Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
20:35 (GMT +7)

Những người bị “mắc kẹt”

Nếu nhìn sâu vào mỗi người quanh ta với con mắt rộng mở và chấp nhận sự khác biệt, ta sẽ thấy cuộc sống là muôn ngàn mảnh ghép đáng quý.

Chẳng ai được lựa chọn điều gì cho mình khi sinh ra

 Kết nối qua facebook, tôi được Kim Chi đồng ý gặp tại quán Coffee Rêu (T.P Thái Nguyên). Đúng hẹn, một chàng trai da trắng, tóc nhuộm nâu cắt cao chải hất bồng bềnh xuất hiện. Chi đã thay đổi hình thức của mình giống nam, phù hợp với giới tính mong muốn.

Những người bị “mắc kẹt”
Tác giả (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) và “những trang sách sống”

- Cháu là trans guy (*). Tên khai sinh của cháu là Trần Kim Chi, cháu còn có tên tự đặt là Đình Chiến. Cô đừng ngại nói câu gì “động chạm” đến giới tính của cháu. Từ lâu cháu đã quen với ánh nhìn dị nghị và không còn bận tâm nhiều như trước. Cháu cứ sống là cháu thôi - Chi vào chuyện tự nhiên như thế.

Rồi Chi kể: “Gia đình cháu ở xã Túc Duyên (TP. Thái Nguyên). Cháu biết mình “khác lạ” năm lên cấp 2, cháu thích cô giáo thực tập, một kiểu “thích” rất đặc biệt. Cháu ngạc nhiên về bản thân lắm, không hiểu sao mình lại như thế. Lên cấp ba cháu thử thân với con trai nhưng không thân nổi. Rồi cháu yêu một bạn gái cùng lớp và được yêu lại. Lúc ấy cháu biết mình thuộc cộng đồng LGBTIQA+ (*) (sau đây xin gọi tắt là người đồng tính -ĐT).

Chúng tôi im lặng nhìn phố xá nhộn nhịp đang trôi ngoài song cửa. Tôi tự hỏi, sẽ như thế nào nhỉ khi mình mang hình hài đàn bà nhưng con người thực chất lại là đàn ông?

- Đã có lúc cháu phóng xe như điên trên đường, muốn lao vào đâu đó cho hết sự trớ trêu này. Nhưng rồi cháu nghĩ lại. Người cháu thương nhất là mẹ cháu. Mẹ cháu chỉ biết khóc, hỏi cháu “sao lại thế hả con?”. Mẹ ơi, con cũng không biết nữa.

 Hoang mang không biết mình là ai là tâm trạng chung của hầu hết người ĐT.

Hai bạn trẻ gien Z là Đặng Quyết Chí (Đồng Hỷ) và Triệu Phúc Trí (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) cũng trải lòng với tôi về giai đoạn “đen tối” của cuộc đời khi biết mình “chẳng giống ai”.

Những người bị “mắc kẹt”
Duyên, Huyền và con trai

Đến gặp tôi, Chí đội tóc giả, trang điểm, đi guốc cao gót, yểu điệu và khá đẹp. Dưới cái tên tự đặt là Quỳnh Chi, Chí đã giành danh hiệu Hoa khôi xứ Trà trong cuộc thi sắc đẹp của người ĐT, tổ chức tại Thái Nguyên năm 2022.

-Cháu công khai giới tính năm học cấp 3 - Chí kể - Bố cháu uống rượu say, mẹ cháu khóc suốt ngày. Các bạn trong lớp không ai ngồi cùng, gọi cháu là “thằng con gái”. Có lần bị bạn đánh, cháu “phô” cô giáo thì cô lạnh lùng hỏi lại: “Sao em không như các bạn?”. Vâng, sao cháu không giống các bạn nam khác? Sao cháu lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này? Chính cháu cũng ngàn lần đặt ra câu hỏi đó và không thể trả lời. Cuộc sống trước mắt cháu như trong chiếc giếng tối đen - Chí nghẹn lời kể chuyện cũ.

Ngồi cạnh Quyết Chí, Triệu Phúc Trí nhỏ nhẹ nói với tôi: Cháu là Gay (*) cô ạ.

Sinh ra trong một gia đình người Dao, Trí được dòng họ làm lễ cấp sắc (**) năm cậu 13 tuổi, nhưng Trí biết mình không phải “đàn ông hoàn toàn”. Trí kể: Ba năm học cấp 2 cháu bị các bạn chặn cửa không cho vào lớp, chặn đường không cho đi về, lột quần áo để xem “cái kia” như thế nào. Bà con trong bản không cho trẻ con đến nhà cháu, sợ “lây bệnh”. Buồn quá, cháu chỉ biết ra rừng khóc một mình.

“Vì sao chúng ta cùng là con gái mà lại yêu nhau, muốn gắn kết với nhau như vợ chồng”? Đó cũng là câu hỏi của Ma Thị Huyền và Nguyễn Thị Duyên, cặp vợ chồng Les (*) đang sống tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ. Huyền sinh năm 1995, dân tộc Tày. Học hết cấp 2 đi làm, bạn bè gán ghép, Huyền lấy chồng năm 17 tuổi, có con năm 18 tuổi. Nhưng vợ chồng nhanh chóng ly thân rồi ly hôn, Huyền “càm” con đi theo hết nhà máy này đến công ty khác nơi cô làm việc. Rồi Huyền gặp Duyên. Cô gái sinh 1994 quê Phú Thọ này có 11 năm lao động ở Trung Quốc. Duyên tâm sự: Cháu biết mình thích con gái từ năm học lớp 7. Bị dè bỉu, kỳ thị, cháu bỏ học…

Mình phải chấp nhận và yêu mình trước đã

 Ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã khi tuổi đời còn quá non nớt, may thay cả Chí, Chi, Trí, Huyền, Duyên đều tự “níu” vào chính mình để sống tiếp. Trí và Chí hiện là sinh viên trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Cả hai cùng tìm ra lối duy nhất là phải cứng cỏi và chăm chỉ hơn người. Họ đã có thành tích học tập đáng nể từ cấp 3 lên đại học và tạo cho mình nền tảng tốt khi ra trường.

Những người bị “mắc kẹt”
Tác giả và Kim Chi

“Chúng cháu đã công khai mình là ai”, cả 5 người tôi nói đến ở trên đều chung hành động này. Ban đầu, họ phải chịu đựng cảnh người thân “sốc”, chịu đựng sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè, những đối xử bất bình đẳng khi tham gia nhiều hoạt động xã hội. Nhưng rồi, bằng việc làm trách nhiệm, sự tử tế trong lối sống, cố gắng trong lao động và học tập, họ đã được ghi nhận và tin tưởng.

Chi nói với tôi: Nhìn thẳng vào bản thân và cộng đồng người ĐT, cháu thấy nét tâm lý nổi bật là nhiều người đặt mình ở thế “dưới”, họ chấp nhận trao đi nhiều hơn là nhận về. Nhất là với tình yêu, người ĐT thường quá mê đắm, thậm chí hạ mình để giữ tình cảm, trở nên bi lụy. Như cháu biết thì Thái Nguyên có khoảng 6-7 nghìn người ĐT, nhưng số công khai chưa nhiều. Vì che giấu con người thật nên trong cuộc sống và công việc người ĐT không dám bộc lộ hết mình, ngại va chạm, ngại tranh đấu, ngại trình bày quan điểm riêng… từ đó khó phát huy được hết năng lực và chịu nhiều thiệt thòi. Cháu nghĩ, người ĐT đòi hỏi xã hội chấp nhận mà bản thân mình không dám chấp nhận mình là điều vô lý, phải không cô?

Chọn cách làm việc hữu ích cho cộng đồng, Chí và Trí tham gia các dự án truyền thông về nguy cơ bệnh tật; trợ giúp các bệnh viện lấy máu xét nghiệm phòng chống HIV cho người ĐT. Chí là quản trị viên của trang facebook có hơn 6.000 thành viên là người ĐT. Đặc biệt, sau khi giành vương miện Hoa khôi xứ Trà, Chí trở thành hướng dẫn viên, giám khảo nhiều cuộc thi tương tự toàn quốc. Triệu Phúc Trí thì dành thời gian học ngoại ngữ, tích cực đi tour, chuẩn bị hành trang trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Huyền và Duyên yên tâm với công việc hái chè thuê và dạy tiếng Trung online, dành dụm tiền nuôi cháu Long (con riêng của Huyền) ăn học.

Khi chấp nhận và sống tốt với bản thân, họ đã chinh phục được người xung quanh. Đến nay, gia đình của Chi, Chí, Trí, Huyền, Duyên đều chấp nhận và giúp đỡ con. Ông Ma Văn Trường (dân tộc Tày), bố của Huyền nói với tôi: “Con mình sống cuộc đời của nó, mình có sống thay được đâu. Tôi chỉ nói với nó rằng, con đừng làm điều gì phi pháp khiến bố mẹ phải hổ thẹn là được”. Mẹ của Quyết Chí (dân tộc Nùng), tuy làm nông nghiệp và ít va chạm xã hội, cũng nói với con: “Dù con là ai cũng do mẹ đẻ ra, con hạnh phúc là mẹ hạnh phúc”. Gia đình Duyên thì sẵn sàng “mở hầu bao” cho hai đứa đi thụ tinh nhân tạo để sinh con. Chứng kiến khung cảnh đầm ấm, cu Long ôm cổ “bố” Duyên nũng nịu, tôi hiểu họ đã tìm đúng “nửa kia” của mình.

Trí và Chí ríu rít nói với tôi rằng họ có nhóm bạn thân chơi rất vui; họ được thầy cô quý mến; rằng bố mẹ các bạn tin tưởng họ thế nào. Chí kể: Cháu đi học quân sự được xếp ở chung phòng nam, các bạn chẳng cho cháu làm việc nặng, nói năng với cháu nhẹ nhàng như đối xử với con gái ý.

Gian nan hành trình đổi tên

Những tưởng người ĐT không còn gặp khó khăn gì khi xã hội ngày càng phát triển. Nhưng không, họ đang bị “mắc kẹt” nghiêm trọng, khiến họ không được sống như bao người khác.

Hầu hết những người chuyển giới không thích tên khai sinh và tự đặt cái tên mong muốn. Như Chi muốn tên Đình Chiến, Quyết Chí muốn tên Quỳnh Chi. Một số đặt hẳn cho mình cái tên khác, như Linh matcha, Rờ, Joseph…

Những người bị “mắc kẹt”
Triệu Phúc Trí

Trong quá trình lấy tư liệu để viết bài này, tôi đã tham gia chương trình Humman Library Vietnam - trang sách sống (***). Trong một khán phòng trang nhã, riêng tư ở Quận Ba Đình (Hà Nội), 14 “trang sách sống” là người ĐT từ mọi miền Tổ quốc đã về đây mời chúng tôi “đọc” họ. Và tôi, sau khi “lật giở” những trang sách đặc biệt này đã hiểu họ đang bị “mắc kẹt” trong rất nhiều mặt của cuộc sống.

Rờ (tên tự đặt) một du học sinh Úc “phi nhị nguyên giới”(*), bày tỏ việc em luôn cảm thấy không hài lòng với tên trên giấy khai sinh cũng như không muốn tiết lộ cho ai tên thật. Do tên trên giấy tờ quá “nữ tính”, tương phản với bản dạng giới cũng như cá tính của em. Còn đối với Dương (Hà Nội), thì cái tên là nỗi ám ảnh và quan trọng hơn cả việc can thiệp y tế. Vì theo Dương, các bộ phận trên cơ thể có thể giấu đi được nhưng cái tên thì không có cách nào để giấu cả. Sau 4 năm ròng rã với nhiều đơn từ, thủ tục, Dương mới đổi được tên như mong muốn.

Cùng chung khao khát được đổi tên theo đúng bản dạng giới mong muốn, Quyết Chí cho biết đã tìm hiểu nhiều về việc này. Nhưng pháp luật chỉ cho phép đổi tên từ nam thành nữ và ngược lại khi đã phẫu thuật chuyển giới. Trong khi điều kiện kinh tế của Chí chưa cho phép và bản thân chưa sẵn sàng cho việc phẫu thuật...

Bất an trong hôn nhân và tiếp cận dịch vụ y tế

Trong bữa cơm với “vợ chồng” Duyên và Huyền, tôi đề cập đến chuyện con cái. Duyên tâm tư: Nếu chúng  cháu có con, cháu cũng không được đứng tên “bố” trong giấy khai sinh của con cháu, vì pháp luật nước mình hiện nay không cấm nhưng cũng không cho phép kết hôn đồng giới cô ạ.

 Đó cũng là lo lắng của hầu hết người ĐT khi muốn lập gia đình. Joseph - chuyển giới nam - “trang sách sống” tôi được đọc - tâm sự: Cháu đã tổ chức đám cưới như một lời cam kết bền vững với chuyện tình cảm. Nhưng chúng cháu chưa thể đăng ký kết hôn do chưa có luật. Chúng cháu không có lựa chọn nào khác ngoài việc nếu có con (bằng phương pháp can thiệp) sẽ chỉ để tên một người là mẹ, còn bản thân cháu sẽ không được công nhận quyền làm cha đứa trẻ. Khi chúng cháu có tài sản trong thời gian chung sống cũng không được pháp luật bảo hộ theo Luật Hôn nhân.

Một vấn đề người ĐT cũng đang cảm thấy bất an là tình trạng loạn nhiễu thông tin y tế. Nhiều người ĐT phải sử dụng hormone hỗ trợ quá trình để mình giống nữ (hoặc nam). Hân (ở TP Hồ Chí Minh) - người chuyển giới nữ - cho biết phác đồ hướng dẫn điều trị hormone chuyển giới chưa thống nhất; ngành Y tế chưa có biện pháp siết chặt việc kê đơn và sử dụng thuốc hormone, chưa đưa thuốc này vào danh mục bảo hiểm y tế để những người khó khăn dễ dàng tiếp cận hơn.

Và nhiều ràng buộc khác chưa được tháo gỡ

Việc ra đời Luật Chuyển đổi giới tính ở Việt Nam đang là yêu cầu cấp thiết để “Những người thuộc cộng đồng LGBTIQAP+ cũng như tất cả những người khác “Đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013).

Những người bị “mắc kẹt”
Quyết Chí tại cuộc thi Người đẹp

Tuy nhiên, người ĐT đang “mắc kẹt” giữa quy định phải can thiệp y tế làm thay đổi nhận dạng cơ thể mới được công nhận là người chuyển giới. Trong khi về khái niệm “Người chuyển giới là người có NHẬN DẠNG giới khác với giới tính sinh học lúc sinh ra” chứ không nhất thiết là người đã qua can thiệp y tế. Việc giữ yêu cầu này sẽ loại trừ những người không có điều kiện sức khoẻ và kinh tế để phẫu thuật. Long - một người chuyển giới song tính - nêu ý kiến.

Riêng tôi, khi tiếp cận người ĐT để viết bài này đã thấm thía một điều rằng: Chẳng ai được lựa chọn cho mình bất cứ điều gì khi sinh ra: Bố mẹ mình là ai? Hoàn cảnh gia đình như thế nào? Giới tính? Xinh đẹp hay xấu xí? Tất cả là do “trời” ban. Một ngày nào đó, bạn có thể phát hiện ra con mình, cháu mình, người thân của mình hoặc chính mình thuộc một giới tính khác, thì cũng đừng lấy gì làm quá đau buồn. Vì hiện nay có 4 - 5% dân số thế giới (công khai) là người ĐT. Họ rất tài năng, nhân hậu và đóng góp đáng kể cho cuộc sống tốt đẹp này.

Ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định đưa đồng tính ra khỏi danh sách các rối loạn tâm thần, thừa nhận đồng tính không phải là bệnh và không thể, không được phép thực hiện các biện pháp chữa trị. Ngày 17/5 đã chính thức được lựa chọn là Ngày Quốc tế chống kỳ thị đồng tính, song tính, chuyển giới.

Điều 36 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 chỉ cho phép trường hợp một người được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác.

 

Chú giải:

 (*) LGBTIQAP+: Viết tắt tiếng Anh của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới và nhiều khái niệm khác.

 Người đồng tính: Người có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với người cùng giới.

Đồng tính nữ (Lesbian): Người có bản dạng giới là nữ có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với người có bản dạng giới nữ.

Đồng tính nam (Gay): Người có bản dạng giới là nam có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục người có bản dạng giới nam.

Người song tính (Bisexual): Người có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với cả người có bản dạng giới nữ và người có bản dạng giới nam.

Người chuyển giới (Transgender): Người có bản dạng giới không trùng khớp với đặc điểm giới tính sinh học của mình. Ví dụ: Người chuyển giới nam là người có đặc điểm giới tính là nữ và nhận định giới là nam.

Người liên giới tính (Intersex): Người có các đặc điểm giới tính không điển hình cho giới nam hoặc giới nữ, ví dụ ở bộ phận sinh dục (trong/ ngoài), hàm lượng nội tiết tố, nhiễm sắc thể,…

Người Queer/ Questioning: Queer là những cá nhân có xu hướng tính dục không thuộc các phân loại khác. Người Queer không định nghĩa xu hướng tính dục cũng như nhận dạng giới của bản thân.

Người vô tính (Asexual): Người không có hoặc có ít hấp dẫn tình dục với bất kỳ giới tính nào và có thể có hoặc không có hấp dẫn tình cảm. Xu hướng tính dục vô tính có thể xuất hiện cùng với các xu hướng tính dục khác.

Người toàn tính (Pansexual): Người có hấp dẫn tình cảm hoặc/ và tình dục với một người không phụ thuộc vào bản dạng giới của người đó.

Dấu (+) bao gồm các xu hướng tính dục khác đang tiếp tục được khám phá.

(**) Lễ cấp sắc là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.

 (***) Dự án “Đọc sách về con người” ra đời năm 2000 do Ronni Abergel, Dany Abergel, Christoffer Erichsen và Asma Mouna (Copenhagen, Đan Mạch) sáng lập với tên gọi The Human Library (Thư viện sách sống). Năm 2016, dưới sự khởi xướng của Lê Anh Thư (du học sinh năm 3, ĐH Oberlin, Hoa Kỳ), dự án này đã về đến Việt Nam với tên gọi Human Library Vietnam.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Oai linh đám ma của thầy cúng Sán Dìu

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 3 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước