Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Những thanh âm trong trẻo từ cuộc sống

VNTN - Đời sống âm nhạc năm 2019 ghi dấu ấn với hàng loạt sự kiện, dự án, chương trình lớn nhỏ trên sân khấu cũng như trên truyền hình, radio, Internet; với các tác phẩm đa dạng về đề tài và thể loại, ngôn ngữ âm nhạc và phong cách trình diễn, đã và đang cho thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của âm nhạc Việt Nam trong mối tương quan với âm nhạc thế giới.


SỰ LẮNG ĐỌNG CỦA DÒNG NHẠC TRUYỀN THỐNG

Đối với mỗi người dân Việt Nam, âm nhạc giống như thức ăn và nước uống để duy trì sự sống của tâm hồn. Hay nói một cách phồn thực thì khi trải qua những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, người ta lại tìm đến âm nhạc, nương mình vào âm nhạc để cân bằng cuộc sống. Âm nhạc trở thành “chất men”, với người này có thể say quên trời quên đất, nhưng với người khác chỉ đủ xao động, thảng chút buồn. Nắm bắt được xu hướng đó, nhạc cổ đã hồi sinh với không ít chương trình làm thỏa “cơn khát” của những thế hệ 5X, 6X. Sự kiên trì quảng bá cho các thể loại dân gian cổ truyền (như hát xẩm, chầu văn, hầu đồng), đặc biệt những loại hình đã được thế giới biết đến qua sự tôn vinh của UNESCO (nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam bộ, ví giặm Nghệ Tĩnh, hát then vùng núi phía Bắc, hò bài chòi Trung bộ) đã làm mới nhu cầu thưởng thức của người yêu âm nhạc.

Bên cạnh sự hồi sinh của nhạc cổ, đời sống âm nhạc năm 2019 cũng ghi nhận nhiều sáng tác chính thống nối tiếp dòng chảy nhạc cách mạng với đỉnh cao là những chương trình ca nhạc như: Giai điệu tự hào, Bài ca đi cùng năm tháng, Quán Thanh xuân, Ký ức vui vẻ… Tại những chương trình này, nhiều ca khúc kinh điển đã được các nghệ sĩ gửi đến người thưởng thức âm nhạc theo nhiều phong cách khác nhau. Có người xử lý kỹ thuật một cách khéo léo trong nhả âm, nhả chữ; có người lại kết hợp với nhiều thể loại nhạc mới như Pop, Rock,… nhằm tạo nên sự cách tân hiệu quả cho những bài hát xưa phù hợp hơn với đời sống âm nhạc đương đại. Trường hợp “Chiếc khăn piêu” của nhạc sĩ Doãn Nho, do ca sĩ Tùng Dương thể hiện, hay “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Thanh Phương được phối khí rock heavy metal do Hoàng Hiệp và Minh Trí kết hợp với guitar đã góp phần chứng minh chân lý, những ca khúc được gửi gắm bằng cảm xúc chân thật và dồi dào sẽ có tính thế hệ và sức sống lâu bền trong lòng người yêu âm nhạc.

Chưa dừng lại ở việc làm mới ca khúc, làn sóng “trẻ hóa” các ca khúc cách mạng cũng tác động tới các gameshow truyền hình như “Đồ Rê Mí”, “Giọng hát Việt nhí”… khi các ca sĩ nhỏ tuổi mặc trang phục bộ đội, áo du kích, trang phục dân tộc thể hiện các ca khúc như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Trường ca Sông Lô”… đã thực sự đốn tim khán giả.

Không chỉ đem đến cho người yêu nhạc những sản phẩm âm nhạc được làm mới, các nghệ sĩ trẻ còn thổi bùng lên niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm của những người trẻ với những di sản mà cha ông ta để lại. Mang trên mình sứ mệnh cao cả là nối quá khứ với hiện tại, dòng nhạc cổ và nhạc cách mạng đã âm thầm chảy qua những biến cố của lịch sử, bồi đắp tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt, giúp chúng ta hiểu hơn về những thời đoạn của đất nước và từ đó biết trân trọng cuộc sống hiện tại. Đó là những “Bài ca hy vọng”, là “Giấc mơ bên cánh võng”, là “Lá đỏ”,… xa hơn chút nữa là những khúc ru, câu hò ví dặm bên vành nôi đã đưa cả đất nước, cả dân tộc đứng lên “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Cùng với nhạc cổ và nhạc “đỏ”, dòng nhạc bolero cũng được xem là một điểm nhấn của năm 2019. Bước qua mùa thứ tư “Thần tượng bolero” giống như một phát hiện thú vị khi trình làng những tài năng âm nhạc trẻ cùng với Phương Mỹ Chi (mùa 3) là Phương Ý, Trọng Hải, Tô Ngọc Hà, Dương Kim Ánh, Minh Dũng - Thái Ngân (mùa 4), đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho dòng nhạc bolero. Cũng từ cuộc thi, trên mạng Internet đã xuất hiện hàng loạt các bản làm mới bolero mà “Duyên phận” của Thái Thịnh là một ví dụ điển hình. Là một trong những ca khúc Bolero hiếm hoi được sáng tác trong giai đoạn sau (2007), nhưng “Duyên phận” được nhiều người ví là “bài hát quốc dân”. “Quốc dân” ở chỗ không phải “Duyên phận” dễ hát, dễ thuộc mà ca khúc đã kể câu chuyện về số phận của người con gái trong xã hội xưa. Đó là hình ảnh rất đẹp của phụ nữ Việt, với đủ công - dung - ngôn - hạnh, nhưng lại không thể làm chủ cuộc đời của mình, nhất là chuyện dựng vợ gả chồng phải tuân theo quyết định của người lớn. Ngày nay, chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” không còn nữa, nhưng những kỷ niệm đau buồn thì vẫn còn trong tâm trí của biết bao thế hệ. Chính vì vậy, “Duyên phận” nói riêng, bolero nói chung vẫn có chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc, thuyết phục người nghe cho dù họ ở bất kỳ độ tuổi nào.

NHẠC TRẺ MANG HƠI THỞ THỜI ĐẠI

Nhìn lại đời sống âm nhạc trong năm 2019, người yêu nhạc còn có thể phấn chấn với sự gia tăng các chương trình ca nhạc, hòa nhạc chất lượng mang tầm quốc gia và quốc tế, cũng như sự lộ diện những nhân tố trong làng ca nhạc giải trí và khí nhạc chuyên nghiệp qua những tác phẩm được trình diễn. Đó là sự dám thử nghiệm và ham học hỏi thành tựu âm nhạc thế giới cũng như kế thừa tinh hoa vốn cổ dân tộc của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ trong cuộc thi “Âm nhạc mùa thu” (tổ chức tháng 12/2019). Chính các tác giả trẻ đã nỗ lực đưa hơi thở thời đại và tính đa dạng của đề tài xã hội vào âm nhạc. Họ tạo ra khác biệt bởi sự hóm hỉnh và rất “đời”, với những chi tiết thời sự nóng hổi đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống giới trẻ một cách tự nhiên, không cứng nhắc, không đao to búa lớn. Thậm chí họ hát về lối đưa tin nhảm nhí giật gân câu khách của một bộ phận truyền thông; về các chiêu trò câu view câu like của các cô các cậu sống ảo trên mạng xã hội; về lối sống hình thức rỗng tuếch và đầy dối trá. “Anh ta bỏ em rồi” của Hương Giang Idol là một MV đã gây “bão” trong đời sống âm nhạc trẻ trong năm 2019, khi phơi bày trước bàn dân thiên hạ những góc khuất trong tình yêu. Đó là nỗi đau của người con gái, bị bạn thân cướp người yêu và cũng bị chính người yêu phụ bạc: Anh ta bỏ em rồi trong một chiều mưa rơi/Những nỗi buồn mong cơn mưa hãy cuốn trôi/Chẳng sợ ướt vai vì khi ngoảnh lại/ Lòng em từ lâu đã ướt đẫm rồi.

Vũ Cát Tường biểu diễn trong Tour 2019 mang tên “Dear Hanoi”

Trực diện với nỗi đau bằng những xúc cảm cá nhân có thật, những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đã mang đến cho đời sống âm nhạc những sắc màu mới. Họ can đảm chạm đến các vấn nạn quốc gia: việc phá rừng tàn bạo chẳng khác cạo trụi mái tóc mẹ thiên nhiên; một môi trường ô nhiễm toàn phần - đến âm thanh cũng trở thành một thứ độc hại; rồi cái chết oan ức của em bé trong bão lũ là hậu họa trực tiếp từ nhiều năm tàn phá môi trường tự nhiên. Họ không lảng tránh những góc khuất vô nhân đạo: phá thai, trộm chó, lạm dụng tình dục trẻ em… thậm chí, không kiêng kị cả những câu chuyện nhạy cảm của người chuyển giới, mại dâm, chứng trầm cảm, bệnh tự kỷ… Có thể điểm những MV khá thành công của Nguyễn Trần Trung Quân với “Màu nước mắt” khai thác đề tài đồng tính nữ; “Tự tâm” với tình yêu của những người đàn ông. Văn Mai Hương với “Nghe nói anh sắp kết hôn”; “Sáng mắt chưa” của Trúc Nhân…

Sự mới mẻ không chỉ dừng ở đề tài, mà còn có trong ngôn ngữ âm nhạc và phong cách thể hiện của những ca sĩ, nhạc sĩ tuổi đời còn rất trẻ. Đây giống như một tín hiệu đáng mừng thể hiện sự kết nối thế hệ, sự không đứt đoạn của dòng chảy âm nhạc Việt. Điều đó cũng cho thấy, những người trẻ làm nhạc hôm nay sớm ý thức rằng họ không chỉ có nguồn chất liệu từ âm nhạc Anh Mỹ đang thịnh hành, mà còn có cả một kho tàng đậm chất Việt từ những người đi trước để học hỏi và chắt lọc. Nhờ đó, nhạc trẻ đã mang lại một làn gió mới cho đời sống âm nhạc và trong số những bài hát nặng tính thị trường vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao, khiến không chỉ giới trẻ mà người lớn tuổi cũng quan tâm ủng hộ như: “Yêu xa”, “Mơ”, “Góc ban công” của Vũ Cát Tường thể hiện qua Tour 2019 mang tên “Dear Hanoi” vào ngày 31/8/2019; “Anh khác hay em khác” và “Như vậy nhé” của Khắc Việt tại Liveshow miễn phí kỷ niệm 10 năm ca hát diễn ra tháng 10/2019 tại Hà Nội. Rồi những “Để Mị nói cho mà nghe” (Hoàng Thuỳ Linh), “Hết thương cạn nhớ” (Đức Phúc)…. Những tác phẩm này được người yêu âm nhạc đánh giá đã làm đẹp hơn cho đời và kéo mọi người xích lại gần nhau với trái tim còn biết yêu thương, biết làm những điều tốt đẹp để giúp đỡ cho những người kém may mắn và những mảnh đời bất hạnh.

Có thể thấy, thị hiếu của giới trẻ vẫn xoay quanh những tác phẩm đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng xu hướng dịch dần về những sáng tạo và thử nghiệm mới. Ủng hộ cho sự đa dạng của đời sống âm nhạc 2019, nhạc sĩ Thế Hiển cho rằng, những nhạc sĩ trẻ nếu chỉ quẩn quanh những bài tình ca sướt mướt thì sẽ nhanh chóng bị sáo mòn. Vì vậy, tôi ủng hộ nhạc trẻ phản ánh đề tài xã hội. Và bản thân tôi cũng mong muốn đồng hành cùng dòng nhạc này.

Âm nhạc Việt có thể đi vào cuộc sống, phản ánh những đề tài xã hội vốn dĩ đang ngồn ngộn ngoài kia có lẽ không chỉ là tâm nguyện của riêng nhạc sĩ nào, mà còn là mong mỏi của các thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ và cả của người yêu nghệ thuật. Nhưng để biến tâm nguyện trở thành hiện thực, có lẽ hơn lúc nào hết cần có sự dấn thân và bước tới của những người trẻ. Có dấn thân, bước tới thì họ mới có thể thu trọn những thanh âm trong trẻo của cuộc sống vào trong âm nhạc và biến nó trở thành “chất men” khiến người ta say mê và không thể chối từ.

THIỆN TÚ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy