Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
01:05 (GMT +7)

Những người muôn năm cũ

VNTN - Hỏi bà chủ một khách sạn ở thành phố Cao Bằng - nơi tôi ở, rồi hỏi thêm nhiều người dân nữa về địa điểm thành Nhà Mạc, hầu hết đều nhận được cái lắc đầu, chỉ có một người nói là nghe đâu ở tận huyện Phục Hòa. Tra cứu trên google thì thông tin không rõ, bèn gọi 1080 Cao Bằng thì may quá, cô điện thoại viên nói “chờ em một lát, để tra cứu” và sau đó cô bảo “ở xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, chỉ cách thành phố khoảng 15 km thôi”.

Đã chiều muộn, nhưng tôi vẫn quyết định phi xe vào, vừa đi vừa hỏi đường. Chỉ hỏi đường vào xã Hoàng Tung, chứ hỏi đường vào thành Nhà Mạc thì vẫn không ai biết. Nhưng may thay, vào đến xã Hoàng Tung rồi thì dân ở đây ai cũng biết địa điểm “thành Nhà Mạc” và chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Thì ra … Vào đến nơi, tôi mới vỡ lẽ.

Đó là một khu di tích được tỉnh Cao Bằng bảo vệ, tôn tạo một cách rất bài bản, nhưng cổng vào khu di tích lại ghi: Đền Vua Lê. Và tọa lạc trên đỉnh đồi mà tôi cứ nghĩ là chính điện của nhà Mạc lại là một khu đền đã được tôn tạo rất đẹp, bề thế: đền thờ vua Lê Thái Tổ. Dưới chân đền là một tấm bia đá do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạc dựng năm 1995, ghi:

“Đền Vua Lê nằm trong quần thể di tích thành Nà Lữ, thuộc Làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Đây là trung tâm hoạt động kinh tế, văn hóa, quân sự của nhiều triều đại vua quan phong kiến xưa.

Thế kỷ thứ XI, Nùng Phúc Tồn, thủ lĩnh châu Quảng Nguyên tự xưng là Chiêu thánh Hoàng đế, lập nước Trường Sinh xây thành, xây cung điện tại Nà Lữ.

Thế kỷ XIV, giặc Minh xâm lược nước ta. Bế Khắc Thiệu, một tù trưởng người Tày đã liên kết với Nông Đắc Thái dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh. Năm 1430, Bế Khắc Thiệu tự xưng là Bế Đại Vương, phong cho Nông Đắc Thái là Nông Nguyên soái, đóng đô ở thành Nà Lữ, tu sửa thành, lập cung điện. Năm 1431, Lê Lợi đã thân chinh đưa quân lên trấn áp và cho tu sửa thành. Sau sự kiện đó, nhân dân lập “sinh từ” thờ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

Năm 1592, Mạc Kính Cung chạy lên Cao Bằng, chiếm thành Nà Lữ và lập cung điện tại đây, trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593-1625), Mạc Kính Khoan (1625-1638), Mạc Kính Vũ (1638-1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nhà Mạc bị quân nhà Lê đánh bại, phải rời cung điện chạy sang Trung Quốc. Năm 1682, Lê Thì Hải  quan trấn thủ Cao Bằng đã xin đổi cung điện nhà Mạc thành đền thờ Vua Lê, lấy áo bào và thanh kiếm thờ vọng ở chỗ ngai vàng”.

Ra là thế. Cái mỏm đồi nho nhỏ này đã là một vùng đắc địa, một vùng đất thiêng. Nếu tính cả các thủ lĩnh, tù trưởng tự xưng vương, xưng đế, cộng với triều Mạc tồn tại ở đây 85 năm thì cách nói “đây là trung tâm hoạt động kinh tế, văn hóa, quân sự của nhiều triều đại vua quan phong kiến xưa” hoàn toàn không sai. Có điều, nếu đặt trong sự so sánh thì chắc chắn triều Mạc là “triều đại vua quan phong kiến” uy phong nhất, để lại nhiều dấu ấn nhất, kể cả dấu ấn về vật chất và phi vật chất ở vùng địa linh này. Tuy nhiên, do các thủ đoạn chính trị mà sau này người chiến thắng (nhà Lê) đã cố xóa mờ thành quả của nhà Mạc (mà họ coi là Ngụy triều). Và một trong những cách làm cực kỳ thâm ý là dựng đền thờ vua Lê (người chiến thắng) ngay trên chính cung điện của nhà Mạc (kẻ chiến bại). Việc làm này cũng đã được nhà Lê làm từ trước đó khi Lê Lợi dẹp xong phản tướng Bế Khắc Thiệu, khi cho “nhân dân dựng “sinh từ” thờ vua Lê Thái Tổ”.

Thành Nà Lữ thời nhà Mạc được coi là thành lũy được xây dựng kiên cố nhất, rộng nhất, có cung vua trong thành, nhưng đến nay lại là nơi còn lưu giữ được ít nhất các di tích của thành trì (thành nhà Mạc có ở nhiều nơi trong khu Việt Bắc). Hầu như không còn một mảng tường thành nào nguyên vẹn, chỉ còn rải rác những phiến đá xây thành vuông vắn ở các sân vườn của nhà dân, các lối đường đi lại. Ông cụ trông coi đền cho biết, trước đó thì nhà Lê phá thành diệt Mạc, sau đó là các đợt phá thành lấy đá, lấy gạch vồ của cư dân để làm nhà, làm các công trình phục vụ đời sống; đợt phá tường thành cuối cùng diễn ra vào những năm 1959-1960, khi Cao Bằng bắt đầu tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Bà con lấy đá, lấy gạch để làm đường, làm công trình thủy lợi…

Chiều rơi nhanh. Bà con nông dân đã hót xong những dậu thóc cuối cùng phơi nhờ trong sân đền. Tôi đi theo ông cụ trông đền xem xét vài phiến đá, viên gạch vồ còn sót lại của thành nhà Mạc, nhìn theo cánh tay cụ chỉ đâu là cổng đông, đâu là cổng nam xưa của thành mà lòng chợt thấy nao nao. Ừ nhỉ, tại sao mình lại nao nao cơ chứ? Chả lẽ lại đi tiếc nuối cho cái cơ đồ không có hậu một vong triều? Câu thơ của cụ Nguyễn Đình Liên cứ lởn vởn trong đầu: Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

Có lẽ, mặc dù là hậu thế rất xa, vời vợi xa của nhà Mạc, nhưng hình như mình có một cái gì đó liên quan đến cái triều chính lưu vong này. Phải! Nó xuất phát từ cái nơi mà mình sinh ra, lớn lên, mình ám ảnh về nó, mà khi kể với bạn một cái gì đó về nơi này ta thường mở đầu bằng một cụm từ Quê Tôi. Đúng! Quê tôi là một vùng đồi núi ở phía nam của tỉnh Bắc Kạn, nhưng ngày xưa là một phần của châu Định Hóa, thuộc xứ Thái Nguyên. Nơi này, đến giờ vẫn còn dầy đặc những dấu tích, những công trình, những địa danh, những truyền thuyết gắn với triều Mạc lưu vong.

 Đó là hệ thống mương phai dẫn thủy nhập điền, những ao đập khổng lồ mà người thời nay cũng khó tưởng tượng họ phải huy động bao nhiêu công sức mới làm được như thế. Đó là những Nà Chợ (đám ruộng họp chợ), Pù Nghè (đồi dựng nghè), Pù Đình (đồi dựng đình), Pù Chua (đồi dựng chùa), Bó Nặm (giếng nước)…,(địa danh bằng tiếng Tày), chứng tỏ thời kỳ đó, cư dân và quân lính ở đây rất đông với các thiết chế Chợ, Đình, Chùa, Giếng làng… chỉ có thể là thiết chế văn hóa dưới thời Mạc. Nhà Mạc thua chạy nhà Lê - Trịnh, chạy đến đâu mang cả dân theo đấy, mang cả văn hóa thuần Việt đi theo. Cư dân bản địa ở đây chỉ có người Tày, người Dao không phải là chủ thể sáng tạo ra các thiết chế đó.

 Đó là những cái tên: Đồn Nhà Mạc, Vọng gác Nhà Mạc, đồi Quận Công,…ghi rõ dấu ấn nơi đồn trú, đóng quân của quân lính nhà Mạc; còn các địa danh Vằng Áp Chạng (Vũng tắm voi), Kéo Kẹn Chạng (Đèo Voi kẹt) là ghi dấu cuộc hành binh của quân nhà Lê - Trịnh phạt Mạc, trong đó có cả voi (chạng). Hồi còn nhỏ, sau mỗi trận mưa rào, nước xối trôi bề mặt đất, chúng tôi thường đi nhặt được rất nhiều những viên đạn chì to tròn như viên bi ve. Bà con đi đắp ao ở Thôm Chu còn đào được một bó súng hỏa mai (ba khẩu), một chum bạc trắng, rất nhiều đồ sành sứ. Rải rác đâu đó trên các sườn đồi, sườn núi, bà con đi làm nương thường nhặt được những thanh kiếm và nhiều vật dụng khác bằng sắt, đồng. Những điều đó còn chứng tỏ, nơi đây là một vùng chiến trận tàn khốc.

Theo sử sách, những vùng như Chợ Đồn, Định Hóa,Tuyên Quang, quân dân nhà Mạc định cư không lâu. Họ chỉ ở trong một khoảng thời gian ngắn, trong khoảng dăm ba năm, là khoảng quá độ vừa rút quân, vừa củng cố lực lượng, khai khẩn đất đai trồng cấy lúa nước làm lương thực để cố bám trụ, nhưng những dấu tích ghi dấu một thời tồn tại của nhà Mạc ở đây thật khó phai mờ. Sau này, khi lên đến Cao Bằng dựng đô, phát triển lực lượng, quân lính nhà Mạc còn nhiều lần trở lại nơi này tái chiếm lại đất đai, mở rộng lãnh thổ…

Những chuyện đó lâu quá rồi. Những nhận định trên cũng là một phần suy đoán. Muốn tường tận phải hỏi người xưa. Nhưng người xưa đâu còn nữa, may chăng còn chút hồn phách lảng vảng gió mây. Lịch sử như dòng sông trôi. Chiều đìu hiu bên thành cổ Nà Lữ, nhớ nhà, nhớ quê, là người hay nghĩ nên lẩn thẩn nói về chuyện xưa, người xưa …

Triệu Doanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy