Những người “đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát”…
VNTN - Nhiều năm nay, thành phố Thái Nguyên nở rộ trào lưu “cà phê hát” với phong cách đa dạng và chuyên nghiệp, có sân khấu, band nhạc, ca sĩ. Dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, mức thù lao những “ca sĩ phòng trà” được nhận cũng chẳng lấy gì hậu hĩnh. Nhưng họ - vẫn lặng lẽ “đêm đêm dâng tiếng hát cho đời”, chỉ bởi đó là nơi họ được sống với đam mê âm nhạc của chính mình.
Đam mê là hát…
Không gian ấm áp, gần gũi, những địa điểm “cà phê hát” là lựa chọn lý tưởng cho nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Khách hàng vừa thưởng thức đồ uống, vừa nghe hát, vừa có cơ hội thể hiện năng khiếu âm nhạc ở đây… Đó là điểm thu hút của các quán cà phê - phòng trà ở thành phố Thái Nguyên hiện nay như: Phòng trà Bạn Hữu (Nhà Thi đấu Thái Nguyên), No.1 coffee (đường Phủ Liễn), Phượng coffee (đê Nông Lâm), Tùng Acoustic (đường Z115), The King coffee (đường Bắc Sơn), Notes coffee (Khách sạn Thái Nguyên)… “Ca sĩ phòng trà” ở Thái Nguyên hiện nay có khoảng 10 người. Có người được đào tạo bài bản trong môi trường nghệ thuật, cũng có người hát bằng năng khiếu trời cho. Họ đi hát để mưu sinh, để trải nghiệm, rèn giũa bản lĩnh sân khấu và các kỹ năng đời sống… Quan trọng hơn cả là được sống với niềm say mê âm nhạc một cách vô điều kiện.
Là sinh viên Đại học Công nghiệp, từng sinh hoạt trong Câu lạc bộ guitar của trường, Bùi Văn Đại (24 tuổi) tham gia nhiều cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ trong sinh viên với năng khiếu ca hát rất tự nhiên. Đi hát để mưu sinh đã 3 năm nay, hầu như quán “cà phê hát” nào ở Thái Nguyên Đại cũng góp mặt. Diễn kín lịch từ thứ 4 đến chủ nhật hàng tuần, mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/tháng, đời sống của Đại khá ổn định. Cân đối thời gian học và làm, Đại có cách sắp xếp khoa học để luôn tập trung hoàn thành bài vở trên lớp. Khung giờ diễn thường cố định (20h30 đến 22h30) nên cũng có thể chủ động thời gian chứ không bị o ép.
Cũng hát phòng trà mưu sinh hơn một năm nay, Lê Thiện Hiếu (20 tuổi, phường Hương Sơn, TP. Thái Nguyên) đang chuẩn bị tham gia vòng giấu mặt gameshow Sing my song - Bài hát hay nhất ở Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh. Cứ nghĩ Hiếu phải theo học ở một trường chuyên về văn hóa nghệ thuật, nhưng bất ngờ là không. Việc đi hát, sáng tác nhạc của Hiếu hoàn toàn xuất phát từ năng khiếu, và chỉ học thêm chút ít từ những người làm nghề đi trước. Hát tại các quán cà phê: Phượng coffee (thứ 3), Tùng Acoustic (thứ 6), No.1 Coffee (tối thứ 4, 5, 7, Chủ nhật), Hiếu mang nhiều hoài bão, xác định sống và theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, coi việc đi hát vừa để mưu sinh, vừa rèn nghề. Với mức thu nhập khoảng 4 -5 triệu đồng/tháng, Hiếu thuê phòng trọ ra ở riêng, chuyên tâm đi hát, tự học hỏi kiến thức âm nhạc, tự chăm lo đời sống cá nhân, chàng trai trẻ đang nỗ lực từng ngày để sống được bằng nghề.
Coffee No.1 là điểm đến lý tưởng để thưởng thức âm nhạc Ảnh: Lê Tú
Không hề có kiến thức về âm nhạc, Nguyễn Thị Thanh Thủy (23 tuổi) vừa tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Đại học Thái Nguyên, hiện đang làm marketing tại một trung tâm tiếng Anh ở thành phố, và đã có kinh nghiệm 2 năm đi hát ở các quán cà phê. Có công việc ổn định, linh động thời gian, Thủy hát bằng năng khiếu trời cho, đi hát vì yêu thích chứ không đặt nặng vấn đề kinh tế, vì thế không cảm thấy áp lực gì.
Dù là nghiệp dư, nhưng những người như Hiếu, Thủy, Đại luôn hát với tâm thế hết mình. Mỗi tuần, họ đều phải dành thời gian tập luyện cùng band nhạc, tìm những bài hát mới phù hợp với chất giọng, kết hợp ăn ý với nhạc công. Đứng trên sân khấu là cách họ rèn giũa, học tập kiến thức âm nhạc, hoàn thiện kỹ năng sống. Thủy bộc bạch: Ca sĩ hát thế nào sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của quán thế ấy. Nhập tâm, hòa cảm xúc vào bài hát là điều cần thiết, song đó cũng là nhược điểm của mình khi “phiêu” quá mà quên cả lời hát. Lúc đầu thì bối rối, xấu hổ, nhưng quen dần sẽ học được cách xử lý, tự tin và chuyên nghiệp hơn. Âm nhạc mang đến những niềm vui mà tiền bạc không mua được, thiên về đời sống tinh thần. Đi hát khiến mình luôn vui vẻ, yêu đời.
Và chuyện quanh phòng trà
Tuy quán có lịch hát cố định, có band nhạc hẳn hoi nhưng không phải ngày nào các “ca sĩ” này cũng có mặt. Bởi các band nhạc ở phòng trà hiện nay ngoài bộ phận ca sĩ (4,5 người) còn có các nhạc công chơi guitar acoustic, organ, trống cajon. Vì thế cũng phải chia show thay phiên nhau hát, tránh việc xuất hiện thường xuyên sẽ làm người nghe nhàm chán. Mức thù lao họ nhận được sau mỗi show diễn trong thời gian 2 tiếng đều là giá chung, bình quân 200 nghìn/tối/người.
Ngay từ khi còn học trong trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc với chuyên ngành thanh nhạc, Lâm Nhật Tuyền (27 tuổi) đã đi hát ở các quán cà phê. Tốt nghiệp rồi về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên, có nhiều cơ hội đứng trên sân khấu lớn, nhưng với anh, việc đi hát phòng trà lại mang đến những giá trị khác biệt. Là một trong những ca sĩ hát phòng trà có tiếng được nhiều người biết đến ở Thái Nguyên, được trang bị đầy đủ kiến thức âm nhạc lẫn kinh nghiệm thực tiễn, Nhật Tuyền chia sẻ: không gian quán cà phê thường nhỏ, rất ấm cúng, thân tình, ca sĩ hát ở đó được tương tác với khán giả nhiều hơn, cảm xúc vì thế luôn được nuôi dưỡng một cách tích cực.
Dù hoạt động chuyên và không chuyên về âm nhạc, các ca sĩ phòng trà cũng đều có chung quan điểm, rằng quá trình tiếp xúc từ sân khấu phòng trà cho họ những trải nghiệm quý giá để trưởng thành. Khán giả ở đây cũng có nhiều đối tượng, thành phần, có người lịch sự, có người không. Và với những trường hợp không lịch sự gặp phải, đó cũng là thách thức để các ca sĩ thể hiện bản lĩnh sân khấu và khả năng ứng xử.
Kỷ niệm nghề nghiệp đáng nhớ của Nhật Tuyền trong quá trình đi hát, có những niềm vui bất ngờ và cả những chuyện buồn “bây giờ mới kể”. Năm 2015, fan hâm mộ ca sĩ Hoài Lâm ở Thái Nguyên và Hà Nội kết hợp mời thần tượng giao lưu, biểu diễn tại Phòng trà Bạn Hữu. Vì có nhiều năm làm ca sĩ kiêm MC tại phòng trà này nên Tuyền được tin tưởng giao dẫn dắt chương trình. Trong khi đợi ca sĩ trang điểm, Tuyền phải hát lót để “câu giờ”. Lúc đầu khán giả phản ứng vì sốt ruột chờ đợi thần tượng, nhưng khi nghe Tuyền hát, bất ngờ lại nhận được sự cổ vũ, khen ngợi thay vì thái độ khó chịu từ phía các vị khách. Điều đó đủ khiến Tuyền thêm yêu nghiệp ca hát mà mình đã chọn. Nhưng rồi, ngoài những niềm vui được đón nhận, khích lệ, thì Tuyền cũng có một cú sốc tinh thần để đời. Thường thì trong mỗi đêm nhạc tại phòng trà Bạn Hữu, ngoài phần thể hiện của ca sĩ còn có phần giao lưu dành cho những khán giả yêu thích ca hát. Có hôm vì lượng khách đăng ký nhiều, một khán giả chờ lâu chưa tới lượt “biểu diễn” đã khó chịu, lên tận sân khấu chất vấn MC và tát Tuyền ngay trước mặt đông người. Chẳng kịp phản ứng, cảm giác bị xúc phạm, tổn thương ghê gớm khiến Tuyền không còn tâm trạng đứng lại sân khấu, chạy xe về mà khóc tu tu như trẻ con.
Bận bịu với công việc chuyên môn tại Đoàn Nghệ thuật, nên việc đi hát phòng trà của Tuyền không nhằm mục đích mưu sinh như trước. Mức thù lao Tuyền nhận cũng chỉ sàn sàn các ca sĩ nghiệp dư như Thủy và Hiếu. Nhưng sau nhiều năm đi hát, thứ mà Tuyền tự tin có được không chỉ là bản lĩnh sân khấu vững vàng mà còn là những kinh nghiệm, chủ động trong xử lý các tình huống xấu, khéo léo trong giao tiếp, ứng xử. Còn Hiếu, thứ mà chàng trai trẻ có được là sự trưởng thành, rèn giũa khả năng hiệu quả. “Tuy có chút hạn chế là đi hát liên tục, nhiều khi cảm xúc không đầy, thậm chí bị chai lỳ, giọng yếu đi…, nhưng may mắn là em luôn nhận được sự yêu mến của khán giả. Thấy mình bản lĩnh hơn trước đám đông và tự tin trên sân khấu. Đó là động lực để em nuôi dưỡng đam mê và sống hết mình với âm nhạc” - Hiếu bày tỏ.
Hoạt động trong môi trường “cà phê hát”, các ca sĩ cũng có sự cạnh tranh nhất định. Nhưng không phải ở chuyện dùng “chiêu bài”, mà là sự cạnh tranh trong việc khẳng định tài năng, phải liên tục học hỏi, tiến bộ. Với ca sĩ chuyên nghiệp như Tuyền, bỏ qua sự hơn thua về mặt chuyên môn, thì sự cạnh tranh với anh là tự trách nhiệm với bản thân, xuất hiện trên sân khấu luôn muốn mình chỉn chu, chuyên nghiệp hơn…
Dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, thì trong không gian gần gũi, thân mật của những quán cà phê, các “ca sĩ phòng trà” vẫn luôn hát bằng niềm đam mê hết mình với âm nhạc, phục vụ nhu cầu giải trí bình dân mà không kém phần sang trọng. Họ lặng lẽ “đêm đêm dâng tiếng hát cho đời” bằng tất cả trái tim mình, giản dị và say mê!
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...