Sóng chìm
VNTN - Bà Thanh vẫn sốt đùng đùng, ông Thanh mấy lần móc điện thoại ra rồi lại bỏ vào túi. Bà em dì chạy sang thấy thế hỏi ông:
- Bác đã gọi cho chúng nó chưa? Mà hôm nay thứ Bảy sao chúng nó không về à! Phải bảo chúng nó về đưa chị đi khám xem sao chứ. Điện thoại ai cũng kè kè bên người mà không biết mẹ ốm là thế nào?
- Tôi đã gọi cho chúng nó lúc gần mười một giờ rồi, vừa hỏi ý nó đã bảo bận nên bà ấy không cho nói thật để chúng nó biết.
- Để em về bảo mấy đứa đưa chị đi khám. Nhà mình bao năm làm phúc cho cả làng thì được, đến việc của mình thì không dám gọi. Vậy thì mang tiếng sành điệu nhất làng về trang bị điện thoại làm gì.
Cô em dì chạy đi rồi ông Thanh mới như người sực tỉnh ra điều gì. Có lẽ dì ấy nói đúng.
*
Nói là sành điệu cũng không sai vì cách đây hơn chục năm, nhà ông Thanh là người đầu tiên của làng Nhội có điện thoại bàn. Anh con trai làm trưởng phòng ở một sở trên tỉnh đã bỏ tiền dựng cột, mua dây kéo đến hơn cây số lắp cho nhà ông chiếc điện thoại. Chiếc hộp bằng kính to cỡ quyển sách học trò, trong úp chiếc điện thoại thò đoạn dây xoắn xoắn ra ngoài lúc ấy có sức hút với gia đình ông và mọi người trong làng một cách lạ lùng. Chiếc hộp ấy được bày trên nóc tủ ở phòng khách như một vật trang trí. Chẳng gì nó cũng làm vị thế của gia đình ông với xóm làng tăng thêm. Hàng ngày, chiếc hộp ấy được lau chùi sạch sẽ nên lúc nào trông cũng bóng tuýt bên cạnh những đồ cũ kỹ, ố vàng trên nóc tủ. Ai vào chơi nhà ông Thành, chuyện trên trời dưới biển gì chăng nữa rồi vẫn quay về chiếc điện thoại bàn… “Ôi dào! Bây giờ các anh các chị ấy tiêu hoang phí quá, kéo mỗi cái điện thoại mà mất gần chục triệu chứ có ít đâu. Nó cứ sợ bố mẹ có việc gì đột xuất ở quê lại không nhắn kịp, can cũng chẳng được”. Trách đấy mà lại là khoe khéo. Rồi hai ông bà cứ thay nhau quẩn quanh ở nhà trực điện thoại, chỉ sợ con cái gọi về mà không có ai nghe. Thời gian đầu, ngày nào con trai, con dâu, con gái rồi các cháu thi nhau gọi về. Lúc thì ông tay chống nạnh miệng oang oang: Vẫn khỏe. Mọi việc vẫn bình thường. Lúc thì bà mặt mày tươi tỉnh: Biết rồi. Ừ…ừ…ừ. Ai rời cái ống nghe cũng như vừa được uống liều thuốc bổ. Khí thế lắm. Vui lắm. Cứ có tiếng reng reng là lại đi như chạy đến cái góc tủ, lại gật gù theo cái âm điệu của đầu dây bên kia. Bà bảo với ông: Bây giờ sướng nhẩy, tích tắc đã chuyện trò cùng con cháu ở tận đâu đâu. Bà khoái nhất là nói chuyện với thằng cu tí, cháu đích tôn của bà. Giọng nó líu lô trong veo như chim hót. Cứ nghe nó gọi bà nội ơi trong máy bà đã thấy giãn nở ruột gan, có lúc còn rơm rớm nước mắt.
Tiếng reng reng ấy thưa dần, chỉ đến cuối tuần chuông mới đổ. Thời lượng của những cuộc nói chuyện cũng ngắn dần. “Sao? Bận không về được hả? Tuần tới cho chúng nó về nhá! Có mấy nải chuối chín quá mất rồi”. “Sao? Lại bận rồi à! Ừ…ừ”. Buông máy. Lúc thì ông, lúc thì bà nét mặt buồn rười rượi.
Giờ đến niềm vui xóm làng. Con cái xóm giềng ở xa điện về, lúc nhắn việc này, lúc nhờ gọi hộ bố mẹ sang nghe máy. Ông bà Thanh thi thoảng phải chạy đi, chạy lại nhưng nét mặt vẫn tươi rói, coi đấy là niềm tự hào, là niềm vui vì mình vẫn hơn người.
Mấy năm sau, làng thêm nhiều nhà mắc điện thoại thì chiếc điện thoại trên nóc tủ nhà ông Thanh không còn giá trị như một vật trang trí nữa. Nhưng vẫn đều đặn cuối tuần có một cuộc gọi của con cái gọi về. Tiếng chuông réo không còn làm ríu đôi chân của ông bà Thanh như những năm đầu. Chiếc hộp kính đựng điện thoại đã ố mờ giờ được đẩy vào sát góc tường như một thời oanh liệt đã qua.
Lại mấy năm sau nữa thì ông Thanh được trang bị chiếc điện thoại di động nặng trịch của con trai thải ra. Đi đâu ông phải cho vào túi xách chứ đút túi không vừa. Thanh niên nó cứ đùa ông mang theo cục gạch. Ấy vậy mà ông vẫn là người đầu tiên dùng di động ở làng. Lúc mới dùng, khi chuông kêu ông cầm điện thoại thật chặt, lại đúng nút tắt, thế là hết chuyển tai này sang tai kia mà chẳng nghe được câu nào. Vừa thả vào túi xách chuông lại réo reng reng, lại vẫn cầm vào nút ấy. Lần này ông cáu: “Gọi mà không nói gì ông cóc thèm nghe nữa”. Anh con trai về tìm ra nguyên nhân trục trặc cuộc gọi, lại hướng dẫn ông cặn kẽ. Giữa cuộc họp làng, ông lôi máy ra gọi cho con, gọi xong quên béng bấm kết thúc, bỏ tọt máy vào túi, mấy trăm tiền thẻ con trai nạp cho, thế là đi tong. Bà biết chuyện xót quá kêu cái điện thoại của ông là cái máy xay tiền. Khi con gái thải chiếc nokia đời cũ cho bố thì ông lại đẩy cái cục gạch cho bà. Bà bảo bà ỉa thèm vào dùng di động. Vậy rồi mỗi lần nó réo reng reng lại vẫn phải nghe, lâu dần nghiễm nhiên bà sở hữu đồ cổ trong nhà. Hồi con gái cho ông chiếc điện thoại thứ ba khi nâng đời loại mới, nó bảo ông:
- Bố ơi! Bố bỏ chiếc điện thoại cũ đi nhé! Con cho bố chiếc này hiện đại hơn. Chụp ảnh này, quay phim này, xem internet này, nghe đài này, còn nhiều tính năng khác nữa. Nhưng thôi! Bố chẳng cần biết thêm làm gì. Màn hình cảm ứng, bố phải mở thế này, tìm danh bạ đây, chụp ảnh đây, xem internet đây…
Con gái nói một tràng, ông Thanh nghe ù cả tai, chỉ nhìn thấy ngón tay nó gạt gạt, chấm chấm vào màn hình điện thoại làm mẫu. Ông chả nhớ được những gì nó dặn, cứ ừ bừa rồi cầm lấy cất vào tủ. “Tao chỉ cần nghe rõ tiếng thôi! Ảnh với iếc cái gì. Chụp cái đít con trâu à! Tự sướng để khoe cái mồm móm à. Mà để cho ai xem cơ chứ”. Ông nghĩ trong bụng như vậy. Đây là chiếc điện thoại xịn con gái út cho ông khi nó nâng cấp điện thoại mới. Con bé học đại học ra, xin việc ngoài phố. Chả biết lương bổng thế nào mà giầy dép, quần áo còn mới đã thải ra một đống. Điện thoại còn dùng tốt cũng thay. Bà nhà ông luôn mồm kêu ca con cái lãng phí rồi chọn lại những đôi giầy, đôi dép cho mình. Nhiều lúc tiếc rẻ bà còn mặc lại cả những chiếc áo không hợp tuổi già, ông nhìn thấy cũng phải bật cười. Còn ông, cứ lĩnh điện thoại cũ của nó mà dùng chẳng bao giờ phải mua sắm. Nó cho thì ông cầm chứ nghĩ đã dùng làm gì, vuốt vuốt, chấm chấm cho phức tạp.
Thế mà mấy tháng sau ông đã mày mò dùng thành thạo chiếc điện thoại con gái cho, lại còn có nickname nó cài đặt cho, hàng ngày lướt facebook xem thông tin trên mạng cơ chứ. Đúng là thời đại @, người nông dân làng ông bây giờ đi làm đồng cũng có điện thoại ở túi. Internet đã có ở nhiều nhà. Khá giả thì điện thoại xịn, nghèo thì điện thoại cũ, chỉ bằng một bữa đi ăn cỗ làng là có điện thoại đút túi, nói tốt, nghe tốt, chuông réo reng reng chứ đắt đỏ như trước nữa đâu.
Gia đình ông Thanh giờ mỗi người một điện thoại, cái hãnh diện với xóm làng cũng không còn. Cái nếp liên lạc trong gia đình cũng không tồn tại. Trước kia, cứ thứ Sáu là các con ông gọi điện về. Đứa nào về hay không về được cuối tuần đều cho ông bà biết trước. Các cháu khi còn bé thích về lắm, thậm chí dịp hè bố mẹ chúng còn gửi ông bà cả tháng. Đứa nào cũng chỉ chờ cuối tuần để được về chạy nhảy tung tăng trong sân vườn, ra ngoài cánh đồng hái hoa đuổi bướm. Lần nào trong điện thoại tiếng thằng cu tũn cũng lanh lảnh: “Ông ơi! Mai thứ Bảy cháu lại được về chơi rồi. Ổi chín chưa ông, để mai cháu về bứt nhé”. “Chín trắng cả rồi, không về mau nó rụng hết lấy đâu mà bứt, chỉ còn lá thôi”. Hai ông cháu cứ hẹn hò nhau rồi hôm sau líu ríu ngoài vườn chán lại dẫn nhau ra đồi chơi đến bữa không thèm về. Giờ, lớn lên chúng phải chúi đầu vào chuyện học, tuần nào cũng thấy bảo phải học thêm không về được. Bố mẹ chúng cũng lâu lâu mới a lô về xem ông bà có khỏe không, lần nào cũng thấy kêu bận lắm. Bà Thanh luôn miệng than vãn: Khổ! Chúng nó ngoài ấy vất vả lắm, già bận việc già, trẻ lo việc trẻ, chẳng thư thả như ở nông thôn đâu. Giành được miếng ăn với thiên hạ đâu phải dễ”. Lúc thì mớ đỗ sạch bà gửi ra, lúc nuôi được con gà quả trứng cũng để dành a lô đợi con về lấy. Thằng cu tũn giờ lớn vống lên. Thi thoảng về chơi với ông bà nó không vồn vã bám ống quần ông như xưa nữa. Nó cũng chẳng thích ra đồi ra suối như khi còn bé, lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại. Ông bà hỏi gì nó trả lời cái đấy. Mồm nói mà cái đầu nó để tận đâu đâu. Đến bữa ăn có khi nó vẫn còn ngó sang điện thoại để ngay bên cạnh. Các cháu càng lớn thì những cuộc về chơi với ông bà càng thưa dần. Được cái ai cũng có điện thoại ở túi nên đều cảm thấy yên tâm. Nhiều lần bà loẹt xoẹt nóng sốt thì ông nghe máy, ông ốm thì lại ra hiệu cho bà. Phải ra tận sân để nhỡ người ốm có ho hắng con cái nó không nghe tiếng. “Bố mẹ vẫn khỏe, các con cứ yên tâm, có sao bố mẹ khác gọi lên. Có điện thoại còn lo lắng cái gì. Thế nhé!”. Tắt máy xong thì vội vã đi tìm lá để đun nước xông, để đánh cảm đánh gió.
*
Lần này bà ốm liệt giường mấy hôm mà ông bà vẫn giấu các con không cho chúng biết. Bà thều thào bảo ông:
- Tôi mỏi qua loa vài ngày lại khỏi thôi! Đừng cho chúng nó biết làm gì. Lại phải lục tục kéo nhau về khổ thân chúng nó. Bây giờ đứa nào cũng một núi việc trên đầu.
- Ừ. Cứ từ từ xem đã.
Mồm thì ừ vậy nhưng lòng ông rất lo, ông cũng muốn a lô cho con về đưa bà đi khám nhưng thấy con rất bận, ông đành nói dối các con mẹ vẫn khỏe để các con yên tâm.
- Tôi bắt con gà nấu cháo bà ăn nhé!
- Tôi đắng miệng lắm chẳng muốn ăn đâu, mà để dành cho chúng nó về có miếng gà sạch mà ăn. Ổi chín trắng, rụng đầy vườn mà thằng cu tũn vẫn phải học hành tối mặt tối mũi chẳng về được. Thế có khổ cho cháu tôi không?
Bà bảo ông vậy rồi run rẩy cố nuốt viên thuốc ông đưa rồi nằm xuống, người vẫn sốt bừng bừng. Ông nhìn đồng hồ đã gần mười một giờ, thoáng chút phân vân rồi ông vẫn cầm điện thoại lên bấm số.
- A lô! Hôm nay thứ Bảy mà không về được hả con? À! Bận việc à! Thôi! Không có việc gì đâu! Bố mẹ vẫn khỏe!
Ông vẫn cầm điện thoại trên tay, nét mặt chứa nhiều lo lắng.
*
Ở một nơi cách thành phố ba chục cây số, chiếc xe bốn chỗ màu đỏ vẫn êm ái lướt trên con đường nhựa phẳng lỳ uốn lượn, lúc hai bên là cánh đồng lúa chín vàng, lúc là những cánh rừng nguyên sinh xanh biếc muôn loài cây lá. Trong xe có ba người. Người phụ nữ có mái tóc uốn xoăn, trang điểm kỹ càng, đeo chiếc kính râm luôn chăm chú vào chiếc điện thoại cầm tay. Cậu bé khoảng mười bốn, mười lăm ngồi ở ghế trên luôn quay người sang hai bên ngó nghiêng. Có lúc cậu ta đập tay vào người lái bảo dừng xe để cậu ta chụp vài kiểu ảnh. Người cầm lái tuổi đã ngoài bốn mươi, anh ta chăm chú lái xe nhưng thi thoảng cũng bình luận với người phụ nữ về cảnh đẹp chỗ này chỗ kia họ đã từng đi qua. Rồi các món ăn họ đã từng thưởng thức ở chỗ này chỗ khác. Họ đang có một ngày đi nghỉ cuối tuần cho cả gia đình như bao lần cuối tuần họ đã được tận hưởng.
Xe rẽ vào khu nhà vườn sinh thái Hoàng Công. Vừa vào đến cổng, xe đã dừng lại để người phụ nữ và cậu con trai xuống xe. Cả hai điện thoại cầm tay ra sức chụp các bức ảnh quang cảnh. Người đàn ông sau khi gửi xe vào bãi cũng kè kè chiếc điện thoại trên tay. Ba người tung tăng khắp khu ao hồ, vườn đồi sinh thái lúc quay hình, lúc chụp ảnh. Buổi trưa, khi đó gần mười một giờ, họ đang chuẩn bị dùng bữa thì điện thoại của người đàn ông đổ chuông. Anh ta cầm điện thoại lên: “A lô! Bố đấy ạ! Con đang có việc bận không về được. Mẹ vẫn khỏe chứ ạ! Vâng! Tuần tới con về”. Bỏ điện thoại, anh ta băn khoăn:
- Sao hôm nay ông lại chủ động gọi cho mình nhỉ? Hay là bà ốm?
Người phụ nữ giọng hơi gắt:
- Ô hay, ông vừa bảo bà vẫn khỏe xong, chẳng lẽ ông lại nói dối mình. Bây giờ sóng điện thoại phủ đến mọi nơi, anh cứ lo vớ vẩn.
Ba người họ lại tiếp tục thưởng thức các món mình ưa thích. Điện thoại lại loe lóe tự sướng.
Truyện ngắn. PHẠM QUÝ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...