Quanh chuyện kiến trúc cổng làng
Cổng làng - nét hồn cốt làng quê Bắc Bộ
Nguồn: Internet
Kiến trúc cổng làng xưa và nay...
Cổng làng ngày xưa được xây dựng ở vùng nông thôn Bắc Bộ thông thường được xây dựng để xác định ranh giới khu vực dân cư ở, được bao bọc bởi lũy tre; thường có 2 cổng: cổng trước để đi ra làm đồng, cổng đón khách, đón người ở xa về, đón sự tốt đẹp, đón phúc lộc vào làng, cổng sau là cổng phụ - nơi tống tiễn những cái xấu, cái ác, đường ra nghĩa trang của làng…
Cổng làng xưa cùng với cây tre, bến nước, sân đình là một công trình văn hóa gắn với đặc trưng của mỗi làng quê, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân đồng bằng Bắc Bộ, là minh chứng theo sự phát triển của ngôi làng. Tuy nhiên đến nay nếu giữ cũ thì không dùng được, vì nó hẹp, nhiều khi không vừa chiếc ô tô con, chưa kể nhiều cổng cũ thời gian phai mòn, vật liệu thấp, công trình hư hại nhiều không còn an toàn. Tính chất làng cũng đã biến động, cổng làng giờ xây dựng không chỉ cho làng, mà còn cho cả khu dân cư, một ngõ phố. Nó có tính chất như tín hiệu điểm đến, biểu hiện sự phát triển, biểu thị văn hóa, nhận thức, cái tôi… của mỗi khu vực. Tính chất là “cổng chào” nhiều hơn, yếu tố bảo vệ hầu như không còn vì phần lớn cổng làng xây dựng ngày nay không có cảnh, đặc tính “phòng thủ” của làng không cần nữa.
Qua khảo sát sơ bộ, cổng của xóm, làng, khu dân cư, ngõ phố trên địa bàn tương đối nhiều. Về mặt hình thức kiến trúc tương đối đa dạng, phần lớn thì các công trình này xây dựng không phụ thuộc nhiều vào yêu cầu không gian kiến trúc, mà phụ thuộc vào sáng chế của cộng đồng dân cư, sự đóng góp của người dân, một phần phụ thuộc vào sự thành đạt của những con người xa quê quay lại góp phần đầu tư. Chính vì vậy “cổng làng” nhiều khi quan tâm nhiều đến khía cạnh phô trương: vật liệu, qui mô..., nhiều hơn là yếu tố văn hóa. Khảo sát một vùng, ít có cổng gây được ấn tượng về văn hóa, mà nhiều cái chỉ là to, đầu tư nhiều tiền, đôi khi là sự áp đặt một mẫu cổng đã xây dựng ở nơi khác vào không gian.
“Cổng làng” là công trình không lớn nhưng là công trình công cộng, công trình văn hóa, vì thế dưới góc độ kiến trúc, xây dựng như thế nào, hình thức ra sao thì thật là quan trọng. Thực tế cho thấy, phần lớn cổng làng được xây dựng đều không có thiết kế, cũng chẳng có cấp phép xây dựng, và mẫu mã cổng nhiều khi phụ thuộc vào ý thích của cộng đồng dân cư khu vực sau khi đi tham khảo (hoặc là tra trên google). Đây cũng chính là lý do tại sao “cổng làng” chúng ta xây nhiều nhưng kiến trúc ít.
Và chuyện “cổng làng tôi”
Chạy men theo dòng suối Linh Nham, vùng đất thuộc xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ là một chuỗi dân cư làm nhiều nghề, từ nông nghiệp (trồng rau, trồng lúa), thợ thủ công (gia công đá, lò rèn, sửa chữa xe máy, xe đạp, thợ khai thác đá), còn có một Hợp tác xã xe trâu (Hợp tác xã Hợp Thành), trải dài đến gần 3km, nhưng không biết tại sao người ta lại gọi là xóm.
Xóm có nhiều điểm tiếp cận với đường quốc lộ chạy qua (tỉnh lộ 265), xưa gọi là xóm Núi Hột. Bây giờ xóm còn có nhiều cư dân thuộc Mỏ Đá, có lẽ do xuất thân từ việc làm công nhân khai thác đá của xí nghiệp đá Núi Hột thuộc ty xây dựng Bắc Thái ngày trước. Dịp Tết về thăm quê, gặp trưởng xóm, ông bảo tôi là kiến trúc sư, lại xuất thân lớn lên từ đây, về giúp cái cổng cho xóm. Khởi công từ mồng 4 Tết âm lịch, đến đầu tháng 6 thì thi công xong. Nhưng xung quanh câu chuyện cái cổng, hóa ra lại có nhiều vấn đề cần bàn.
Đầu tiên là hình thức của cổng. Là kiến trúc sư, tôi vẽ ra mẫu cổng theo ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, có nét của kiến trúc truyền thống, mái ngói, cột tròn, đao cách điệu, có cả hoa văn. Bà con có nhiều ý kiến, có người bảo tôi nên vẽ giống cái cổng của xóm Nhị Hòa (Đồng Bẩm) bên kia suối Linh Nham vì nó to, lại có nét xưa. Tôi bảo lưu ý kiến vẽ theo phương án nghiên cứu của mình, cũng may khi xây xong được đánh giá tốt, bà con tự hào vì cổng làng mình chả giống ai, phải chăng đây là “bản sắc”? Thấy rằng làm kiến trúc khó thật, phải vượt qua chính mình, nếu cứ “chiều” người thì bây giờ mình lại giống người ta!
Tiếp đấy là câu chuyện vốn xây dựng cổng lấy ở đâu? Hóa ra sức mạnh của cộng đồng rất lớn, bằng sức đóng góp của dân, người góp đất mở rộng cổng, người góp công (san gạt, vận chuyển vật tư, nhân công xây dựng...), người góp tiền, ít nhiều theo sức của mình, tự nguyện… Khi công trình hoàn thành, ban quản lý không nợ ai đồng nào. Tiêu tiền cũng là một câu chuyện, Ban quản lý công trình được dân bầu ra, với quan điểm “dân chủ”, “minh bạch” trong mọi việc, kỳ thực những người nông dân đã tiếp cận kinh tế thị trường rất nhanh, bài bản và chuyên nghiệp.
Hiện nay, nhiều cổng làng được xây mới rất đồ sộ với kinh phí khủng
Nguồn: Internet
Đến tháng 5, cổng làng chuẩn bị xây xong và phải đặt tên. Vấn đề tên cổng hóa ra cũng phức tạp không kém, cổng có 2 mặt, mặt trước được gắn chữ “cổng làng, cộng đồng dân cư xóm Núi Hột - Mỏ Đá”, mặt sau gắn chữ: “Cổng làng quê hương”. Có ý kiến nên ghi là cổng xóm, vì chỗ ấy xưa nay chỉ là xóm, có ý kiến bỏ hẳn chữ cổng làng, vì khu vực dân cư có nhiều đường vào, xóm lại có nhiều nhà tiếp cận đường quốc lộ, đi không phải qua cổng! Ngược lại, nhiều ý kiến bảo đề chữ cổng làng, không có chữ xóm Núi Hột - Mỏ Đá, vì xóm Mỏ Đá chính lại ở chủ yếu ở phía bên kia đường, xóm Núi Hột thì trải dài đến 3km. Một ý kiến chỉ đạo, bảo không được gắn chữ gì, vì gắn chữ là phải được duyệt! Và còn nhiều ý kiến nữa, ví dụ để trang trọng cổng phải đề chữ nho, cổng phải có thơ, câu đối...
Cuộc tranh luận không kết, vì cổng làng giống “nhà văn hóa” hoặc “ở đây có bán cá”, cuối cùng kết luận giữ như cũ, vì trước tiên thay chữ lại phải thêm tiền, vả lại người ta vẫn treo biển tên công trình chứ “cổng xóm” nghe không vừa tai. Mặt khác nếu xóm nhiều đường vào, nếu có cổng nữa ta sẽ đánh số 1, số 2 cho cổng…
Để tạo dấu ấn cho công trình, tôi đề xuất làm tượng một con trâu, có em bé ngồi trên, tay cầm Iphone tay cầm sách. Dân nghị quyết đồng ý, nhưng không biết trưởng thôn truyền tải thế nào, dân cứ tưởng kiến trúc sư (là tôi) tặng trâu để làng liên hoan, lại còn bàn phân công ai chăn, quản lý và sử dụng trâu thế nào, bao giờ thì thịt…
Câu chuyện “cổng làng tôi” nhiều niềm vui mà cũng lắm nỗi hài hước thế đấy. Được góp công làm nên công trình, đạt được nguyện vọng của bà con, công trình lại được đánh giá vừa túi tiền, phù hợp không gian, hiện đại và chả giống ai, lãnh đạo chính quyền địa phương mong rằng từ đây mô hình được nhân rộng. Bản thân tôi thấy vui, phấn khởi nhất chính là bà con đã nghe ý kiến chuyên môn để công trình đi ra từ trang giấy vào thực tế. Họ còn đề nghị làm thêm một quán cóc liêu xiêu, có mái lá, có kẹo vừng, trà chén... ngoài cổng để “cổng làng” thực sự là một thiết chế văn hóa cho khu dân cư…
KTS. Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...