VNTN - Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ”, do Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ chỉ đạo Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội thực hiện nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7 vừa qua), được truyền hình trực tiếp trên VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và kênh truyền hình Quốc phòng - An ninh; mặc dù nội dung chất lượng tốt, giàu cảm xúc, song chỉ một sai sót nhỏ đã ghi dấu “phản cảm” trong lòng công chúng khi chương trình đã sử dụng một đoạn nhạc chào mừng trước và sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên phát biểu, có giai điệu là bài hát tuyên truyền mang tên “Ca ngợi tổ quốc” do nhạc sĩ Trung Quốc Vương Tân sáng tác năm 1950 (được xem là bài quốc ca thứ hai của Trung Quốc). Dư luận phản ứng gay gắt, cho rằng chương trình có sự kiểm duyệt sát sao, sai sót này là “không được phép”.
Phản ứng khá quyết liệt là các ý kiến với những câu hỏi “sát sườn”. Chương trình truyền hình trực tiếp “Khát vọng đoàn tụ” là chương trình mang tính tuyên truyền chính trị xã hội rất cao, lại do truyền hình Quân đội thực hiện, nên không chỉ một cấp duyệt mà qua nhiều cấp với từng tiết mục, từng cảnh, từng nhân vật... Không hiểu sao cả ekip lại bỏ qua vài chục giây nhạc này, liệu đây có hoàn toàn là vô tình sơ xuất? Việt Nam thiếu gì nhạc hay, có giai điệu hùng tráng như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Thanh niên làm theo lời Bác”… tại sao không dùng? Với một chương trình tầm cỡ như vậy, người chọn nhạc không thể là một người không am hiểu gì về nhạc. Việc không ai phát hiện ra là điều khó được thông cảm và chấp nhận. Thẳng thắn mà nói thì trách nhiệm chính phải là tổng đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng và người phụ trách duyệt chương trình này.
Ở một phương diện khác, người ta lại cho rằng nên nhìn vào chất lượng nội dung, ý nghĩa hàm chứa mà chương trình đã làm được chứ không nên quá khắt khe, đòi hỏi sự toàn mỹ. Giả thiết nếu như đó không phải là đoạn nhạc của Trung Quốc thì sự phản ứng có dữ dội vậy?
Nhìn nhận khách quan, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, từ lâu người Việt thường sử dụng nhạc nối, nhạc chào mừng, nhạc trong những lúc đi lên, đi xuống khán đài của các lãnh đạo một cách rất tùy tiện. Sự kiện do bên quân đội tổ chức nhưng tại sao lại không dùng đoàn nghi lễ quân nhạc vốn rất mạnh của mình? Khi đó sẽ có chỉ huy, dàn nhạc sống và sử dụng các tác phẩm có xuất xứ, bản quyền rõ ràng!.
Thực tế là việc sử dụng âm nhạc trong các hoạt động lễ hội, trình diễn sự kiện văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam hiện đang rất tùy tiện, không nguồn gốc bản quyền. Rất ít (thậm chí là không có) nhà tổ chức sự kiện, chương trình đặt các nhạc sĩ sáng tác loại nhạc này và càng không sử dụng nhạc có nguồn gốc bản quyền (vì phải trả tiền và xin phép tác giả). Không thuộc tiết mục trình diễn, những phần nhạc nền, chào mừng… mặc nhiên được coi là phần phụ của chương trình, cơ quan cấp phép công diễn cũng ít khi yêu cầu được duyệt phần nhạc này, lại càng chẳng cần truy xét nguồn gốc bản quyền của nó. Thế nên để đảm bảo yêu cầu nhanh, tiết kiệm chi phí nhất, các ê-kíp thực hiện chương trình thường lựa chọn giải pháp lấy từ kho dữ liệu trên internet. Vì không có sự kiểm soát, kiểm duyệt, vô hình chung tạo thành “lỗ hổng” trong quản lý âm nhạc.
Được biết, ngay sau sự cố Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đã bị khiển trách và cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý nghiêm túc êkíp thực hiện chương trình này. Dĩ nhiên, để xảy ra sai sót là điều đáng tiếc, sự cố trên đã gióng một hồi chuông cần thiết đến nhiều cấp, ngành quản lý văn hóa. Nhưng xét cho cùng, chúng ta chưa hề có quy định nào cụ thể về việc lễ nào được dùng bài gì, các tác giả nào, trong hay ngoài nước. Cũng không cơ quan nào quy định, kiểm duyệt những phần âm nhạc này.
Nên chăng cơ quan chức năng cần đặt ra quy định rõ ràng về việc sử dụng âm nhạc, phải có kiểm tra chặt chẽ về bản quyền, dù là mấy giây (s) ngắn ngủi, có vậy mới mong không còn loại nhạc sử dụng tùy tiện như lâu nay.
Thái Văn
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...