Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
07:20 (GMT +7)

Phía sau sắc thắm cánh đào

Từ những gốc ban đầu có nguồn gốc từ làng đào Nhật Tân của một vài hộ, nay một làng nghề nổi tiếng: "Làng trồng hoa đào Cam Giá" đã được khẳng định thương hiệu tên tuổi, không những ở Thái Nguyên mà còn vang tới nhiều nơi trên cả nước.


Tự ngàn xưa, cùng với những câu đối đỏ, bánh chưng xanh… sắc đào thắm luôn là một thứ hồn cốt không thể thiếu được trong mỗi gia đình, cơ quan mỗi khi Tết đến Xuân về. Tùy theo điều kiện khả năng, gu thẩm mỹ… mà sự hiện hữu của những sắc đào kia, có thể chỉ là vài cành nhỏ cắm trong lọ nhỏ xinh trị giá vài chục ngàn đồng, tới những cây đào thế, giá một vài trăm, những cây đào cổ thụ, giá cho thuê cũng từ vài triệu, thậm chí tới hàng chục triệu đồng/cây mỗi vụ… Tất cả đều được khoác trên mình với đầy đủ những nụ dày, lộc biết và sắc thắm rực rỡ những cánh đào. Đằng sau sắc thắm kia, còn bao nhiêu điều mà chỉ những người trong nghề mới biết, mà thao thức, trăn trở ngày đêm...

Nâng niu từ thuở còn mang lá mầm

Vào làng đào, tùy theo sở thích, khả năng của từng chủ vườn mà trong đó có thể có tất cả các chủng loại, hoặc có thể chỉ mỗi vườn chuyên về một mảng nào đó. Tuy nhiên, thường thì khi khởi đầu, hầu như ai cũng trải qua chu trình là từ những mầm đào được ươm từ hạt, chỉ nhỉnh hơn que tăm, khi trồng xuống miền đất mới vẫn còn lá mầm, người ta gọi là đào mạ.

Có phải vì chúng được ươm từ hạt và được bứng ra trồng lại từng cây, cây ấy cũng chỉ nhỏ như cây mạ mà người ta gọi là đào mạ chăng? Có thể không, mà cũng có thể như thế lắm chứ! Chỉ biết rằng người làng đào hiện chưa ươm được, mà chúng được mua từ các bạn hàng ở các vùng phía bắc chuyển về. Ấy là những cây mà sau này, nếu cứ để chúng phát triển tự nhiên, sẽ bung ra những bông hoa đào, với sắc phai nguyên thủy, năm cánh đơn, thường gọi là đào ăn quả hay đào rừng.

Đào mạ mua về từ miền núi

Một luống đất dành riêng để trồng những cây đào mạ này, qua một năm, những cây đào ấy to cỡ bằng ngón tay. Người ta cắt đi phần ngọn phía trên, chỉ để lại phần gốc khoảng 15 đến 20 cm. Từ phần thân còn lại này, ghép vào đó những mắt mầm mới, với những nụ hoa sau này sẽ nở ra tầng tầng là cánh kép, với các tên Đào Bích, Đào Phai... Công đoạn này thường được tiến hành trước Tết khoảng nửa tới một tháng. Ra Giêng, từ những mắt ghép, vươn lên những chồi mầm mới khỏe khoắn, xanh tươi, ngơ ngác rung rinh trong nắng xuân. Thế là đã có một vườn đào giống, để từ đó cho ra những thế đào mới hoặc bán những gốc cây này cho những người không có điều kiện trồng đào mạ, với giá từ 15 tới 20, 25 ngàn đồng/gốc.

Trong số mầm ghép vươn ra ở những cây đào gốc này, người ta chọn ra những mầm khỏe, uốn tỉa, ghim cố định thành các dáng, thế… Có thể là từ 3 hoặc 5 cành, từ đó tạo ra những tác phẩm khác nhau. Nếu chăm tốt, chỉ cuối năm thôi, những cây đào này gọi là đào một năm (nếu tính cả tuổi đào mạ là hai năm), với bao nhiêu mồ hôi, công sức và hi vọng, đã là những tác phẩm hoàn thiện, và được bán trên thị trường với giá từ một đến vài ba trăm, tùy theo độ đẹp và sự phát triển của từng cây.

Những cây vì nhiều lý do mà không/chưa bán được, nằm lại vườn, cũng chỉ ra Giêng, người ta lại cắt bỏ đi phần ngọn - cái phần còn đang rực rỡ hoa ấy! Để từ những vết cắt, bao mầm mới lại vươn ra, lại uốn, tỉa, chăm sóc cả năm… rồi Tết tới lại cho ra những thế hệ đào hai, ba, bốn… năm, với mỗi năm tuổi đào, giá bán lại có thể được tăng lên. Tuy nhiên, nếu bán/cho thuê được hết ngay từ năm thứ nhất, vẫn là phương án có lợi nhất cho người trồng đào.

Đào mạ bén rễ, lên chồi

Hiểu thế nào cho đúng về “đào rừng”, “đào cổ thụ”?

Có phải “đào rừng” để lấy gốc ghép mầm, lai tạo thành cây đào cảnh hoàn chỉnh là hoàn toàn được bứng ra từ rừng và chuyển về? Thực sự không phải hoàn toàn như vậy!

Thường vào dịp cuối năm, khi những gốc đào thương phẩm còn đang đơm nụ, nhú lộc, khách hàng còn chưa kịp tới thăm quan và chọn cây, thì bên cạnh những cây đó đã có những gốc đào to, đào cổ thụ được mua về, chờ sẵn và được trồng vào ngay bên cạnh, thế chỗ để trở thành tác phẩm cho mùa Tết sang năm.

Những gốc đào cổ, đào phôi, khi bán ra thường có cỡ to gần bằng cổ tay, cổ chân người lớn với nhiều ngạc/chạc, thậm chí có những cây to hơn, bằng cái phích nước trở lên. Tùy theo độ to và dáng ban đầu của cây mà người ta cưa cắt, để cây có chiều cao từ 70cm tới trên một mét, mét rưỡi... phần gốc rễ được cắt ngắn nhất có thể để giảm thiểu không gian khi vận chuyển mà vẫn đảm bảo chất lượng khi trồng lại, sau đó chúng được các đoàn xe chở về từ mạn ngược giao bán cho người trong làng đào với giá tùy loại, có thể từ 200 ngàn tới vài triệu đồng mỗi gốc. Nhiều người cứ nghĩ, và mặc định rằng, những cây đào này được đánh từ rừng sâu, từ những vạt rừng đào rực thắm mà ta vẫn thấy trên phim ảnh...

Những gốc đào rừng được trồng mới

Vài năm trước, báo chí và dư luận còn cộm lên, lên án việc triệt phá những cánh rừng đào. Sự thực có phải như thế không? Thiết nghĩ không hẳn thế. Những chuyến xe lặc lè, chở gốc đào từ mạn ngược về làng mà ta vẫn thấy, mặc dù từ vùng núi về thật, nhưng không phải những cây ấy từ trong những vạt rừng nguyên sinh chuyển ra. Đó là đồi rừng và rừng được giao cho dân trồng và quản lí, được người dân ở đó, vốn đất rộng, người thưa, họ ươm những cây đào từ hạt đào giống (đào rừng), rồi trồng lại. Vài ba năm sau, những cây đào được phát triển tự nhiên thành những cây đào gốc to. ở nơi đất tốt, được chăm sóc kỹ lưỡng, cây hợp thổ nhưỡng sẽ phát triển rất nhanh. Và mục đích chính của người trồng "đào rừng" là thu tiền từ cái gốc ấy. Phần trên họ phải cưa/ cắt đi là hiển nhiên, và nó được “tận thu”, bán đào cành cho người thành phố chơi Tết.

Rất may mắn là người viết bài này cũng có điều kiện tiếp xúc và kiểm chứng thực tế, những gốc "đào rừng" được sinh ra từ chính mảnh vườn nhà mình, ngay giữa làng đào Cam Giá...

Làng đào Cam Giá mới “nổi” từ khoảng gần ba chục năm về đây. Thời điểm tôi về hưu, làng đào đã định hình được hơn chục năm, đang vặn mình trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp. Những thửa ruộng trồng lúa một vụ, hay những cánh đồng hiệu suất không cao nếu trồng ngô, khoai, lúa,… người ta sẽ san lấp, chuyển đổi sang trồng đào. Khi chuyển về làng sinh sống, gia đình tôi cũng từng bước thích nghi và hòa nhập cuộc sống chung của làng.

Một góc làng đào Cam Giá

Mảnh vườn rộng hơn ngàn mét vuông của gia đình tôi cũng dần chuyển đổi thành vườn đào. Là hòa nhập, nhưng việc cho ra được những cây đào để bán với thương hiệu và lượng khách hàng thường xuyên, không phải là chuyện dễ, bởi sẽ phải tốn rất nhiều mồ hôi, công sức, tâm huyết và sự học hỏi không ngừng. Hằng năm, cho tới nhiều năm sau mới có được thương hiệu và vườn đào đẹp mắt, để bán được với giá đủ chi phí và có lãi.

Nhiều khi, do đào không bán hết, tồn lại trong vườn, sẽ tích dần thành một vườn đào “cổ thụ”, vài năm sau trong vườn sẽ có những gốc đào to, chẳng khác gì những gốc đào rừng cổ thụ, được chuyển về từ bản ngược kia. Ngoài những gốc đào “ế” lưu cữu trong vườn, thì một phần những cây mà khách hàng chỉ thuê (chứ không mua đứt), hết Tết lại “quay vòng” về vườn cũ, dần dà cũng góp mặt trong đội hình đào cổ thụ...

Mặt khác vòng đời của những gốc đào cổ thụ cũng không được lâu năm, vì sau mỗi lần vắt kiệt mình, trổ hoa vào mỗi dịp xuân về, cùng với đó sẽ là bao nhiêu các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu mà cây buộc lòng phải hấp thụ và "nuốt" vào lòng mình, phải chịu mỗi đau "đoạn trường", khi bị chặt đứt đi bộ rễ chính, hãm lại sự phát triển tự nhiên... để trổ hoa đúng độ Tết mỗi năm. Cùng lúc những nụ hoa khoe rực rỡ và lộc biết non xanh, là ruột cây rỗng dần sau mỗi năm bởi già nua, mối mọt và bệnh tật... Cây có thể úa tàn, héo khô và trở thành củi sau bất cứ mùa hoa nào. Bởi cũng như người thôi, cây cũng phải vật lộn, đau đớn rồi lại ra đi sau những cống hiến, mất mát của kiếp đời riêng.

Vì thế hàng năm cứ mỗi đợt Xuân về, người ta lại phải bổ sung một lượng đào gốc, thay thế cho những cây vừa giã từ đồng loại, và nhu cầu phát triển không ngừng của thị trường đào xuân ngày Tết…

Một người dân đang trồng đào mạ

Rủi may, trăn trở của người làng đào

Dáng đẹp, nụ sai, lộc biếc... chưa hẳn đã hứa hẹn một mùa bội thu. Bởi chỉ cần một trong rất nhiều những yếu tố rủi may tác động là có thể người trồng đào dở khóc dở cười, trở về tay trắng. Mặc dù giữa thời đại công nghệ 4.0 đã cập nhật thông tin thời tiết dài ngắn hạn, mua bán, trao đổi mẫu mã hàng với khách lạ, quen qua mạng thông tin, nhưng vẫn có những năm, người trồng đào trở tay không kịp, bởi những diễn biến khó lường, đỏng đảnh, lật lọng đến chóng mặt của “ả thời tiết”, đang quay cuồng biến đổi ngày nay…

Nào ai quên được ngày cận Tết năm kia, mưa đá trắng đồng giữa ngày 30 Tết! Nát tan, vụn vỡ bao nhiêu sắc đào Xuân cùng niềm hi vọng vào một mùa Tết đủ đầy.

Mới năm ngoái thôi, “gã khùng Covid” xộc tới! Giữa những ngày cận Tết vẫn hung hăng bủa vây… Bao thế đào của bao nhiêu con người dày công tạo dáng, bón chăm cả năm giờ nằm im ngoài vườn, chờ ra Giêng đốn bỏ…

Tết này cũng vậy, nào đã hết họa đâu! Cũng đúng những ngày cận Tết, vẫn gã Covid nhờn đến nhẵn mặt kia, lại biến thể và mon men đến làm phiền, khi có khá nhiều con, cháu những người trong làng đào đang công tác tại các khu công nghiệp về nhà ăn Tết, qua test nhanh bỗng phát hiện trở thành F0! Một tấm biển đỏ của ngành y tế dán ngoài cổng, bịt kín luôn ví tiền của bao nghệ nhân đã cần mẫn tạo dáng đào và kỳ vọng suốt cả năm trời!...

Một nỗi trăn trở khác nữa, vẫn đeo đẳng những người làng đào bao nhiêu năm nay, ấy là hệ thống giao thông vào làng. Những năm gần đây, nền kinh tế Thái Nguyên có nhiều phát triển khởi sắc. Các khu công nghiệp mở ra, người ngoại tỉnh đổ về. Nhưng cơ sở hạ tầng của làng đào, bao nhiêu năm nay thay đổi chẳng đáng là bao, nhất là hệ thống giao thông. Các con đường theo chuẩn nông thôn cũ quá nhỏ bé, nay vụn vỡ, xuống cấp... không đủ đáp ứng cho nhu cầu mật độ xe cộ đi lại ngày thường, chứ chưa nói chuyện những ngày cận Tết. Xe tránh nhau rất khó khăn mỗi khi lưu thông trong làng…

Nhiều hộ dân của làng đào đã tự nguyện hiến đất, mở rộng đường, giúp cho cho xe tải chở hàng hóa, nguyên liệu đi lại thuận tiện

Thay cho lời kết

Cùng với hương Xuân đang thơm trong từng mái bếp, những ngày này trên mảnh đất làng đào, những khởi phát đầy hứa hẹn cho một tương lai ngọt lành đang dần thành hiện thực.

Theo cách đánh giá và phân loại mới về Covid, người ta đang dần coi chúng chỉ như một loại bệnh đặc hữu, không còn sự bủa vây, phong tỏa, truy vết ngặt nghèo, mà cùng chung sống và làm việc bình thường. Những gương mặt tự tin, tươi vui đang dần thay thế cho những gương mặt âu lo.

Gần đây, chính quyền cơ sở và những người trồng đào trong một số tổ dân phố đã tự mở rộng các con đường vào làng. Điểm sáng là các tổ nhân dân số 5, số 7... Cán bộ chính quyền cơ sở các tổ này đã đến từng nhà có ruộng, vườn ở hai bên con đường để vận động tinh thần tình nguyện hiến đất, nộp tiền, góp công… Một số con đường dẫn vào làng đào ở hai tổ này đã được mở rộng gấp đôi so với con đường cũ. Người viết bài này cũng tình nguyện hiến gần một nửa thửa ruộng trồng lúa một vụ của mình, góp phần nhỏ bé trong việc mở rộng con đường. Nhiều thửa ruộng khác đang được lấp đi một phần, nhiều bờ tường rào đang đập bỏ...

Tuy nhiên, đó mới chỉ là vấn đề tự phát, người dân rất mong mỏi và hi vọng vào một chính sách kịp thời, có thiết chế bài bản của chính quyền cấp cao hơn về việc mở rộng các con đường, với đầy đủ cơ sở hạ tầng, như tên đường, biển báo, hệ thống chiếu sáng, thoát nước... nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự giao thông, xứng đáng với chuẩn nông thôn mới mà nhân dân và chính quyền vừa cán mốc. Hứa hẹn một tương lai rộng mở cho làng đào, không những chỉ ở việc mua bán, vận chuyển những dáng đào Xuân, mà còn mở ra một tiềm năng mới: du lịch vãn cảnh ngày Xuân trên đất đào.

Nguyễn Minh Trọng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước