Những “tài nguyên sống” của văn hóa dân tộc
Các Nghệ nhân Ưu tú của tỉnh Thái Nguyên được phong tặng Nghệ nhân loại hình Nghệ thuật Trình diễn dân gian gồm: Bàn Đức Báo (Đại Từ), Diệp Minh Tài (Đồng Hỷ), Lưu Xuân Lai, Hoàng Văn Nguyên, Ma Quang Chóng (Định Hóa), Hầu Thanh Tĩnh, Vy Văn Cải (Phú Lương), Hoàng Thị Bích Hồng (TP. Thái Nguyên); và Nghệ nhân loại hình Ngữ văn dân gian: Hoàng Văn Luận (Định Hóa).
Những người con của núi rừng hồn hậu đón nhận tin vui từ chúng tôi bằng những giọng cười giòn tan, rằng dù không có danh hiệu, thì với những gì sẵn có đã ngấm chảy trong huyết quản, họ vẫn sẽ cứ yêu và giữ “hồn” dân tộc bằng thứ tình cảm đời thường, dung dị đã tồn tại bấy lâu nay.
Là hội viên Chi hội Văn học dân gian Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, ông Hoàng Luận (xóm Khau Diều, Định Biên, Định Hóa) nổi tiếng trên văn đàn Thái Nguyên với hơn chục đầu sách gồm thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết viết về miền núi đặc sắc. Nắm giữ trong tay một “kho tàng” các làn điệu dân ca dân tộc Tày như hát ví, lượn (lượn thương, lượn cọi, lượn nàng ới, lượn nàng hai…), sli, hát ru…, nghệ thuật dân gian gắn với ông như là mối duyên nợ đời người. Từ trong thời đoạn chiến tranh, những câu hát giao duyên, hát ví, hát văn đám cưới của các bà, các mẹ không ngừng vang lên giữa đại ngàn đã làm cậu bé Hoàng Luận đem lòng thích thú. 19 tuổi ông bắt đầu sưu tầm, lưu giữ các bài hát ấy cho riêng mình. Sau này, đảm nhiệm một số công việc xã hội của làng xã, ông có dịp gần gũi nhân dân, đã tìm được nhiều điệu dân ca dân tộc cổ còn lưu truyền lại. Năm 2000 về nghỉ hưu, cuộc sống điền viên cho ông nhiều thời gian tập trung sưu tầm, biên soạn lại các bài hát cổ (khoảng 300 bài) và sáng tác lời mới (200 bài). Sưu tầm cuốn “Hát Then Thái Nguyên”, tác phẩm đã nhận giải Khuyến khích Hội Văn nghệ dân gian năm 1999; biên soạn “Văn hóa làng xã người Tày”; viết và biên soạn cuốn giáo trình: “10 làn điệu dân ca dân tộc Tày Định Hóa” (2010 - 2011), “Hát sli lượn của người Tày Định Hóa” (2013); “Hát Then người Tày” (2014, đồng tác giả Hoàng Tuấn Cư)…
Ở tuổi 71 nhưng nom ông còn nhanh nhẹn, tinh anh lắm mỗi khi đi truyền dạy về vốn văn hóa dân gian dân tộc đến đông đảo quần chúng Định Hóa. Những giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian; nhiều giấy khen, bằng khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên (VH, TT&DL) nhiều năm qua là minh chứng cho những đóng góp xuất sắc của ông. Với ông, việc bảo tồn, phát huy giá trị những làn điệu dân ca dân tộc, những thần tích, thần phả, phong tục tập quán, làng quán người Tày… bay giờ là mối vui sống ý nghĩa của phần đời còn lại.
Giữa ồn ào phố thị, điệu then cất lên trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên của Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Bích Hồng lại khiến người nghe mê đắm khó dứt với những ngón đàn điêu luyện bậc thầy, giọng hát vang và ấm. Trong bộ áo chàm mộc mạc, bà say sưa với niềm vui âm nhạc. Là một người con của dân tộc Tày Định Hóa, lúc nhỏ hay đi theo các thầy pụt, thầy tào trong các tục lễ cúng của người dân tộc vào ngày tết, dịp các gia đình tổ chức mừng thọ, giải hạn, cầu mùa, cầu phúc,… những điệu Then từ đó mà ngấm chảy. Năm 1966, khi mới 16 tuổi, bà đã được Đoàn Văn công Khu tự trị Việt Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) tuyển thẳng vào Đoàn. 23 năm công tác, tiếng đàn, giọng hát đã cất lên ở biết bao buổi diễn cho đồng bào nghe. Và đến nay, sự nghiệp với Hát Then - Đàn Tính ấy kể ra đã có trên 50 tuổi đời.
Nhắc chuyện, bà bồi hồi nhớ về khoảng thời gian mà Hát Then - Đàn Tính bị “lãng quên” sau ngày đất nước thống nhất. Buồn lắm khi đứng trên sân khấu nhưng không gảy đàn, không hát tiếng dân tộc mình mà thể hiện các bài hát mới, những điệu múa hiện đại… May mắn là sau khi về nghỉ hưu (1989), bà xin chuyển sang làm cộng tác viên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, có dịp đi truyền dạy hát then, đàn tính ở các huyện, xã trong tỉnh. Hơn mười năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Hát Then - Đàn Tính dần “hồi sinh” trở lại. Như “cá về với nước”, bà lại được thỏa sức say sưa với nghề, rèn luyện thuần thục khả năng độc tấu đàn tính khá độc đáo. Kinh nghiệm biểu diễn dày dạn trên sân khấu, nghệ nhân Hoàng Thị Bích Hồng đã đưa di sản then Thái Nguyên, đặc biệt là then Định Hóa tới nhiều cuộc Liên hoan, Hội diễn trong và ngoài tỉnh. Từng đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc (1997); giải Khuyến khích Liên hoan nghệ thuật Hát Then - Đàn Tính toàn quốc lần thứ 2 (2007); nhiều giấy khen của Sở Văn hóa TT&DL tỉnh Thái Nguyên…, sự say mê, không ngừng tìm tòi và phát huy khả năng sáng tạo đã giúp bà được ghi nhận, được vinh danh hôm nay.
Lưu giữ và phát triển điệu nhảy Tắc xình, một nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Sán Chay, nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) lại “bén duyên” khá muộn màng. 18 tuổi nhập ngũ, có gần 15 năm trong môi trường quân đội rồi trở về làng cùng bà con xây dựng xóm (1989). Năm 1995, Đồng Tâm là xóm được quan tâm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của huyện Phú Lương, lúc ấy ông Tĩnh đang là trưởng xóm, tuổi đã ngấp nghé 40. Là xóm có 96% dân tộc Sán Chay, nhiệm vụ phải tìm ra bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để xây dựng làng văn hóa là một thử thách lớn. Đích thân dò hỏi những người lớn tuổi là người dân tộc Sán Chay trên địa bàn huyện, ông đã gặp nghệ nhân Vy Văn Cải (cũng là người được phong danh hiệu lần này) để xin được truyền dạy điệu nhảy Tắc xình. Trải qua nhiều cương vị công tác, từ trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng Công an xã, rồi Chủ tịch Mặt trận…, nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh có điều kiện khuấy động phong trào nhảy Tắc xình đến bà con trong xóm, xã. Là người lĩnh hội và truyền dạy điệu nhảy Tắc xình độc đáo, ông đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chay. Hiện nay xóm Đồng Tâm có khoảng 100 người biết nhảy tắc xình. Đáp ứng yêu cầu cuộc sống hiện đại, ông chủ động tìm tòi, thay đổi vũ điệu từ cặp đôi thành cặp tứ, trang phục… khiến điệu nhảy ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn.
Tham gia biểu diễn tại Ngày hội các dân tộc Việt Nam, ngày Hội xuân các dân tộc vùng Đông Bắc; nhiều chương trình văn hóa của tỉnh, huyện; các cuộc giao lưu với các tỉnh bạn…, sau những giờ phút “đem chuông đi đấm xứ người”, ông về lại với vạt chè, ruộng lúa, chăn nuôi tự cung tự cấp điềm nhiên, thư thả. Là lớp “hậu duệ”, con gái ông là Bí thư Đoàn xã Tức Tranh cũng rất thuần thục nhảy Tắc xình, nhiều năm nay chị đã truyền dạy đến nhiều lớp học sinh tiểu học, THCS trong xã.
Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện theo Nghị định số 62/2014/NĐ - CP của Chính phủ, ban hành từ tháng 6/2014; nhằm tôn vinh xứng đáng những nghệ nhân tài năng và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Theo chỉ đạo của Bộ VH, TT&DL, Sở VH, TT&DL tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Nghị định xuống cấp cơ sở huyện, thị, phường, xã; tiến hành rà soát, xét duyệt các hồ sơ gửi lên tỉnh theo đúng quy trình. Theo quy định, các nghệ nhân được xét tặng phải có thời gian hoạt động gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể từ 15 năm trở lên; phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể… Trong tổng số 13 hồ sơ nghệ nhân Sở VH, TT&DL Thái Nguyên gửi cấp trung ương xét duyệt đã có 9 người được vinh danh.
Đối với các nghệ nhân mà nói, đó là niềm vinh dự lớn lao, bởi sau quá trình tận tâm cống hiến, sự ghi nhận này là một trái ngọt. Họ sẽ có được chính sách đãi ngộ của nhà nước: ngoài huy hiệu, giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo, thì đối với những nghệ nhân NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ với mức từ 700 - 1 triệu đồng/ tháng, tùy theo nhóm đối tượng; được chăm lo chế độ bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Khi qua đời thì cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tổ chức mai táng được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng 7 triệu đồng/người…
Tuy nhiên, đi kèm những quyền lợi thiết thực là yêu cầu trách nhiệm, các nghệ nhân được công nhận phải có nghĩa vụ không ngừng hoàn thiện và truyền dạy tri thức, kỹ năng…. Đó cũng là trách nhiệm đối với các cấp ngành quản lý văn hóa tỉnh nhà. Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh cho biết: “Bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc hiện nay cần có sự chắt lọc những tinh túy, các giá trị truyền thống đặc sắc, nhưng đồng thời cũng phải làm mới bắt nhịp cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Chúng tôi đã có kế hoạch lưu giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa độc đáo này; không để nhận danh hiệu xong rồi để đó, mà phải có những “mảnh đất” để các nghệ nhân thể hiện tài năng, tâm huyết, chẳng hạn như ở các hội thi, hội diễn… Họ là những “tài nguyên sống” hiếm có, nhưng làm thế nào để khai thác tài nguyên hiệu quả là điều chúng tôi phải nghĩ đến. Tỉnh dự định sẽ xây dựng các mô hình liên hoan nghệ thuật quần chúng, thông qua đó sẽ tạo cơ hội bảo tồn, phát huy một cách có hiệu quả…”
Mặc dù các nghệ nhân sẽ được quan tâm theo chính sách đãi ngộ của nhà nước, nhưng niềm trăn trở của họ thì không vì thế mà ít đi. Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Luận bộc bạch rằng: với văn hóa dân gian dân tộc, đòi hỏi con người ta phải có tâm - tầm - tài, có tình cảm, thời gian và cả tiền bạc. Mình có tình cảm, nhưng thời gian thì không còn nhiều, tiền thì lại càng không. Tuy hài lòng vì đã đi truyền dạy, đã hát cho nhiều người nghe và được bà con nhân dân đón nhận; đã thấy một lớp trẻ hát ví, then, sli, lượn… sẵn sàng tiếp nối. Vậy nhưng vấn đề hiện nay nằm ở những người làm quản lý văn hóa, là sự nhận thức về văn hóa dân gian chưa thật đúng và sâu rộng. Bản sắc dân tộc mà “kinh hóa” thì quả là cũng đáng lo.
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...