Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:28 (GMT +7)

Sau lưng là rừng thẳm

VNTN - Rừng thăm thẳm, mặt trời đã xuống bên kia núi, những sợi nắng hiếm hoi chới với giữa tầng không.

Tôi gặp Vũ khi hai vai đã mỏi nhừ, cảm giác yếu đuối và cô độc thôi thúc tôi bỏ việc để trở về thành phố. Vũ xắn tay áo ngồi cạnh chiếc xe máy đổ kềnh, đồ nghề sửa xe bày ra la liệt. Gặp tôi, Vũ mừng quá, lôi ngay xe vứt vào bìa rừng rồi nói để khi khác xuống lấy. Vũ tháo dây thừng ở bánh xe của mình rồi quấn quanh bánh xe của tôi, vừa quấn vừa lắc đầu nói: “Anh liều quá, đường dốc và nhiều đoạn lầy, không quấn dây thừng thì cả người và xe có thể trôi tuột xuống dốc nếu chẳng may sơ sẩy.” Vũ chở tôi, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhiều đoạn bánh xe sục xuống lớp lá mục hai anh em phải xuống đẩy bộ. Đường xa rừng thẳm sợ nhất phải làm kẻ độc hành.

Vũ dẫn tôi đến ở nhờ trong lán của đơn vị san lấp mặt bằng. Tắm rửa xong xuôi, hai anh em xuống lán anh Huyên ăn cơm.

Vợ chồng anh Huyên quê gốc ở Hải Dương, trước kia anh chị có quán tạp hóa lớn nhất vùng bỏ mối bánh kẹo cho cả huyện. Chị Huyên vừa bán hàng vừa mở quán nước, thi thoảng có chứa bạc. Một đêm, công an xã ập vào bắt quả tang, anh Huyên nhanh chân luồn ra sau nhà, lặn ngay xuống đầm nước trốn biệt. Anh vào đây lái máy xúc, chị thu xếp nhà cửa yên ổn, gửi mấy đứa con cho bà nội rồi theo sau. Nhắc đến mấy đứa con, chị Huyên bùi ngùi, chị kể lúc chị đi mẹ chồng giận lây, bà cụ bảo: “Con giai mình thì để cho con gái người ta kèm cặp, con cái chúng nó gửi lại mình, xem như là đổi công đây”. Bị anh Huyên lừ mắt, chị mới thôi kể lể.

Ăn tối xong, Vũ uống cả vốc thuốc tây, tợp nước đánh ực. Thấy tôi nhìn đăm đăm, Vũ kể:

- Em phải uống thuốc cả đời đấy, hồi sinh viên thách nhau với thằng bạn ăn thịt lợn sống, cái thời ấy ngu dại, hiếu thắng mà món tiền cược cả triệu bạc.

Vũ uống thêm ngụm nước, nói tiếp:

- Lúc thách nhau em chẳng có lấy trăm bạc trong túi. Nhai hết miếng thịt lợn, cổ họng đẩy ra mấy lần, dạ dày cũng dội lên, em nhắm mắt nhắm mũi nuốt, nước mắt chảy ròng ròng, thằng kia móc tiền trong túi đưa cho em ngay. Chừng hơn một tháng sau em đau đầu liên miên, đi khám bệnh chụp Emprise bác sĩ kết luận bị sán ăn não. Triệu kia chả bõ tiền khám bệnh, chỉ khổ bu em”.

Chuyện Vũ kể khiến tôi sửng sốt. Bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, tôi gặp đủ hạng người, những chuyện tủn mủn, lạ lùng: thợ thuyền chăm chắm đòi rượu đòi mồi, trẻ con theo cha mẹ long đong ngủ dưới trời nắng trên tấm ván khuôn cũ bẩn, tập đi trên đá mi, đất nhão, tập ăn trong cái ấm sục dùng để pha mì tôm, đựng bia rượu, mồi nhậu. Chúng cứ lì lợm mà lớn lên…

Trên đường về lán, Vũ kể khi mới lên công trường tá túc ở lán của anh chị Huyên, thấy anh Huyên trở mình liên tục Vũ phải giả vờ ngáy thật to cho hai người yên tâm chồng vợ. Đoạn dốc không xa lắm, họ ngồi nghỉ trên tảng đá xanh gần gốc cây gỗ hương đang âm ỉ cháy. Vũ lấy một viên sỏi, ném bâng quơ vào gốc cây đang cháy, giọng sôi nổi:

“- Đốt cả tháng nay mà chưa cháy hết, lúc mới cháy thơm lắm, gốc hương này mà về được thành phố là tiền chục tiền trăm triệu chứ không ít. Tay thợ nổ mìn châm mồi mãi nó mới bắt lửa, lửa bén, hắn cứ cười ha hả, bảo cả đời chưa được đốt đống tiền to thế bao giờ”.

Gặp nhau được vài tiếng đồng hồ mà Vũ kể về mình như rút gan rút ruột. Khi tách ra khỏi đám đông, co cụm vào nhau nơi rừng thiêng nước độc, nếu không nói hết về mình thì cứ áy náy lo sợ không sống được với nhau.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức bởi tiếng mìn nổ, tiếng máy xúc vục cái gàu khổng lồ khục khục vì đá tảng. Tôi kiểm tra chiếc máy định vị, xem lại bản vẽ để lên phương án thi công.

Đầu giờ chiều ban quản lý dự án cùng một tổ công nhân chừng hai chục người đến. Cơm nước xong, toán thợ mỗi người một chân một tay chặt cây đào hố dựng cột, bắn tôn làm vách, gia cố đất nền, ghép mấy tấm gỗ tạp làm phản. Thế là có chỗ ăn ngủ, tắm táp thì ra suối. Chỉ một lúc sau vài sợi dây thép được giăng kéo, bóng điện được lắp, quần áo cũ bẩn vắt nhủng nhẳng kín cả lán.

***

Ở đây không có thứ - ngày- tháng, những ngày mệt nhọc luẩn quẩn cứ nối tiếp nhau dài lê thê. Giữa đống máy móc gầm gừ suốt ngày đêm, người ta trở nên bẳn gắt, chỉ một câu nói không thuận tai là có thể xảy ra tai họa. Thi thoảng công nhân xin nghỉ xả hơi, chị Huyên lăng xăng làm mồi nhậu, tiếp tế rượu bầu đá - thứ rượu xanh ngọc, trong vắt như xăng, rượu trôi đến đâu bỏng rát đến đó. Những buổi rượu như thế ngắt những chuỗi ngày lê thê thành từng quãng cho dễ sống. Ở nơi rừng thẳm, nhờ sự tháo vát của chị Huyên nên chúng tôi cũng không đến nỗi thiếu thốn, chị bắt mối với những người buôn chuyến chia nửa quãng đường lên xuống dốc mà trao đổi bán buôn, chị tuồn mật ong từ trong rừng ra, họ cung cấp nhu yếu phẩm cho công trường.

Ở đây chỉ thiếu đàn bà.

Vũ thật thà: “Em chưa biết mùi đàn bà, có đồng nào em đều gửi về nhà, ông anh trai lếu láo bán nước mắt cho mẹ già rồi tiêu hoang vào những thứ phù phiếm”. Lâm hơi chạnh lòng, Vũ vén áo, nắn nắn cạp quần khoe lận mấy chỉ vàng trong đó đề phòng khi bất trắc có tấm có món chi dùng. Tôi thường mặc định những thằng bo bo ki cóp ít nhiều có máu đàn bà, lúc nào cũng lo xa, vừa sống vừa sợ hãi. Nhưng Vũ là một ngoại lệ.

Có vài lần Vũ dẫn tôi lên những hồ nước do người nước ngoài đầu tư để nuôi cá tầm hay vào rừng sâu thăm thú. Vũ kể về những anh thợ lái máy bị bỏ ngải gia đình cứ bắt về lại lọ mọ vào rừng đi bẻ quả xay nhung, sẩy chân ngã xuống là về với đất. Tôi nghe Vũ kể chỉ cười, cho là chuyện ở đâu đâu. Rừng xay đang mùa hoa, đấy là Vũ nói thế chứ nhìn lên cao, tôi chỉ thấy những tán lá lấp loáng cao vút.

Đế móng tháp điều áp cao bốn mét, lượng xi măng đơn vị nhập về nhiều khủng khiếp. Trước hôm nhập vật tư, Thụ - trợ lý giám đốc chạy thục mạng vào công trình. Hắn vừa vuốt ngực vừa thở dốc. Vũ rót cho Thụ một cốc nước, hắn ngửa cổ tu đánh ực rồi bỗng dưng trợn ngược mắt, gập người xuống phun hết chỗ nước vừa uống. Khi định thần lại hắn nói bị nghẹn nước rồi kể có đứa con gái điên mặc váy dân tộc cứ nhảy nhót trên đường vào công trình không rõ người hay ma. Hắn sợ quá bỏ cả xe mà chạy. Vũ phá lên cười trấn an Thụ:

- Người đấy, trước kia bản của con bé nằm ở đây, bây giờ họ dời sang bên kia núi nhường chỗ cho công trình thủy điện, con bé vẫn hay quanh quẩn.

Thụ thở phào nhẹ nhõm. Vũ dặn tôi phải đề phòng tay này, dở ông dở thằng khó chịu lắm.

Thụ trả lương cho anh em công nhân, thái độ ban phát của hắn khiến tôi khó chịu, hắn nói nhiều vô kể, hầu hết là khoe khoang, rồi từ những thành tựu của mình hắn bắt đầu dạy đời cho hết thảy anh em. Buổi nhậu tối hôm đó chán phèo, giữa bữa thì “con điên” mà Thụ nhắc đến cứ đi lại trước cửa lán, mặt mũi ả bẩn thỉu, tóc tai rối xù, cái váy thổ cẩm rách rưới.

- Nó đói đấy.

Vũ vừa nói vừa bưng bát cơm ra cho ả. Thụ giữ lại nhưng không kịp. Thụ bảo:

- Mày cho nó ăn hôm sau nó lại mò đến đấy, nó được ăn no như con ngựa nhớ máng, như con dê nhớ đường về chỗ ngủ.

Thụ nói đúng, ngày nào ả cũng đến xin ăn, luẩn quẩn trong lán ngắm nghía chỗ này, ngửi ngửi chỗ kia rồi khanh khách cười. Vũ thấy ả bẩn thỉu quá bèn lôi ra phi nước, một tay giữ vai ả, tay kia múc nước xối từ đầu xuống, Vũ xát xà bông lên đầu tóc, kỳ cọ gương mặt, ả như con chó con gặp nước cứ vùng vẫy, hét lên rồi cười sằng sặc, lúc thoát khỏi tay Vũ, ả chạy thốc chạy tháo, nước trên váy bắn tứ tung. Gương mặt được kỳ cọ sáng sủa lạ lùng, đôi mắt mở to hơi ngây dại nhưng trong trẻo. Vài ánh mắt đàn ông nhìn ả hau háu. Ánh mắt của những kẻ đói đàn bà.

Đêm nằm cạnh Vũ, tôi nói nhỏ: “Có khi mày hại con bé rồi”. Vũ lặng im.

Ban quản lý dự án gọi tôi về họp gấp, công trình tạm dừng thi công do bị tố cáo sai sót giữa việc bỏ thầu và chỉ định thầu. Thanh tra cắp cặp lên công trình kiểm tra, Vũ bảo: “Bọn đó chỉ vòi ăn, rồi đâu vào đấy thôi, sếp bên mình quan hệ tốt lắm”. Trong khi những đơn vị khác vẫn thi công thì đơn vị tôi ngủ vạ vật, ngày đánh bài, đêm kể chuyện ma quỷ, gái gú. Không tiền lương, không tiếp tế, chị Huyên nhiều lần nhắc anh em góp tiền ăn, cứ phải dày mặt mà xuống ăn cơm. Cơm canh đạm bạc, chỉ có rau lang với nước mắm, lạc rang. Vũ bàn với tôi định đưa cho chị Huyên chỉ vàng. Tôi đập mạnh vào tay Vũ mắng: “Tiền bòn gio đãi sạn đem cho chúng nó ăn thằng nào nôn ra trả mày, để tao tính”.

***

Chém thử vài bao xi măng, do để lâu bị ngấm nước, xi chết khá nhiều, tôi gọi cho Sương chủ cửa hàng vật liệu xây dựng nói muốn bán hơn ngàn bao. Hắn đánh xe vào rừng ép giá xi măng chết. Hôm sau Thụ vào ngay, hắn ngồi giữa lán lên giọng chỉ trích, mới đầu hắn vừa nói vừa dò ý anh em, sau hắn nhắc đến công an, ban quản lý. Tôi đứng phắt dậy nhìn thẳng vào cặp mắt đen tối, đôi lông mày rậm sì giao nhau của hắn mà quát:

- Cút mẹ mày về thành phố, liệu hồn. Mày cứ trừ hết vào lương của tao.

Vũ ngăn tôi lại, phân trần rằng xi măng chết nhiều, nếu có để lại dùng cũng không đảm bảo chất lượng. Tôi khoát tay ra hiệu cho Vũ lặng im. Thụ thấy đám thợ thuyền mỗi thằng giữ trên tay một nắm đấm thì dịu giọng, hắn lăng xăng bắt chuyện, nói những câu nhạt phèo.

Công trình được thi công tiếp, đội nhân công đổ bê tông đế móng xong nằm vật vạ ngay trên nền đất, những tấm lưng trần như bị kéo giãn xương sống. Lúc đổ bê tông xong là mười hai giờ trưa, trời vẫn quang, tôi và Thụ đều căng thẳng bấm đồng hồ, nhìn mây, để ý gió. Cơm tối xong xuôi, cả bọn thở phào vì trời đứng gió. Đêm ấy cả lán ngủ say như chết, Vũ là người thức dậy đầu tiên khi nghe tiếng gió xộc vào lán, gió rít như trăn huýt sáo, Vũ hô hào anh em dậy gia cố lán ngay. Vũ sống ở núi từ nhỏ, kinh nghiệm hơn hẳn cả bọn. Dây thừng được ném qua mái, gỗ chêm vào bốn góc cột. Ở rừng, hễ mưa lốc là mất điện, Vũ chuẩn bị một cây đèn pin.

Tôi tháo tấm bạt vốn là cửa lán được cuộn lên cao định kéo xuống thì đứa con gái điên ào đến, ả ào vào lán lò dò đến ngồi khép nép cạnh Vũ. Những câu bông lơn tục tĩu văng ra, con bé nghiêng nghiêng đầu lắng nghe rồi ú ớ nói vài tiếng dân tộc như tham gia vào câu chuyện. Bọn đàn ông thấy thế lại càng thích thú, vài thằng sán đến gần con bé lợi dụng bóng tối thò những bàn tay thô kệch vào ngực ả. Vũ chiếu đèn pin vào lũ đàn ông đang cợt nhả, nghiêm giọng nói để cho con bé yên. Cả bọn cười phá lên, những ánh mắt đầy nhục dục bắt sáng lóe lên như mắt thú rừng, cả lũ người lố nhố bỗng chốc biến thành bầy sư tử đói khát. Không gian chật cứng trong lán căng thẳng, luồng hơi nóng và lạnh ngoài trời xộc vào qua những khe hở khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt, tưởng chừng chỉ cần một hành động quá khích là sẽ xảy ra một cuộc ẩu đả, một trận chiến bầy đàn của giống đực tranh giành con cái. Tình anh em chiến hữu sẽ đứt khẽ khàng như màng tơ.

Mưa đến ào ạt, ánh sáng từ cây đèn pin trên tay Vũ phát huy quyền năng của nó. Vệt sáng chiếu thẳng vào người con gái duy nhất trong căn lán nồng nặc mùi giống đực, ánh sáng biến cô gái thành nhân vật chính giữa sân khấu tuềnh toàng. Ánh sáng soi rõ những hạt bụi mưa li ti, cô gái bé nhỏ tì cằm lên gối, đôi mắt tròn xoe mở to dưới hàng mi dày, ngón tay mảnh khảnh vẽ lên tấm lụa dệt bằng mưa và ánh sáng những hình thù kỳ lạ như biểu diễn thuật thôi miên. Đám người lảng dần.

Mưa giông, sức gió khủng khiếp như con quái vật muốn nhổ bung lán ném vào không trung, miếng tôn nằm chếch hướng gió bị gió vít bung ra, mưa tạt vào lán ướt như ngoài trời. Góc lán hướng gió thổi sập xuống, Vũ vơ được cái lá gì vừa bay vào lán bỏ ngay vào miệng nhai. Tôi nói cho có chuyện:

- Không sợ trúng lá ngón à?

Vũ cười: “Trời đánh còn tránh miếng ăn, lá sim đấy, chát chát thơm thơm.”

Rồi Vũ kể: Ngày Vũ còn bé, hai mẹ con kéo xe bò đi xin cây chuối về nuôi lợn, đường xa, mưa núi, sét đánh ù tai, người mẹ nghèo bứt hoa móc hùm cho cho cậu con trai ăn, dặn con phải nhai liên tục, nhai thật ngon lành. Trời đánh tránh miếng ăn - người mẹ vin vào niềm tin mơ hồ, vịn vào câu cửa miệng hàm ý khác của người đời mà cùng con đi qua bao nhiêu mùa bão gió. Những người đàn bà như mẹ Vũ nào chỉ dầm trong bão gió ngoài trời. Lòng mẹ như rốn bão có bao giờ thảnh thơi. Gió yếu dần, hửng sáng chỉ còn mưa nhỏ.

Qua đêm mưa, tôi dậy sớm, nhìn xuống sườn núi thấy bồng bềnh một dòng sông mây trắng xốp, gió đùn từng lớp mây sóng sánh tràn lên đỉnh núi rồi tước những đám mây trắng thành từng đụn nhỏ và nuốt chửng, nhẩn nha như một đứa trẻ thưởng thức cây kẹo bông. Nước từ những khe núi vẫn róc rách chảy, lớp bê tông đã liên kết nhưng vài chỗ bị rỗ nước, sần sùi như gương mặt vừa qua trận thủy đậu.

Mấy hôm nghỉ, công nhân gia cố lán, đứa con gái điên quen chỗ, đến xin ăn no nê lại vào lán ung dung nằm ngủ. Chị Huyên để cho con bé một cái bát riêng, cơm thừa canh cặn bõ bèn gì đâu. Bọn đàn ông bắt đầu bàn tán về cái bụng phẳng, bắp chân tròn lẳn, cặp đùi khỏe khoắn như đùi hươu đùi nai của con bé. Vũ đem những câu chuyện bỏ ngải ra cảnh báo, đám đàn ông cười phá lên mát mẻ “hoa thơm mỗi người hưởng một tí chú em ơi, mất mát gì”. Tôi thấy mặt Vũ đỏ lừ, tay Vũ thủ nắm đấm nhưng không xảy ra ẩu đả.

***

Những đường ống chuyên dụng được chuyên chở đến để thi công đường ống đi qua chân tháp điều áp. Đội cơ khí có sáu người, Thụ cằn nhằn vì đội ít người quá, không kịp tiến độ. Bác thợ cả vò đầu bứt tai, phân trần thợ cơ khí bây giờ khó kiếm, dưới xuôi không thiếu việc. Vũ thấy thế liền xin vào đội cơ khí, đằng nào thì thi công đường ống xong mới tiếp tục xây dựng được, ngồi không ngứa ngáy chân tay.

Hôm ấy nắng đẹp, nước rỉ ra từ bụng núi những sợi mảnh và trong vắt, tôi ngồi trong lán quan sát đội cơ khí thi công. Vũ đứng ở đoạn giữa đường ống, dùng máy hàn thành thục. Đột nhiên, mấy người thợ nhảy phóc khỏi đế móng. Vũ đang đứng trên đường ống ngã nhào xuống, tôi chạy vội ra thấy cậu kỹ sư an toàn hét thất thanh: “Ngắt điện ngay, ngắt điện, ngắt điện đi”. Tôi chạy đến cạnh Vũ, em nằm cạnh máy hàn. Những anh em khác cũng dồn cả lại, tiếng ai đó loáng thoáng: “Vũ làm rơi máy hàn xuống mặt sàn ướt, em không có ủng cao su”. Tôi không tin vào mắt mình, tai mình. Vừa nãy Vũ còn pha một ấm trà mời tôi. Tôi bế Vũ vào lán, em nhắm mắt như đang ngủ, như hù dọa anh em, chỉ cần khóe mi kia động đậy là Vũ sẽ tỉnh dậy, rổn rảng nói cười. Tôi bấu vào tai mình đau điếng mong mình tỉnh dậy sau cơn ác mộng. Vẫn biết sinh có hẹn, tử bất kỳ nhưng không thể nào tin nổi chuyện Vũ đã nằm lại nơi rừng thẳm. Em còn bao nhiêu dự định, lần nào trò chuyện em cũng chêm vào mấy chữ “sau này”.

Ban chỉ huy lo hậu sự cho em, em tựa lưng vào vách núi, mắt hướng về phía biển. Ở đây biển xa lắm, bị che khuất bởi trùng trùng lớp lớp cây rừng, em có nhìn thấy biển không hả Vũ?

Mẹ và anh trai Vũ vào đến nơi khi công việc của em xong xuôi, tôi trao lại cho bà bốn chỉ vàng mà tôi đã cắt lớp cạp quần lấy chúng ra, tôi giơ những chỉ vàng tròn trịa dưới nắng, thấy có khắc cả tên cửa hàng. Người mẹ già, gầy xọp, hai hốc mắt sâu hoắm, bà khóc con bằng những lời đau xót của người già, của tóc bạc tiễn đầu xanh. Bà cầm bốn chỉ vàng hờ con trả ơn dưỡng dục của mẹ thế này hả Vũ. Gã con trai ngồi cạnh mộ em, vừa quan sát mẹ vừa ngáp vặt, hắn bảo: “Chết trẻ khỏe ma, bu khóc vừa thôi”.

Người mẹ gục đầu lên nấm mộ mới đắp, hai tay dang ra ôm lấy ngôi nhà cuối cùng của con mình. Bà khóc không thành tiếng, cứ lẩm nhẩm những lời không đầu không cuối, như kể lại kỷ niệm những ngày Vũ chào đời, như oán thán trời xanh ăn ở bạc. Anh em kỹ thuật và ban chỉ huy mỗi người góp một chút tiền bỏ phong bì gửi cho mẹ Vũ. Tôi thoáng thấy mắt gã con trai bà sáng lên rồi cụp xuống rất nhanh, tay hắn vân vê chiếc túi vải nhỏ đeo trên cổ. Có lẽ đó là lá bùa mà bà mẹ thỉnh về độ cho hắn tu tâm dưỡng tính. Chuyện này Vũ từng kể cho tôi nghe.

Chị Huyên mời bà về lán. Anh trai Vũ ngủ cùng bọn tôi, sáng bảnh mắt, công trường thi công ầm ầm hắn vẫn say giấc. Anh Huyên rỉ tai tôi thằng khốn đó đã xoắn của bà già một chỉ vàng, nó giấu trong túi vải trước ngực.

Máu tôi sôi lên, tim đau nhói, tôi vào lán, cầm kéo cắt phựt dây đeo trên cổ hắn. Tôi mở cúc bấm cái túi vải nhỏ, thấy chỉ vàng nằm gọn lỏn, không có bùa ngải gì. Tôi dựng hắn dậy, đấm liên tục vào mặt hắn, hắn bưng lấy mặt, vừa hoảng hốt vừa chửi thề. Anh Huyên ngăn tôi lại, những anh em khác lôi hắn ra xa. Người mẹ già níu tay tôi nói như van: “Bác xin cháu! Cháu ơi, bác còn mỗi mình em nó”. Tôi muốn chỉ vào mặt hắn mà văng tục, mà nguyền rủa nhưng tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt của người mẹ già. Tay tôi rũ xuống, hai vai bỗng mỏi nhừ, lòng dâng lên thương xót. Đứng trước mặt tôi là người mẹ đã từng đi làm thuê làm mướn khắp nơi để được ăn no lấy sữa cho con bú, tôi không nỡ rót thêm bão gió vào lòng bà. Tôi bỏ ra chỗ Vũ nằm, ngồi đấy nghe giun dế ri ri.

Cúng tuần đầu cho Vũ xong thì mẹ cùng anh trai Vũ về quê, trước khi về, bà mang theo mấy chân nhang, bà hờ con “Vũ ơi, con thác rồi vẫn long đong, con sống khôn thác thiêng, con theo mẹ về nhà ăn cơm con nhé”. Chị Huyên ôm lấy vai bà an ủi: “Vũ bây giờ tha hồ thong dong, người âm đi mây về gió, chị đừng cả nghĩ quá mà sinh bệnh”.

Chuyện buồn vẫn buồn, việc làm vẫn phải làm, có những lúc nhìn lại cả quãng đời thấy thời gian trôi qua nhanh như một cái chớp mắt nhưng cũng có những ngày thật dài, giây phút Vũ nằm xuống thời gian ngừng lại, in sâu vào tâm trí tôi. Thi thoảng lại thấy đứa con gái điên đặt trên mộ Vũ một cành hoa dại.

Chị Huyên phát hiện ra cái thai trong bụng con bé. Hôm đó, nó đến xin ăn, được vài miếng liền nôn thốc nôn tháo, nó ôm lấy bụng, nằm co người, chất nôn dính bê bết trên tóc rối. Nó cứ nằm như thế nôn ra mật xanh mật vàng. Tôi hơi nghi ngờ nhưng cố vớt vát: “Chắc là cảm gió”. Chị Huyên lật cái áo con bé lên, hai đầu vú thâm sì, dưa thâm thì khú, vú thâm thì chửa. Chị bàn tính chuyện liên lạc với mẹ Vũ. Tôi gạt đi, dặn chị thận trọng, đừng để mẹ Vũ hi vọng rồi thất vọng, bà đã đủ nhọc nhằn rồi, lỡ không phải con của Vũ thì chua chát lắm. Nhưng lời đồn đại từ miệng đàn bà lây lan nhanh như virus vậy, bọn người đói khát đàn bà nghi ngờ nhau, đổ thừa cho nhau. Nếu Vũ có máu mủ nghĩa là trời còn thương, nó sẽ lớn lên ở núi rừng, làm chỗ dựa cho người mẹ dại khờ, sẽ mạnh mẽ dẻo dai như cây luồng, rắn rỏi như đá núi. Tôi khấn thầm: “Vũ ơi, có phải con của em thì em về báo mộng cho anh”. Hôm sau, có người ở Ban chỉ huy xuống kể lại rằng vào ban đêm anh ta nhìn thấy những lá tôn mỏng ở trước cửa lán bọn tôi cứ bay lên lại hạ xuống mà trời thì lặng gió, chắc là Vũ về. Chị Huyên sắm mấy thứ trái cây đem ra mộ cúng. Những chuyện lạ kỳ được thêm thắt, thêu dệt ngày một nhiều, công trình dần đi vào hoàn thiện, nhà thầu chây ì không chịu thanh toán, anh em vừa sợ hãi vừa nản chí bỏ về xuôi vãn, bỏ cả lương.

Tôi được anh bạn cùng khóa giới thiệu cho một công ty lớn thi công nhà điều hành của công ty cao su. Bấy giờ ngành cao su đang lên ngôi. Thấy cơ hội tốt, tôi về thành phố nhận chức chỉ huy trưởng công trình. Tôi gọi điện cho chị Huyên hỏi thăm về đứa con gái điên nhưng anh chị cũng đã về quê yên phận cấy cày. Bẵng đi cả năm trời, một hôm có hai người đàn bà tìm đến công trình tôi đang thi công, họ khóc lóc kể lể, van xin tôi dẫn họ vào công trình cũ tìm Thụ. Chị Diệu, vợ của Thụ - người đàn bà mập quá khổ, núng nính mỡ nhét phong bì vào tay tôi nhưng tôi từ chối. Tôi xin nghỉ mấy ngày, dẫn chị Diệu vào rừng. Được những người quen cũ chỉ dẫn, bọn tôi tìm thấy Thụ khi hắn đang leo chót vót ngọn xay, một tay hắn bám cành khéo léo như loài vượn, một tay nhả dây thả cành xay nhung chín thẫm xuống đất. Bên dưới, người con gái điên vừa địu con vừa nhặt những cành xay chín, thành thục tuốt bớt lá bỏ vào bao.

Gương mặt đứa trẻ giống Thụ như đúc.

Chị Diệu nhờ tôi dẫn chị vào bản, tôi tìm một người bản địa thuê họ dẫn chị đi. Tôi ra chỗ Vũ nằm, ngôi nhà nhỏ của em được ai đó dọn sạch cỏ, nhiều chân nhang còn mới, bầy chim nhỏ thấy người đến đồng loạt tung cánh bay vút lên những tán cây xanh ngắt. Tôi thắp nhang cho Vũ rồi đi tìm mua ít mật ong rừng. Chị Diệu trở ra, hai mắt sưng húp, chị mếu máo: “Em xin họ giải ngải cho anh ấy, nhưng họ bảo con nó ở đây, nó phải làm người ở đây, ngải họ ném cho cá ăn rồi”.

Tôi không biết động viên chị thế nào, cứ lặng im đi bên chị. Chúng tôi vượt đoạn đường dốc tìm về thị trấn. Thị trấn bỏ lại cánh rừng phía sau lưng, bắt đầu bằng một quả đồi thấp được quy hoạch thành khu du lịch. Thị trấn nhìn ra biển, mới có hơn một năm mà mọi thứ thay đổi nhiều quá, những con đường được sửa sang trồng bạt ngàn hoa. Trời bỗng đổ mưa, mưa táp vào kính xe ào ạt, xe trôi đi, bỏ lại sau lưng cánh rừng thăm thẳm, rừng mỗi lúc một khuất dần rồi chìm hẳn vào màu xám bạc giữa cơn mưa.

HOÀNG HIỀN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước