Phận mành, đời cọ
Làng Bầng hôm nay có vẻ lạ! Im ắng khác thường. Xe đã chạy qua cổng làng dễ chừng hơn nửa cây số mà tôi vẫn chưa nghe được tiếng kẽo cà của khung dệt mành cọ như những lần trước tới đây.
Nan cọ được phơi trên đường làng trong những ngày nắng
Làng Bầng một thủa
Làng Bầng xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, được công nhận là làng nghề dệt mành cọ từ năm 2013. Đó là mốc thời gian công nhận làng nghề, còn nghề dệt mành cọ đã có ở đây từ những năm tám mươi của thế kỷ trước.
Ông Triệu Văn Quản, người có công mang nghề dệt mành cọ về Đồng Thịnh từ đầu những năm 1980
Tôi tìm đến nhà Trưởng làng nghề Triệu Văn Quản. Ông là người có công đầu trong việc mang nghề dệt mành cọ về làng Bầng rồi từ đó lan rộng ra nhiều xóm, thôn khác. Ngôi nhà yên tĩnh, khác hẳn cảnh nhộn nhịp tôi vẫn gặp khi đến thăm ông một vài năm về trước.
Thấy có khách, ông chậm chạp chống ba-toong từ ngoài ngõ về. Vừa vào đến sân, ông bảo: ông vừa ra nhà anh con trai lớn xem dệt mành cọ cho đỡ buồn chân buồn tay. Tôi vội nhìn ra vị trí trước đây ông vẫn đặt 3 khung dệt, nhưng không còn dấu vết của chiếc khung nào!
Khoảng năm 1980, khi ấy ông Quản là anh giáo làng dạy học ở Trung Hội, Định Hóa, học được nghề làm mành cọ, lại thấy địa phương có cọ đồi nối đồi, ông Quản bèn về nhà đóng khung, vót nan dệt mành. Dần dà, người dân địa phương thấy, làm mành vừa có thêm thu nhập lại sử dụng được lá cọ là nguyên liệu nhà nhà sẵn có nên đến nhờ ông truyền dạy. Cứ thế nghề làm mành cọ lan sang nhiều xóm, thôn lân cận.
Ngày ấy, đồng lương giáo viên eo hẹp. Nhờ làm thêm mành cọ, mỗi tháng gia đình ông Quản cũng bỏ ra được vài triệu đồng. Số tiền ấy cứ dành dụm dần rồi cũng đủ để cất được ngôi nhà xây vững chãi. Theo gương ông Quản, nhiều hộ nhờ làm mành mà thoát được cuộc sống đói nghèo. Trong trí nhớ của thầy giáo Triệu Văn Quản, lúc cao điểm, làng Bầng có tới 50 hộ làm mành. Chỉ cần bước qua cổng làng là nghe tiếng lách cách, kẽo kẹt rộn rã của khung cửi bất kể ban ngày hay đêm tối. Khi ấy, nhà nào nhiều có tới 3 khung, ít thì 1 khung. Tính trung bình trong làng, mỗi nhà cũng có tới 2 khung dệt.
Nhà ông Quản lúc nào cũng phải thuê khoảng 6 lao động mới kịp hàng để giao. Cũng một phần là bởi khung dệt trước đây vô cùng thô sơ, phải cần đến 2 người mới có thể vận hành. Để giảm công lao động, ông Quản đã tự mày mò cải tiến chiếc khung dệt mành để chỉ cần 1 người cũng có thể hoàn tất cả quá trình dệt nên chiếc mành. Những chiếc khung dệt áp dụng các chi tiết cải tiến đó vẫn được người dân thôn Làng Bầng dùng tới ngày nay.
Trở về với những hồi ức đẹp của làng nghề thủa trước, ông Quản vui vẻ hẳn. Như tua lại từng thước phim quay chậm, ông kể: Trước đây những ngày nắng như thế này các nhà mang nan cọ ra phơi kín hai bên đường. Tiếng khung dệt cũng nhộn nhịp suốt ngày đêm. Người đi buôn đến tìm mua mành cũng tấp nập. Thôn này ngày xưa nghèo lắm, giờ khá hơn nhiều rồi. Tuy không phải là tất cả, nhưng mành cọ đã góp rất nhiều vào sự ấm no đó.
Khi cọ dần trở thành “của hiếm”
Giờ thì số hộ còn làm nghề thường xuyên chỉ còn độ một phần năm ngày trước, một số hộ khác thì duy trì làm túc tắc. Người trẻ (dưới 40 tuổi) ở Làng Bầng đã đi tìm cơ hội ở các công ty tại các khu, cụm công nghiệp. Chỉ còn những người lớn tuổi hơn ở nhà. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được mành như trước.
Không giống như nhiều mặt hàng nông sản ở các làng quê khác gặp khó khăn theo điệp khúc không có đầu ra. Trái lại, sản phẩm mành cọ ở Làng Bầng làm ra không đủ bán. Cái khó của người Làng Bầng là nguyên liệu để làm mành đang ngày càng khan hiếm. Ngay cả với người coi việc làm mành cọ là “máu thịt” như ông Quản cũng đành “lực bất tòng tâm”. Bởi muốn mua được nan cọ, người Làng Bầng phải rong ruổi đi gom nhặt nan ở nhiều nơi mà đâu phải lúc nào cũng có sẵn để mua. Nan cọ dần trở thành hàng hiếm, ông Quản sức yếu dần đành ngậm ngùi chia tay khung dệt.
Các khung dệt hiện nay đã được người dân cải tiến chỉ cần 1 người làm thay vì 2 người như trước
Cách nhà ông Quản vài chục mét, chị Ma Thị Ngân mồ hôi nhễ nhại lật đảo đống nan đang phơi dở rồi lại “tay năm tay mười” bón từng mảnh nan thô vào máy vót. Chị Ngân cho biết: Số nan này khó khăn lắm chị mới mua được hồi mấy tháng trước. Trời có nắng chị phải tranh thủ phơi nan ngay, nếu không mưa ẩm, nan ấp vào không phơi được sẽ hỏng hết.
Nhà chị Ngân trước đây có 2 khung cửi nay chỉ còn lại 1, vì chỉ còn mình chị làm. Mỗi ngày chị tranh thủ làm vào buổi trưa, buổi tối cũng được 5 đến 10 sản phẩm. Hôm nào làm liên tục thì dệt được 15 đến 20 sản phẩm. Với giá bán hiện tại 41 - 42 nghìn đồng/chiếc, tính ra mỗi chiếc mành, người làm ra nó sẽ lấy công làm lãi được gần một nửa. Tuy mức lãi không cao nhưng với chị Ngân, mức thu nhập đó cũng đảm bảo được ngày công ở nông thôn. Bởi, làm ruộng không chỉ vất vả mà giá phân bón hiện nay cũng tăng cao, thêm vào đó là sâu bệnh rồi thời tiết nhiều bất lợi, được thu cũng chẳng dễ dàng gì. Thế nhưng do không thể mua được khối lượng lớn nan cọ dự trữ nên chị Ngân cũng chỉ có thể làm cầm chừng để không phải bỏ nghề.
Theo chị Ngân thì cứ đà này, chỉ 2 - 3 năm nữa có thể sẽ không mua được nan cọ. Chị cho biết khoảng 4 - 5 năm trước, 1 vạn nan cọ sẽ có giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng thì hiện nay, giá nan đã tăng lên 70 - 80 nghìn đồng/1 vạn nan.
Một trong số ít hộ ở Làng Bầng còn có tới 2 khung dệt là gia đình vợ chồng chị Ma Thị Liền. Là con dâu ông Triệu Văn Quản, được bố chồng truyền nghề nên chị đã gắn với nghề dệt mành từ hơn 30 năm nay. Trước đây nhà chị có tới 3 chiếc khung, bình quân mỗi ngày làm ra được 50 chiếc mành thành phẩm. Nhưng do nguồn nan ngày càng khan hiếm, dù chồng chị - Anh Triệu Văn Dương dành rất nhiều công để “săn lùng” nan cọ cả trong và ngoài xã nhưng cũng không đủ nguyên liệu. Hiện nay vợ chồng chị chỉ còn vận hành 2 khung dệt và tất nhiên số lượng mành làm ra cũng giảm đi đáng kể.
Chị Liền cho biết: Mặc dù mỗi năm, gia đình chị đã chủ động thu gom, mua hàng trăm vạn nan về dự trữ nhưng bao nhiêu đó cũng chỉ giúp gia đình chị duy trì sản xuất được đến độ hết tháng 6 này. Không dễ gì để mua thêm nan vì thường lại phải cuối năm, sau mùa gặt người dân mới đi chặt lá cọ làm nan bán.
Cái lợi của làm mành cọ đối với vợ chồng chị Liền, chị Ngân và những bà con khác ở Làng Bầng là, tuy tiền lãi không cao, nhưng đổi lại có thể chủ động thời gian sản xuất, vì vậy việc cấy hái, làm chè… cũng không phải bỏ.
Chị Ma Thị Ngân sử dụng máy vót nan để giảm thiểu công lao động
“Giải oan” cho cọ
Dù chưa có một cuộc chuyển giao nào song mấy năm nay, từ khi không còn làm nghề được nữa, ông Quản đã không còn cho mình là Trưởng làng nghề. Người khiến ông tin tưởng giới thiệu và vẫn kề vai cùng ông gánh vác công việc của làng nghề là ông La Văn Mai, thành viên trong Ban Kiểm soát làng nghề.
Tôi tìm đến nhà ông Mai nhưng cửa nhà khóa, ngoài sân, những chiếc nan được vót bằng tay đều chằn chặn tỏa ra mùi thơm của núi đồi. Đặc biệt, nan cọ mới được khai thác lại gặp nắng nên có màu xanh vô cùng đẹp mắt. Trên hiên nhà, hàng trăm chiếc mành được bó gọn ghẽ, có lẽ đã được đặt hàng.
Chừng một tiếng sau, vợ chồng ông Mai đi phát đồi về, trên vai ông là bó nan cọ xanh ngắt, trĩu nặng. Ông bảo, gia đình ông còn giữ lại được một đồi cọ, diện tích bao nhiêu thì ông không biết. Mỗi hôm đi phát bãi, ông lại tranh thủ chặt bó nan mang về.
Cũng giống như các hộ làm nghề khác, số lượng mành của gia đình ông Mai làm ra đang ngày một giảm. Năm 2021, ông làm được 2 nghìn chiếc mành. Nhưng, theo ông dự tính năm nay nguyên liệu chỉ có thể đáp ứng để vợ chồng ông làm được 1 nghìn chiếc mành mà thôi.
Sự tiếc nuối những đồi cọ bị phá bỏ là điều ông Mai không giấu được. Ông buồn bã kể: Cọ mất đi vì nhiều lý do. Người làng bỏ đồi nương đi làm công ty nhiều nên phá cọ trồng keo. Nhiều người nói vì cọ không mang lại giá trị kinh tế bằng cây keo là nói oan cho cọ. Cây cọ từ thân đến lá đều bán được ra tiền. Tôi nhớ lại lời ông Quản từng nói, nhà nào có đồi cọ thì chỉ cần cầm dao lên đồi là có tiền.
Quả như lời 2 ông nói, có thể trồng keo sẽ ít phải chăm sóc và cũng chỉ cần khai thác một lần xong. Còn cọ thì phải thu hoạch thường xuyên. Nhưng tất nhiên đi liền với sự nhọc nhằn đó là người dân cũng có nguồn thu thường xuyên hơn.
Nan cọ dùng để dệt mành là phần cuống lá. Sau khi lược bớt phần bụng, phần xanh của cuống lá còn được gọi là “cáp cọ” sẽ được dùng để chẻ nan. Lá cọ được dùng làm xước (phần gân ở từng tàu lá). Sản phẩm này cũng được các thương lái “săn lùng” thường xuyên nên vô cùng đắt khách. Thân cây cọ được sử dụng trong xây dựng, đặc biệt huyện Định Hóa còn có sản phẩm đũa làm từ thân cây cọ được thị trường vô cùng ưa chuộng. Thân cây cọ nào mục xuống sẽ cho món nhộng cọ là một trong những món ăn đặc sản. Quả cọ “ỏm” từ lâu cũng là món ăn được nhiều người yêu thích. Chưa hết, nõn cây cọ dùng để nấu canh cũng đang được thu mua với giá cao. Tuy nhiên, nếu rút nõn của cây, cọ sẽ không thể phát triển được mà lụi dần.
Cả đời người gắn bó với cây cọ, ông Triệu Văn Quản nhẩm tính giá trị kinh tế mà cây cọ mang lại không thua kém gì cây keo đang được trồng thay thế. Mỗi cây cọ, bình quân sẽ cho thu nhập 100 nghìn đồng/năm từ tiền bán nan và xước cọ. Điều này cũng được ông Mai đồng tình xác nhận. Chưa kể bản thân cây cọ còn mang một giá trị văn hóa, tinh thần không thể thay thế với người dân Thái Nguyên nói chung, đặc biệt với người dân Định Hóa nói riêng. Thêm vào đó, phá hết rừng cọ không những làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp trong du lịch sinh thái của Định Hóa mà còn ảnh hưởng đến tổng thể các khu di tích của ATK Định Hóa.
Còn với người dân Làng Bầng và bà con các làng nghề dệt mành cọ truyền thống khác diện tích cọ bị thu hẹp đến đâu nguy cơ mai một làng nghề sẽ hiện hữu ra đến đó. Và, lo lắng của ông Mai cũng là lo lắng của những người dân làng nghề: Nếu cứ phá bỏ cọ với tốc độ này thì chỉ đôi ba năm nữa số khung cửi trong làng sẽ còn giảm đi nữa. Cứ thế sẽ đến một ngày, thế hệ con cháu của chúng tôi có thể chỉ còn biết đến một nghề truyền thống qua lời kể!
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...