Quá đắt đỏ
(Một câu chuyện lấy ý tưởng từ truyện ngắn của Guy de Maupassant)
VNTN - Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910) là một tiểu thuyết gia người Nga. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với các kiệt tác như: Chiến tranh và hòa bình hay Anna Karenina…
Chân dung Lev Nikolayevich Tolstoy (Nguồn wikipedia.org)
Gần biên giới Pháp và Ý, trên bờ Địa Trung Hải có một vương quốc nhỏ xíu tên là Monaco. Có biết bao nhiêu thị trấn nhỏ miền quê có thể lấy làm kiêu hãnh vì có dân số nhiều hơn vương quốc này bởi vì ở đây chỉ có khoảng 7000 người, và nếu toàn bộ đất đai trong vương quốc được chia đều ra thì mỗi cư dân chẳng có lấy được một mẫu Anh. Nhưng trong cái vương quốc đồ chơi này có một vị tiểu vương thật, ông ta có một cung điện, các triều thần, các bộ trưởng, một vị giám mục, các vị tướng và một quân đội.
Quân đội này không lớn lắm, chỉ có 60 người cả thảy, nhưng vẫn là quân đội. Ở đây cũng có các loại thuế như nơi khác: thuế thuốc lá, thuế rượu và thuế thân. Nhưng dù dân ở đây uống rượu và hút thuốc như ở mấy nước khác thì số đó cũng quá ít không đủ để nhà vua nuôi sống triều thần, giới công chức và chính mình nếu ông ta không tìm ra một nguồn thu nhập mới đặc biệt khác. Nguồn đó đến từ một sòng bạc nơi người ta đánh bài ru-lét(*). Dù người chơi thắng hay thua nhà cái bao giờ cũng lấy một phần doanh số, và từ lợi nhuận đó anh ta trả một số tiền lớn cho nhà vua. Lí do anh ta trả nhiều đến thế bởi đó là cơ sở đánh bạc duy nhất còn lại ở châu Âu. Vài quốc chủ nhỏ ở Đức từng giữ lại các sòng bạc cùng loại như vậy nhưng vài năm trước chúng đều đã bị cấm hết rồi. Lí do là vì sòng bạc gây hại quá nhiều. Người ta đến thử vận may của mình rồi mạo hiểm bỏ ra mọi thứ họ có và mất hết, sau đó họ sẽ thậm chí liều bỏ ra số tiền không phải của mình và lại thua luôn, thế rồi trong tuyệt vọng họ sẽ tự sát bằng cách chết đuối hoặc dùng súng. Vậy nên người Đức cấm các nhà cai trị kiếm tiền theo cách này; nhưng không có ai ngăn nhà vua Monaco lại hết và ông ta giữ nguyên thế độc quyền trong ngành kinh doanh này.
Vậy là giờ ai muốn đánh bạc đều đi tới Monaco. Dù họ thắng hay thua nhà vua cũng đều kiếm tiền nhờ đó hết. “Không thể kiếm được lâu đài bằng đá từ công việc lương thiện” như tục ngữ vẫn nói; vị tiểu vương Monaco biết đó là ngành kinh doanh bẩn thỉu, nhưng ông ta biết làm gì đây? Ông ta phải sống, mà lấy doanh thu từ rượu và thuốc lá thì cũng chẳng phải chuyện tốt đẹp gì. Thế nên ông sống, trị vì, cào tiền vào và duy trì triều đình với toàn bộ kiểu cách của một vị vua đích thực.
Ông ta làm lễ đăng cơ, tổ chức tiệc chiêu đãi; ông ta ban thưởng, tuyên án và xá tội; ông ta cũng tổ chức các cuộc duyệt binh, có các hội đồng, luật pháp và tòa án như các vị vua khác, chỉ là mọi thứ đều ở mức nhỏ hơn.
Mấy năm trước trong cái lãnh thổ nhỏ này xảy ra một vụ giết người. Dân chúng ở đây yêu chuộng hòa bình và một việc như thế trước giờ chưa từng xảy ra. Các vị quan tòa được tập hợp lại với nhiều nghi lễ thủ tục và xét xử vụ án với thái độ công tâm nhất. Nào là quan tòa, bên nguyên, bồi thẩm đoàn và luật sư biện hộ; họ tranh luận và đánh giá, cuối cùng họ kết án tên tội phạm phải bị chém đầu theo luật. Tới đó là tốt rồi. Tiếp theo họ đệ trình bản án lên nhà vua. Nhà vua đọc và phê chuẩn, “Nếu anh ta phải bị xử tử thì cứ xử tử thôi”.
Chỉ có một vướng mắc duy nhất ở đây và đó là họ không có máy chém lẫn đao phủ. Các bộ trưởng xem xét vấn đề và quyết định gửi một yêu cầu tới chính phủ Pháp, hỏi xem liệu họ có thể cho mượn một cái máy và chuyên gia chém đầu tội phạm hay không; và nếu được thì mong chính phủ Pháp vui lòng báo giá. Lá thư được gửi đi. Một tuần sau có thư phúc đáp: có thể cung cấp máy chém cùng với người vận hành, giá sẽ là 16,000 phrăng. Người ta trình cái này lên nhà vua. Ông suy đi tính lại. 16,000 phrăng kia đấy! “Cái kẻ khốn khổ này không đáng giá số tiền đó”, ông nói. “Có cách nào tiến hành với giá rẻ hơn không? 16,000 phrăng còn nhiều hơn 2 phrăng mỗi đầu người trên toàn dân số rồi. Người dân sẽ không chịu đâu và có khi nó gây ra bạo loạn mất!”.
Thế là một hội đồng được triệu tập để xem xét có thể làm gì được; và người ta quyết định gửi một yêu cầu tương tự tới nhà vua Ý. Chính phủ Pháp thuộc chế độ cộng hòa và không mấy tôn trọng các vị vua; nhưng vua Ý là một vị quốc vương anh em và có khi có thể thuyết phục ra giá rẻ hơn được. Vậy nên bức thư được thảo ra và nhanh chóng nhận được thư phúc đáp.
Chính phủ Ý viết rằng họ sẽ vui lòng cung cấp cả máy và đao phủ với cái giá 12,000 phrăng bao gồm cả phí đi lại. Giá này rẻ hơn nhưng có vẻ vẫn quá đắt. Kẻ bất lương này thực sự không đáng giá đó. Một hội đồng nữa được triệu tập. Họ bàn bạc và xem xét xem làm sao có được phí tổn ít hơn. Chẳng lẽ nào một quân nhân lại không làm được việc đó theo kiểu thô sơ và không màu mè được sao? Tướng quân được triệu tới hỏi: “Ngài có tìm được một người lính nào chặt đầu hắn ta được không? Họ không ngại giết người trong chiến tranh. Thực tế thì họ được huấn luyện để làm việc đó mà”. Thế là tướng quân nói về chuyện đó với các binh sĩ để xem liệu có ai trong số họ nhận công việc này không. Nhưng không người nào chịu làm hết. “Không”, họ nói, “chúng tôi không biết làm việc đó; đó đâu phải việc chúng tôi được học.”
Phải làm sao đây? Các bộ trưởng lại suy đi tính lại. Họ tập hợp một hội đồng, một ủy ban, một phó ủy viên, và cuối cùng họ quyết định rằng tốt nhất là nên đổi bản án xử tử sang án tù chung thân. Việc này sẽ giúp nhà vua tỏ ra khoan dung và rẻ hơn nữa.
Nhà vua đồng ý, và thế là vấn đề được dàn xếp êm thấm. Vướng mắc duy nhất lúc này đó là không có nhà tù nào phù hợp với người bị tù chung thân hết. Có một phòng tạm giam nhỏ nơi thỉnh thoảng lại có người bị tạm giam nhưng không có nhà tù kiên cố nào phù hợp để dùng lâu dài hết. Tuy nhiên họ cũng xoay xở tìm ra được một chỗ rồi bỏ gã trai trẻ vào đó và cho người canh gác. Người cai tù phải canh tên tội phạm và cũng phải đi lấy thức ăn cho hắn từ bếp trong cung điện.
Người tù ở lại đó hết tháng này qua tháng khác hết một năm. Nhưng khi một năm đã trôi qua, vị tiểu vương nhìn vào bản kê khai thu nhập và chi tiêu trong một ngày của mình thì để ý thấy có một mục chi tiêu mới. Nó là dành cho việc giam giữ tên tội phạm, và nó cũng không nhỏ chút nào. Phải chi cho một người canh gác đặc biệt và thức ăn nữa. Tổng chi là hơn 600 phrăng một năm. Điều tệ nhất đó là chàng trai đó vẫn còn trẻ khỏe và có thể sống thêm 50 năm nữa. Khi người ta đi tính tổng cộng lại thì vấn đề trở nên nghiêm trọng. Thế là nhà vua triệu các bộ trưởng tới và nói với họ:
“Các khanh phải tìm ra cách rẻ hơn để xử lí tên bất lương này. Kế hoạch hiện tại quá đắt”. Các bộ trưởng họp lại suy tính, rồi một người nói. “Quý vị à, theo ý tôi thì chúng ta phải cho người cai tù nghỉ thôi”. Một vị khác tiếp lời, “Nhưng thế thì tên tù sẽ bỏ trốn mất”. “Chà,” người kia nói, “cứ để hắn trốn rồi theo dõi hắn!”. Họ báo cáo kết quả thảo luận lên nhà vua và ngài đồng ý với họ. Viên cai tù bị cho nghỉ và họ chờ xem điều gì sẽ diễn ra. Toàn bộ việc diễn ra đó là tới giờ ăn tên tội phạm ra ngoài, và vì không tìm ra viên cai tù nên anh ta tới bếp của nhà vua để lấy đồ ăn. Anh ta nhận lấy phần được đưa cho, trở về nhà giam, đóng cửa lại và ở trong đó. Hôm sau việc lại diễn ra y như vậy. Anh ta đi lấy đồ ăn đúng giờ, nhưng còn việc bỏ trốn thì anh ta không hề tỏ ra chút dấu hiệu nào. Phải làm sao đây? Họ lại suy xét vấn đề tiếp.
“Chúng ta phải nói thẳng cho hắn biết thôi”, họ nói, “rằng chúng ta không muốn giữ hắn lại nữa”. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho mang anh ta đến.
“Tại sao anh không bỏ trốn?”, bộ trưởng nói. “Không có lính canh vậy thì anh có thể đi đâu tùy thích, mà nhà vua cũng không bận tâm đâu”.
“Tôi dám chắc là đức vua sẽ không bận tâm”, người đàn ông đáp, “nhưng tôi không có chỗ nào để đi hết. Tôi làm gì được đây? Các vị đã hủy hoại thanh danh của tôi bằng bản án đó và người ta sẽ quay lưng lại với tôi. Hơn nữa, tôi hết đường làm ăn rồi. Các vị đối xử tệ với tôi quá. Thế thật không công bằng. Ngay từ đầu, một khi các vị đã tuyên án tử cho tôi thì các vị phải hành quyết tôi chứ; nhưng mà các vị lại không làm. Tôi đâu có phàn nàn về chuyện đó. Rồi các vị kết án tôi bị tù chung thân và cho lính canh mang đồ ăn tới cho tôi; nhưng một thời gian sau các vị lại mang ông ta đi mất và tôi phải tự đi lấy đồ ăn. Tôi cũng đâu có phàn nàn. Nhưng giờ các vị thật muốn tôi bỏ đi! Tôi không chịu được đâu. Các người muốn làm gì thì làm nhưng tôi sẽ không đi!”.
Phải làm sao đây? Một lần nữa hội đồng được triệu tập. Họ có thể chọn lấy cách giải quyết nào đây? Người đàn ông không chịu đi. Họ suy đi tính lại. Cách duy nhất để tống khứ anh ta là cho anh ta một món trợ cấp. Và thế là họ báo cáo lên nhà vua. “Không còn cách nào khác hết”, họ nói, “kiểu gì chúng ta cũng phải tống khứ anh ta đi”. Số tiền được định đoạt là 600 phrăng, và người ta báo cho tù nhân biết.
“Chà”, anh ta nói, “tôi không quan tâm chừng nào các vị thường xuyên trả tiền. Với điều kiện đó thì tôi sẵn lòng ra đi”.
Thế là vấn đề được dàn xếp ổn thỏa. Anh ta nhận trước một phần ba số niên khoản và rời khỏi lãnh thổ. Chỉ mất 15 phút đồng hồ đi tàu là anh ta đã sang nước khác và định cư ngay bên kia biên giới, nơi anh ta mua một mảnh đất, bắt đầu trồng rau bán và giờ sống thoải mái. Anh ta luôn đi rút tiền trợ cấp vào một khoảng thời gian nhất định. Sau khi nhận được rồi, anh ta đi tới bàn đánh bạc, đặt cược hai hay ba phrăng, lúc thắng lúc thua và rồi về nhà. Anh ta cứ vậy mà sống yên ổn.
Có một điều tốt là anh ta không phạm tội ở một đất nước nơi người ta không phải đắn đo về chi phí phải bỏ ra để chặt đầu ai đó, hay để nhốt anh ta trong tù cả đời.
(*) Một loại trò chơi trong sòng bạc được đặt tên theo tiếng Pháp nghĩa là “bàn quay nhỏ”.
Truyện ngắn. Lev Nikolayevich Tolstoy
Trương Thị Mai Hương (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...