Nỗ lực tuyên truyền, giúp nhân dân hiểu nhiều hơn về biển đảo
VNTN - 7 năm trước, tôi may mắn là một trong những phóng viên báo chí được đi Trường Sa khá sớm so với các cán bộ cấp Sở, ngành của Thái Nguyên, trên con tàu Hải quân số hiệu HQ 996. Chạng vạng tối tàu rời quân cảnh Cam Ranh - Khánh Hòa, các nhà báo được mời lên phòng họp ở tầng 2, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa phổ biến kỹ về hải trình, về công tác truyền thông…, yêu cầu làm thế nào để nhân dân càng hiểu kỹ về Trường Sa, về biển đảo càng tốt.
Đêm ấy tôi và nhiều anh em không ngủ. Phần thì do tầu lắc lư chao đảo, phần chưa quen sóng nước nơi biển xa. Tôi miên man suy nghĩ về việc, làm thế nào để hiệu quả chuyến công tác cao nhất. Thú thực ngoài xem một vài tin tức trên VTV, nhân dân Thái Nguyên (đối tượng phục vụ của Đài PT-TH Thái Nguyên) hầu như chưa hiểu nhiều về Trường Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc… Tôi quyết định dùng thể loại ký sự để chuyển tải sâu về chuyến ra Trường Sa và nhà giàn DK1… Sáng hôm sau thì tôi đã hoàn thành phác thảo kịch bản ký sự 9 kỳ “Kể chuyện Trường Sa”. Qua một đêm, tàu chạy được 100 hải lý (hơn 170km). Từng đàn cá chuồn bay là là mặt nước xao động biển vắng sớm mai, lúc đầu tôi còn ngỡ là một loài chim nào đó bay từ đất liền ra. “Con chuồn còn bay nơi nơi, con giang chiều gọi bạn đường khơi…” - những câu hát trong bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ nằm lòng trong tôi mấy chục năm qua mà đến giờ, nhờ đi Trường Sa mới được trải nghiệm. Điều đó càng thôi thúc tôi phải làm gì đó để khán thính giả hiểu về nơi đây kỹ nhất…
Loạt Ký sự đã mô tả chân thực, cụ thể, tỉ mỉ đến từng chi tiết: Đảo, nhà giàn tên gì, ai đặt, kinh độ, vĩ độ, lịch sử, điều kiện sống; tinh thần bộ đội sẵn sàng chiến đấu… Chuyến ấy ngoài 198 cán bộ đi tàu HQ 996 còn có 5 vị lãnh đạo ra các đảo bằng trực thăng nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Trường Sa, đó là cơ may cho chúng tôi được ghi nhiều hình, nắm được nhiều thông tin chỉ đạo, thật quý… Lúc này Đài PT- TH Thái Nguyên đã phát qua vệ tinh Vinasat 1 nên “Kể chuyện Trường Sa” góp phần đẩy lượng khán giả của chương trình Thời sự tăng đột biến. 9 tập: Trên con tầu HQ 996; Vững vàng Song Tử Tây; Sơn Ca hòn đảo xinh đẹp; Tự hào Nam Yết; Niềm vui trên đảo Sinh Tồn; Đảo Đá Tây và dịch vụ nghề cá; Một lần đến với Trường Sa; Gian khổ lính nhà Giàn; Trường Sa không xa…, được chú ý và đón xem. Đặc biệt, trong mỗi phần chúng tôi đều viện dẫn chứng cớ lịch sử và khoa học chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa…
Loạt ký sự đã được Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam khen thưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị in 600 bộ đĩa gửi đại biểu dự Hội nghị tuyên truyền biên giới, biển đảo. Sau này, mối quan hệ giữa Quân chủng Hải quân và Thái Nguyên nồng hậu đã giúp nhân dân, cán bộ hiểu nhiều hơn về biển đảo cũng bắt đầu từ những thông tin ban đầu ấy…
Tôi nhớ năm 2013, Quân chủng Hải quân thể theo nguyện vọng của lính đảo Trường Sa tự khai thác những phiến đá san hô, ghi tên từng đảo. Chúng tôi đề đạt với Bộ Tư lệnh muốn chuyển về Thái Nguyên, Việt Bắc một bộ gồm 21 khối đại diện cho 21 đảo nổi. Tôi báo cáo lên Thường trực Tỉnh ủy, tìm chỗ đặt với nhiều phương án, và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được chọn. Khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải Việt Nam, cả nước sôi sục, đài Thái Nguyên tổ chức cuộc mít tinh phản đối hành động sai trái này của Trung Quốc và truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của đài và các đài bạn. Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân, Cục kiểm ngư, Cảnh sát biển đều có mặt. Diễn văn lên án do đại diện Cựu chiến binh trình bày và được dịch trực tiếp tại chỗ bằng tiếng Trung Quốc, sau này được đánh giá rất cao bởi có một đài duy nhất chuyển tải được thông điệp của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Trung Quốc qua sóng vệ tinh.
Thiết nghĩ, báo chí có điều kiện để tuyên truyền về biển đảo, phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi một cơ quan báo chí, mỗi một phóng viên có ý thức về đề tài này thì giá trị hết sức to lớn.
Nhà báo Hữu Minh
(Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...