Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
00:54 (GMT +7)

Phim online ngoại truyện – được và mất

VNTN - Khi cư dân mạng đang ồn ào với “Người phán xử” ngoại truyện có độ dài 4 tập, online từ ngày 20/5/2018 với những tình tiết khá bạo lực, nóng bỏng cùng ngôn ngữ cực kỳ kích động, thì đó như sự mở đầu cho một trào lưu làm phim “ngoại truyện” hay “tiền truyện” từ những phim ăn khách trên truyền hình VTV. Nhưng dù chỉ là mới bắt đầu, nhưng xem ra “ngoại truyện” có phần đi quá xa, vui quá hóa nhảm, thậm chí phản cảm.


“Ngoại truyện”, “tiền truyện”, hay “hậu truyện” không phải là chuyện gì mới trong phim truyền hình và phim điện ảnh thế giới. Hollywood đã từng có những siêu phẩm điện ảnh “ăn theo” phim đầu tiên ăn khách, hay phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc cũng thường có những phần “ngoại truyện” như một cách PR cho phim chính hay chiều lòng khán giả muốn thỏa mãn những tò mò về “thân phận” hay “nhân thân” các nhân vật của phim.

Ở Việt Nam, “ngoại truyện” trước giờ chỉ là lẻ tẻ vài clip hậu trường khi phim đang trên phim trường nhằm mục đích PR là chính, hay một vài clip cắt ra từ phim mà không có trong bản chiếu rạp, chỉ như tạo “không khí” cho phim. Nhưng từ năm 2016, “ngoại truyện”, “tiền truyện”, “hậu truyện” của phim truyền hình Việt manh nha rồi dần như một trào lưu gây sốt cộng đồng mạng…

Một cảnh trong phim ngoại truyện “Phía trước là bầu trời”

Khi “ngoại truyện” không phải là phần 2

Ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood cũng có phần tiếp theo “ngoại truyện” với các siêu phẩm như "Người nhện", "Người sắt", "Star Wars”- Cuộc chiến giữa các vì sao, "Fast and Furious", "Avengers"... là những ví dụ điển hình. Siêu phẩm “Star Wars”, sau phần 1,2,3 quá ăn khách, trong khoảng thời gian trống khá dài tồn tại giữa bối cảnh bộ ba phim gốc, thì tiền truyện, và các phần phim mới trở thành “mỏ vàng” để Disney và Lucasfilm khai thác, mở rộng vũ trụ “Star Wars”... “Rogue One: A Star Wars Story”- 2016 là câu chuyện ngoài lề làm rõ thêm nguồn gốc về bản vẽ thiết kế Death Star bị đánh cắp, yếu tố đóng vai trò quan trọng mở màn cho tập “Star Wars” đầu tiên. Ba nhân vật chính, nguồn gốc của Luke và Leia (cùng người cha tàn ác Anakin Skywalker/ Darth Vader) được nhắc đến qua ba tập phim “tiền truyện”, chỉ còn Han Solo, gã buôn lậu và là chủ nhân con tàu không gian Millennium Falcon là mơ hồ dẫn tới “Solo: A Star Wars Story”- 2018 ra đời.

Toàn cầu trong đó có Việt Nam năm 2016 - 2017 cũng từng “sôi” lên khi phần “tiền truyện” của KingKong được thực hiện, và quê hương của Kong là một miền đất huyền thoại lấy bối cảnh ở Việt Nam. Trước đó khán giả phim chỉ biết Kong khi đột nhiên nó xuất hiện ở Mỹ, làm mưa làm gió lật nhào, náo loạn cả thế giới bởi sự khổng lồ và cơn giận dữ của nó.

Ở Trung Quốc, phim “Tây Du ký” bản phim truyền hình 47 tập năm 1982 khá thành công, sau 25 năm đã có những “tiền truyện” ra đời như: “Ngô Thừa Ân và Tây Du ký”, nói về tác giả và những nhân vật trong truyện; hay năm 2000 có phim “Hậu Tây Du ký”, nói về những câu chuyện của tam giới sau khi Đường Tăng đã lấy được chân kinh và về tới Đại Đường. Cả bốn thầy trò Đường Tăng đều thành chính quả, nhưng Như Lai Phật Tổ viên tịch, đại ma đầu là Vô Thiên lợi dụng cơ hội này muốn thống trị tam giới khiến tam giới bị đe dọa bởi vòng vây ma quỷ…

Ở Việt Nam, ba năm gần đây, việc làm phim nối tiếp phần đầu nổi tiếng được xem là trào lưu của phim Việt. Có thể kể đến phần hai của những bộ phim Việt như "Những ngọn nến trong đêm", "Hoa cỏ may", "Tuổi thanh xuân", "Để mai tính", "Lật mặt", "Cô dâu đại chiến", “Scandal”... Những “hậu truyện” một số phim truyền hình hay điện ảnh ăn khách lúc đầu chỉ là một sự “nối dài” phim ở thời hiện tại, hay nhân vật sẽ “sống” ra sao sau cái kết của phim phần trước.

Có lẽ từ năm 2017, khi “Chí Phèo ngoại truyện”, sản xuất bởi Yeah1 CMG cùng Kim Mã, Nghiệp Thắng, Poseidon, ACC, phát hành bởi CJ CGV Việt Nam chính thức công chiếu online từ ngày 15/9/2017, chiếu sneak-show vào 14/9/2017 với một câu chuyện hoàn toàn khác với gốc của bối cảnh, vẫn là ba nhân vật Thị Nở, Chí Phèo, Bá Kiến, nhưng là một câu chuyện hiện đại, câu chuyện trinh thám hài hước, được cư dân mạng “like” (thích), “view” (xem) đến chóng mặt, thì bắt đầu manh nha cuộc chơi “ngoại truyện” của phim Việt online .

Bất ngờ rộ lên là khi hai phim đình đám của VTV là “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng” kết thúc, các Fan “thòm thèm” muốn biết số phận sau đó, hay trước đó các nhân vật ra làm sao, muốn biết thế giới ngầm “đen” tới mức nào… Thế rồi “ngoại truyện” của “Người phàn xử” kết hợp “Sống chung với mẹ chồng” online, làm nóng công chúng với những scene (cảnh) hài cười “không ngậm được miệng”.

Cảnh trong phim “Người phán xử” tiền truyện

Không như đồn đoán ban đầu “Người phán xử” có phần 2, mà chỉ là “ngoại truyện” với những câu chuyện “tiền truyện” của tập đoàn Phan Thị, gồm 4 tập được VFC- Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam thực hiện. Với 20 phút/tập, hầu hết các nhân vật chính trong "Người phán xử" đều xuất hiện khi mới bước chân vào giới giang hồ: Ông trùm Phan Quân thâm sâu khó lường, Lương Bổng lạnh lùng, mưu trí, Phan Hải “khùng” nhưng “đáng yêu”, Hùng Cá Rô trở lại, anh em Tuấn Tú chưa làm phản… Ông trùm và Phan Thị phải đối đầu với một đối thủ khó chịu, kẻ thù thông minh nhất…

Sau 17 năm ra mắt khán giả truyền hình, bỗng một ngày tháng 4/2018, bộ phim “Phía trước là bầu trời” như được “hồi sinh” trên mạng Youtube, tạo làn sóng ái mộ lên hàng triệu lượt xem. Nhiều bình luận đều muốn biết tương lai nhân vật, diễn viên sau 17 năm họ thế nào… Hàng loạt bài báo về 17 năm sau của diễn viên như chưa thỏa mãn. Để đáp ứng độ cuồng nhiệt của khán giả sau 17 năm, phiên bản cross- over (pha trộn) kết hợp giữa bộ phim này với "Người phán xử" và "Cả một đời ân oán" mang tên “Phía trước là cả một đời phán xử” được nhanh chóng thực hiện và online ngày 11/5/2018 với độ dài 9 phút. Chuyện phim bắt đầu bằng sự kiện phát hành cuốn cẩm nang “thả thính và Thảo mai” của cô Nguyệt "thảo mai"... Khi cuộc hội ngộ năm nào trở nên hỗn loạn, xô xát, người phán xử Phan Quân đã có mặt đúng lúc…

Nhưng đây chỉ là “ngoại truyện” online, dùng để “câu” cho một dự án có thể là phần “ngoại truyện” chính thức của phim xoay quanh số phận các nhân vật chính sau 17 năm. Phim sẽ viết tiếp cái kết dang dở mà nhiều khán giả nhận xét là chưa thỏa đáng của 17 năm trước. Hiện phía sản xuất đang liên hệ với dàn diễn viên phụ khác. Hầu như các diễn viên cũ sẽ đảm nhận vai của chính họ trong phim…

Được và mất khi làm phim “ngoại truyện” online

Việc làm phim “ăn theo” mang đến nhiều mối lợi cho nhà sản xuất. Bởi họ không phải quá nhọc công viết kịch bản mới mà chỉ triển khai tiếp câu chuyện dựa trên cái có sẵn. Không chỉ riêng Việt Nam, đây là xu hướng chủ đạo làm mưa làm gió các rạp của điện ảnh thế giới khi các ý tưởng kịch bản mới mẻ, đột phá dường như đang dần cạn kiệt, không đáp ứng được lượng phim ồ ạt ra đời mỗi năm. Sự nổi tiếng sẵn có của tác phẩm gốc khiến cho phim ăn theo được chú ý mà không tốn nhiều công PR, quảng bá. Dễ dàng nhận thấy, ngay từ khi mới manh nha ý tưởng, các phim “ăn theo” đã được công chúng háo hức, tò mò muốn biết câu chuyện cũ sẽ được đạo diễn tiếp tục triển khai như thế nào. Đồng thời, cái bóng của tác phẩm gốc cũng là sự bảo chứng để các nhà sản xuất yên tâm dốc tiền đầu tư vào phần hai.

Nếu hiểu một cách sâu xa thì việc thực hiện phần “ngoại truyện” của phim truyền hình Việt cũng là một trong những chiêu thức hữu hiệu quảng bá cho phim truyền hình đang ở giai đoạn yếu thế trước phim điện ảnh như hiện nay. Mặc dù phần ngoại truyện của các phim có mối liên quan nhiều hay ít đến kịch bản chính thì chúng vẫn có sức hút rất lớn với khán giả, cũng là chiêu thức của các nhà sản xuất trong việc quảng bá tiếp cho bộ phim của mình nói riêng và thể loại phim truyền hình Việt nói chung.

Nhưng có lẽ cái được không nhiều đứng về mặt giáo dục thẩm mỹ hay hành vi. Vì không được chiếu trên truyền hình nên phần “tiền truyện” hay “ngoại truyện” của các phim này gần như tự do, phóng túng, theo cách đạo diễn muốn, thậm chí có những ý tưởng không được thực hiện ở phim chiếu trên truyền hình vì khâu kiểm duyệt, thì trong phim “ngoại truyện” này tung ra nhiều chi tiết táo bạo hơn cũng là điều dễ hiểu. Như trong phim “Người phán xử” ngoại truyện (hay tiền truyện), bản thân đạo diễn Khải Anh cũng cho biết anh muốn đẩy mạnh sự bạo lực và cảnh nóng trong phần phim mới này. Không chỉ là các động từ mạnh liên quan đến chém giết như ở phiên bản cũ, ở “ngoại truyện”, các nhân vật cứ vài câu lại có một câu văng những từ ngữ rất tục, rất bẩn,… Hay những cảnh tra tấn rất man rợ, nhiều cảnh chĩa súng vào đầu nhau, cảnh đấm đá chém giết thì vô số. Cảnh nóng của phim do không bị kiểm soát, rất thô thiển, thậm chí rất “lầy”. Trong “ngoại truyện” “Phía trước là cả một đời phán xử”, việc các cô gái nhân vật chính của “Phía trước là bầu trời” gặp gỡ các nhân vật nam của “Cả một đời ân oán” và “Người phán xử”, rồi yêu nhau lung tung, người nọ yêu người yêu của người kia, tranh giành tình cảm với nhau, ghen tuông nhau dẫn đến đe dọa giết nhau… Các cô gái thì chua ngoa đanh đá, phát ngôn những câu khá “rùng rợn”…

Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, những hình ảnh của phim khi online là không có sự kiểm soát đối tượng xem, cho dù có cảnh báo, nếu để các em thiếu niên, chưa đủ tuổi trưởng thành xem những loại phim này thì sẽ thế nào? Làm loại phim này để làm gì?...

“Ngoại truyện” hay “tiền truyện” hiện thời, dù lấy lý do là tri ân khán giả, là một cách quảng bá cho phim truyền hình Việt…, thì đó chỉ là một lý do nghe cho có vẻ hợp lý. Thực chất là muốn câu view bằng những hình ảnh thỏa mãn thị hiếu thấp kém của một bộ phận khán giả online, bởi xét kỹ thì đây là những phim có kịch bản khá hời hợt, cầu thả, diễn viên dù toàn những người có tên tuổi, thậm chí có cả NSƯT, NSND…, nhưng xem ra họ cũng có phần dễ dãi, tự hạ thấp mình khi chấp nhận vào vai trong phim “ngoại truyện”.

Mua vui cho khán giả, lấy được tiếng cười của khán giả, lấy được cảm tình của khán giả không dễ, nhưng mua vui theo kiểu “ngoại truyện”, “tiền truyện” hay “hậu truyện” từ những gì “Người phán xử”, “Phía trước là cả một đời phán xử”… đang online, thật sự là kiểu câu like của một cách làm phim vô cùng nhạt và nhảm…, không nên khuyến khích.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 1 tháng trước