Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:58 (GMT +7)

Sân khấu và câu chuyện xã hội hóa

VNTN - Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 179 đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, một số lượng tương đối lớn so với các loại hình nghệ thuật khác. Nhưng có một thực tế là, không phải đơn vị nghệ thuật nào cũng “sống khỏe” trong thời cơ chế thị trường, khi nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật từ ngân sách đã không còn được duy trì. Việc tích cực xã hội hóa (XHH) một phần hoặc toàn bộ hoạt động biểu diễn của đơn vị là một giải pháp tối ưu, nhưng cũng cần những góc nhìn thực chất.

Một cách thức kết nối công chúng với sân khấu

Theo các nhà nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thì sau 22 năm thực hiện chủ trương XHH (1997 - 2019), chỉ tính riêng với các loại hình nghệ thuật đỉnh cao, kén khán giả, XHH vẫn còn là bài toán khó chưa có lời giải.

Phải thừa nhận, công tác XHH trong lĩnh vực sân khấu đã tạo nên động lực để đa dạng hóa các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt tạo cơ hội mang đến doanh thu lớn, từng bước giúp các đơn vị dần thích nghi với cơ chế thị trường. Nhưng theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam thì tính tới nay, Hội “Chưa có đề án cho hoạt động XHH. Không có đề án sẽ không có giải pháp và cũng sẽ không thể đề nghị với cơ quan quản lý về những chính sách khuyến khích XHH cho sân khấu của chúng ta. Chúng tôi cũng đã đến một số nước để học tập kinh nghiệm này, thì hiện nay ở một số thủ đô họ hỗ trợ cho văn học nghệ thuật phát triển thông qua các Quỹ hỗ trợ…” .

Một cảnh trong vở vũ kịch "Kẹp hạt dẻ"

Chưa có đề án XHH sân khấu, nghĩa là chưa thể có được tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý với các đơn vị sân khấu và chính giữa các đơn vị sân khấu với nhau về XHH theo hướng từng phần, hay toàn bộ quá trình biểu diễn nghệ thuật. Dẫu biết XHH là chuyển từ mô hình nhà nước bao cấp sang mô hình tự chủ tài chính, các đơn vị phải tự hạch toán thu chi; nhưng vấn đề đáng quan tâm là, XHH đến đâu trong các khâu: biên kịch, diễn viên hay khán giả? Và để sân khấu kịch vẫn giữ được những chuẩn mực nghệ thuật mà không rơi vào thảm cảnh “nhiều vở yếu, thiếu vở hay”, vẫn còn là vấn đề nan giải.

Trong khi ở các lĩnh vực khác như điện ảnh, âm nhạc, XHH đã gần như làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khi nhiều hãng phim tư nhân ra đời đã mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật những sản phẩm có giá trị, giống như những món ăn tinh thần nhiều hương vị. XHH mở ra những dư địa mới không chỉ bắt kịp thị hiếu của công chúng mà còn vươn tầm quốc tế, gặt hái nhiều thành công tại các giải thưởng về âm nhạc, điện ảnh lớn trong khu vực và thế giới. Nhưng với sân khấu truyền thống lại khác. Có ý kiến cho rằng, “sân khấu cách mạng Việt Nam vốn được sinh ra, lớn lên bằng “bầu sữa mẹ bao cấp” nên khi bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế với tinh thần tự chủ đã trở nên bế tắc trong sáng tạo sản phẩm chất lượng, loay hoay mãi khán giả không đến”. NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho rằng: “Chủ trương XHH vẫn còn những tồn tại, bất cập bởi với các loại hình nghệ thuật kén khán giả vẫn đang loay hoay tìm hướng vận hành thích hợp”.

Nỗ lực đưa sân khấu đến gần hơn với khán giả, thực chất chính là làm sống lại tinh hoa truyền thống của dân tộc, thế nhưng không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng cho kết quả đúng như kỳ vọng.

Nhà hát Chèo Hà Nội được biết đến là một trong những đơn vị thực hiện XHH sân khấu khá sớm. Với những chương trình Long Thành diễn xướng hướng đến phục vụ du khách quốc tế, Hà Nội đêm thứ bảy dành cho người yêu chèo thủ đô, … Ghi nhận tại các đêm diễn, lượng khán giả đến với sân khấu có sự trồi sụt đáng kể và phụ thuộc khá nhiều vào nội dung các vở diễn. Nhà hát đã có thể tự chủ được khoảng 40% kinh phí hoạt động. Tuy nhiên với những bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, kén khán giả như nghệ thuật múa rối của Nhà hát Múa rối Thăng Long, hay cải lương, tuồng, nhiều suất diễn không có khán giả, buộc ban giám đốc phải linh hoạt trong dàn dựng vở diễn hướng đến thị hiếu khác nhau của khán giả trong và ngoài nước. Thậm chí bắt tay với các biên kịch, diễn viên nước ngoài, kêu gọi các nhà tài trợ nhằm cho ra đời những sản phẩm sân khấu mới mẻ, thể theo nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Các vở diễn như: Tấm Cám, Kẹp hạt dẻ, Hamlet, Hồng Lâu Mộng… đã gây được tiếng vang không chỉ bởi chất lượng nghệ thuật mà còn ở nội dung, góp phần làm mới sân khấu kịch. Nhưng điều đáng tiếc là, những vở diễn như thế này cũng không nhiều và cũng chưa đủ để hâm nóng đời sống nghệ thuật sân khấu.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam từng chia sẻ: “để làm mới sân khấu kịch, kéo khán giả về với nghệ thuật truyền thống, mỗi năm Hội đều tổ chức các kỳ liên hoan sân khấu, hội diễn quy mô khu vực và toàn quốc. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu các sản phẩm tham dự hội diễn, liên hoan phải được dàn dựng mới, mang hơi thở của cuộc sống… Ngoài ra Hội cũng tăng cường tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, mở trại sáng tác kịch bản sân khấu nhằm tìm kiếm những kịch bản hay có thể dàn dựng phục vụ công chúng yêu nghệ thuật. Nhưng để khán giả đến rạp như một thói quen đúng là rất khó”.

Suy cho cùng, thì sự vận động của Hội NSSK Việt Nam nói chung, của các đơn vị nghệ thuật nói riêng nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân là điều đáng được ghi nhận. Nỗ lực tư duy và thực hiện XHH cũng góp phần quan trọng trong việc kết nối, đưa khán giả đến với sân khấu.

Cần cái nhìn thực chất về xã hội hóa

Nếu để ý, chúng ta không khó để nhận ra một vở diễn, một chương trình nghệ thuật có bàn tay XHH. Xét ở góc độ chuyên môn, thì ở những chương trình này, Hội đồng nghệ thuật duyệt chương trình/vở diễn chủ yếu chỉ xem xét nội dung có vi phạm về chính trị hay không, còn chất lượng nghệ thuật lại không được đặt lên hàng đầu, do quy định bất thành văn được chuyển giao cho đơn vị đầu tư (XHH). Đứng ở góc độ khán giả, công chúng yêu nghệ thuật cực chẳng đã phải xem và đọc những hình ảnh quảng cáo sản phẩm, hình ảnh của nhà tài trợ. Kết quả là sau mỗi chương trình nghệ thuật, điều đọng lại với khán giả không phải là nội dung vở diễn, mà chính là những cái tên về nhà tài trợ kim cương, tài trợ vàng,... Chưa kể những chiến dịch truyền thông được nhà tài trợ phát động để quảng bá thương hiệu rầm rộ, cũng khiến cho giá trị nghệ thuật của vở diễn/ chương trình bị lép vế, vô hình trung hình thành tâm lý quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống trong một bộ phận không nhỏ người dân.

Nghệ thuật khi XHH, nếu như không được hiểu và được nhìn nhận đúng sẽ tạo ra một thứ sản phẩm mang tính “nghệ thuật giải trí”, “nghệ thuật thị trường” - chạy theo thị hiếu khán giả và nhu cầu của nhà tài trợ trong quảng bá thương hiệu. Khi những điều hay và chưa hay trong hoạt động XHH còn chưa ngã ngũ, thì theo chủ trương mới đây, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống tiêu biểu đã khiến nhiều địa phương lúng túng trong sáp nhập nhiều loại hình tuồng, chèo, kịch, cải lương thành một đơn vị nghệ thuật thống nhất. Chưa bàn đến việc duy trì hoạt động của đơn vị nghệ thuật mới thế nào, mà chỉ cần nhìn vào đội ngũ những người làm nghệ thuật sau sáp nhập sẽ thấy rất khó để họ có thể tìm được tiếng nói chung trong hoạt động nghề. Đấy là chưa kể đến việc các loại hình nghệ thuật sẽ bị “teo tóp” lại do giảm đầu mối, giảm biên chế để giảm chi tiêu công; mặt khác mỗi khi dựng vở lại phải điều người đan chéo. Có khi nghệ sĩ chèo phải diễn kịch, nghệ sĩ cải lương sang diễn chèo và ngược lại. Những bất cập hiện hữu sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chuyên môn các vở diễn.

 

Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Long Thành diễn xướng” nằm trong dự án bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Sau 22 năm XHH sân khấu, bức tranh sân khấu đã có nhiều thay đổi. Tuy đã đem đến cho công chúng những món ăn đa màu sắc, nhưng kèm với đó vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thách thức XHH khiến nhiều đoàn diễn, sân khấu kịch phải đóng cửa, nhiều vở diễn bị khán giả tẩy chay, địa hạt của nghệ thuật truyền thống gần như bị co cụm lại. Qua đó có thể thấy rõ một điều rằng, XHH nghệ thuật không thể nóng vội, đua tốc độ nhanh mà cần sự cân nhắc, tìm hiểu chu đáo với những bước đi thích hợp. Thực hiện chủ trương xã hội hóa thì những đề án cụ thể là cần thiết, để vừa đáp ứng được yêu cầu tái đầu tư sức lao động cho nghệ sĩ, vừa đạt được mục tiêu nghệ thuật hướng đến nền nghệ thuật đích thực. XHH sân khấu xét đến cùng là công chúng hóa, nhân dân hóa, chất lượng hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhưng trong hoàn cảnh nhiều đơn vị vẫn còn loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền, cơ sở vật chất thiếu đầu tư, nghệ thuật biểu diễn chậm đổi mới thì XHH nóng vội vô hình trung lại lợi bất cập hại.

Theo đánh giá của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, thì việc đẩy mạnh XHH hay sáp nhập các đoàn nghệ thuật lúc đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví như việc giải quyết chế độ chính sách cho những nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu (có nhiều nghệ sĩ đã cống hiến 20 - 30 năm trong nghề, nhưng tuổi hưu chưa tới). Rồi việc các Nhà hát phải đồng thời tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật trong đơn vị… Những khó khăn này đòi hỏi phải có các chính sách có tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương để đảm bảo quyền lợi cho nghệ sĩ sau khi sáp nhập, hoặc xóa một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp nào đó.

XHH hoạt động sân khấu là một chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không đơn giản. Vì vậy, đã đến lúc mọi hoạt động XHH cũng như những chủ trương, chính sách cần phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người làm nghề và lợi ích của công chúng yêu nghệ thuật. Có như vậy, nghệ thuật biểu diễn mới thực sự chinh phục được khán giả, và thực sự bước ra khỏi quan niệm “nghệ thuật thị trường và nghệ thuật giải trí”.

Vũ Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy