Rưng rưng nghe sóng dội tim mình
Hoàng Hiền (Trưởng xóm Đình Dầm, Nga My, Phú Bình)
VNTN - Cách đây năm năm, tôi là thính giả thường xuyên của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Mục đích của việc nghe đài chủ yếu để học Hán ngữ hằng ngày, học hát song ngữ, đọc tiểu thuyết kinh điển và giao lưu với các bạn cùng sở thích trong và ngoài nước. Tôi quen Tiểu An, một cô bạn Trung Quốc muốn học tiếng Việt. Chúng tôi gọi điện thoại và email cho nhau, câu chuyện chủ yếu giới thiệu vẻ đẹp của hai đất nước. Chưa một lần gặp mặt, nhưng tình cảm được cả hai chân thành vun đắp. Tiểu An khen ngợi Việt Nam qua những bức ảnh, chúng tôi trao cho nhau những món quà kỷ niệm nhỏ, là tranh cắt nghệ thuật bằng giấy dó về 12 con giáp, món quà sinh nhật khá thú vị Tiểu An tặng tôi, là con chuồn chuồn tre tôi trao cho bạn…
Sự kiện giàn khoan 981 năm 2014 khiến tôi cảm thấy thất vọng trước một quốc gia luôn nói họ là hảo bạn hữu, hảo huynh đệ. Câu chuyện của tôi và Tiểu An trước sự việc này bỗng trở nên căng thẳng, bởi bạn tin lời bố mẹ - họ nói rằng Tam Sa là của Trung Quốc. Tôi gửi cho Tiểu An xem các bài báo viết về chủ quyền biển đảo Việt Nam, về thái độ tôn trọng hòa bình, nghiêm khắc, bình tĩnh của người dân Việt Nam; tôi khẳng định với bạn Trường Sa và Hoàng Sa là máu thịt của nước Nam. Mối quan hệ của chúng tôi dần trở nên nhạt nhẽo bởi sự khách sáo, những lần liên lạc thưa dần và tự đặt dấu kết thúc một tình bạn. Tôi hiểu rằng, Tiểu An cũng như tôi thôi - yêu đất nước cô ấy đang sống, nhưng tôi tiếc, tiếc vì không thành thạo tiếng Hoa, không thể chia sẻ nhiều hơn về cái gọi là tình bạn, tình anh em láng giềng, về những hi sinh, mất mát để gìn giữ độc lập chủ quyền của ông cha.
Chưa một lần đến Trường Sa, Hoàng Sa, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết rằng trong hoàn cảnh vận nước cấp bách, toàn dân tộc theo dõi từng diễn biến mới ngoài khơi, một lòng đề cao cảnh giác. Nơi tôi sinh sống là một miền quê còn khó khăn của huyện Phú Bình, đại đa số người dân ở đây làm nông nghiệp và làm thuê trong các nhà xưởng, công trình nhỏ. Gánh nặng cơm áo đôi khi làm họ quên đi những nhu cầu xã hội cơ bản. Ngóng tin về biển Đông, các cụ già bên ấm chè xanh không bỏ qua chi tiết nào, từ chuyện giàn khoan, trở lại sự kiện Gạc Ma, rồi gần đây là việc Trung Quốc bỏ ra 27 nghìn đô la cho mỗi tàu cá ra Hoàng Sa đánh bắt cá, rục rịch đưa giàn khoan 981 vào Vịnh Bắc Bộ, xây hải đăng trái phép…; người đi làm đồng thì mang theo radio nghe Chương trình Biển đảo quê hương, Biên giới và hải đảo, nhịp cầu phát thanh… Các cháu học sinh đến trường được thầy cô giáo giảng dạy về chủ quyền biển đảo, thông qua những tác phẩm văn học nhằm khơi dậy tình yêu với Trường Sa, Hoàng Sa. Trong những cuộc họp xóm, Ban Mặt trận chúng tôi thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân yên tâm sản xuất, không nghe theo lời kích động của các thế lực thù địch, triển khai phong trào gây quỹ Vì Trường Sa thân yêu… Những người nông dân chân lấm tay bùn đã yêu nước bình dị thế, đã thấu hiểu nỗi vất vả của các chiến sĩ trong những giờ luyện tập, tăng gia sản xuất và luôn sẵn sàng chiến đấu. Tôi tìm đọc những trang thơ của “Lính biển Việt Nam”, “Chiến sĩ đảo An Bang”, “Anh lính hải quân”…; tìm hiểu về lịch sử mộ gió, sự kiện Gạc Ma năm 1988… Trên facebook, tôi tham gia nhóm “Hướng về biển đảo”, tôi có thêm bạn mới, biết nhiều bài hát mới về biển đảo quê hương.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...