Nỗi buồn “thùng rỗng kêu to”
VNTN - Cách đây ít ngày, nối tiếp thành công của Chợ phiên sách cũ đã được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tiếp tục triển khai chương trình này lần thứ hai trong năm 2015 tại thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nhấn của sự kiện là phiên đấu giá sách quý hiếm, với các ấn phẩm như: Cochichine (Nam Kỳ) do Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện, NXB Gastaldy in tại Sài Gòn năm 1931; “Nói với tuổi hai mươi” (Thích Nhất Hạnh, 1973); Tri Tân tạp chí số 98, năm 1943; Tờ nhạc “Thà làm giọt mưa” (Phạm Duy); Bác sĩ Ai-Bô-Lít, 1984; Đầu xuân ra sông giặt áo (Nguyễn Nhật Ánh, 1986)… Các ấn phẩm có mức giá khởi điểm dao động từ 20 nghìn đồng đến 5 triệu đồng, có ấn phẩm lên tới 10 triệu đồng. Điều đáng nói nhất chính là, phiên đấu giá có mục đích gây (góp) quỹ từ thiện. Với 15 ấn phẩm được đấu thắng, sau khi trừ giá khởi điểm cho chủ sách đã thu được hơn 15 triệu đồng. Hoạt động nhỏ, số tiền thu lại dù không nhiều, song nó được Ban tổ chức sự kiện chuyển giao tới quỹ Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị TP.HCM “ngay và luôn” sau khi kết thúc phiên đấu giá.
Việc làm mang ý nghĩa từ thiện, số tiền tưởng như “cỏn con”, vậy mà khiến nhiều người thấy ấm lòng. Nhưng cũng từ đó, người ta lại chạnh buồn khi nghĩ đến nhiều cuộc đấu giá hay sự kiện mang “danh” từ thiện, nào quyên góp, ủng hộ người nghèo, nhân dân vùng bão lũ… rất hoành tráng, nhưng rồi rốt cuộc chỉ là “thùng rỗng kêu to”.
Vào cuối năm 2014, một chương trình ca nhạc mang tên “Cơn bão concert” được tổ chức với mục đích quyên góp tiền xây dựng một khối trường khang trang cùng cơ sở vật chất đầy đủ cho trẻ em dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Sự kiện có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc Việt, vì mục đích “cao cả” nên nhiều nghệ sĩ đã hát hết mình và không lấy tiền cát-xê biểu diễn. Ngoài âm nhạc, chương trình còn tổ chức bán đấu giá tranh, cổ vật gốm Việt có tuổi từ 1.700 - 2.000 năm, cặp bình gốm Bát Tràng thế kỷ 19… Nguồn tin từ các kênh truyền thông cho biết, số tiền thu được là trên 755 triệu đồng. Theo dự kiến, toàn bộ số tiền này sẽ dành để xây dựng trường học cho các em. Vậy nhưng đến tận tháng 6/2015, khoản quyên góp ủng hộ đó vẫn chưa đến được với các trẻ em vùng cao. Lúc này, đại diện Ban tổ chức sự kiện mới “phân bua” rằng, số tiền quyên được trong chương trình tới từ nhiều nguồn và phần lớn là từ một gói tài trợ quảng cáo do một công ty truyền thông tài trợ, nên họ phải đi bán gói quảng cáo đó…
Trước đó vào năm 2010, dư luận cũng một phen bức xúc bởi tình trạng từ thiện “ảo” trong chương trình “Hoa hậu trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung”, được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình lớn của thế giới và trong nước. Cũng với mục đích đầy ý nghĩa là ủng hộ đồng bào miền Trung vừa trải qua bão lũ, hiện vật được bán đấu giá từ thiện là một bức tranh đá quý có chữ ký của 80 thí sinh Miss Earth; một viên đá Rubi khổng lồ; bộ Tứ linh dành giải xuất sắc trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Số tiền công khai sau khi chốt đấu giá cho các hiện vật là 74 tỷ đồng. Người dân vùng lũ khấp khởi mừng vui, nhưng tận mấy tháng sau chương trình thực thu chỉ được hơn một tỷ, 73 tỷ còn lại thì “vướng” phải “nghìn lẻ một” lý do, lý do đáng buồn nhất là có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp cứ “hô” cho sướng miệng, sau đó thì “xù” không trả tiền đấu giá.
Nên chăng cần xây dựng một cơ chế chặt chẽ cho những chương trình mang mục đích từ thiện, để những người làm từ thiện chân chính không mất đi nhiệt huyết và lòng tin.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...