Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:55 (GMT +7)

Quan tâm, sát sao hơn tới các Chi hội chuyên ngành

VNTN - Tôi được mời tham dự buổi họp đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái vào 7h30 ngày 25 tháng 7 năm 1987 tại Nhà khách UBND tỉnh, do Chủ tịch lâm thời Ma Trường Nguyên ký. Đã 31 năm, tôi chỉ còn nhớ được mấy anh em diễn viên là tôi, diễn viên Thu An, diễn viên Hồng Sơn và đạo diễn Đức Trạo (lãnh đạo Nhà hát tổng hợp Bắc Thái). Khi đó, tôi vẫn mang tâm trạng rất buồn, vì trước đó 11 tháng Đoàn Kịch nói gặp tai nạn thương tâm tại Hồ Núi Cốc.

Hội VHNT đã trải qua 6 nhiệm kỳ, 31 năm xây dựng trưởng thành và đang bước vào Đại hội nhiệm kỳ thứ VII. Các chi hội chuyên ngành trực thuộc Hội, trong đó có chi hội Sân khấu đã tổ chức Đại hội cuối tháng 10, tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2013 - 2018, chào đón Đại hội nhiệm kỳ VII của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo chi hội Sân khấu xác định là cần phải tăng cường đoàn kết, năng động, sáng tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc. Các hội viên sân khấu phải là những hạt nhân chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình xã hội hóa sân khấu, đó là sân khấu nghệ thuật quần chúng.

Các diễn viên cần tu dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, giỏi một việc và đảm nhận thêm được nhiều việc khác, cụ thể là một diễn viên có thể diễn kịch tốt, và cũng có thể biết hát chèo, hát cải lương, hát văn, hát quan họ, hát then, một vài vũ điệu… Bởi vì sân khấu nghệ thuật quần chúng rất đa dạng, nếu không khổ luyện học tập “đa di năng”, bạn sẽ tự loại mình ra khỏi sân chơi một cách “ngọt ngào”. Yêu cầu chung, và cũng là tất yếu, đó là cần có những hội viên chuyên ngành tốt thì mới có những chi hội chuyên ngành tốt, có những chi hội chuyên ngành tốt thì mới có Hội VHNT tốt.

Tôi đã công tác hơn 40 năm ở ngành văn hóa, đã chứng kiến nền sân khấu Thái Nguyên trải qua bao thăng trầm, vinh quang cũng nhiều, đau thương không ít. Từ 4 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, đó là: Đoàn Cải lương, Đoàn Chèo, Đoàn Kịch nói, Đoàn Ca múa; do yêu cầu và cơ chế tổ chức tới hôm nay 4 đoàn đã không còn nữa. Chuyển sang giai đoạn xã hội hóa sân khấu, đó là những khó khăn mà lãnh đạo chi hội Sân khấu cần phải nhìn nhận và hoạch định hướng đi. Trong hội thảo chi hội Sân khấu đã nêu, kết hợp với mô hình CLB tự nguyện, tự quản, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội VHNT, sẽ phù hợp với những yêu cầu trong điều kiện hiện nay. Tôi thật sự mong muốn kỳ Đại hội tới chúng ta hãy công tâm, sáng suốt lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành là những người thực sự yêu nghề, tâm huyết với Hội, để cùng nhau xây dựng một ngôi nhà “Hội Văn học Nghệ thuật vững chắc, một sân chơi văn hóa nghệ thuật lành mạnh cho chính chúng ta”.

Đồng thời, để đáp ứng được những nhu cầu công việc hiện tại, tôi xin đề xuất ý kiến như sau: Thường trực Hội cử một đồng chí đặc trách theo dõi, quản lý các chi hội chuyên ngành, thường xuyên bám sát, kiểm tra đôn đốc ở các chi hội. Khi phát hiện hoặc nếu có vấn đề gì nảy sinh thì kịp thời giải quyết, xử lý ngay tại chi hội. Như vậy thì sẽ rõ được căn nguyên, các hội viên góp ý cho nhau sẽ thấu đáo và hiệu quả hơn. Tôi đề nghị lãnh đạo Hội nên vận dụng và tạo điều kiện giao lưu giữa các chi hội với nhau, sẽ có thêm được nhiều thông tin, hiểu biết nhau hơn, và tạo ra sự liên kết, gắn bó với nhau hơn. Khi Hội cần tổ chức các sự kiện của Hội, hoặc bầu Ban Chấp hành, thì hội viên có được nhiều thông tin và lựa chọn chính xác hơn trong mỗi lá phiếu bầu, đem lại những hiệu quả tốt đẹp hơn.

Rất mong Đại hội VII chúng ta sẽ bầu ra Ban Chấp hành tâm huyết, năng động sáng tạo, hoạt động hiệu quả, tạo ra những bước tiến mới, vững chắc của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên.

Trần Yên Bình (Chi hội Sân khấu)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại hội có nhiều đổi mới

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Những dấu ấn nhiệm kỳ

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi đưa văn chương của tôi đi xa hơn

Các kỳ Đại hội 4 năm trước

Nơi chắp cánh khát vọng sáng tạo

Các kỳ Đại hội 4 năm trước