Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:17 (GMT +7)

Phim truyền hình đang cằn cỗi vì quá… màu mỡ!

VNTN - Hơn 18 năm kể từ khi bộ phim truyền hình dài tập đình đám “Đất phương Nam” do Hãng phim Truyền hình TP.HCM - TFS sản xuất trình chiếu, đến nay số lượng phim truyền hình đã nhiều vô kể. Nhưng chất lượng vẫn là điều đáng bàn, nếu không muốn nói là không mấy khác lên, thậm chí tệ hơn nếu xét số đông.


Gần đây nhất trong giải VTV ấn tượng, bộ phim truyền hình “Tuổi thanh xuân” được vinh danh ở 3 hạng mục. Tuy vậy, phải nhìn nhận thực tế là có một sự xâm lăng văn hóa trong dòng phim Việt, nếu không phải là nam diễn viên chính Kang Tae Oh liệu vai Junsu có đủ sức hấp dẫn, nếu không phải từ điện thoại đến xe ô tô phong cách Hàn Quốc, liệu những bạn trẻ có “cuồng” phim không?

Thừa “lượng” nhưng thiếu “chất”

Hiện nay, trung bình một năm có hàng ngàn tập phim truyền hình do Việt Nam sản xuất phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TP HCM. Đó là chưa kể các kênh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, các đài địa phương có lượng người xem cao. Tuy nhiên, chất lượng phim truyền hình Việt Nam sản xuất thời gian qua không tăng tỉ lệ thuận với số lượng. Đáng kể nhất là phim “made by Vũ Ngọc Đãng” với Bỗng dưng muốn khóc, Vừa đi vừa khóc lấy nước mắt lẫn tiếng cười của khán giả trẻ thì phim truyền hình hiện nay đang chững lại. Có thể nói, lý do để phim truyền hình đạt “hot” chính là vì nó Đẹp - nhờ cảnh quay, câu chuyện nhẹ nhàng, dàn diễn viên…. Công thức phim với những chàng trai, cô gái bị ung thư, những mối tình lỡ làng, hoàn cảnh éo le trong phim Hàn Quốc dần được áp dụng và ít nhiều thành công trong phim Việt.

Diễn viên Nhã Phương trong phim “Tuổi thanh xuân”

Theo một thống kê chưa đầy đủ, khoảng 80% thời lượng phát sóng phim Việt trên hầu hết các đài truyền hình lớn là phim do công ty tư nhân sản xuất theo cơ chế đặt hàng. Có thể điểm mặt các công ty lớn như: Sóng Vàng, M&T Pictures, Lasta, BHD, Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film… Thực tế, nhiều công ty sản xuất phim hiện nay chỉ lo chạy theo số lượng phát sóng theo yêu cầu của các nhà đài đã quá năng lực sản xuất; kinh phí đặt hàng cho mỗi tập phim của các đài chỉ dao động trên dưới 200 triệu đồng/phim, nên việc đầu tư để nâng cao chất lượng là điều khó thực hiện. Đấy là chưa nói đến đội ngũ làm phim, những diễn viên tay ngang, diễn theo mùa vụ… Điều này khiến phim còn nhiều “sạn”, xem thấy rõ sự vội vàng trong mỗi vai diễn, nhà sản xuất chỉ chú ý tổng thể mà ít quan tâm đến chi tiết, phim thiếu sự logic về mặt tâm lý, cảm xúc và hành động. Một câu hỏi đặt ra rằng, có nên lo ngại về chất lượng của phim truyền hình? Đạo diễn  - NSND Khải Hưng cho rằng: “Một đế chế về phim như Mỹ thì một nửa là phim không hay, một nửa là phim loại ba, và phim nào cũng tiêu ít nhất 5 đến 10 triệu đô. Vì vậy việc có nhiều phim không hay chiếu trên truyền hình ở Việt Nam là bình thường, không thể bắt buộc không được chiếu phim không hay, đó là việc không tưởng. Bởi các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì luôn có những sản phẩm không tốt tồn tại cùng sản phẩm tốt. Chúng ta cố gắng làm phim cho sạch, và từ chỗ sạch đến chỗ hay là cả một quá trình. Bởi làm phim là cả một guồng máy, một công nghiệp sản xuất, độ tăng trưởng kinh tế có tăng thì guồng máy đó mới nhịp nhàng được vì nó liên quan đến diễn xuất, máy móc, âm nhạc, hội họa và cả văn học nữa”.

Tuy vậy, công chúng không khỏi “ngán ngẩm” khi trong khung giờ vàng cũng như giờ thường, họ không thể kể hết tên các đầu phim mà phim nào cũng giống nhau, nhiều phim hời hợt cả về nội dung, nghệ thuật, cách diễn xuất và cả bàn tay đạo diễn nữa.

Không tạo ra được ngôi sao.

Có thể nói sự kém hấp dẫn nhất của phim truyền hình giai đoạn gần đây là không tạo nên được những ngôi sao đủ sức làm nóng bất kì bộ phim nào họ tham gia. Trước đây khi các bộ phim có sự tham gia của những gương mặt xinh đẹp như Kiều Thanh, Minh Hằng, Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà…, bộ phim đó chắc chắn thắng lớn về lượng khán giả và doanh thu, chưa nói đến quảng cáo. Nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn thì số lượng phim Việt Nam rất lớn, điểm mặt những bộ phim gần đây nhất như: “Bão qua làng”, “Chỉ có thể là yêu”, “Bánh đúc có xương”, “Chạm tay vào quá khứ”, “Mưa bóng mây”, “Sóng ngầm”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Khi đàn chim trở về” (phần 3), “Khi yêu đừng hỏi vì sao…”. Nhưng người xem kỹ tính một chút sẽ thấy cả diễn viên mới và cũ đều diễn xuất nhàn nhạt, thiếu cảm xúc, tuy họ rất có lợi thế về nhan sắc.

Khuôn mặt đang hot nhất hiện nay là Nhã Phương, với nét ngây thơ, thánh thiện, cô được coi là có sức quyến rũ ngầm giữa chốn showbiz đầy chiêu trò. Thành công trong bộ phim hợp tác với Hàn Quốc “Tuổi thanh xuân” như một sự đo ni đóng giày với cô, tuy nhiên cô khó có thể trở thành ngôi sao vì không có nhiều đất để diễn, ngoài hình dáng một cô gái hiền hậu, cô sẽ khó để tìm cho mình một vai diễn với tính cách mạnh mẽ, thậm chí ghê gớm. Ngoài ra sự tham gia của các người mẫu, diễn viên sân khấu kịch đang làm cho đội ngũ những diễn viên truyền hình phát triển nhanh chóng. Cách đây chỉ mấy năm, chỉ cần phim có sự xuất hiện của Kiều Thanh thì gần như phim đó đảm bảo về khán giả, dù cô không quá ưu thế về sắc đẹp, nhưng Kiều Thanh diễn từ vai chính diện đến vai phản diện đều cá tính, cô chắc chắn không phải là hạt cơm nguội nhàn nhạt. Song gần đây khi trở lại và tham gia một vài vai diễn, nhưng cái tên Kiều Thanh không còn thời kì đỉnh cao, người xem thấy Thanh dường như đang đi lại những bước chân cũ của mình.

Rõ ràng để tạo một gương mặt truyền hình không phải là dễ kể cả khi đó là một người đã nổi tiếng, có thương hiệu riêng. Đạo diễn Khải Hưng than thở: “Đừng nên so sánh phim trước đây với bây giờ. Nếu trước đây làm một bộ phim truyện nhựa, báo Nhân dân có đăng tin hôm nay đoàn làm phim đang quay đến cảnh số bao nhiêu, tại đâu, thì cả nước sẽ nhìn về bộ phim đó (vì nó ít quá). Điện ảnh rất khác truyền hình, một năm truyền hình phát sóng 5000 giờ thì ai đếm xỉa đến”.

Thực tế là “muốn hái quả phải trồng cây”, nhưng các công ty có năng lực sản xuất vài trăm tập phim mỗi năm cũng chỉ biết khai thác đội ngũ sẵn có một cách cạn kiệt mà không nghĩ đến chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận để sử dụng. Vì vậy, giải pháp đặt ra là, không chỉ tổ chức đào tạo chuyên nghiệp trong nước bằng hình thức học viện của hãng như các hãng phim Hàn Quốc đã làm mà còn phải đưa người đi đào tạo ở nước ngoài thì mới mong có đội ngũ làm phim như mong muốn.

Chính vì số lượng phim truyền hình sản xuất hiện nay rất lớn như vậy, nên ngôi sao cũng chỉ tính trong thời hạn vài tháng đến một năm, chóng tàn hơn cả mùa lá rụng. Và có thể nói mảnh đất màu mỡ ấy đang dần cằn cỗi vì nhiều lẽ, trong đó lẽ lớn nhất chính vì sự quá màu mỡ.

Kiều Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy