Phim trẻ: sáng tạo hay “có vấn đề”?
VNTN - Khi những phim “Bi, đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”, “Cha, con và…”, “Người truyền giống”… được mời tham dự các Liên hoan phim quốc tế danh giá hay LHP khu vực, có thể xem như đó là thành công của các nhà làm phim trẻ đã “vượt mặt” các “cây đa cây đề”, mang vinh dự và tự hào đến Điện ảnh Việt Nam. Nhưng nếu “xem chậm”, thì liệu phim trẻ có thực sáng tạo, hay chúng đang là một xu hướng thiên về tâm lý, những ẩn ức tình dục bệnh hoạn?
Trong vòng 5 năm trở lại đây, khi những dự án phim của một số đạo diễn trẻ như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp… được các tổ chức tài trợ quốc tế về điện ảnh chú ý thì đã là một dự báo cho những thành công của phim khi hoàn thành. Và không ngoài dự đoán, các phim sau đó đều được mời tham dự, đoạt một số giải, dù chỉ là các giải phụ bên lề, độc lập của những LHP quốc tế danh giá như Cannes - Pháp, Venice - Italia, Toronto - Canada… cũng là thành công, là niềm vui cho các nhà đạo diễn trẻ Việt Nam nói riêng, điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) nói chung. Đặc biệt khi phim “Cha, con và….” của Phan Đăng Di được chính thức tranh giải Gấu Vàng, Gấu Bạc của LHP Berlin lần thứ 65 - tháng 2/2015, thì có thể tin các đạo diễn trẻ VN đang mở ra xu hướng sáng tạo mới để sánh với các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Tuy nhiên, nếu “xem chậm” các phim, sẽ không khỏi “hoang mang”, rằng đó là sáng tạo nghệ thuật hay một xu hướng tâm lý tình dục bệnh hoạn…
Bế tắc có phải là sáng tạo?
Năm 2012, khi phim “Bi, đừng sợ” - Phan Đăng Di được ra rạp chiếu công khai, dán nhãn 16+, và bị cắt bớt khoảng 5 phút những cảnh nóng vì quá dung tục, đã tạo “sóng” trên truyền thông. Bảng thành tích của phim trước khi ra rạp đã “nóng”: kịch bản giành giải Dự án nổi bật châu Á (Asia Outstanding Project) của PPP (Pusan Promotion Plan) tại LHP Quốc tế Pusan tháng 10/2007, được chọn tham dự L'Atelier dành cho các dự án phim độc lập do Quỹ điện ảnh (Cinefondation) của LHP Cannes tổ chức; giành 2 giải thưởng của tuần lễ phê bình tại LHP Cannes 63 (Pháp) năm 2010, giải Special Mention của LHP Vancouver (Canada), giải Phim hay nhất tại LHP Châu Á - Hong Kong , 2 giải phim đầu tay xuất sắc và quay phim xuất sắc ở LHP Quốc tế Stockholm 22 (Thụy Điển), và hàng loạt LHP quốc tế khác mời tham dự… Phim kể câu chuyện xáo trộn trong cuộc sống của một gia đình tại Hà Nội trong những ngày hè nóng bức với hình ảnh viên đá lạnh xuyên suốt trong bộ phim. Những câu chuyện thường nhật trong các mối quan hệ gia đình ông - cháu, cha - con, vợ - chồng… trong phim tạo nên những câu chuyện nhỏ, ám ảnh. Phim là hành trình khám phá những ẩn ức trong mỗi con người cùng những dày vò thuộc về bản năng mà không thoát ra được, không thể thỏa mãn… được quan sát từ đôi mắt và tư duy của một đứa trẻ lên 6 tuổi tên Bi. Và chính vì thế, không có một điều gì để lạc quan, ngoài một câu trấn an “Bi, đừng sợ”!
Một cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”
“Đập cánh giữa không trung” - Nguyễn Hoàng Điệp, với tần suất dày đặc xuất hiện trên truyền thông năm 2014 sau khi phim tham dự LHP Venice - Italia nhận giải “Phim hay nhất” thuộc Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải FEDEORA (Federation of Film Critics of Europe and the Mediterranean) trao. Phim được mời tham dự LHP Toronto 39 - Canada, tại hạng mục “Khám phá”, LHP Busan - Hàn Quốc 19, tham gia “Cửa sổ châu Á”. Trước đó, phim cũng được nhận tài trợ của nhiều quỹ điện ảnh danh tiếng: World Cinema Fund (LHP Berlin, Đức), World Cinema Support (LHP Cannes, Pháp), Sorfund (Na Uy) - quỹ điện ảnh lớn nhất Bắc Âu, Fonds Francophone de production audiovisuelle du Sud (Pháp) và CDEF (Đại sứ quán Đan Mạch tại VN)…. “Đập cánh giữa không trung” là một lát cắt xã hội Việt Nam đương đại, là câu chuyện về giới trẻ với lối “sống thử”. Cô gái có thai và muốn phá bỏ, cậu bạn trai thì đam mê cá cược đá gà và khá thờ ơ với cô gái. Rồi cô gái bám víu vào người bạn chuyển giới, để bạn dẫn cô bán dâm cho một người đàn ông lớn tuổi trong mối quan hệ khác thường… Cuối cùng thì tất cả các nhân vật bay lên không được mà đỗ xuống không xong với những những rắc rối tâm lý, tình cảm của bản thân.
Phim “Người truyền giống” - Bùi Kim Quy. Đây là phim gây tranh cãi khá nhiều trong Hội đồng thẩm định phim quốc gia bởi không chỉ những cảnh “nóng” mà còn là nội dung phim có nhiều điều tế nhị về truyền nòi giống (của người dân tộc thiểu số) không phù hợp với đạo đức truyền thống của đại đa số người Việt. Nhưng phim lại được LHP Busan 19 - Hàn Quốc tuyển chọn trong hạng mục “Một cửa sổ điện ảnh châu Á” (A window on Asian cinema). Phim là câu chuyện về ba con người biệt lập với xã hội. Người cha bị bệnh hiểm nghèo đang chuẩn bị tự tử, đứa con trai đến tuổi trưởng thành bị thiểu năng cần có người đàn bà ở bên cạnh chăm sóc, quan trọng hơn là để làm nhiệm vụ “nối dõi tông đường”, và cô con gái khi được chọn làm “người truyền giống” với lời thề độc trung thành với cha con họ… Ba nhân vật ở ba trạng thái tâm lý khắc nghiệt, để rồi không cần biết cái gì thật sự chờ đợi họ ở tương lai nếu ra ngoài hòa nhập cuộc sống xã hội…
Và gần nhất, như một chấn động đối với ĐAVN, là khi phim “Cha, con và….” - Phan Đăng Di, phim VN đầu tiên tham gia tranh giải chính thức Gấu Vàng và Gấu Bạc của một trong ba LHP lớn nhất thế giới, LHP Quốc tế Berlin (Đức) lần thứ 65/ 2.2015. Khi phim mới là dự án đã là một trong bốn dự án quốc tế được Quỹ Điện ảnh thế giới Berlinale WCF (World Cinema Fund - trực thuộc LHP Quốc tế Berlin) tài trợ kinh phí sản xuất, ngoài ra còn nhận thêm sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Hubert Bals Fund - LHP quốc tế Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển văn hóa VN (A&C).... Phim lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 2000 ở Sài Gòn, khai thác từ một câu chuyện có thật từng được báo chí trong nước đăng tải gần 20 năm trước, nói về một nhóm bạn trẻ giả giấy tờ và thực hiện việc thắt ống dẫn tinh để đổi lấy tiền thưởng… Chuyện phim kể về một chàng sinh viên ngành nhiếp ảnh lên thành phố ở trọ, bắt đầu khám phá cuộc sống xung quanh mình, bị cuốn hút bởi người bạn cùng phòng điển trai là một tay chơi thường xuyên dính líu tới ma túy, cờ bạc và mại dâm ở Sài Gòn, rồi quan hệ với một vũ nữ tại hộp đêm và cả ba bước vào một mối quan hệ kỳ lạ đầy ẩn ức khá phức tạp, để rồi muốn vùng vẫy thoát ra trong tuyệt vọng….
Phải chăng những bế tắc tâm lý, những ẩn ức cuộc sống mà họ thể hiện trong phim, những vấn đề mà ĐAVN - những “cây đa cây đề” hay các thế hệ đàn anh trước đều không “chạm” vào, hay ngó lơ, và họ, những người làm phim trẻ mạnh dạn “chơi”, khai thác như đó là sự sáng tạo?
Tâm lý tình dục bệnh hoạn hay cái “tôi” của đạo diễn…
Phim của các đạo diễn trẻ rất khác nhau về câu chuyện, nhưng họ có một điểm chung là tâm lý tình dục của nhân vật trong phim đều rất khác biệt, và ở khía cạnh nào đó có sự bệnh hoạn so với đại đa số theo quan niệm truyền thống.
Trong phim “Bi, đừng sợ”, những cảnh nóng luôn gây tranh cãi trái chiều bởi sự bạo liệt đến trần trụi. Một số cho rằng đó là sáng tạo, đã khai thác sâu vào bản năng gốc của đàn ông - đàn bà. Một số khác thì cho đó là bệnh hoạn, bởi khó chấp nhận cảnh một cô giáo khao khát tình dục đến bất chấp cảnh quan môi trường và đối tác, có thể “hùng hục” ở cả bãi đá giữa thanh thiên bạch nhật. Hay một ông lão bệnh hoạn gần đất xa trời vẫn run run cảm xúc khi cô con dâu xoa xoa nắn nắn gần những nơi nhạy cảm… Ở phim “Đập cánh giữa không trung” thì sở thích tình dục của một “tay chơi” rất quái đản, thích đàn bà có bầu bởi những ám ảnh thai nhi như một niềm khoái lạc. Hay ở phim “Cha, con và…” thì những quan hệ đồng tính và khác giới cứ luôn đan xen nhau trong thú vui thân xác giữa hai đứa con trai mới lớn với cô vũ nữ già dặn để khám phá thiên hướng tình dục của nhau. Và trong “Người truyền giống” thì tình dục ở đây không phải mang tính lạc thú mà chỉ là bản năng, với những cảnh “thị phạm” làm tình của người cha với cô gái để thằng con thiểu năng học theo…
Không biết có phải đó là “chiêu” để các đạo diễn trẻ dẫn dụ công chúng xem phim của mình, một hình thức câu view bằng những cảnh “nóng” khác lạ? Hay phim là nơi để đạo diễn “xả” những ẩn ức của mình và sắp đặt cho nhân vật ở những tình huống phức tạp, bệnh hoạn như thế? Thêm nữa, phải chăng các nhà đạo diễn trẻ cố tình tạo sự khác biệt có phần bệnh hoạn trong tâm lý tình dục như thế để gây chú ý với các LHP quốc tế, các nhà tài trợ làm phim quốc tế, bởi với họ phương Đông là bí ẩn, Việt Nam còn bí ẩn hơn nhiều và họ muốn khám phá qua phim của những người trẻ góc bí ẩn đó?
Có nên khuyến khích các nhà làm phim trẻ tiếp tục khai thác các đề tài đương đại như vậy và xem đó là sáng tạo, đổi mới? Liệu làm phim theo xu hướng này, cho dù có đoạt giải LHP quốc tế danh tiếng, thì có phản ánh đúng nền ĐAVN khi bước vào tuổi thứ 62?
Hoài Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...