Phim ngắn trẻ – đa dạng và khác biệt
Phim ngắn là một thể nghiệm để người trẻ có thể thỏa sức với niềm đam mê điện ảnh bởi phương tiện và thiết bị làm phim có thể tối giản. Chỉ cần một chiếc máy ảnh có chức năng quay phim, kèm với một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ có rất nhiều trên hệ thống Internet, một số tiền không quá lớn là có thể cho ra đời một bộ phim có thời lượng từ 3 - 30 phút; và chừng đó thời gian cũng có thể gửi gắm thông điệp của người làm phim đến khán giả, có thể kể câu chuyện của mình qua phim, theo nhiều thể loại khác nhau từ tình cảm, hành động, kinh dị, viễn tưởng, hài, tài liệu… Vì thế, trào lưu làm phim ngắn trong giới trẻ Việt Nam phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu.
Poster phim ngắn Một thành phố khác
Phim ngắn có thật sự thành công?
Đầu năm 2016, một tin vui cho điện ảnh Việt Nam: “Một thành phố khác” của Phạm Ngọc Lân (sinh năm 1986) được chọn tranh giải chính thức ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc nhất của LHP quốc tế Berlin (Đức).
Nhìn ngược lại trong 5 năm qua, “Góc phim ngắn” - Short Film Conner của LHP Cannes 2011, phim “A good day to die” của nhóm Young Media (Dự án 48 Go Green - 48HF - The 48 Hour Film Project); Ở LHP Cannes 2012, có 2 phim ngắn ở Việt Nam được chọn tham dự: phim “Hai, tư, sáu” của Nguyễn Hoàng Điệp và “Canh ba ba” của Tsering Tashi Gyalthang cùng nhóm Yeti - nhóm làm phim độc lập tại TPHCM (đây là Phim hay nhất của dự án Điện ảnh 48 HF năm 2011); Ở LHP Cannes 2013, Trần Dũng Thanh Huy (sinh năm 1990) mang “16:30”, phim đoạt nhiều giải thưởng ở thể loại phim ngắn của Việt Nam. Và LHP Cannes 2014, Việt Nam được chọn “Tôi 30” của Hoàng Trần Minh Đức. “Đóng vào, mở ra...” tham dự Golden Award - LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014... “Ngoài kia có gì” của Nguyễn Diệp Thùy Anh giành giải thưởng Ban giám khảo cho Phim ngắn xuất sắc nhất trong LHP quốc tế - HANIF Hà Nội 2014. Năm 2015, tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc), hai dự án phim VN là “Cha cha cha” của Đỗ Quốc Trung và “Thằng Ròm” của Trần Dũng Thanh Huy được chọn chiếu tại chương trình “Chợ dự án châu Á”. “Tìm Phong” đoạt giải Prix Nanook - một trong năm giải cao nhất LHP dân tộc Jean Rouch 2015 tại Pháp.
Tháng 5/2011, hơn 400 triệu khán giả của kênh truyền hình Discovery trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương được xem 4 bộ phim tài liệu ngắn nói về sự chuyển biến nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa tại Việt Nam: Những chiến binh chống tắc đường (Jam Busters), Rạp chiếu phim di động của ông Long (Mr Long's Travelling Cinema), Thành phố một nghìn năm (City of A Thousand Years) và Câu chuyện cải táng (Digging Up The Dead), là 4 phim tài liệu xuất sắc trong cuộc thi “Lần đầu làm phim với Discovery”- (First Time Filmmakers), do quỹ Ford tài trợ, được tổ chức bởi kênh Discovery châu Á- Thái Bình Dương. Nhưng từ bấy đến nay cũng chỉ có thế, chưa có thêm thành công nào về phim tài liệu ngắn Việt Nam để tạo dấu ấn.
Cuộc chơi phim thú vị, đa dạng và khác biệt
Trong khi phim ngắn là thể loại phim đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới, và được xem như một dòng phim mang tính chuyên nghiệp rất cao, đòi hỏi khả năng - tài năng của người làm phim, thì ở Việt Nam chỉ mới thịnh hành hơn 5 năm trở lại đây như một trào lưu mang tính tự phát phong trào, nghiệp dư và là style “chơi” của giới trẻ nhiều hơn là tính chuyên nghiệp qua các dự án phim ngắn (mà phần lớn cũng do từ nước ngoài đưa vào). So với thế giới, thì phim ngắn của Việt Nam yếu cả về lượng lẫn chất. Phần lớn các phim chưa được đầu tư bài bản, thiếu chuyên nghiệp, làm phim chỉ để trình chiếu trên Youtube với mục tiêu thu hút lượt xem, câu view. Rất ít những phim ngắn hoàn chỉnh mang tính chuyên nghiệp cao cả nội dung và nghệ thuật.
Hình ảnh trong phim “Rạp chiếu phim di động của ông Long”
của đạo diễn Hoàng Mạnh Cường. Ảnh: Discovery.
Phim ngắn Việt chủ yếu là những thể nghiệm mới mẻ mang tính khám phá, khai phá, đôi khi như một sáng tạo độc - lạ của những đạo diễn trẻ - những người mới vào nghề, và cả những người thích nhưng chỉ qua vài khóa ngắn hạn ở các workshop làm phim, học mót chỗ này chỗ kia một ít, thiếu nền tảng. Vì thế phần lớn còn non cả tay nghề lẫn kinh nghiệm, phim làm ra chỉ như dạng bài tập hay rút gọn một phim dài một cách sơ sài, hời hợt. Cũng không thể phủ nhận phim ngắn của đạo diễn trẻ Việt Nam đã có ít nhiều tìm tòi sáng tạo, cho cái nhìn mới về cách làm phim không theo “nề nếp” cũ. Trong một số phim ngắn vượt trội, thấy rõ sự tìm tòi, sáng tạo trong cách biểu hiện, ngôn ngữ điện ảnh được trau chuốt, thể hiện tính chuyên nghiệp khá cao đối với những nhà làm phim trẻ, trong đó có nhiều phim đã chạm được vào trái tim người xem nhờ tính thẩm mỹ và giá trị nhân văn sâu sắc. Ví dụ một số phim đoạt giải Ong Vàng năm 2015 như: “Thiếu” - Lê Hiếu; “Con nhớ mẹ” - Nguyễn Văn Phú; “Bội” - Đoàn Việt Anh, “Cảm xúc” - Hoàng Mạnh Điệp…
Đối tượng hướng đến của phim ngắn là giới trẻ, không chỉ là trẻ ở Việt Nam mà là trẻ toàn cầu nên không khó để nhận thấy, xu hướng chung trong phim ngắn Việt khai thác các đề tài nóng như tình bạn, tình yêu, tình dục đến phong cách sống… ở thì hiện tại. Dù rất nhiều phim mang dấu ấn “câu chuyện cá nhân”, câu chuyện đang xảy ra ở Việt Nam, song có nhiều dị biệt về những góc khuất cuộc sống, đặc biệt là thậm chí có vẻ xa lạ với văn hóa truyền thống người Việt, nhất là những phim nhấn mạnh chủ đề tình yêu - tình dục - giới tính… Nhưng vì nó thể hiện đúng tâm lý giới trẻ đương đại nên rõ ràng có một số ảnh hưởng không nhỏ. Và chính đây cũng là một sự khác biệt, đôi khi trở thành khó hiểu mà phim của đạo diễn các thế hệ trước ở VN không chạm tới được.
Hiện tại, phim ngắn vẫn bị xem là thể loại dễ làm, thu hút đa phần đối tượng nghiệp dư, ít được đào tạo bài bản, số lượng nhiều nhưng chất lượng lại thấp. Hầu hết phim có kịch bản sơ sài, thiết bị tối giản, diễn viên ít chọn lọc, kỹ thuật như âm thanh chủ yếu lồng ghép từ các bài hát có sẵn, hay kỹ xảo là các phần mềm có trên internet…, chỉ trừ các phim nằm trong các dự án (có tính nước ngoài hỗ trợ) thì các phần này khá chuyên nghiệp, nên khiến cho phim ngắn phần nhiều chỉ là video clip, chứ chưa phải là một phim hoàn chỉnh. Và ở một chừng mực nhất định, thì phim ngắn Việt hiện tại vẫn chỉ là một cuộc chơi thú vị, như một xu hướng thời thượng của giới trẻ, cho dù đã có một số thành công nhỏ, một số tên tuổi thành đạt, nhưng so với số phim hàng năm làm ra, ở hiện tại là trên 300 phim cho các dự án, thì “nhân tài” hay tài năng điện ảnh trẻ vẫn là những ẩn số tiềm ẩn ở góc khuất nào đó chưa xuất hiện.
Hiện phim ngắn đều có hạng mục tại tất cả các LHP danh tiếng nhất của thế giới như Cannes, Venice, Toronto, Berlin…, và có hẳn một LHP danh giá cho phim độc lập mà chủ yếu là phim ngắn Sundance - Mỹ. Ở Việt Nam, giải "Cánh diều vàng" - Hội ĐAVN cũng có hạng mục dành cho phim ngắn.
Cho dù tự phát và là cuộc chơi thỏa mãn đam mê, sở thích, những người trẻ tham gia vào sản xuất phim ngắn ngày một nhiều hơn, với sự đa dạng về thể loại cũng như đề tài nội dung. Chất lượng những bộ phim cũng ngày một khá hơn là một tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam. Tại sao không xem phim ngắn là một hạng mục cần được đầu tư cả về phía Nhà nước và ở các Hãng sản xuất phim, xem như một sản phẩm “ngắn” có sức hút để “nuôi” dài? Trong tương lai chính đội ngũ người trẻ làm phim này có thể sẽ định hình lại và làm cho nền điện ảnh trong nước có những bước phát triển theo đúng slogan của ĐAVN: “Hội nhập và phát triển”
Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...