Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:33 (GMT +7)

Rung rinh xuân nhịp trống chèo

VNTN - Đọc bài thơ “Mưa xuân” của nhà thơ Nguyễn Bính, tôi thích và ấn tượng với những câu thơ thật trong trẻo:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng

đi ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Đoài

hát tối nay…”.

Nếu không có địa danh làng Đặng, thôn Đoài, tôi dám đồ rằng đó là làng quê của mình. Hình ảnh mưa xuân, hoa xoan, hội chèo mang đậm nét quê, nơi núm nhau của tôi gửi lại góc làng, không thể lẫn với những miền xa khác. Đến giờ, tôi vẫn không lý giải được vì sao ngày ấy dân làng tôi mê chèo đến thế. Ngày xuân, ngõ xóm rung rinh trong nhịp trống chèo. Mỗi độ Tết đến Xuân về, ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm bên cánh đồng, bờ tre, mái rạ, trống chèo… càng làm nỗi nhớ thêm chênh chao, đằm đẫy.

Hát chèo không chỉ diễn ra vào mùa xuân, mà những dịp nông nhàn, mọi người thường cùng nhau tập luyện các bài hát hoặc tích chèo mới và tổ chức nhiều đêm diễn trên sân đình. Khi trống chèo nổi lên, nỗi vất vả lo toan thường nhật dường như tan biến, người đến xem đông vui như… hội. Ngọn đèn măng sông tăng sáng thêm cho bóng điện đỏ quạch. Các “diễn viên” hóa thân vào vai diễn; khi vai hề bước ra, cả sân đình vỡ òa những tiếng cười nghiêng ngả.

Nguồn: senvietdecor.com

Ngày đó, đất nước đã thống nhất, nhưng cuộc sống vật chất tinh thần còn nhiều khó khăn. Ngoài chiếc đài bán dẫn của ông chủ nhiệm hợp tác xã và một vài chiếc đầu quay đĩa các chú bộ đội phục viên mang về từ miền Nam, mọi gia đình khác trong làng đều không có phương tiện nghe nhìn gì. Người làng coi các buổi luyện tập, thể hiện các tích chèo như một hình thức sinh hoạt văn hóa. Thường chỉ dịp hội làng, sân khấu lớn mới được dựng, còn hầu hết các lễ lạt khác hát chèo đều diễn ra trên mấy manh chiếu trải ở sân đình. Bà tôi là người hát được nhiều làn điệu chính trong chèo như “Đào liễu”, “Lới lơ”, “Ru kê”, “Làn thảm”… Những làn điệu chan chứa tình cảm con người được hình thành từ ca dao, dân ca. Bà bảo: Điều căn cốt cấu thành Chèo gồm: trò chèo, hát chèo, nhạc chèo, múa chèo và diễn chèo.

Lũ trẻ con bọn tôi thường chen vào ngồi chầu hẫu bên cạnh các nhạc công, thi thoảng mượn dùi trống đánh ké. Dàn nhạc có các nhạc cụ gõ và các nhạc cụ ti, trúc như: Nhạc gõ có trống cái, trống con, trống cơm, mõ, thanh la. Nhạc cụ có: đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, tam thập lục, tiêu, sáo. Mỗi người có thể chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau và sử dụng thích hợp từng loại cho các tình huống của tích chèo. Bác tôi nhiều lần nhắc, bảo tôi sang học đánh trống và chơi đàn, nhưng tôi chỉ vâng dạ cho qua chuyện, bởi chỉ thích nghe chứ không thích học. Cái tôi mê mẩn đến quên làm, quên ăn các buổi chiều là đá bóng. Hễ rỗi rãi, bất cứ sân đình, sân kho hay chỗ nào có thể đặt gạch làm gôn tôm, chúng tôi đều hò hét chia quân thi đấu. Đến nỗi quả bóng da vá chằng vá đụp, chưa gom đủ tiền mua quả bóng mới, chúng tôi nhét rơm vào khâu lại vẫn thi đấu như thường.

Tôi ấn tượng nhất là chiếu chèo tối 30 Tết và những ngày xuân. Có lẽ trong suy nghĩ của những người dân quê, mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa của hội ngộ, sum họp; mùa của sự khởi đầu và kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, nên các tích chèo thường được chọn lựa kỹ, chỉ mang đến những tiếng cười vui, tránh mọi điều húy kỵ.

Không khí xuân làng quê ấm áp, vui tươi và có nhiều nụ cười hồn hậu. Tầm nửa buổi sáng mùng một Tết, tiếng trống khai hội xuân vang lên rộn rã. Manh chiếu chèo óng lên màu son mới đã được trải trên sân đình. Nhạc chèo tưng bừng. Màn hát múa sôi động mở đầu chương trình vui xuân. Quanh sân đình, nhiều trò chơi đã được chuẩn bị. Cây đu dựng từ trong năm xúm xít người xem đu nhún. Ao làng ồn ã người chơi đi cầu khỉ đốt pháo. Đường làng nườm nượp người từ các làng bên cạnh kéo về. Theo lệ các cụ giao ước từ xưa cùng ba làng khác, hàng năm các làng cử đại diện luân phiên mang lễ dâng Thành hoàng làng. Năm đến phiên làng tôi đón lễ, các bậc cao niên mặc áo dài đóng khăn xếp ra tận cổng làng nghênh tiếp. Hội chèo làng bạn gồng gánh đạo cụ, trang phục lộng lẫy trống nhạc rộn ràng. Lễ dâng Thành hoàng làng là trầu cau, chiếc bánh chưng xanh và chai rượu nếp, được bày trên mâm lót tấm vải nhiễu điều đỏ. Sau phần lễ, hội chèo được biểu diễn. Tôi không nhớ mình đã xem bao nhiều tích chèo, nhưng rất nhớ và thích những “Thị Mầu lên chùa”, “Tiễn anh lên đường”, “Thầy đồ dạy học”, “Người hầu canh cổng”, “Đưa bố vợ du xuân”… Khác với các đoàn diễn chuyên nghiệp phải học thuộc lòng và có đạo diễn bài bản, người làng vào vai chỉ cần thuộc lời và tích chèo chính, còn mặc sức tung hứng theo ý mình và bạn diễn, nên vẫn trò ấy, tích ấy nhưng mỗi lần một khác. Nhiều bận bà đọc nhờ tôi ghi giúp những tích trò hay do bạn diễn ngẫu hứng sáng tạo. Cái ngẫu hứng làm nên nét riêng của chèo làng mà có lẽ bất cứ nhà biên kịch tài ba nào cũng khó có thể nghĩ ra các tích trò ấy.

Chèo là một loại hình nghệ thuật mang tính chất quần chúng, sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp cách nói ví von giàu tính tự sự trữ tình. Các hội chèo luôn đông vui bởi quanh chiếu chèo không đơn thuần là thưởng thức nghệ thuật, mà còn là nơi gặp gỡ, giao cảm, nơi tìm kiếm, hẹn hò của các bạn trẻ. Trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghệ số, không ít loại hình nghệ thuật truyền thống dần mai một. Việc luyện tập, biểu diễn của các đội văn nghệ làng cũng đa dạng thể loại để phù hợp với thị hiếu nhiều lứa tuổi và mang tính chất tuyên truyền nhiều hơn. Chiếu chèo sân đình không còn sức hấp dẫn và cuốn hút bởi hầu hết diễn lại các trò xưa tích cũ, do thiếu vắng lực lượng sáng tác các màn hát mới và tác phẩm chất lượng cao. Không nhiều người trẻ có niềm đam mê và theo đuổi việc luyện hát và sử dụng các loại nhạc cụ để trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp biểu diễn các làn điệu chèo.

Theo các nhà nghiên cứu, chèo phản ánh mọi góc độ bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành bình dị, nhưng đầy niềm tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Đầu tư gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo như một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên chăng cũng là việc cần làm?

Cuộc sống có những thứ cần thay đổi để thích nghi, nhưng nét văn hóa làng xã bao đời nay vẫn thế. Nhịp trống chèo làm ngày xuân làng quê như xuân hơn. Dù chỉ học qua truyền khẩu, các diễn viên vẫn đem đến cho người xem những tích chèo xa xưa với những lớp lang ấn tượng. Trong tâm thức người đi xa, hồn cốt của làng quê khi Tết đến trong nhịp trống và các làn điệu chèo lại ngân lên nao nức, gọi mời những người con trở về...

Thái Dương

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước