Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
01:43 (GMT +7)

Phim Việt đang dần tan băng

VNTN - Một lần nữa phim điện ảnh Việt lại đối mặt với thách thức hậu COVID-19 lần thứ 2 với nhiều khó khăn kéo khán giả đến rạp. Sau phim “Ròm” thắng bất ngờ trong các phòng vé toàn quốc dù chưa cán mức trăm tỷ nhưng cũng là một khích lệ hâm nóng để các dự án tan băng và chuẩn bị tung ra rạp cuối thu và mùa đông 2020.

Đại dịch COVID-19 gây thảm họa không chỉ với sinh mạng con người khắp toàn cầu, mà riêng với ngành công nghiệp điện ảnh thế giới, đã làm lao đao gần như tuột đáy doanh thu của rất nhiều nhà sản xuất danh tiếng. Riêng với điện ảnh Việt Nam, tính từ tháng 1- 8/2020 chỉ có 14 phim Việt ra rạp, trong khi năm 2019 có 41 phim ra rạp, với tổng doanh thu 1.253 tỷ đồng (theo CJ CGV Việt Nam).

 

Một cảnh trong phim “Tiệc trăng máu-2”

Qua “hậu COVID-19” lần thứ nhất, vài phim “liều” ra rạp, dù khán giả rất nhiệt tình ủng hộ phim Việt, nhưng vẫn khá “lạnh” và “trống” vé các phòng chiếu. Nhiều phim kế hoạch phát hành cuối năm 2020 đã tạm rút khỏi hệ thống phát hành để chuyển sang năm 2021.

Khi “Ròm” là cú hích khởi động lại phim Việt

Như một tia nắng ấm, phim “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy, sau nhiều lần trì hoãn, quyết định ra rạp vào tháng 9/2020 ngay sau dịch bệnh COVID-19 đợt 2 ở Việt Nam chấm dứt. Những thành tích của “Ròm” như “Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất”- Best First Feature, tại LHP Fantasia-2020 ở Montreal, Canada, hay trước đó “Phim hay nhất”- New Current tại LHP Busan, Hàn Quốc năm 2019, và nhiều “cú sốc” khác của phim đã làm nên “chiến thắng” doanh thu tại các phòng vé.

Như một sự kích hoạt, bom tấn kinh dị Việt “Tiệc trăng máu”, dựa trên kịch bản gốc “Perfect Strangers” (2016) của Ý, lập kỷ lục Guinness được làm lại nhiều nhất thế giới với 18 bản, chưa tính bản Việt dựa vào bản Hàn Quốc “Intimate Strangers” (2018), do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh thực hiện đã ra rạp ngày 23/10. Tiếp theo phim kinh dị “Thang máy” của đạo diễn kiêm biên kịch Peter Mourougaya mang dòng máu Việt (sinh tại TP Hồ Chí Minh, cha người Mỹ, mẹ là người Pháp gốc Việt, sinh sống ở Mỹ). Phim được dán nhãn NC18 và chính thức ra rạp trên toàn quốc vào ngày 30/10/2020 ngay dịp Halloween. Phim lấy cảm hứng từ một truyền thuyết đương đại của Hàn Quốc với cái tên “The elevator game”, kết hợp với những sự kiện có thật, đầy bí ẩn xảy ra trong thang máy trên khắp thế giới, thêm các yếu tố của văn hóa Việt Nam, khiến nó trở thành một sự pha trộn độc đáo chưa từng thấy trước đây, tạo nên sự khác biệt so với các bộ phim nước ngoài.

Sau thời gian trì hoãn do dịch COVID-19, phim “Sài Gòn trong cơn mưa” cũng chính thức chọn ngày ra rạp vào 6/11. Một phim tình cảm lãng mạn hiếm hoi về những cơn mưa Sài Gòn của điện ảnh Việt, những cơn mưa không còn tồn tại, thay vào đó là không gian, thời gian sáng bừng hạnh phúc, của những ánh nhìn, những nụ cười, hai con người xa lạ đã gặp nhau, bước vào đời nhau, Sài Gòn vô tình trở thành thế giới riêng của họ. Hình ảnh trong teaser poster mới nhất của phim mở đầu bằng những giai điệu ghita mộc mạc hòa vào không khí mưa của Sài Gòn, rồi tiếng nhạc bỗng lạc nhịp như chút vụng về, bẽn lẽn của tình yêu đầu, là những khoảnh khắc tình yêu lãng mạn và bay bổng, là những nụ hôn bất ngờ, những cái ôm thật chặt, những đôi chân sóng bước bên nhau, những khoảnh khắc gần gũi nồng nhiệt và cháy bỏng... chắc chắn sẽ làm trái tim khán giả thổn thức theo.

Cũng cân nhắc sau nhiều do dự, nhà sản xuất Tien Production đã quyết định đưa phim đề tài “tiểu tam”- “Chồng người ta” trở lại rạp vào ngày 4/12/2020. Phim thuộc thể loại tình cảm tâm lý gia đình có yếu tố LGBT, nhưng không dùng yếu tố này để câu khách. “Trái tim quái vật” của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp và Wepro Entertainment cũng dự định ra rạp đầu tháng 12, là một phim đậm chất thriller - ly kỳ, kinh dị bí ẩn, hình sự tội phạm và cả tâm lý gia đình, kể về một vụ án mạng trong một khu chung cư cũ chờ giải tỏa. Một người mẹ đơn thân với khao khát được sống và làm ăn lương thiện nhưng không may vướng vào vòng xoáy tội ác. Câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi phát hiện hàng loạt vụ án mạng khác cùng sự xuất hiện nhiều nhân vật bí ẩn.

“Chị Mười Ba - Ba ngày sinh tử”, lỡ hẹn từ đợt 1 COVID-19, nhưng theo như chia sẻ trên fanpage, phim sẽ chính thức ra rạp vào ngày 18/12/2020, nhập đường đua phim cuối năm thay vì định công chiếu vào dịp Tết Nguyên Đán. Vẫn khai thác đề tài giang hồ chứa đựng nội dung “gai góc” hơn cả phần 1 với những pha rượt đuổi, đánh đấm chân thật, “Chị Mười Ba” phải trải qua hành trình khó khăn và thử thách vượt qua “3 ngày sinh tử” để bảo vệ những người anh em vào sống ra chết với mình. Và một dự án phim vừa họp báo trực tuyến để công bố chiếu dịp Giáng sinh 2020, phim “Người cần quên phải nhớ” của nhà sản xuất Charlie Nguyễn, đạo diễn Đức Thịnh, một phim tình cảm hài, hành động đánh dấu lần đầu tiên sự hợp tác giữa hai “nhà làm phim trăm tỷ”. Phim dự kiến ra rạp ngày 25/12, là phim Việt hiếm hoi trong dịp Giáng sinh.

Khoảng 2 tháng nữa là hết năm 2020, còn vài dự án phim có được nhà sản xuất quyết định ra rạp vào dịp này không như: “Nữ danh ca” do vợ chồng nhà sản xuất Thanh Thúy - đạo diễn Đức Thịnh công bố, thể loại trinh thám. Phim dự kiến ra rạp vào cuối năm 2020. Và trông đợi nhất có lẽ là phim của nhà sản xuất, “đả nữ” Ngô Thanh Vân khi tung poster “Thanh Sói”. Trong poster thấy nhân vật Thanh Sói có đôi vai vạm vỡ, đầu tóc đỏ xoăn, ngắn, trên vai, trên cánh tay trái nhân vật đầy hình xăm trổ, một Thanh Sói không đơn giản, không hề thua người đàn ông nào, cây kiếm Thanh Sói cầm cũng gây sự tò mò. Được biết êkip đã mất gần 1 năm để hoàn thiện kịch bản trước khi khởi quay vào giữa năm nay. Dàn diễn viên góp mặt trong phim “Thanh Sói” được nhà sản xuất quyết giữ bí mật đến phút chót. Dự kiến giới thiệu đến khán giả Việt vào cuối năm 2020.

Và những dự án “khủng” năm 2021

Nhà sản xuất Lý Hải với “Lật mặt 5: 48H” từ cuối năm 2019, dự định phát hành 30/4/2020, nhưng phải tạm ngưng và dự kiến cho ra mắt vào mùng 1 Tết Tân Sửu 2021. Trở lại với thể loại phim hài hành động, lấy bối cảnh miền Tây sông nước, gia đình Mạc Văn Khoa đón một gia đình vị khách từ phương xa tới và nhanh chóng nhận ra đây là cuộc trốn chạy sự truy lùng gắt gao của một băng nhóm xã hội đen, bất đắc dĩ, mọi người phải gia nhập vào cuộc truy đuổi đầy nguy hiểm…

“Em & Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vừa bấm máy vào tháng 5/2020. Dự định ra mắt khán giả vào ngày 1/4/2021, đúng vào kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phim sẽ làm khán giả sống lại những năm 70 - 80 thế kỷ trước bằng các cảnh quay khá chân thực, với mối tình của chàng nhạc sĩ trẻ họ Trịnh và một cô gái người Nhật. Trong đó, là những ngày tháng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ và cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái gốc Nhật tên M. sẽ giúp cho khán giả hiểu hơn về cuộc đời của ông.

 

Poster tạo hình “Thanh Sói”, đặt lịch ra rạp Tết 2021

Phim “Kiều” dựa vào Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du cũng là một trông đợi của khán giả yêu Truyện Kiều và thích phim cổ trang Việt với 70% bối cảnh được quay ở Huế. Đây cũng là dự án gây “nóng” vì là phim điện ảnh đầu tiên về Truyện Kiều (khi các loại hình nghệ thật sân khấu, múa, âm nhạc, hội họa… đã khai thác rất nhiều). Dự án phim hứa hẹn ghi dấu ấn của nhà sản xuất Mai Thu Huyền, cùng công ty Tincom Media.

"578: Phát đạn của kẻ điên" với kinh phí khủng lên đến 60 tỷ đồng, một phim “bom tấn” điện ảnh Việt vào thời điểm này. Phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Lương Đình Dũng, phim là một câu chuyện lớn và khá phức tạp, có đề tài xâm hại tình dục trẻ em, xoay quanh cuộc hành trình đi tìm công lý cho con gái của người cha. Bối cảnh cũng được đầu tư chi tiết và công phu như dùng đến hàng chục chiếc xe container, trực thăng, cảnh cháy nổ với sự tham gia của 600 diễn viên... Phim sẽ có sự tham gia của các nhà làm phim đến từ Hollywood, trong đó có đạo diễn hành động Alain Figlarz.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng công bố tiếp 2 dự án phim bấm máy vào đầu năm 2021 và phát hành vào cuối năm 2021 đầu năm 2022. Dự án thứ nhất “Ma đói: Mật mã 45”- (Hunger: The code 45), thuộc thể loại kinh dị, phim có bối cảnh quay trải dài từ Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái đến Huế. Dự án thứ 2 “Những cô gái vô chủ”, được chuyển thể từ tiểu thuyết hành động nổi tiếng (sắp tái bản lần thứ 3) cũng do chính đạo diễn Lương Đình Dũng viết, xoay quanh 5 nhân vật, 5 cô gái giang hồ, mỗi người có một hoàn cảnh, tính cách và số phận khác nhau, cùng sự xuất hiện của hai gã tay chơi. Bối cảnh phim sẽ được quay tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Kạn...

Ngoài ra còn hàng loạt dự án đang ở khâu tiền kỳ, hoặc xong casting, chuẩn bị khai máy. Hy vọng phim Việt tan băng hậu COVID-19, tạo được sự kỳ vọng nơi khán giả yêu thích phim Việt.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước