Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
16:48 (GMT +7)

Sao không sử dụng chính cây chè?

VNTN - Từ xưa đến nay, lễ hội luôn là sinh hoạt cộng đồng có sức hấp dẫn đặc biệt: Nhạt xem bơi, tả tơi xem hội. Trong khi lễ hội truyền thống thường có một kết cấu thống nhất, gắn với hoạt động tín ngưỡng và trò chơi dân gian thì lễ hội hiện đại lại vô cùng phong phú, đa dạng cả về nguồn gốc, nội dung, quy mô lẫn hình thức, ý nghĩa. Truyền thông đã tốn nhiều giấy mực để nói về những hạn chế, nhiêu khê, tệ nạn, phản cảm trong các lễ hội truyền thống. Tương tự như vậy, chúng ta có thể tìm ra không ít mảng tối giữa bức tranh muôn hồng ngàn tía của lễ hội chuyên đề hiện đại. Hội hoa, hội sách, hội rượu, hội bia, hội đèn lồng, hội áo dài, hội ẩm thực, hội giáo án…, mọi sản phẩm văn hóa của con người đều có thể trở thành chủ đề cho một lễ hội. Đó là khía cạnh nhân văn và dân chủ bởi suy cho cùng, không chỉ có thần thánh, anh hùng, tổ nghề, danh nhân mới xứng đáng được suy tôn mà nhiều giá trị văn hóa khác cũng cần phải ca ngợi, bất chấp nó là truyền thống hay ngoại sinh.

Tuy nhiên, vượt đường xa cách trở để đến các lễ hội hiện đại, nhiều du khách phải thất vọng bởi, không ít “hội lễ” mang dáng dấp của “hội chợ”. Có thể lấy hội sách là một ví dụ. Để tôn vinh văn hóa đọc, khắp nơi người ta tổ chức hội sách, từ trường học, thư viện, cửa hàng cho đến từng thôn xóm, các huyện, thị, thành phố. Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc của hội sách thường chỉ là những chồng sách xếp cao, trang trí thật điệu theo mô hình đa dạng (đi kèm với yêu cầu “cấm động vào hiện vật”), những tiết mục văn nghệ, hoạt náo quen thuộc; hàng xúc xích, nước mía, quán tạp hóa di động bày bán ê hề… Thậm chí, cả những dịch vụ không hề liên quan như dán điện thoại, bán móc chìa khóa, vòng tay, văn phòng phẩm đủ loại cũng có chỗ ngồi chỗm chệ trong không gian văn hóa đọc. Thực sự, khách đến hội sách để đọc thì ít mà… ăn xúc xích và chụp ảnh tự sướng thì nhiều.

Người Thái Nguyên tự hào vì hai năm một lần (kể từ năm 2011 đến nay) xứ Thái lại tổ chức Liên hoan Trà, người ta gọi một cách dân dã là hội Trà. Rõ ràng, cái “được” đầu tiên của Festival Trà là chúng ta có bản sắc riêng, lịch sử riêng chứ hoàn toàn không chạy theo mốt như những “hội đua” khác. Không ai có thể phủ nhận, Thái Nguyên là đất chè, quê chè, kinh đô chè. Tuy nhiên, thế mạnh ấy chưa thể đủ để làm nên một “thương hiệu lễ hội” ấn tượng nếu trong cả chuỗi hoạt động của sự kiện, ta không thể làm nổi bật đặc trưng văn hóa Trà. Các trà nương châm nước mời trà, các cuộc “trà đàm” với trăng gió và thi ca, các trò chơi hái chè, sao chè, ướp chè, thưởng chè, các lều lán tái hiện khung cảnh “quán nước gốc đa”… đều là tâm huyết và sáng tạo của những người tổ chức. Người xem hứng thú với những hoạt động ấy nhưng chắc chắn, sau mỗi năm, họ sẽ lại đòi hỏi cao hơn, đặc biệt là mong mỏi được sống trong một không gian văn hóa Trà thực sự Việt Nam, thực sự Thái Nguyên chứ không phải vẻ ngoại lai của một trà nữ Việt Bắc song lại mặc yếm trắng Hà Thành, pha trà sành sỏi như người Trung Hoa, cầu kì, chậm chạp như người Nhật Bản…

Suy cho cùng, văn hóa không phải chỉ có thể tìm thấy khi cày ải quá khứ mà mỗi giờ, mỗi phút, nó vẫn âm thầm nảy mầm, sinh sôi giữa cuộc sống hiện tại. Đồng thời với việc phục dựng “quốc hồn quốc túy” bằng những hình ảnh tái hiện lịch sử, tại sao người Thái Nguyên mình không tự gây dựng hình ảnh về xứ chè trên những không gian hiện đại. Dự án gieo hạt giống tam giác mạch để có một Đồng Văn ở Võ Nhai của một nhóm tình nguyện liệu có là gợi ý để các nhà quy hoạch tính đến việc xây dựng một thiên đường du lịch với rừng cọ, đồi chè? Thay bằng việc sử dụng trúc đào, ngâu, dừa, vạn tuế… để trang trí công viên, đường phố, tại sao chúng ta không sử dụng chính cây chè - cây của người Thái Nguyên để mỗi khi bước chân qua cầu Ca, cầu Đa Phúc, đèo Khế…, khách từ bốn phương đều hiểu rằng, họ đã đặt chân đến quê hương của “đệ nhất danh trà”?

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy