Nơi cho tôi cảm hứng sáng tạo
VNTN - Tôi viết văn, làm thơ từ bé. Năm học lớp bảy tôi được in bài thơ lục bát đầu tiên trên báo Thiếu niên tiền phong rồi sau đó được in tại một số báo, tạp chí trung ương, địa phương. Tuy nhiên vì nhiều lẽ, khoảng hơn mười năm sau ngày xuất ngũ, đi học đại học và làm việc trong môi trường công nghiệp, tôi không viết và xác định gác bút cho những kế hoạch khác về kinh doanh. Năm 2000, tôi may mắn được nhà văn Hồ Thủy Giang, nhà thơ Ma Trường Nguyên xem, đánh giá các tác phẩm của mình và động viên nên tôi xin tham gia Hội.
Đây là niềm vui, bước ngoặt đối với tôi. Lúc đó dù đã in khá nhiều tác phẩm nhưng nhìn chung phần đa mới đạt mức trung bình và mang tính tuyên truyền là chính, chất lượng nghệ thuật chưa cao. Tôi thấy mình phải thay đổi, tạm xếp lại kiểu viết cũ và làm mới cách thể hiện nội dung trong từng tác phẩm. Không khí và môi trường hoạt động của Hội chính là “trường học” cho tôi được tiếp cận một cách bài bản kỹ năng sáng tác các thể loại văn học. Được sự quan tâm giúp đỡ của các nhà văn, nhà thơ lớp trước và Ban biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên, tôi từng bước định hình được phong cách viết, biết lựa chọn thể loại, đề tài có nhiều cảm xúc và đi vào phản ánh tâm trạng, thân phận con người trong xã hội. Vốn thuở nhỏ từng đắm mình trong các làm điệu chèo, các câu ca dao của làng quê, lớn tham gia quân đội và trở về làm việc trong môi trường công nghiêp, tôi cố gắng lắng lại những trải nghiệm, chắt lọc và thể hiện trong tác phẩm.
Về thơ, dù viết khá nhiều thể loại và đề tài khác nhau, tôi yêu thích thể thơ lục bát và thấy mảng đề tài về người nông dân có nhiều điều có thể khai thác, trải lòng vào con chữ. Các cuộc thi của Hội, của Báo là một động lực quan trọng tạo không khí tìm tòi sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sỹ. Đặc biệt cuộc thi viết về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, tôi đã đọat giải Nhất về thơ, đấy là nguồn khích lệ lớn cho quá trình sáng tác của tôi. Về văn xuôi, tôi tập trung đi sâu vào mảng đề tài về công nghiệp và chiến tranh cách mạng, lĩnh vực tôi có những hiểu biết nhất định để mỗi tác phẩm không cần bố trí nhiều thời gian đi thực tế sáng tác.
Tác phẩm viết xong được Hội hỗ trợ kinh phí xuất bản, in báo có nhuận bút. Được Hội tạo điều kiện tham gia các trại sáng tác, các chuyến thực tế. Thường xuyên tổ chức hội họp, gặp gỡ giao lưu với các văn nghệ sỹ. Tôi cảm nhận được tình cảm nồng ấm của mọi người dành cho nhau, không chỉ qua sự góp ý trao đổi về tác giả tác phẩm, mà còn đồng điệu trong mối quan hệ chân thành mọi việc chung, riêng.
Có thể nói Hội VHNT tỉnh thực sự đã cho tôi nguồn cảm hứng sáng tạo. Từ năm 2010 đến nay, tôi đã in được 03 tập thơ, 03 cuốn truyện ngắn, truyện vui, 03 cuốn tiểu thuyết, in chung cùng nhà văn Minh Hằng 01 cuốn truyện và ký về Đại đội 915. Sắp tới 02 cuốn tiểu thuyết mới về đề tài công an nhân dân và chiến tranh cách mạng ra mắt bạn đọc.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, tôi nghĩ bản thân mình phải nêu cao bản lĩnh chính trị. Tập trung nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học, đi sâu viết về miền đất và con người Thái Nguyên qua các thời kỳ lịch sử. Tìm hiểu, nghiên cứu sáng tác về mảng đề tài chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc trên chính quê hương mình. Tiếp tục phản ảnh với góc nhìn đa chiều về mọi mặt đời sống xã hội, chuyển tới người đọc thông điệp tư tưởng nhân văn.
Tôi mong muốn thời gian tới Hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, luôn xứng đáng là ngôi nhà chung của các văn nghệ sỹ, là nơi hội viên gửi gắm tâm tư tình cảm trong mối quan hệ đoàn kết gắn bó. Có các giải pháp cụ thể tổ chức các chuyến thực tế sáng tác. Xây dựng được mối quan hệ liên kết với các nhà xuất bản giúp hội viên phát hành tác phẩm. Duy trì và nâng mức kinh phí hỗ trợ hoàn thiện, công bố tác phẩm. Tổ chức các hội thảo chuyên đề giới thiệu ra mắt sách của hội viên. Có các chương trình bồi dưỡng trau dồi kỹ năng sáng tác và tạo được các điều kiện cần thiết cho hội viên duy trì cảm hứng sáng tạo, có những tác phẩm văn học đích thực đóng góp với nền văn học nước nhà.
Sáng tác về mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhất là các sự kiện diễn ra tại vùng Việt Bắc cần nhiều thời gian, công sức. Ngoài năng lực sáng tạo của tác giả, rất cần sự hỗ trợ của Hội để anh em văn nghệ sỹ các chuyên ngành sáng tác có điều kiện thâm nhập thực tế tìm hiểu tư liệu, nắm bắt cập nhật thông tin, phản ảnh khách quan về nét đặc trưng riêng của văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc. Đồng thời tổ chức các cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chuyên đề, tạo cảm hứng cho các tác giả có những tìm tòi bứt phá. Ví dụ: Có thể tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về mảnh đất và con người Thái Nguyên với đối tượng rộng rãi để thu hút được nhiều tài năng trong cả nước. Gắn cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với tổ chức Festival Trà, tạo thêm một kênh góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Trà Thái Nguyên, giới thiệu, quảng bá về cây trà và văn hóa trà một cách hữu hiệu hơn…
Với bất kỳ ai, nếu thỏa mãn với những gì đã có, không cố gắng và liên tục đổi mới, người đó sẽ đừng lại. Tôi nghĩ mình sẽ phải tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết, đồng thời sáng tác những tác phẩm văn học có chất lượng và đóng góp xây dựng nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà vững mạnh toàn diện về mọi mặt.
Phan Thái (Chi hội Văn xuôi)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...