Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
04:45 (GMT +7)

Những nghị quyết hợp lòng dân

Kỳ họp thứ mười một (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã diễn ra sáng nay (24/3). Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, quyết định đối với 11 tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực.

Các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự Kỳ họp

Hoàn thành việc chi trả phần chênh lệch học phí trong tháng 4

Trong số 11 nội dung được xem xét tại Kỳ họp lần nay, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý, nhằm thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian vừa qua.

(Về nội dung tỉnh Thái Nguyên tăng mức thu học phí đúng quy định, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử đã có bài đăng ngày 15/3/2023. Quý vị quan tâm có thể truy cập để xem lại theo địa chỉ dưới đây:

https://vannghethainguyen.vn/2023/03/15/viec-thu-hoc-phi-tren-dia-ban-tinh-thai-nguyen-dung-quy-dinh/)

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp

Việc phải xem xét hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục kể trên và chi trả phần chênh lệch học phí đã thu cho phụ huynh và học sinh bắt nguồn từ việc, năm học 2022 – 2023, theo đúng lộ trình, mức thu học phí phải được xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ (cao hơn từ 2 – 5 lần so với những năm học trước).

Đối với tỉnh Thái Nguyên, mức thu mới này được quyết định tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khóa 14, nhiệm kỳ 2021 – 2026  và đã được áp dụng từ kỳ một của năm học 2022 – 2023. 

Tuy nhiên, ngày 23/02/2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 694/BGDĐT-KHTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ, nghĩa là giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 – 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022. 

Các đại biểu tham dự Kỳ họp

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, tổng kinh phí hỗ trợ để các cơ sở giáo dục công lập thực hiện hoàn trả cho học sinh phần chênh lệch học phí đã thu năm học 2022 - 2023 so với mức thu học phí năm học 2021-2022 và đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục công lập là trên 188 tỷ đồng (trong đó, các cơ sở giáo dục thuộc khối tỉnh là 57.204 triệu đồng, các cơ sở giáo dục thuộc khối huyện, thành phố là 131.007 triệu đồng).

Để hỗ  trợ cho các cơ sở giáo dục cấp tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi năm 2023 của Sở và các đơn vị trực thuộc Sở làm cơ sở bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Trường hợp đơn vị nào còn thiếu, Sở Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn vốn hợp pháp, nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

Đối với việc hỗ  trợ cho các cơ sở giáo dục cấp huyện, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo từ nguồn đã được HĐND tỉnh giao năm 2023, các nguồn hợp pháp khác và nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để ưu tiên nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ.

Địa phương nào có số hoàn trả phần chênh lệch tăng thêm lớn, chưa đủ nguồn thực hiện, chủ động báo cáo UBND tỉnh để xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho địa phương.

Quang cảnh Kỳ họp

Để nhân dân sớm được thụ hưởng chính sách, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và các bậc phụ huynh học sinh, ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện Sở đang tích cực phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan triển khai hướng dẫn cụ thể việc thu học phí và hoàn trả phần chênh lệch tăng thêm giữa mức thu học phí của năm học 2022 – 2023 so với mức thu học phí của năm học 2021 – 2022. Dự kiến hướng dẫn sẽ được ban hành trước ngày 31/3/2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tính toán số liệu để sẵn sàng chi trả. Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện việc chi trả cho học sinh. Đồng thời tính toán trước các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Kế hoạch mà lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra là việc chi trả có thể tiến hành từ tuần đầu của tháng 4/2023. Thời gian hoàn thành việc chi trả trong tháng 4/2023.

Với việc ra đời nghị quyết này, tỉnh Thái Nguyên sẽ trở thành một trong số những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 165. Điều này thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và kịp thời của bộ máy chính quyền địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề an sinh xã hội.

Xem xét và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác

Một trong những nội dung trình tại Kỳ họp cũng được dư luận dành nhiều sự quan tâm đó là việc bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh.

Thực hiện quy định của Luật Phí, lệ phí ngày 25/11/2015, Thông tư  số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; HĐND tỉnh đã ban hành quy định về lệ phí đăng ký cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tại Nghị quyết số 49/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 và Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh.

Hiện nay, theo Thông tư 85, thành phố trực thuộc Trung ương, mức thu lệ phí đăng ký cư trú (bao gồm cả đăng ký thường trú và tạm trú) sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc: “Mức thu lệ phí đối với việc đăng ký cư trú tại các quận của thành phố trực thuộc trung ương, hoặc phường nội thành của thành phố cao hơn mức thu đối  với các khu vực khác.”

Chính vì vậy, mức thu lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú tại 63 tỉnh, thành  trên cả nước sẽ có sự chênh lệch nhất định.

Đối với tỉnh Thái Nguyên mức thu lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú quy định tại Nghị quyết số 49 đối với việc đăng ký và quản lý cư trú tại các phường thuộc thành phố Thái Nguyên và Sông Công được quy định cao hơn đối với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, ngày 22 tháng 12 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 75/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú, trong đó quy định:

“Kể từ ngày 05 tháng 02 năm 2023, mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư này. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú tại địa phương tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh  gần nhất”.

Nghĩa là, kể từ ngày 5/2/2023 mức thu lệ phí đăng ký cư trú sẽ được áp dụng một mức thống nhất trên toàn quốc mà không có sự phân biệt.

Các nghị quyết được các đại biểu nhất trí thông qua

Cùng với đó, trong phiên làm việc sáng nay, HĐND tỉnh đã xem xét và thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của HĐND về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh; thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công là đô thị loại II.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy