Nơi cho tôi sức mạnh để “lớn” lên
VNTN - Thế mà đã mấy chục năm ròng theo đuổi nghiệp chữ nghĩa, qua 6 kỳ Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên rồi. Tôi cảm ơn Hội VHNT đã cho tôi sức mạnh để lớn lên về tâm hồn, trí tuệ và sự sáng tạo mãnh liệt. Nhờ sự ủng hộ, động viên của Hội và bạn bè, tôi cũng đã có gần 30 tác phẩm, tiểu thuyết và các bài thơ, ký đi cùng đời tôi. Tôi là một trong những hội viên sáng lập của Hội, đến nay vẫn thấy sự háo hức, hăm hở y nguyên những ngày đầu dù Hội đã bước qua tuổi ba mươi. Dù tóc trắng xóa mái đầu vẫn còn mê say viết và công tác Hội đều đặn. Tôi thấy tình người tình đồng chí chân thành thắm thiết và quý mến ở Hội ta thật tốt đẹp. Tôi vẫn nhớ da diết nhà văn Vi Hồng, người anh đã có công răn dạy để rồi: “Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa” thật đúng đắn. Tôi vẫn luôn mường tượng những hình ảnh sáng chói của các bậc tiền nhân đi trước thấp thoáng ẩn hiện về trong tâm trí. Nhà thơ Xuân Diệu phúc hậu, nhà thơ Huy Cận hóm hỉnh, nhà thơ Nguyễn Đình Thi vui vẻ - những thi nhân lớn của dân tộc đã đến với Hội VHNT Thái Nguyên nhiều lần khi còn tại thế. Những lời dạy của các vị vẫn còn thổn thức trong tâm tưởng tôi. Thế rồi bóng dáng của các nhà văn Lâm Tiến, Khánh Kiểm, Hoàng Thể, Vi Hồng, Lương Bèn vẫn ẩn hiện đâu đây. Những nghệ sĩ gạo cội đã quy tiên như Trần Thông, Đỗ Tố, Thế Chính luôn về trong trang viết của tôi. Ôi những ngày xưa da diết và đáng yêu làm sao…
Tôi cảm ơn sâu sắc 3 nhà văn cùng Hội đã dìu dắt tôi trưởng thành qua những cung bậc của đời mình. Đó là anh Hà Đức Toàn, anh Ma Trường Nguyên và anh Hồ Thủy Giang. Trong tôi ký ức tốt đẹp về các anh không bao giờ phai mờ. Các anh mẫu mực và chân thành như ruột thịt của tôi. Chúng tôi gặp gỡ và trò truyện, cùng trao đổi thảo luận về văn chương. Tôi đã theo các anh đi dự nhiều kỳ đại hội của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Yên Bái hay các trại viết văn ở Mộc Châu, Tam Đảo, Vũng Tàu…, được học ở các anh và bạn bè văn chương nhiều lắm. Tôi thấy mình lớn hơn rất nhiều. Nhất là những ngày đầu ra báo Văn nghệ Bắc Thái (nay là Văn nghệ Thái Nguyên), tôi cũng hăng hái cùng các anh đi thâm nhập thực tế viết bài. Tôi đã học được ở các anh cách viết báo, cách tác nghiệp, thu thập thông tin một cách chuyên nghiệp nhất. Nhớ kỳ Đại hội đầu tiên có nhà thơ Huy Cận đến dự, nhớ những đêm lửa trại ở Quảng Ninh, Vũng Tàu, Mộc Châu, những lần đi thực tế ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai… Bây giờ ở vào cái tuổi gần 70 tôi mới thấy hết được tình người ở các văn nghệ sĩ của Hội mình. Phải công bằng mà nói từ khi Báo Văn nghệ Thái Nguyên ra tuần báo thì Hội ta cũng lớn phổng lên. Các cây viết từ trẻ đến già đều có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi là một người chịu khó đọc sách, báo; đọc rất nhiều các báo, tạp chí của trung ương và nhiều tỉnh thành. Thấy tờ báo của chúng ta rất có uy tín, các cây bút lớn vẫn giữ được phong độ của mình, đó là bản thể vùng miền Việt Bắc yêu dấu. Cứ mỗi lần cầm trên tay số báo, tôi đọc đi đọc lại tất cả các bài, lại thấy rưng rưng trong tâm khảm. Thành quả này là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể Ban biên tập, phóng viên và cộng tác viên của tòa soạn. Đâu đó trong nhiều năm qua, thỉnh thoảng Hội VHNT có xì xào gì đó về chuyện này, chuyện kia. Có ai đó nói Hội VHNT không đoàn kết, đó là họ nghĩ chưa đúng, chỉ thấy cái cây chưa nhìn hết rừng mà thôi. Nếu không có sự đoàn kết thì chúng ta sao được tỉnh, trung ương ghi nhận, đánh giá cao như vậy. Đó là sự lao động miệt mài có trách nhiệm của lãnh đạo Hội, các hội viên trong mấy chục năm qua. Những điều sẻ chia của một kẻ hay hoài niệm, chúc cho kỳ Đại hội tới của Hội VHNT tỉnh thành công tốt đẹp, trong thời gian tới, nền VHNT tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đỗ Dũng (Chi hội Văn xuôi)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...