Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:29 (GMT +7)

Phim Việt về “giới tính thứ ba”

VNTN - Đề tài về “giới tính thứ ba” - đồng tính - LGBTQ từ lâu đã trở thành một trong những điểm khai thác của điện ảnh. Ở Việt Nam dù dè dặt và xuất hiện chậm, nhưng không ngoại lệ. Khoảng 5 năm trở lại đây, phim Việt về đề tài này ngày càng xuất hiện nhiều và được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau.

LGBTQ là tên viết tắt của cộng đồng đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual), hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender) và người đa dạng tính dục (Queer).

Năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam có thay đổi đáng kể khi bãi bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Sau mốc thời gian này, phim điện ảnh Việt cũng nở rộ đề tài về LGBTQ. Dù không phải phim nào cũng thành công về doanh thu hay được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nhưng có thể thấy phim về LGBTQ ngày càng được chăm chút, thể hiện cái nhìn ít kỳ thị về giới, và mang tính nhân văn cao.

Dòng chảy phim LGBTQ…

Ở mảng phim tài liệu, gần như rất hiếm phim về đề tài này, hiện tại chỉ duy nhất phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tạo nên hiện tượng và gây sốt vé khi ra rạp năm 2014. Phim kể về một gánh hát rong có hơn 30 thành viên và họ đều là những người đồng tính nam, cho khán giả cái nhìn sâu sắc hơn về đời sống những người chuyển giới, sống cuộc đời lang bạt nay đây mai đó, no đói thất thường, còn bị mọi người khinh rẻ...

 

Ở mảng phim điện ảnh, mới nhất có hai phim vừa ra rạp là Thưa mẹ con đi (của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) và Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh). Thưa mẹ con đi hiện đang gây chú ý trên màn ảnh Việt khi mạnh dạn khai thác về đề tài cũ - phim đam mỹ dưới góc độ mới. Là câu chuyện tình yêu của hai chàng trai trẻ, một Việt Nam, một nước ngoài, trong một lần từ nước ngoài về thăm đại gia đình với nhiều thế hệ sống quây quần trong một ngôi nhà, cảnh đông đúc khiến chàng trai nước ngoài bị sốc văn hóa, đôi trẻ thiếu không gian riêng tư, luôn phải "đóng kịch" như hai người bạn trước mặt mọi người, chỉ dám gần gũi trong nhà tắm… Ngôi nhà bươm bướm - phim hài, tâm lý, của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lấy cảm hứng và chuyển thể từ hài kịch nổi tiếng của Pháp, về một cặp đồng tính ở tuổi xế chiều hết sức tình cảm yêu thương, vị tha, bao dung, có màu sắc hiện đại, mang thông điệp ý nghĩa: “Ai cũng được quyền sống hạnh phúc!”. Chuyện phim xoay quanh câu chuyện tình của đôi trai gái, yêu nhau trong lúc cùng du học ở Mỹ, cả hai quyết định tiến đến hôn nhân, nhưng rắc rối ở chỗ ba mẹ của cậu con trai là một đôi đồng tính, còn ba của cô gái là con người sống theo chuẩn mực đạo đức truyền thống cổ….

Năm 2018, phim Song lang của đạo diễn Leon Lê lấy bối cảnh nghệ thuật cải lương đang gặp khó khăn, đề cập tới mối tình chưa kịp nở đã tàn lụi của chàng kép chính và tay đòi nợ thuê một cách rất tinh tế. Bộ phim đã góp mặt tại nhiều liên hoan phim quốc tế và gặt hái hàng chục giải thưởng. Trước đó nữa, phim Cha con và… của đạo diễn Phan Đăng Di đã vào đến vòng tranh giải của Liên hoan phim Berlin 2015, được khen là phim đạt đến vẻ đẹp thẩm mỹ của điện ảnh đương đại.

Bộ phim Hot boy nổi loạn (gồm 2 phần) của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng về đề tài đồng tính được xem là tiên phong đưa đến cái nhìn đúng đắn về cuộc sống của một cặp đôi nam - nam. Câu chuyện về những chàng trai làm nghề mại dâm đã được vẽ ra trên màn ảnh vô cùng cởi mở và chân thật, xoáy sâu vào các mối quan hệ đồng tính và trần tâm tư của những kẻ bị chối bỏ trong tình yêu. Mỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng tuy không trực tiếp khai thác mối quan hệ nữ - nữ, nhưng thực chất là một phim đồng tính nữ hết sức nhẹ nhàng, thuộc loại hiếm trong số phim Việt về LGBTQ. Để mai tính của đạo diễn Charlie Nguyễn kể về câu chuyện của "nàng" doanh nhân Việt kiều trở về nước để thực hiện một dự án lớn mang tính sống còn của doanh nghiệp, nhanh chóng bị mắc bẫy trong kinh doanh, bị phong tỏa tài sản và có khả năng bị "sạt nghiệp", rồi lại bị "lạc lối" vào mối tình không đường thoát với anh chàng họa sĩ điển trai. Người luôn đi phía sau, phim ngắn của đạo diễn Chế Đình bắt đầu được kể từ chính nỗi cô đơn của chàng trai trẻ, đi về một mình, sống trong căn hộ chung cư cũ, nơi có cầu thang đầy bóng tối hun hút, cả căn phòng mang một màu buồn chán, cô độc…, định mệnh khi có một chàng trai chuyển tới sống tại căn hộ bên cạnh, từ đây, sau những lần chạm mặt nhau, họ đã nảy sinh tình yêu đồng giới.

Được biết đến là bộ phim Việt đầu tiên về đề tài lưỡng tính, Lạc giới của đạo diễn Phi Tiến Sơn kể câu chuyện về một tên tội phạm trốn thoát trên đường áp giải về trại giam. Đến một trang trại khai thác sữa dê hẻo lánh, nơi chỉ có cô y tá xinh đẹp và cậu chủ ốm yếu. Tại đây, tên tội phạm đồng thời yêu cả hai người, biến quan hệ giữa ba con người thành một mối tình tay ba đầy ngang trái. Cầu vồng không sắc của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyền xoay quanh câu chuyện của một cậu ấm trong gia đình giàu có. Cậu cùng anh trai nuôi của mình trải qua tuổi thơ vui vẻ, đến lúc trưởng thành thì nhận ra tình cảm của cả hai đã phát triển qua ngưỡng chạm đến tình yêu, những ngang trái cũng vì thế mà bắt đầu. Yêu của đạo diễn Việt Max như một làn gió mới thổi vào phim Việt và khẳng định thêm sức mạnh cũng như bản lĩnh của phái yếu, phụ nữ có quyền được yêu thương, dù cho họ thuộc giới tính thứ ba. Lô tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh là phim đặc biệt đoạt nhiều giải phim quốc tế. Kể về nhân vật cô đào của gánh lô tô Phù Hoa, thực chất là một người đàn ông. Phim khám phá bản ngã của những con người trót mang thân phận không như tạo hóa sắp đặt, khắc họa sâu sắc cuộc sống của những người chuyển giới.

Góc nhìn dần nhân văn, cởi mở

Những năm gần đây, các phim Việt có đề tài LGBTQ ra rạp đã thay đổi nhiều ở nội dung. Không còn đề cập mãi những bế tắc, đau khổ hay cuộc sống bí bách không lối thoát của người đồng tính; các nhân vật đã được khai thác nhiều hơn ở góc cạnh nội tâm tinh tế, sâu sắc, đi sâu vào khắc họa tâm lý để hiểu và đồng cảm chứ không lợi dụng hay phô trương bằng hình thức bề ngoài như một mặc định về giới tính thứ ba. Điều này cũng phản ánh cái nhìn cởi mở hơn, ít kỳ thị hơn của xã hội đối với giới LGBTQ. Dễ nhận thấy những bộ phim làm về LGBTQ gần đây có xu hướng xây dựng những nhân vật có số phận, tính cách dày dặn, đặt trong bối cảnh xã hội đương đại với nhiều vấn đề phức tạp. Ở đó đạo diễn coi nhân vật là đứa con tinh thần của mình chứ không tận dụng nhân vật như một phương tiện để giải trí.

Nếu các phim Việt đề tài LGBTQ trước đây tập trung vào việc khai thác tình yêu giới thứ ba mang màu sắc buồn bã, bi kịch, cùng cái nhìn ghẻ lạnh thậm chí khinh khi của cộng đồng, thì trong hai phim mới nhất Thưa mẹ con đi, Ngôi nhà bươm bướm có nhiều khác biệt. Cả hai phim đều có cái nhìn tươi sáng, không bi kịch hóa tình yêu đồng tính trong xã hội đương thời, không cố gắng cường điệu các yếu tố xã hội bên ngoài, dù trong phim vẫn có những nhân vật đại diện cho sự kỳ thị, hiểu sai lệch của xã hội. Khán giả sẽ thấy được khung cảnh đổi khác nhiều của cộng đồng LGBTQ, phản ánh đúng hiện thực cuộc sống ngày nay, đã có tình thương nhưng đâu đó còn chưa hiểu rõ nên vẫn còn chút nghi ngại…

Có thể nói, chưa bao giờ đề tài đồng tính lại nở rộ trên phim ảnh như hiện nay. Như một xu hướng tất yếu, phản ánh hiện thực xã hội, nhân vật đồng tính xuất hiện khá nhiều, từ phim truyền hình tới phim truyện nhựa, từ nhân vật chính đến nhân vật phụ… Đôi khi, ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật trong đề tài này cũng rất mong manh. Không thể phủ nhận phim về đề tài đồng tính đã giúp khán giả tiếp cận và hiểu hơn về cộng đồng của những người vốn sống khép kín, ít sẻ chia với xã hội, có những vấn đề về tâm lý. Khi vấn đề về đồng tính, người chuyển giới, song tính được nhìn cởi mở hơn thì chủ đề về cộng đồng LGBTQ luôn là mảnh đất màu mỡ cho người làm nghệ thuật tìm tòi, sáng tạo.

Điều mong muốn vẫn là phim có giá trị nhân văn đồng thời có chất lượng nghệ thuật, để đề tài LGBTQ như một kênh giúp cho xã hội có cái nhìn chia sẻ, bình đẳng và sống hòa đồng, hòa hợp với những người ở giới tính thứ ba.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy