nuôi dưỡng và đưa nó tới gần với công chúng. Khi đã hiểu được giá trị đích thực của nó thì sức sống sẽ ở mãi với thời gian. Tác phẩm hay, tốt mà không đến được với công chúng, đó không phải lỗi của họa sỹ, mà là lỗi của các Nhà phê bình mỹ thuật. Để mọi người nhìn thấy, biết đến tác phẩm cần có “bệ đỡ”. Bệ đỡ không ngoài ai khác là nhà viết phê bình mỹ thuật. Công chúng đã đặt niềm tin vào các nhà phê bình nghệ thuật hơn cả với các nghệ sĩ sáng tác. Ngay bản thân các nghệ sĩ sáng tác, ngoài niềm tin ở sự sáng tạo của chính mình, họ cũng đặt niềm tin sâu sắc vào các nhà phê bình nghệ thuật. Bởi giới phê bình nghệ thuật là những người biết lý luận, tâm lý, văn hóa học, nghệ thuật, thực sự có tài năng và học vấn đáng tin cậy.

Những ai am tường mỹ thuật đều thán phục trước các tranh của các danh hoạ như Van Gogh, hay Picasso, chúng có giá hàng mấy chục triệu đô la mỗi tác phẩm. Nhưng đâu phải Van Gogh hay Picasso tự tôn vinh mình mà có được vinh danh ấy. Sự tôn vinh ấy có được lại do các công ty đấu giá đã dựa vào tiếng nói từ các nhà phê bình mà thành. Các nhà phê bình nghệ thuật, cũng cần có vốn văn hoá - nghệ thuật sâu rộng thì mới có khả năng làm bệ đỡ cho các tác giả - tác phẩm. Nhà phê bình đã được ví như người mở cửa vườn địa đàng, hay người giải mã thông tin, khích lệ người nghệ sĩ và công chúng bước vào thế giới cái đẹp, nhận thức được cái đẹp qua tâm năng và trí năng của nghệ thuật sáng tạo.

Tôi - tranh sơn dầu của Trần Thị Thu

Tiếng nói của Hội đồng nghệ thuật

 Hội đồng nghệ thuật sẽ có vai trò quan trọng trong việc thẩm định tác phẩm. Kết quả thẩm định sẽ gợi ý cho các nhà phê bình mỹ thuật, đồng thời hướng công chúng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Hội đồng nghệ thuật có nhiều quan điểm, song không phải quan điểm nào cũng đúng và hay. Nghệ thuật đa dạng về loại hình, phong phú về phong cách…, nếu tiêu chí để đánh giá không cụ thể mà cứ theo “gu” hội đồng một cách chung chung thì rất khó có được sự hài lòng từ công chúng và các họa sỹ. Bởi lẽ Hội đồng mỗi người có một “gu” khác nhau, sự đồng thuận chỉ là tương đối.

Vậy việc đặt những tiêu chí cụ thể cho việc thẩm định đánh giá tác phẩm mỹ thuật là rất cần thiết. Như vậy người xem cũng hài lòng, người được đánh giá cũng yên tâm về họa phẩm của mình. Tác phẩm sống mãi với thời gian đồng nghĩa với việc phù hợp với đông đảo công chúng, được công chúng yêu thích. Quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh cần có sự hài hòa, uyển chuyển, phù hợp với xu thế chung và bản sắc văn hóa từng vùng miền.

Nói đến việc “cầm cân nảy mực” của Hội đồng nghệ thuật, cũng có nhiều điều giới mỹ thuật băn khoăn. Năm 2005, tác phẩm “Khát” của họa sỹ Siu Quý (Tây Nguyên) được tặng Huy chương Vàng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Tác giả đã phải mất một năm để hoàn thành tác phẩm, nhiều bài báo khen ngợi tác giả đại loại thế này: “…nắm bắt thời sự, nhưng không phải chỉ để phản ánh thời sự đơn thuần mà phải hướng tác phẩm đến những chủ đề sâu xa hơn, suy ngẫm hơn, và nhất thiết phải được chuyển tải bằng vẻ đẹp của hội họa là một hướng đi mới của họa sĩ Siu Quý...”. Vậy nhưng “Khát” đã đến được với công chúng bao lâu (?). Bởi vì sau mấy năm triển lãm, nhiều họa sỹ lão thành vẫn còn lắc đầu khi tác phẩm đoạt giải nhưng không có vị thế trong lòng công chúng. Rồi tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc, Việt Bắc do tỉnh Bắc Cạn đăng cai tổ chức năm 2014, tác phẩm “Tôi” của họa sỹ Trần Thị Thu (Hòa Bình) được hội đồng nghệ thuật đánh giá xếp loại A. Nhưng bên thềm triển lãm, không chỉ người ngoại đạo mà ngay cả các họa sỹ ở 15 tỉnh phía Bắc về dự cũng có nhiều ý kiến trái chiều, họ đến xem tranh rồi lặng lẽ bỏ đi… Mặc dù tác giả đã công phu tìm hướng đi mới, song cái mới đó không phải là đề tài hay chất liệu và càng không phải là bút pháp, mà lại là cái chưa hiểu hết khái niệm Hội họa. Đã là hội họa thì tạo khối trên mặt phẳng hai chiều, còn chiều sâu của vật thể hoàn toàn ảo, ta nhận thấy khối nổi lên là do kỹ thuật diễn tả ánh sáng mà thôi. Sao có thể mang ống nhựa thật (ống nước) mà gắn lên tranh để coi là chất liệu tổng hợp được. Có chăng đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp mà thôi.

Đánh giá mỗi tác phẩm mỹ thuật có nhiều góc cạnh khác nhau, song cũng cần hiểu và nhìn thấy họa sỹ vẽ như thế nào chứ không phải họ vẽ cái gì. Nhiều tác giả đầu tư cho tác phẩm nhiều công sức, cầu kỳ về kỹ thuật mà thất bại. Ngược lại có những tác phẩm ta cảm thấy người vẽ dường như rất sơ sài, nhưng thực ra lại có sự đầu tư rất lớn về trí - lực và có giá trị nghệ thuật cao. Điểm mấu chốt là tác phẩm có giá trị nghệ thuật không phải họa sỹ thể hiện nó nhiều công hay ít công, thể hiện đề tài gì, sử dụng chất liệu gì... Mà cần hiểu họ vẽ từ bao giờ, và quyết định dừng vào lúc nào. Đó là sự tinh tế của việc đánh giá, nhìn nhận tác phẩm mỹ thuật.

Gia Thất

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy