Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
16:05 (GMT +7)

Nón Tày thấp thoáng nơi đâu?

Không ai biết rõ chiếc nón lá Tày có nguồn gốc từ đâu. Nghe người già trong làng kể lại rằng, từ xa xưa các lớp cha ông lớn lên đã có rồi. Nó được truyền dạy từ thế hệ này đến thế hệ khác, đồng bào người Tày dùng phổ biến khi đi làm đồng, lên nương rẫy. Chiếc nón lá Tày còn được người dân sử dụng trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc trong những ngày hội làng, dịp mừng xuân mới... Cho đến ngày nay, nó vẫn được đa số người dân tộc Tày thường xuyên sử dụng khi đi làm đồng, làm nương rẫy. Nói chung, nón lá Tày đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt thường ngày cũng như nét văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Từ trung tâm xã Sơn Phú (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), chạy xe máy theo con đường được trải bê tông khoảng chừng 2km, tôi đã tìm đến nhà bà Ma Thị Phú, dân tộc Tày ở xóm Sơn Vinh. Năm nay bà Phú đã 82 mùa quả cọ. Trong căn nhà sàn đã cũ, bà đang ngồi đan nón. Mặc dù tuổi đã cao nhưng trí nhớ còn khá minh mẫn, hiện bà Phú đang sống cùng con trai út là Ma Tử Thế. Nghe tôi nói muốn tìm hiểu về nghề làm nón lá của người Tày, bà móm mém cười. Bà kể về sự “bén duyên” với nghề làm nón của mình. Đó là khi bà chừng mới 13 - 14 tuổi, mẹ bà cũng biết nghề đan nón lá và truyền dạy cho bà. Cũng nhờ tính chịu thương chịu khó, tỉ mỉ, lâu dần bà cũng học thành thạo được cách làm nón. Bà thường tập đan vào những lúc nông nhàn và tranh thủ thời gian khi đi lên rừng chăn thả trâu.

Bà Ma Thị Phú vẫn say sưa với việc làm nón

Tôi tò mò, không biết nghề làm nón lá ngày xưa có tập trung ở một xóm giống như làng nghề hay không? Bà bảo, làm gì có làng nghề, trong thôn cũng chỉ có vài, ba người biết làm nón của dân tộc mình thôi. Đành rằng mẹ truyền dạy cách làm cho con gái, nhưng không phải ai cũng học được. Nghề này cần nhiều thời gian, tỉ mỉ và cả tính kiên trì nữa, nóng vội thì không làm được đâu. Có những gia đình trước kia mẹ biết làm, truyền dạy cho con gái nhưng con không học được, thành ra gia đình ấy không có ai biết làm nón lá nữa. Thời ấy làm ra nón chỉ để người nhà đội đi làm đồng và lên nương rẫy, dùng không hết thì mang cho anh em, ít đem bán như bây giờ.

Bà Luân Thị Khánh với những chiếc nón lá Tày của mình làm ra.

Bà khom lưng đi tới góc nhà sàn lấy ra một xấp nón bà vừa đan xong mấy hôm trước, cặn kẽ chỉ cho tôi từng chi tiết vật liệu. Thực ra, để đan được chiếc nón lá cũng cần rất nhiều nguyên vật liệu lấy từ trên rừng. Cây tre để vót tròn làm vành nón, phải là cây tre gai lấy dưới khe suối thì nan tre mới có độ dẻo dai, chọn cây đang độ bánh tẻ, như người ta chọn cây để chẻ lạt gói bánh thì mới uốn được vành nón tròn đều. Vành tre phải được nhuộm màu từ củ nâu lấy trên rừng kết hợp với nhọ nồi để tạo ra sự đen bóng cho vành nón. Cần cả cây giang trên rừng già, dùng để chẻ nan đan khung dựng thành hình chiếc nón. Cây giang cũng phải chọn cây có gióng dài thì mới đan được khuôn nón rộng, thường phải dài chừng 50cm mới đủ độ. Bà Phú chia sẻ, công đoạn đan khung nón là rất quan trọng và mất nhiều thời gian nhất. Lâu nhất là phần chẻ nan đan dựng thành khung. Nan phải chẻ thật nhỏ, mềm và thật đều, vót nhẵn thì mới đan được khung nón có các mắt đan đều, đẹp. Riêng phần chẻ nan phải làm cả buổi mới xong, đan dựng thành khung cũng mất thêm buổi nữa. Làm nón cũng cần dùng đến cây guột. Sợi lõi cây guột có độ dai và bền, dùng để nẹp kèm vào vành tre và các vành phụ của nón lá. Ngoài ra còn có độ mềm và đàn hồi tốt, giúp cho đường khâu được thít chặt hơn.

Phần khung đã hoàn chỉnh và được trang trí thêm hoa văn.

Chỉ vào chiếc nón lá cho tôi xem những sợi dây nhỏ li ti như những sợi chỉ màu, bà Phú tiết lộ đấy chính là sợi dây cây móc. Dây cây móc được lấy từ thân bẹ cây móc trên rừng già, công đoạn chọn lựa cũng rất kĩ càng và công phu. Khi chọn cần dùng các ngón tay giữ chặt hai đầu sợi dây, dứt mạnh mà không bị đứt thì mới lấy về dùng làm chỉ khâu nón. Sợi dây chỉ cây móc chịu được mưa nắng, có tuổi thọ dài, độ dẻo bền và co giãn tốt hơn so với các loại chỉ thông thường và dây cước. Phần lá để lợp lên khung xương và mái nón được lấy từ lá cây cọ đồi nhà. Cây cọ mọc rất nhiều ở rùng núi phía Bắc, nhưng để chọn được lá lợp nón cũng là khâu vô cùng quan trọng và kĩ càng, nó quyết định đến hình thức, độ bền đẹp của chiếc nón lá Tày. Bà nói rõ hơn với tôi về cách chọn lá cọ lợp mái nón. Lá cọ có rất nhiều nhưng không phải tàu nào cũng dùng để lợp nón lá được. Có khi lên cả rừng cọ mà cũng chỉ chọn đủ số lá để lợp được 2 - 3 chiếc nón. Thường thì mỗi chiếc nón cần lợp hết 4 tàu lá cọ, có hai lớp được lợp bên trong và hai lớp lợp bên ngoài. Lá cọ dùng để lợp nón phải chọn lá có độ dày vừa phải, cán lá nhỏ, mỏng, lá không được to quá. Phải lấy lá khi còn là búp lá bánh tẻ mới vươn ra đón ánh nắng mặt trời, lá bắt đầu có màu diệp lục. Chặt đem về rồi hơ nóng trên bếp lửa, sau đó đem ra phơi nắng. Khi lá héo đủ tầm thì đem vào cất giữ ở nơi khô ráo thoáng mát, tránh cho lá bị ẩm mốc. Nếu lá bị mốc thì màu của chiếc nón sẽ không sáng và đẹp nữa. Trước khi lợp nón, lá cọ phải được đem ra ngâm nước sạch một thời gian nhất định đủ để khi tở tàu lá ra có độ dẻo dai, không bị rách, dễ lợp.

Để làm hoàn chỉnh được chiếc nón lá đẹp thì tiêu tốn khá nhiều thời gian. Thông thường bà Phú không làm liền một mạch cho xong hoàn chỉnh một chiếc nón từ đầu đến cuối, mà thường tranh thủ những buổi nông nhàn để hoàn thành từng công đoạn. Tính ra cũng mất khoảng 3 ngày mới xong được một chiếc. Tôi hỏi bà có gặp khó khăn gì nhiều trong việc chuẩn bị vật liệu không? Bà nói, vật liệu để làm nón lá giờ cũng hiếm hơn trước, vả lại bà cũng già rồi, nhiều khi không còn đủ sức khỏe để lên rừng tự tìm vật liệu nữa. Nhiều lúc phải nhờ con trai đi lấy hộ, còn không thì đưa tiền nhờ người ta lấy về cho mới có.

Như hiểu được điều tôi đang trăn trở về nghề làm nón lá của bà, nhỡ mà không có người để truyền nghề, thì nghề làm nón sẽ bị “thất truyền” rồi mai một dần thì sao? Bà không ngần ngại bộc bạch: Lớp trẻ bây giờ nó không học nghề này đâu, vì tính ra ngày công cũng chẳng đáng là bao nhiêu tiền. Giờ bà không làm được việc nặng nữa thì ở nhà ngoài việc trông nhà, xem cháu và nấu cơm thì tranh thủ đan nón lá để kiếm đồng mua thuốc phòng lúc ốm đau. Ngay cả đứa con dâu của bà hiện giờ nó cũng đi làm thuê cho công ty, thỉnh thoảng mới về nhà, mà cũng không bao giờ để ý đến việc bà đan nón lá như thế nào thì làm gì nó chịu học”. Bà tiếp lời, “một chiếc nón lá chỉ bán được khoảng 100 nghìn đồng. Mỗi tháng bà làm liên tục thì được khoảng trên 10 chiếc, cho thu nhập khoảng hơn triệu đồng. Thỉnh thoảng có người đến lấy cả mớ, lấy nhiều hơn thì bà bán rẻ hơn chút nữa, để họ bán ra có chút lời lãi”.

Hỏi bà còn định duy trì nghề đan nón lá nữa không, bà cười, còn khỏe thì bà vẫn cứ tranh thủ làm thêm để kiếm đồng tiêu vặt, chứ giờ chuyện ăn uống và sinh hoạt hằng ngày chủ yếu là đã có các con lo. Khi nghe tôi giả dụ, rằng nếu mai này nhà nước có ý định khôi phục nghề làm nón lá Tày và họ muốn xây dựng thành một làng nghề, bà có sẵn sàng “truyền nghề” cho thế hệ sau? Bà nhìn xa xăm: Trong làng chỉ còn duy nhất mỗi mình bà biết làm nón lá, những người cùng thế hệ như bà biết làm nón lá cũng đã chết hết cả rồi, con cháu họ không ai biết làm cả. Bà mà không làm nữa thì làng này sẽ không còn ai!

Trước khi ra về, tôi nhờ bà chọn giúp một chiếc nón mua đem về. Ngoài trời nắng chang chang, tôi đội chiếc nón, cảm giác cái nắng đỡ gắt hơn nhiều. Tôi cứ nghĩ miên man về chiếc nón lá truyền thống của người Tày đã có và tồn tại từ bao đời nay mà không được truyền dạy cho con cháu. Lớp người như bà Phú rồi sẽ không còn nữa, hình dáng của chiếc nón lá mang đậm bản sắc văn hóa miền núi đã ăn sâu vào cuộc sống sinh hoạt đời thường bấy lâu nay của đồng bào dân tộc Tày, rồi cũng sẽ không còn nữa. Quả thật là đáng tiếc.

Theo con đường bê tông liên xóm, tôi tìm đến nhà ông Ma Thanh Căn - Bí thư chi bộ thôn Sơn Vinh, mong hỏi thêm thông tin chi tiết về các hộ gia đình trong thôn đang còn làm nón lá Tày. Ông chia sẻ, những người biết làm nón lá Tày trong thôn không còn nhiều, chỉ còn lại một vài gia đình, mà chủ yếu là người già không còn đủ sức lao động thì mới ở nhà tranh thủ làm. Lớp trẻ bây giờ không ai học làm nữa, chủ yếu là họ đi lao động cho các công ty. Với lại làm ra được một chiếc nón lá cũng mất nhiều công, bán đắt thì không ai mua, bán rẻ thì ngày công không đạt, vì vậy ít người còn muốn duy trì nghề làm nón. Tôi hỏi ông nghĩ sao nếu mà một ngày chiếc nón lá Tày hoàn toàn bị mất đi trong văn hóa của dân tộc mình? Ông không ngại bày tỏ: Nghề làm nón lá Tày rất có khả năng trong thời gian tới sẽ vĩnh viễn mất đi vì lớp người già sẽ chết, lớp trẻ thì không ai biết làm!

Nón Tày được người dân sử dụng hàng ngày

Theo tìm hiểu thì được biết, ở nhiều xã trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn còn rải rác một số gia đình có người già duy trì nghề làm nón lá của dân tộc mình. Tôi đến gia đình bà Luân Thị Khánh 81 tuổi ở xóm Hương Bảo 3, xã Quy Kỳ. Cả xóm chỉ còn duy nhất 2 người như bà còn đang duy trì đan nón lá Tày. Nghe bà Khánh chia sẻ về cách làm, thấy rằng phương thức và nguồn vật liệu để đan nón cũng giống như bà Phú đã giới thiệu.

Trao đổi về nghề làm nón lá Tày của xã Quy Kỳ với anh Luân Đức Tú, cán bộ Văn hóa - Xã hội của xã, được biết hiện nay xã Quy Kỳ có 12 xóm, số người còn duy trì đan nón như bà Khánh còn khoảng 15 người. Hiện tại địa phương cũng đã thực hiện hết giai đoạn của Đề án số 15 ngày 15 tháng 4 năm 2019 về Phát huy bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có nghề làm nón lá Tày, nhưng cũng chưa có giải pháp hữu hiệu phù hợp nào để phát huy, bảo tồn. Anh Tú cũng mạnh dạn chia sẻ về những trăn trở của chính quyền địa phương, đó là rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho chiếc nón lá Tày; không giao bán được số lượng lớn, chủ yếu là đem ra chợ bán nhỏ lẻ và bán cho người quen mang về dùng. Khó khăn nữa là trong việc huy động nguồn kinh phí để duy trì, hỗ trợ dự án và chính sách thu hút nguồn nhân lực để thực hiện Đề án trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn kế tiếp, mặc dù địa phương đang tiếp tục xây dựng Đề án phát huy bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc giai đoạn 2025 -2030.

Phát huy, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc là rất cần thiết để góp phần khẳng định nền văn hóa lâu bền đa sắc màu của một quốc gia. Cùng đồng hành với hình ảnh thân thuộc của chiếc nón lá Tày, còn có các làn điệu hát sli, hát lượn, đàn tính,... phần nào đã làm nên bề dày văn hóa của đồng bào dân tộc Tày vùng núi phía Bắc. Hiện nay, Thái Nguyên chúng ta đã có làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu cùng các làng nghề sản xuất, chế biến chè trải khắp các huyện Phú Lương, Phổ Yên, Định Hóa... góp phần thay đổi cuộc sống của người dân. Thiết nghĩ mỗi chúng ta, những người làm văn hóa, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc rất cần có những giải pháp thiết thực và hữu hiệu nhằm lưu giữ, truyền lại nghề làm nón lá Tày cho thế hệ mai sau.

Doãn Long

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

An toàn trong siêu bão

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Những bước chân lặng thầm thời hoa lửa

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ăn ngủ cùng rừng

Xem tin nổi bật 1 tháng trước