VNTN -Vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính PAR Index năm 2014 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
PAR Index (Public Administration Reform Index) là công cụ để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được Bộ Nội vụ ban hành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Chỉ số PAR Index cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản Quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ Cán bộ công chức viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Việc đánh giá được thực hiện qua hình thức chấm điểm của các cơ quan hữu quan và qua điều tra xã hội học từ người dân.
PAR Index bắt đầu được thực hiện vào năm 2012. Theo dư luận, và mới đây nhất là đánh giá của Bộ Nội vụ, việc công bố PAR Index đã và đang phát huy được vai trò quan trọng, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương. Nó cho thấy những nỗ lực và kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện CCHC nói chung và của từng Bộ, tỉnh nói riêng sau mỗi lần công bố.
Tuy vậy, mặc dù PAR Index đã phát huy được vai trò quan trọng, đem lại những tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cải cách hành chính tại các Bộ, ngành, và một số địa phương, nhưng trên thực tế cũng còn nhiều địa phương chưa dành sự quan tâm như đối với Chỉ số PCI - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. PCI là kết quả đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Xem xét Chỉ số PAR Index trong tương quan với Chỉ số PCI, ta thấy cả hai Chỉ số đều có mục tiêu đánh giá chính quyền cấp tỉnh dựa trên tính hiệu quả của quản trị và hành chính công trong việc phục vụ người dân và xã hội. Điểm chung của hai Chỉ số này là đều nhằm đánh giá các hoạt động tác động đến đối tượng quản lý, và đều có chung những tiêu chí liên quan đến CCHC.
Về PAR Index, tỉnh Thái Nguyên năm 2012 đạt 79.03/100 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2013, tụt xuống thứ 38 với 77,01 điểm/100. Năm 2014, điểm số có tăng lên mức 80,05/100 nhưng thứ hạng lại tụt xuống đến 42/63. Như vậy, ba năm liên tục, Thái Nguyên tụt về thứ hạng.
Trong 8 chỉ số thành phần của PAR Index thì điểm cao nhất thuộc về Công tác chỉ đạo điều hành CCHC (90,35/100), nhưng chỉ đứng thứ 31/63 tỉnh thành. Điểm thấp nhất thuộc về Cải cách thủ tục hành chính, với 67,50/100, nằm trong tốp 5 tỉnh thành có điểm số thấp nhất, cho thấy đó là khâu yếu nhất trong CCHC, cụ thể là trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thủ tục hành chính và công khai thủ tục hành chính.
Trong khi đó, về PCI, thời gian qua tỉnh ta đã tạo ra một kỳ tích khiến cả nước nể phục, khi chỉ sau ba năm đã vượt tới 49 bậc, từ thứ 57/63 tiến đến vị trí hết sức ngoạn mục là thứ 8/63. Đó là kết quả của cả hệ thống chính trị, hành chính các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển.
Đứng thứ 8 về PCI nhưng lại đứng thứ 42 về PAR Index, điều này khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi: Vì sao vậy?
Cải cách hành chính đã được Đảng, Nhà nước xác định một trong ba đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quyết định tới sự thành công của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. PAR Index không chỉ là công cụ đánh giá, chỉ số xếp thứ hạng, mà còn thể hiện nhận thức và quyết tâm chính trị, năng lực và trách nhiệm của bộ máy Nhà nước, đặc biệt là những người đứng đầu, trong công tác CCHC.
Mong rằng, vì vai trò, ý nghĩa của CCHC đối với quá trình phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vì một nền hành chính lấy phục vụ người dân làm mục đích cao cả nhất, các cấp ủy, chính quyền tỉnh ta sẽ có những quyết tâm chính trị và hành động cụ thể để cải thiện vị trí Thái Nguyên trên bảng xếp hạng PAR Index như đã cải thiện ngoạn mục trên bảng PCI.
Thái Văn
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...