Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
13:28 (GMT +7)

Nỗi lo… mừng tuổi

VNTN - Chẳng rõ tục "mừng tuổi " ở nước ta có tự bao giờ, nhưng chí ít cũng cỡ chừng trăm năm trước. Chứng cớ là, trong bài bút ký “Trước tết, tết và sau tết” đăng báo Phong Hóa số 31 ra tháng 1-1933, nhà văn Thạch Lam đã viết: "Trong nhà mừng tuổi lẫn nhau, chỉ còn nghe thấy năm mới năm me. Sau một chén rượu mùi để gọi có màu rượu đỏ mà thơm, đựng trong cốc pha lê trong, tết, tết lắm! Rồi đem quả mứt ngon chia cho trẻ mỗi đứa một ít, còn bao nhiêu tự thưởng để gọi là mừng tết, mừng năm mới và mừng tuổi cho mình". Sau đó, Thạch Lam kể: “Đương vui thì thấy em Thư chạy lại, tay cầm một cái gói giấy đỏ vuông, rồi ngơ ngẩn hỏi: Chú ơi chú, bà Hai bảo mừng tuổi cháu một hào, sao lại chỉ có một xu? Tôi phì cười: Cháu ngốc lắm, chính là một xu, nhưng bà ấy nói thế để tốt cho cháu đấy chứ!...”

Thật ra, không phải chỉ ở thời Thạch Lam, mà cả một thời gian dài sau này, kể cả sau ngày thống nhất đất nước, việc mừng tuổi vẫn được coi như một phong tục, một biểu hiện lành mạnh, trong sáng và có tính tượng trưng độc đáo.

Thế nhưng giờ đây, chuyện mừng tuổi (hay còn gọi là "lì xì") có vẻ như đã trở thành... vấn nạn, đến nỗi nhiều người đi làm ăn xa nhưng chẳng bao giờ dám về quê vào dịp Tết, bởi họ không thể nào có đủ tiền để "mưa" cho khắp các đối tượng cần phải mừng tuổi. Đã thế, có những đứa trẻ còn ngang nhiên hỏi "Thế suất của em, của anh, của chị cháu đâu?" để được... “lĩnh” thay. Cũng không hiếm gia đình vô tư đến mức mặc cho con cháu mở phong bao lì xì rồi công khai so sánh số tiền được mừng tuổi ngay cả khi những người mừng tuổi chúng còn chưa kịp ra về, khiến cho những ai "của ít lòng nhiều" cảm thấy như mình không được tôn trọng, nếu không muốn nói là bị làm nhục trước mặt người khác!

Cũng thật đáng tiếc là, trong khi rất nhiều người đi chúc Tết thường ý tứ không cho trẻ con đi cùng nhằm tránh chuyện khó xử, thì trái lại vẫn có một số người cố tình dẫn con cháu đi "chúc Tết" ở nhiều nơi, coi như cơ hội vàng để... tăng thu nhập! Số người giữ "truyền thống" này tuy không nhiều nhưng hầu như ở khu dân cư nào cũng có.

Cùng với sự phát triển và lây lan của "văn hoá phong bì", ngày càng có nhiều người mừng tuổi cho con cháu của sếp, của bồ số tiền quá lớn so với mặt bằng chung, như một hình thức “của biếu”. Người ta bày tỏ quan ngại, rằng phải chăng đây cũng là một dạng hối lộ, mua chuộc, hoặc lấy le khoe mẽ. Nên nhớ rằng, trẻ em bây giờ thông minh và nhạy cảm, chúng không lạ gì "động cơ" của sự "hào phóng" này. Chưa kể đến việc, những hành động này của người lớn vô tình đã ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ, khiến chúng hiểu sai lệch về một nét văn hóa, phong tục vốn tốt đẹp này của dân tộc. Một điều rất đáng quan tâm là, bên cạnh đa số các em biết rõ giá trị của đồng tiền khi mình còn phụ thuộc vào người lớn, hoặc các em được cha mẹ chỉ bảo nên đã dành cả số tiền được mừng tuổi để mua sách báo, văn phòng phẩm, đóng học phí hoặc "nuôi lợn nhựa"…, thì cũng có rất nhiều em coi tiền đó hoàn toàn là của cá nhân mình rồi đua đòi ăn tiêu vô tội vạ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và kết quả học tập của chính bản thân.

Nên chăng, các bậc ông bà, cha mẹ... chỉ lì xì với số tiền vừa phải nhưng giàu tính tượng trưng; đồng thời khéo léo hướng dẫn con cháu biết sử dụng tiết kiệm và có ích khoản tiền này. Trường hợp trẻ được ai mừng tuổi số tiền quá lớn thì cha mẹ nên chủ động nắm giữ, tránh xảy ra những chuyện không hay.

Đã từng có những phong tục bị biến tướng rồi trở thành... hủ tục. Dĩ nhiên, không ai muốn phong tục mừng tuổi năm mới lại nằm trong số này.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy