Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
20:22 (GMT +7)

“Những ngôi sao bất tử”: Khúc sử thi bi tráng đậm chất thơ

VNTN - Kỹ lưỡng, chu đáo về nội dung và hình thức, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những ngôi sao bất tử” được ghi hình tại Thái Nguyên đã phát trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam tối 27/7 vừa qua không chỉ giúp khán giả hòa mình vào không gian âm nhạc, nghệ thuật đặc sắc mà còn là đóa hoa tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ đạo Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc thực hiện.


1. Mềm mại sâu sắc về nội dung

Dù được chia làm 3 chương khá rành mạch theo dòng lịch sử, nhưng qua các thủ pháp nghệ thuật như, ánh sáng, hòa âm, phối khí và những phút thăng hoa của những ca sĩ, diễn viên trên sân khấu, “Những ngôi sao bất tử” khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình bởi sự nối kết chặt chẽ và tính uyển chuyển trong chuyển chương, đoạn rất mềm mại, tự nhiên. Và như một khúc sử thi bi tráng nhưng lắng đọng đầy chất thơ, chương trình đã chiếm trọn cảm xúc của người xem qua bức tranh về sự hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ và thương binh trong kháng chiến cứu nước.

Dàn dựng đan xen giữa các tác phẩm ca múa, chương trình mở đầu với ca khúc “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn do nhóm Dòng Thời Gian, hợp xướng và tốp múa Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc thể hiện như là lời khai từ: Đất nước Việt Nam - một đất nước “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, đất nước của những trang sử hào hùng đã viết lên bởi sự hy sinh của lớp lớp thế hệ những người con trung hiếu, sẵn sàng gác lại những ước mơ của bản thân đi theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường chiến đấu vì một ước mơ lớn của dân tộc. Một đất nước nhỏ bé nhưng có những người mẹ với sự đóng góp, hy sinh vĩ đại.

Với những bài ca đi cùng năm tháng thể hiện qua các tổ khúc hát múa: Chương 1 mang chủ đề “Đất nước đứng lên” đã khéo léo dựng lên một bức tranh về những người lính, họ vốn là những người nông dân, những người con đất Việt hiền lành, chăm chỉ nhưng dưới ách đô hộ và sự bóc lột dã man của thực dân đã vùng lên kháng chiến. Cuộc chiến đó không chỉ mạnh mẽ, hào hùng qua các tổ khúc “Đất nước đứng lên - Đoàn vệ quốc quân”, “Hò kéo pháo - Giải phóng Điện Biên - Tiến về Hà Nội”, mà còn là sự da diết, cháy bỏng, về một quê hương tươi đẹp, luôn vi vút, thường trực trong tâm trạng của những người lính chống Pháp qua các tiết mục đầy chất trữ tình, “Làng tôi”, “Áo mùa đông”…

Mạnh mẽ, bi tráng và da diết hơn, Chương 2 như cao trào của chương trình mang tên “Những ngôi sao bất tử” tái hiện lại một đất nước mà đi đến đâu mỗi chúng ta cũng bắt gặp dấu chân hành quân của người chiến sĩ và máu đào của họ đã đổ xuống, thấm sâu trong từng tấc đất quê hương.

Với các tiết mục tổ khúc hát múa: “Bế Văn Đàn sống mãi”, múa “Những ngôi sao bất tử”, hát múa “Ngôi sao ban chiều”, “Đồng đội - Cỏ non Thành cổ”, “Ngày mai anh lên đường”, “Lũy đá bất tử”, nhắc nhớ về những người lính, đã cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời để sẵn sàng chiến đấu dù có hy sinh. Họ ngã xuống là “những ngôi sao bất tử”, là khúc tráng ca về những con người tình nguyện xả thân vì Tổ quốc, là sự hóa thân kỳ diệu của lòng đất mẹ. Hành trình đi đến chiến thắng của dân tộc là hành trình đầy chông gai mà mỗi tấc đất mỗi gốc cây thấm đẫm mồ hôi nước mắt và cả máu xương những người con trung hiếu.

Các anh ngã xuống nhưng đã tạc nên một non sông, dáng hình xứ sở - một Việt Nam kiên cường, anh dũng. Và hào khí đó còn mãi mãi vọng vang với những tượng đài liệt sĩ, chứng tích chiến tranh. Lịch sử hôm qua còn đó khi ta đứng trước hầm Đờ Cát, đồi A1, Him Lam… Chiến công của các anh, các chị vẫn còn đây khi ta đi dọc đường Trường Sơn huyền thoại với những Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô, địa đạo Vịnh Mốc,... và cả những điểm mốc biên giới đã đi vào lịch sử như: Vị Xuyên, Đồng Đăng, Bát Xát… Còn nhiều! Còn nhiều lắm, trên khắp ruộng đồng gò bãi, những ngôi mộ chẳng ghi danh.

Vẫn da diết nhưng nhẹ nhàng hơn, như một nốt ngân tự hào của các thế hệ Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ sống trong thời hòa bình tươi đẹp luôn luôn nhắc nhớ các thế hệ cha anh, Chương 3 mang tên “Linh thiêng Việt Nam” được xây dựng gồm các tiết mục hát múa “Vết chân tròn trên cát”, “Khát vọng”, “Lá cờ”, “Linh thiêng Việt Nam”.

Sau cuộc chiến dù nhiều người lính đã là những linh hồn bất tử, hay có những người may mắn được trở về với gia đình nhưng lại mang trong mình những vết thương chiến tranh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ vẫn giữ trong mình tinh thần và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ truyền lửa cho những thế hệ hôm nay, vượt qua mọi khó khăn để cống hiến, bảo vệ và dựng xây đất nước.

2. Đậm chất thơ

Sâu lắng và nghệ thuật, dù là một chương trình để tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc nhưng không hề nặng nề bởi sự đau thương, bi lụy - đấy là cảm nhận của nhiều người sau khi xem “Những ngôi sao bất tử”. Để làm được điều đó, tính hình tượng, chất trữ tình, lãng mạn luôn được những người thực hiện chú trọng từ khâu kịch bản nghệ thuật cho đến lựa chọn ca khúc, biên đạo múa, hòa âm, phối khí, ánh sáng...

Dù là những ca khúc cách mạng nhưng đã được chọn lọc kỹ lưỡng như: “Đất nước”, “Vết chân tròn trên cát”, “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Khát vọng”,… và đặt đúng vị trí trong các chương, đoạn khiến cho bài hát thêm ý nghĩa và có thêm sức nặng. Và đặc biệt, những ca khúc đó đã được các ngôi sao trẻ của dòng nhạc cách mạng như ca sĩ Lê Anh Dũng, Lương Hải Yến, Thu Thủy,… cùng những nghệ sĩ múa tài năng thể hiện bằng một phong cách hết sức mới mẻ đã để lại nhiều ấn tượng và rung cảm thẩm mỹ của người thưởng thức.

Ngoài những bài ca đi cùng năm tháng, “Những ngôi sao bất tử” còn đem tới cho người thưởng thức những ca khúc mới như: “Lũy đá bất tử” của Trương Quý Hải, “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng, “Linh thiêng Việt Nam” của Lê Quang,… với âm hưởng và màu sắc hiện đại nhưng không kém phần da diết, lắng sâu. Các ca khúc này đã được những ca sĩ và những nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc thể hiện đều rất thành công. Chắc hẳn người xem không khỏi xúc động khi thưởng thức tiết mục múa “Những ngôi sao bất tử” do tốp múa của Nhà hát biểu diễn. Bằng ngôn ngữ cơ thể, những vũ công nữ đã hóa thân vào vai mười cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ nơi tuyến lửa. 10 cô gái, sớm phải xa gia đình với bao tình yêu và khát vọng cùng những tâm trạng, tâm sự khác nhau, nhưng vì nhiệm vụ lớn lao họ tạm quên đi tất cả để ngày đêm thông đường, để rồi tất cả đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Một cảnh múa trong Chương trình “Những ngôi sao bất tử”

Ngay sau khi biểu diễn, nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1996), Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc tâm sự: Dù dịch COVID-19 đang ảnh hưởng ngày càng nặng nề, nhưng được đứng trên sân khấu và được là chính mình trong chương trình nghệ thuật có quy mô lớn và đầy ý nghĩa như thế này, em và các nghệ sĩ vô cùng hào hứng và tự hào. Để biểu diễn thành công chương trình này Nhà hát đã phải chuẩn bị trước đó khoảng 2 tháng và chính thức tập luyện liên tục suốt 1 tháng trời. Từng tiết mục được ê-kíp dàn dựng rất tỉ mỉ, kĩ lưỡng tới từng chi tiết. Em tham gia nhiều tiết mục múa trong chương trình, tiết mục nào cũng khó nhưng có lẽ khó nhất là chúng em vào vai những cô gái thanh niên xung phong. Để vào vai này phải đòi hỏi diễn viên hiểu sâu sắc vai diễn của mình để rồi tập trung cao nhất thể hiện cảm xúc của nhân vật qua động tác nhất là qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ. Sau chương trình được mọi người đồng tình ủng hộ em thấy rất vui và hạnh phúc.

Về sự thành công của chương trình Tổng đạo diễn - NSƯT Lê Khánh Toàn, quyền Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc chia sẻ: Chúng tôi rất vui và tự hào vì Bộ VH, TT&DL đã tin tưởng giao cho Nhà hát thực hiện một chương trình nghệ thuật được đầu tư quy mô, hoành tráng như thế. “Những ngôi sao bất tử” mang đậm chất trữ tình, lắng đọng, âm nhạc được phối khí hoàn toàn mới, với sự tham gia của nhạc sĩ, NSƯT Mạnh Tiến, các biên đạo múa: NSƯT Thanh Hằng, Hải Trường, Trần Thảo Nhi, Lê Hoàng Phương Linh... Để thu hút sự quan tâm của thế hệ trẻ, khơi dậy lòng yêu nước thì chương trình phải hấp dẫn về âm nhạc, về dàn dựng và mang chất thơ, đấy mới là điều quan trọng. Làm được điều này chúng tôi đã đưa những biên đạo trẻ tham gia để mang tới ngôn ngữ múa hiện đại và tươi vui. Tuy nhiên, hiện đại nhưng vẫn phải giữ được phong cách nghệ thuật folklore (dân gian) của Nhà hát.

NSƯT Lê Khánh Toàn (ngồi giữa, hàng giữa) và anh chị em diễn viên múa của Nhà hát sau giờ luyện tập

NSƯT Lê Khánh Toàn cũng cho biết: Để thực hiện thành công chương trình này thực sự rất phức tạp bởi nó diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát, nhất là ở Hà Nội. Ban đầu, chương trình dự kiến ghi hình ở Nhà hát Lớn (Hà Nội), sau đó ê-kíp đã phải chuyển ghi hình tại Thái Nguyên. Việc mời và đưa các nghệ sĩ từ Hà Nội về Thái Nguyên thực sự là cả một “công trình” của những người tổ chức. Ban tổ chức triển khai đầy đủ, nghiêm túc những biện pháp chống dịch, lên kế hoạch, phương án chi tiết trong phòng, chống dịch bệnh. Xét nghiệm PCR cho các nghệ sĩ từ Hà Nội về Thái Nguyên và sắp xếp đảm bảo sao cho các nghệ sĩ ăn uống sinh hoạt… đều chỉ trong khuôn viên của Nhà hát. Trước ngày tổng duyệt chương trình, toàn bộ các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn,… tham gia đều được tiến hành xét nghiệm...

Trong thời điểm “chống dịch như chống giặc” với sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, thì việc thực hiện thành công Chương trình “Những ngôi sao bất tử” của Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc cũng là sự đóng góp đáng kể, rất đáng ghi nhận của các nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Phim ngắn: Có phải là vấn nạn?

Điện ảnh - Truyền hình 2 tuần trước