Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
11:11 (GMT +7)

Sân khấu kịch không “sao”

VNTN - Khi những xôn xao náo nhiệt của hai tuần lễ “đại tiệc” đầy đam mê trong Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018 (LHSKKN 2018) đã lắng xuống với bộ Huy chương Vàng, Bạc tạm hài lòng tất cả mọi người, thì cũng là khi sân khấu kịch Việt Nam nhìn nhận thẳng thắn những khiếm khuyết không chỉ lưu niên mà còn phát sinh trong hiện tại. Đặc biệt một sự thật, sân khấu kịch Việt Nam hiện tại không có “sao”.


Hai tuần lễ diễn ra LHSKKN 2018 đã đi qua, những cảm xúc buồn, vui, thăng hoa của nghệ sĩ đã được trình diễn, cống hiến cho công chúng yêu sân khấu kịch nói như một “đại tiệc” khá thịnh soạn, với phong cách kịch Bắc - Nam, kịch công lập và kịch xã hội hóa, và đó cũng là thành công đầu tiên khi vở nào cũng không còn ghế trống, ngoài bạn nghề xem nhau thì khán giả luôn đông.

Nhưng cũng từ LHSKKN 2018, cho dù các Huy chương Vàng, Bạc được trao đều khá đúng người, đúng vở, nhưng đã thấy lộ nhiều bất cập của sân khấu kịch. Từ việc huy chương trao toàn gương mặt không mới, đến tác giả kịch bản, đạo diễn cũng không xa lạ, từ những thủ pháp kịch chưa có sáng tạo mới mẻ đến thiết kế mỹ thuật dựng bối cảnh cũng vẫn xưa như xưa… Không kể, các vở diễn hầu hết là “bình mới rượu cũ”, có nhiều vở từ hơn 30 năm, 20 năm, 10 năm, hay đã được các loại hình sân khấu khác diễn được mang ra làm lại.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy

Những điều “được” của Liên hoan

Sự đa dạng về đề tài và phong cách thể hiện của mỗi sân khấu tạo được hiệu ứng, màu sắc riêng cho sân khấu kịch, 27 vở diễn của 22 đoàn với 13 đoàn xã hội hóa (tất cả đều của TP.Hồ Chí Minh), là một thành công của LHSKKN 2018. Hầu hết các đơn vị phía Bắc đều của nhà nước, chỉ có một đoàn xã hội hóa là Sân khấu kịch thể nghiệm Việt Nam của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, còn các đoàn trong Nam hoàn toàn xã hội hóa. Điểm chung của các đoàn, đều đưa ra những tác phẩm nghệ thuật có được yếu tố định hướng, thông báo, giáo dục, nhân văn cho người xem dù cách tiếp cận đối với khán giả có khác nhau.

Phần lớn các đoàn ngoài Bắc - công lập, hướng khán giả đến những đề tài lớn của lịch sử cách mạng, xã hội đương đại hay một di sản văn hóa quốc gia…, khẳng định thế mạnh của mình, chú trọng vào sự hoành tráng của cảnh trí, chỉn chu và mang nhiều tính chính luận, chứa đựng nhiều vấn đề như: Mảnh đất lắm người nhiều ma; Vùng lạnh (Nhà hát Kịch Hà Nội); Khi con tốt sang sông; Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát Kịch Quân đội); Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch Việt Nam), Thiên đường (Đoàn kịch Hải Phòng)… Trong khi các đoàn xã hội hóa của TP Hồ Chí Minh thì “tỉa” những góc nhỏ trong đời sống hàng ngày, hay một sự kiện, một nhân vật lịch sử cách mạng, hoặc “neo” một chi tiết trong chính sử để tưởng tượng ra một câu chuyện mượn người xưa nói chuyện nay…, thường thiên về cảm xúc, mang tính giải trí cao, chú trọng thị trường với: Châu về hợp phố, Đàn bà dễ có mấy tay (Sân khấu Hồng Vân); Rặng trâm bầu (Sân khấu kịch TKC), Yêu là thoát tội, Mua chồng ba mươi vạn (Sân khấu Thế giới trẻ); Tiếng giày đêm (Hero Film); Tiếng vạc sành (Sân khấu Minh Nhí), Hiu hiu gió bấc (Sân khấu nhạc kịch Buffalo)…

4 Huy chương Vàng cho vở diễn Tiếng giày đêm - Hero Film (Kịch bản (KB: Lê Chí Trung), đạo diễn (ĐD): NSƯT Trần Minh Ngọc); Hoa cúc xanh trên đầm lầy - Nhà hát Tuổi trẻ (KB: Lưu Quang Vũ, ĐD: Nguyễn Sĩ Tiến); Bão tố Trường Sơn - Nhà hát kịch Việt Nam (KB: Trương Minh Phương, ĐD NSND Anh Tú), Vùng lạnh - Nhà hát kịch Hà Nội (KB: Xuân Đức, ĐD: NSND Hoàng Dũng); Và 6 Huy chương Bạc các vở: Gương mặt kẻ khác (Nhà hát kịch 5B); Người mẹ thứ hai (Nhà hát kịch TP.HCM); Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế giới trẻ); Gặp lại người đã chết (Đoàn kịch nói CAND); Khi con tốt sang sông (Nhà hát kịch Quân đội); Dưới ánh đèn (Sân khấu Thử nghiệm Việt Nam)…

“Gặp lại người đã chết”

Ngoài ra còn các giải: Nhạc sĩ xuất sắc Đức Trịnh (vở Khi con tốt sang sông); Đạo diễn trẻ triển vọng Lê Đăng Khoa (vở Hiu hiu gió bấc); Họa sĩ xuất sắc Lê Sơn (vở Bão tố Trường Sơn); Đạo diễn xuất sắc - NSƯT Trần Minh Ngọc (vở Tiếng giày đêm). Có 39 Huy chương Vàng cho các diễn viên: Quỳnh Hoa, NSƯT Xuân Bắc, Minh Hoàng, Ngọc Trinh, NSƯT Tiến Quang, Phú Thăng, NSƯT Mỹ Uyên, Thanh Lê, Hoàng Dũng, NSƯT Hoàng Yến, Tiểu Bảo Quốc, Tiến Minh, Quý Bình, Hồng Lê, NSƯT Hoài Linh, NSƯT Công Lý, Ốc Thanh Vân, Hoàng Sơn, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Tuấn Anh, Phạm Huy Thục, Minh Nhí, Huỳnh Phương, Thanh Tùng, Thanh Thủy, NSƯT Hồng Tuấn, Đại Nghĩa, Công Vượng, Mai Phương, Hoàng Sơn, Việt Hà, NSƯT Vương Huỳnh, NSƯT Đàm Loan, Phương Nga, Quang Nhất, NSƯT Trịnh Kim Chi, NSƯT Thúy Phương, Anh Quân. Còn có các gương mặt diễn viên nhí nhận được giải Diễn viên trẻ triển vọng: bé Huyền My (Rặng trâm bầu); Ngân Chi, Thuận Phát (Thiên Thần nhỏ của tôi); Thụy Bình, Quốc Dương (Tiếng vạc sành); và 63 Huy chương Bạc.

Từ LHSKKN 2018, khi nhìn vào sân khấu xã hội hóa ở Tp Hồ Chí Minh, thấy rõ chất lượng của những gương mặt diễn viên trẻ như Khả Như; Quang Tuấn; Hoàng Phi; Xuân Nghị…, và các vai diễn đã được đầu tư và xuất hiện chỉn chu đúng chất chuyên nghiệp hơn.

Điểm “được” lớn nhất của LHSKKN 2018 chính là dịp để những người làm nghề ngồi lại, nhìn nhận và “bắt mạch” cho sân khấu kịch nói. “Bắt bệnh” đúng thì cũng có thể có những phương “thuốc” tạm thời và lâu dài, để sân khấu kịch được ổn định hơn; tăng khả năng thích ứng cao và tiến tới đủ sức sáng tạo, tiếp nhận đổi mới, đồng hành với sân khấu kịch thế giới…

Tặng thưởng các cá nhân đoạt Huy chương Vàng

Không có “sao”

Những lấp lánh của huy chương và sự náo nhiệt của LHSKKN 2018 đã qua, chính những người làm nghề cũng thẳng thắn thừa nhận là thiếu kịch bản mới, hay. 27 vở diễn, nhưng những vở được đầu tư viết mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, những gương mặt viết kịch trẻ hoàn toàn vắng bóng. Đây là thực tế đáng buồn của sân khấu kịch nói. Những cái tên rất quen từ bao năm nay như Chu Thơm, Đăng Chương, Xuân Đức, Lê Chí Trung…, còn không thì kịch cũng đã rất cũ, có vở đã diễn từ hơn 30 năm trước, như vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lũ quỷ sống được đổi tên từ vở Mẹ yêu mà cố NSƯT Đoàn Bá dựng cách đây hơn 20 năm; Người mẹ thứ hai cũng được khai thác từ kịch bản 20 năm tuổi; Tiếng giày đêm cũng trở lại sau gần 20 năm; Tiếng vạc sành từng gây tiếng vang trên Sân khấu IDECAF từ năm 2004; xuất hiện vào năm 2011, Yêu là thoát tội đã có mặt ở đủ các hội diễn sân khấu (cải lương, chèo, kịch nói).

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, nhiều vấn đề của cuộc sống đáng lẽ là chất liệu ngồn ngộn cho tác giả, thế mà sân khấu kịch đang truyền tải nhiều điều quá cũ mà chỉ cần mở đầu câu chuyện đã biết ngay diễn biến và kết thúc. Chưa nói đến tính dự báo, mà cả sự hấp dẫn cũng khó khăn. Đáng tiếc nhất là các vở diễn đã bỏ qua những đề tài “hot” của cuộc sống xã hội ngày nay. Sân khấu kịch đã quên chức năng dự báo của chính mình.

“Điều mà chúng tôi trăn trở chính là về tác giả. Những vấn đề tác giả đặt ra vẫn chưa đạt yêu cầu của sân khấu. Kịch bản đang ở tình trạng báo động, thiếu đi thẳng vào vấn đề, đề tài nóng bỏng của cuộc sống hôm nay. Sân khấu phải có tính tiên phong, dự báo, tạo ra những vấn đề mà khán giả đang quan tâm, chứ đề tài cứ quanh đi quẩn lại, núp bóng các cuộc tình tay ba, ma quỷ… thì khán giả họ dần quên đi yếu tố của sân khấu” - NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, Phó Ban tổ chức LHSKKN 2018 chia sẻ.

Danh sách những gương mặt đạo diễn cũ vẫn dày đặc trong LHSKKN 2018, thiếu gương mặt trẻ. Cơ hội cho các đạo diễn trẻ được thử nghiệm, cọ xát là rất ít, thậm chí không có. Đây là điều đáng tiếc bởi chính những gương mặt trẻ là sự kế thừa và phát triển của sân khấu tương lai. NSND Lê Hùng với 5 vở đều của các nhà hát, đơn vị “lớn” như: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội); Gặp lại người đã chết (Nhà hát Kịch CAND); Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát Kịch Quân đội); Tình ca đồng đội (Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn); Thiên đường (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)… Hay các gương mặt quen của làng kịch như NSƯT Trần Minh Ngọc; NSND Anh Tú; NSND Hồng Vân; NSND Trần Nhượng…

Xem kịch, nhiều vở người xem hoang mang không biết mình vừa xem gì, bởi cách dàn dựng nhân vật, sự logic của câu chuyện không ăn nhập. Sự “tham lam” của đạo diễn thể hiện khi đưa quá nhiều nhân vật, câu chuyện mà cái nào cũng “nhạt”, đều đều. Không kịch tính, không giải quyết vấn đề, không nhận ra đâu là chủ đề chính của câu chuyện...

LHSKKN 2018 số lượng Huy chương Vàng, Bạc được trao cho vở diễn ít hơn nhưng cũng không thấy tác giả trẻ. Chỉ có một đạo diễn trẻ được trao giải triển vọng là Lê Đăng Khoa với vở Hiu hiu gió bấc (Công ty TNHH Giải trí sân khấu Buffalo). Khoảng trống quá lớn giữa các thế hệ kịch tác gia và đạo diễn ngay trong liên hoan, khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi, phải chăng tác giả trẻ không theo kịp thế hệ sáng tác tiền bối, đạo diễn trẻ chưa đặt hết tâm huyết cho nghề? Và vẫn còn thực trạng các đơn vị tham gia không chú tâm đến việc giành huy chương cho vở diễn mà chỉ cốt "săn" huy chương cho diễn viên để đạt tiêu chí xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND sau này. Danh sách 39 huy chương vàng cá nhân không có gương mặt nào mới, thậm chí quá cũ như các NSND, NSƯT, hay các diễn viên đã “mòn” trên màn ảnh truyền hình.

Với lực lượng tham gia đông đảo các đoàn từ công lập đến xã hội hóa với hàng ngàn diễn viên, mừng là lực lượng làm nghề vẫn còn đông đảo. Nhưng sân khấu kịch nhìn từ thực tế LHSKKN 2018, thì vẫn đang mắc “bệnh” không “sao”.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy