Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
13:18 (GMT +7)

Phim Việt mùa Tết: có tạo nhiệt phòng vé?

Qua hai cái Tết trước đầy lo âu phấp phỏng do dịch bệnh kéo theo sự “mất mùa” của điện ảnh Việt Nam từ 2021 - 2022, phim Việt năm 2023 vẫn mang chút e dè trong mùa Tết Quý Mão này. Chọn phim hài để “mua vui một vài trống canh” hay phim tâm lý - hành động - kinh dị - ngôn tình,… có vẻ giống “canh bạc” đầu xuân, sự lựa chọn nào sẽ tạo nhiệt phòng vé dịp Tết?

Poster phim “Nhà bà Nữ”

Sau mùa phim Việt Noel 2022 và Tết dương lịch 2023, cho dù đưa ra những phim được trông chờ, hứa hẹn tạo bùng nổ ở các phòng vé, như hai phim “Tro tàn rực rỡ”, “Thanh Sói”, xem ra, dù phim được bảo chứng bằng giải thưởng quốc tế ba châu lục, hay của một “đả nữ” thuộc hàng ngũ doanh thu trăm tỉ, thì cũng chưa thể tạo được niềm tin chắc chắn vào mùa phim Tết Quý Mão, bởi trước đó, hàng loạt phim Việt đã mất mùa.

Nhưng, không gì là không thể, năm 2023 không phải là 2022, 2021, và hy vọng vào một mùa phim Việt ra rạp Tết này sẽ hâm nóng điện ảnh Việt.

Phim Tết khởi động trong hy vọng tạo nhiệt phòng vé

Cùng ngày mùng 1 Tết Quý Mão - 22/1/2023, ba phim Việt cùng dòng phim giải trí, cùng khai thác chất liệu đời sống, văn hóa và giai thoại địa phương của khu vực miền Nam, nhất loạt ra rạp: “Chị chị Em em 2” của Vũ Ngọc Đãng, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành, “Siêu lừa gặp siêu lầy” của Võ Thanh Hòa. Cả ba đạo diễn đều có thành tích phim “trăm tỉ”, nhất là cặp đôi Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành đứng chung phim “Bố già” - 2021 đã tạo kỷ lục doanh thu phim Việt hơn 400 tỉ, thành một mốc “bê tông” rất khó phim Việt nào có thể vượt qua trong mấy năm nữa.

Một cảnh trong “Siêu lừa gặp siêu lầy”

Chọn một đề tài hấp dẫn và mới lạ, nhà sản xuất Will Vũ và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được kỳ vọng sẽ tạo ra cơn địa chấn lớn trong phòng vé trong dịp Tết âm lịch, Để phù hợp với không khí Xuân, Sister Sister Beauty và Muse Films giới thiệu “Chị chị Em em 2” mang màu sắc nữ quyền vui nhộn, pha những màn đấu trí gay cấn và hấp dẫn, có chút khác biệt so với dòng phim Tết lâu nay. Phim dựa trên giai thoại về hai cô Ba Trà và Tư Nhị cùng những góc khuất trong vòng xoáy tình yêu - thù hận, tiền bạc - quyền lực; những câu chuyện chưa từng kể về cuộc sống hào nhoáng, thượng lưu nhưng đánh đổi lại là những khổ đau, giằng xé của những đệ nhất, đệ nhị mỹ nhân một thời. Phim được đưa về khoảng thời gian hai người mới gặp gỡ nhau, từ đó, tái hiện cuộc sống hoa lệ nhưng cũng nhiều góc khuất tại Sài thành cách đây một thế kỷ.

Hình ảnh hậu trường của phim “Chị chị Em em 2” được chia sẻ trên mạng xã hội

Ba Trà được mệnh danh là “Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn”, “Hoa hậu không vương miện” nhờ dung mạo xinh đẹp đến ngơ ngẩn lòng người, được bao tay chơi khắp Nam kỳ lục tỉnh, Nam Vang, Băng Cốc săn đón như Hắc công tử (Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy), Bạch công tử (Lê Công Phước),… cung phụng tiền bạc, hột xoàn không tiếc tay. Tư Nhị (Ngọc Trinh), là cô gái mang hai dòng máu Việt - Khơ Me, sở hữu nhan sắc phóng khoáng và gợi cảm. Có xuất thân nghèo khó giống nhau, cặp đôi tìm được sự đồng cảm, Ba Trà đồng ý để Tư Nhị về ở cùng, dìu dắt cô trở thành cô gái hạng sang, thông thạo mọi món quyến rũ đàn ông, để rồi có mặt trong mọi cuộc chơi của giới thượng lưu Sài Gòn. Không lâu sau đó, Tư Nhị tự mãn với nhan sắc và vị thế bản thân, lao vào các cuộc chơi như một con thiêu thân và muốn cướp ngôi vị số 1 của ân nhân từng cưu mang mình. Từ đây, những đấu đá giữa hai mỹ nhân nổ ra, kéo theo bao âm mưu khủng khiếp, những giằng xé nội tâm và sau đó là đoạn kết không ai ngờ cho hai người con gái từng được mệnh danh đẹp nhất Sài thành.

Ngoài ra bộ phim này có thể sẽ tạo “trend” cho thời trang khuynh hướng vintage đậm phong cách đầu thế kỷ 20. Trong phim nhà thiết kế Đỗ Long đã thiết kế cho 2 mỹ nhân hơn 80 bộ áo, váy và phụ kiện mãn nhãn cho những tín đồ thời trang. Phim còn cầu kỳ mời tới 300 diễn viên quần chúng, trong đó có hơn nửa là diễn viên Tây, cho đúng bối cảnh Nam kỳ, Sài thành hồi đó…

Sau cú “sốc” doanh thu đỉnh của “Bố già”, lần này Trấn Thành quyết định “đơn thân” đạo diễn và vào một vai phụ trong phim “Nhà bà Nữ” với hy vọng lặp lại kỷ lục doanh thu phòng vé. Phim vẫn theo chủ đề gia đình, xoay quanh tình thân, những xung đột bên trong gia đình bà Ngọc Nữ - chủ quán bánh canh cua nức tiếng Sài Gòn. Thoạt nhìn, cứ tưởng đây là một gia đình kiểu mẫu hạnh phúc như bao người nhưng vẫn tồn tại đâu đó sự u ám kỳ dị. Ngọc Như (Khả Như) khoe nhan sắc xinh đẹp khi diện áo cô dâu lộng lẫy, sánh đôi cùng chú rể Phú Nhuận (Trấn Thành). Cả hai đều rạng ngời hạnh phúc đúng chuẩn tân nương, tân lang. Bà Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu) cùng Ngọc Nhi (Uyển Ân) cũng nở nụ cười tươi như hoa.

Hôn sự của Phú Nhuận dường như làm đẹp lòng mọi người, chỉ trừ mỗi bà Ngọc Nữ (Lê Giang). Bởi trong khi ai cũng vui cười hết cỡ thì Ngọc Nữ lại giữ vẻ mặt lạnh lùng. Nhưng chẳng lâu sau đó, “bà cô” này lại nở một nụ cười siêu lạ, nửa tếu táo, nửa gượng ép. Tính cách và suy nghĩ của người phụ nữ này dường như vô cùng khó đoán. Kịch tính càng dâng cao khi trên khung tranh bỗng xuất hiện dòng chữ: “Gia đình nào cũng có bí mật...”. Phim còn hội tụ nhiều tên tuổi diễn viên nổi bật của showbiz Việt như: Song Luân, NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, Ngân Quỳnh, Lê Dương Bảo Lâm, Quỳnh Lý, Phương Lan…

“Siêu lừa gặp Siêu lầy”, nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc, được cho là phim “lầy lội” nhất trong mùa phim Tết 2023, một phim “thuần Việt” của đạo diễn chuyên remake (làm lại phim dựa trên một kịch bản ra đời trước đó) Võ Thanh Hòa hy vọng tạo “nhiệt” các phòng vé. Phong cách hài hước với nhịp phim nhanh, những cú lật bàn chớp nhoáng, khác biệt hoàn toàn với các dự án khai thác đề tài lừa đảo. Theo chân của Khoa (Mạc Văn Khoa) - tên lừa đảo tầm cỡ “quốc nội” đến đảo ngọc Phú Quốc với mong muốn đổi đời. Tại đây, Khoa gặp Tú (Anh Tú) - tay lừa đảo “hàng real” và cùng Tú thực hiện các phi vụ từ nhỏ đến lớn. Cứ ngỡ sự ranh mãnh của Tú và sự may mắn trời cho của Khoa sẽ giúp họ trở thành bộ đôi bất khả chiến bại, nào ngờ lại đối mặt với nhiều tình huống dở khóc, dở cười, nhất là khi băng nhóm của bộ đôi nhanh chóng mở rộng vì sự góp mặt của ông Năm (Trung Lùn) và bé Mã Lai (Ngọc Phước).

Phim tập trung vào những mánh khóe kết hợp những chiêu trò gây rối đậm chất hài hước. Đó có thể là những lời đường mật và nụ cười sát thương mọi trái tim của Tú, vẻ điển trai của Khoa, trở thành vũ khí lợi hại để khiến con mồi mất cảnh giác, dễ dàng chiếm trọn trái tim của nhà thiết kế Thái (Đại Nghĩa) hay phô diễn nụ cười vạn người mê trước Thu Cúc (Lâm Vỹ Dạ). Đó có thể là sự ranh ma đầy duyên dáng của bé Mã Lai, kỹ năng “thả thính” siêu đỉnh với câu nói “yếu tiếng Trung” và khiến con mồi rung rinh ngay lập tức. Hay sự nhanh nhạy của chú Năm, tay lái xe chuyên nghiệp, giữ vai trò người vận chuyển và đánh lạc hướng những nhân vật xung quanh mục tiêu. Có thể nói là phim hài đến tận nóc, lầy đến tận cùng dành cho những khán giả đang tìm kiếm món ăn giải trí đầy sảng khoái với phong cách hiện đại, trẻ trung vào mùa Tết này.

Phim còn có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Mỹ Duyên, Cát Tường, Hứa Minh Ðạt, Kiều Trinh Xíu...

Bao giờ phim Tết hết phim hài?

Thị trường phim Tết trên tất cả nền tảng đang sôi động vì số lượng phim được sản xuất trong năm 2022 cũng nhiều hơn so với các năm 2020, 2021, đặc biệt vào những tháng cuối năm, nhưng cũng chính vì thế mà chất lượng phim cũng theo đó mà giảm đi nhiều. Từ trước nay, điểm khiến phim Việt mùa Tết bị đánh giá thấp chủ yếu là mặt nội dung, phần lớn tác phẩm không mang lại nhiều sự mới mẻ cho người xem. Ý tưởng cũ kỹ, mắc nhiều lỗi về lời thoại, tình tiết lẫn cách xây dựng nhân vật. Phim điện ảnh nhưng chất sân khấu rất đậm đặc, nhất là ở các phim hài, đôi khi xem phim mà như xem game show tấu hài.

Việt Nam là một dân tộc có quá nhiều thăng trầm, nên tiếng cười đầu năm như là chỉ dấu cho hạnh phúc, và trong một thống kê bỏ túi của các cụm rạp lớn cũng thừa nhận khán giả Việt Nam luôn lựa chọn mua vé xem phim hài nhiều nhất. Đành rằng, ngày Xuân, ngày Tết, rất cần có tiếng cười, như những cảm xúc mang may mắn đầu năm, giã từ những buồn khổ năm cũ, tuy vậy nếu quá lạm dụng dòng phim này sẽ mang đến nhiều hệ lụy cả về phía người xem và nhà sản xuất.

Có một nỗi lo nhất về nghệ thuật điện ảnh, khi phim hài giải trí, thậm chí có cả hài nhảm, hài thảm họa, luôn chiếm ưu thế, được công chiếu rộng rãi, lâu dần không dám phủ nhận, nó sẽ thành cái đúng, cái hay. Ví dụ những phim hài khai thác đề tài văn hóa làng, thay vì nói cái hay cái đẹp, những tinh hoa được chắt lọc, thì thường các nhà làm phim tạo nên hình ảnh xấu xí, ngốc nghếch, kém cỏi, rồi mang ra bôi bác, dè bỉu, châm chọc…, tạo những tiếng cười lệch lạc, rẻ tiền, lố lăng.

Sau hơn 2 năm đại dịch, thị hiếu của khán giả Việt cũng đã được nâng cấp một cách rõ rệt. Phần lớn sự nâng cấp này đến từ các nền tảng xem phim trực tuyến có thu phí. Rất nhiều bộ phim điện ảnh thế giới làm ra chỉ để phục vụ khán giả trên nền tảng này, đã khiến khán giả Việt mê phim ngoại hơn phim nội. Và đặc biệt khán giả Việt hiện nay đã rất tinh tế, phim hay hoặc dở đều được đánh giá. Họ sẽ quay lưng với những phim cẩu thả, nội dung nhàm chán, tiếng cười nhạt nhẽo, vô vị.

Và tại sao phim Việt mùa Tết cứ là phim hài?.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước