Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
14:37 (GMT +7)

Những ngày Tết không nghỉ

Thay vì sum họp, đoàn viên cùng gia đình, đặc thù của lực lượng Công an là những ngày lễ, Tết phải thực hiện kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo cho nhân dân vui chơi trong trật tự, an toàn. Với họ, có một phần thiệt thòi bởi hiếm khi dành cái Tết trọn vẹn bên gia đình, người thân.

Tổ công tác của lực lượng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh) trước giờ tuần tra đêm.

Đánh án xuyên Tết

Mùng 2 Tết hàng năm, nhóm bạn phổ thông chúng tôi đều tụ họp các gia đình để liên hoan, du Xuân. Hầu như năm nào, tôi cũng thấy Vân Anh chỉ đi ba mẹ con. Cô nàng cười giải thích: Chồng tớ là cảnh sát hình sự, Tết đa phần phải trực, có khi còn đi làm án, hết Tết mới thấy “mò” về nhà. Với nhà tớ, ngoài mùng 5 anh ấy được nghỉ, mới là ăn Tết.

Câu chuyện chồng cô bạn khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với những cán bộ công an TP. Thái Nguyên. Trung tá Dương Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Thái Nguyên chia sẻ: Hơn 20 năm trong nghề, chẳng năm nào mình đón giao thừa ở nhà. Không chỉ trinh sát phải trực chiến tại đơn vị mà các lãnh đạo cũng phải luôn đảm bảo đúng quân số để có thể chỉ đạo kịp thời, hiệu quả các vụ việc phát sinh. Anh em được quán triệt nên cũng đã quen với việc trực, đi làm xuyên Tết.

Đúng như tâm sự của anh Kiên, với những cán bộ, chiến sĩ công an nói chung và lực lượng cảnh sát hình sự nói riêng, ngày Tết bao giờ cũng đến rất muộn. Dịp cuối năm, các gia đình tất bật sắm sửa đồ, cùng đi chơi chợ Xuân, chụp ảnh, trong khi lực lượng công an vẫn căng mình với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an ninh và an toàn giao thông. Thậm chí, có năm, vì công việc, những cán bộ, chiến sĩ công an khi phải đón giao thừa ở tỉnh bạn, bữa ăn ngày Tết chỉ là nuốt vội cái bánh mì, bát mì tôm trên đường truy bắt tội phạm. Vậy nhưng khi trò chuyện cùng các anh chị, tôi thấy mọi người đều coi đó là chuyện rất nhẹ nhàng, bình thường. Như lời chia sẻ của Trần Triệu Phú, điều tra viên Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP. Thái Nguyên: Gần 10 cái Tết trong ngành là từng ấy thời gian em quen với việc giao thừa không ở nhà cùng gia đình rồi chị ạ. Nhà em ở Phú Bình, con năm nay 3 tuổi, lúc nào gặp cũng nói: Bố, lâu lắm rồi bố chưa đưa con đi chơi!

- Tết mọi người nghỉ ngơi nhưng tội phạm “không nghỉ” khiến lực lượng Công an bận rộn hơn phải không em? - Tôi đùa.

- Đúng rồi chị ạ. Phú cười - Những đối tượng hình sự ngày thường có thể dạt đi khắp nơi nhưng đến Tết hay tìm về gia đình, vì vậy công tác tuần tra, kiểm soát cần phải mạnh hơn, quyết liệt hơn mới có để trấn áp được. Hơn nữa, có những người mượn cớ Tết, uống rượu say rồi xô xát gây rối trật tự công cộng, hoặc đánh bạc… nên năm nào cũng có vụ việc xảy ra. Em nhớ năm 2020, đúng đêm 29 Tết, ở chợ hoa trung tâm thành phố xảy ra vụ cố ý gây thương tích, một nam thanh niên phường Phan Đình Phùng bị một người đàn ông cầm dao phay chém nhiều nhát vào người. Sau đó, được mọi người can ngăn nên người đàn ông đã bỏ đi, còn nam thanh niên bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu. Nhận được tin báo, chúng em khẩn trương có mặt tại hiện trường, điều tra, truy xét đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngay 30 Tết, lực lượng Công an đã làm rõ đối tượng gây thương tích là N.M.Đ. sinh năm 1983, cùng trú tại phường Phan Đình Phùng, song đối tượng đã bỏ trốn tại địa phương. Chuyên án này bọn em làm xuyên Tết luôn.

Câu chuyện giữa tôi và Phú liên tục bị ngắt quãng bởi các điều tra viên đang dồn sức thực hiện một số vụ án đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Phú hẹn gặp tôi lần trò chuyện sau và bảo: Chuyện đánh án ngày Tết như em kể trên không phải hiếm chị ạ. Chúng em cũng không nhớ hết được vì mỗi năm, đơn vị làm cả trăm án.

Ăn Tết đơn vị nhiều hơn ở nhà

18 năm liên tục gắn bó với lực lượng cảnh sát cơ động, cũng là chừng ấy cái Tết, Thiếu tá Bùi Xuân Hoà, Đại đội trưởng Đại đội Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh) ăn Tết ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Bởi vậy nên anh hiểu rõ những vất vả và chia sẻ cùng tâm tư của mỗi chiến sĩ khi làm nhiệm vụ những ngày đầu Xuân. Anh bảo: “Phần lớn chiến sĩ trong đơn vị là công an nghĩa vụ, tuổi còn trẻ, có đồng chí mới xa nhà lần đầu. Do vậy, tôi luôn coi chúng như con cái trong nhà, vừa thực hiện nghiêm kỷ luật, giảng dạy và huấn luyện, vừa động viên, chia sẻ để các em có động lực cùng cố gắng”.

Là lực lượng chiến đấu trực tiếp, ngoài việc tuần tra vũ trang, kiểm soát an ninh trật tự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm của tỉnh, đơn vị của anh còn hỗ trợ hộ tống, bảo vệ vận chuyển tiêu huỷ vật chứng và đảm bảo an toàn cho các phiên toà xét xử lưu động; hộ tống, dẫn giải bị cáo tới toà; tham gia luyện tập, diễn tập phương án đánh bắt chống khủng bố, giải thoát con tin… Là chỉ huy song nhiều năm qua, Thiếu tá Hoà luôn đi tuần tra ban đêm cùng anh em để nắm tình hình địa bàn, đồng thời tạo sự gắn kết với chiến sĩ trong đơn vị, có chỉ đạo xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Cùng với tập thể đơn vị, anh đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong đấu tranh với các loại tội phạm.

Kỷ niệm anh Hòa nhớ nhất là cùng đồng đội tham gia chuyên án bắt đối tượng vận chuyển 200 bánh heroin và 2 gói ma tuý tổng hợp trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào ngày 29 Tết cách đây 7 năm. Anh kể: Trời cuối năm nên lạnh lắm, vậy nhưng khi nhận lệnh là chúng tôi lập tức lên đường. Đơn vị cảnh sát cơ động được phân công chốt chặn phía trước và phía sau địa điểm phục kích ô tô nghi vấn. Nhờ công tác phối hợp được thực hiện chặt chẽ nên các lực lượng đã kịp thời trấn áp đối tượng mà không để xảy ra tình huống nguy hiểm bất ngờ. Chuyên án thành công, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là ăn Tết ngon rồi!

Không riêng lực lượng cảnh sát hình sự, cơ động, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) trật tự vẫn ngày đêm túc trực ở khắp các tuyến phố để đảm bảo trật tự giao thông trên mỗi cung đường. Dịp Tết năm 2021, tôi được tham gia buổi tuần tra đêm cùng lực lượng CSGT, Công an TP. Thái Nguyên. Ngồi sau xe máy Thượng úy Hoàng Minh Tâm, Tổ trưởng tổ tuần tra hôm ấy, tôi được anh chia sẻ nhiều điều: “15 năm kể từ khi vào ngành, chưa lễ Tết nào tôi được ở nhà cùng vợ con. Đã là công việc mình lựa chọn rồi nên cũng thành quen”. “Thế này chắc vợ cũng giận lắm” - Tôi trêu: “Giận gì đâu chị, tất nhiên, vợ con nào chả mong gia đình cùng sum họp dịp lễ Tết, nhưng chọn chồng làm Công an rồi thì phải thông cảm thôi”. Tâm cười.

Ngoài Tâm, còn nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT tôi có dịp gặp và chuyện trò, họ đều có chung tâm niệm: Công việc vất vả, áp lực, làm đêm khuya hay lễ Tết vất vả là chuyện đã trở thành cơm bữa đối với anh chị em. Cũng may, cơ bản mọi người đều có “hậu phương” vững chãi nên yên tâm hoàn thành tốt công việc được giao. Chỉ mong mỗi ngày, nhất là dịp lễ, Tết, người dân luôn chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đã uống rượu bia không lái xe, tham gia giao thông với ý thức bảo vệ tính mạng của mình trước tiên chứ không phải để đối phó với lực lượng chức năng.

Cán bộ Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự, Công an TP. Thái Nguyên đo nồng độ cồn với các chủ phương tiện tại đường Việt Bắc.

Nữ Công an “ba đảm đang”

Công tác ở ngành Công an, các anh nam giới vất vả đã đành, với chị em thì áp lực gấp đôi. Bởi lẽ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ công tác, các chị còn phải tròn vai là người dâu thảo, người vợ, người mẹ hiền trong gia đình. Chị Lý Thị Quyên, Phó Trưởng Công an xã Tiên Hội (Đại Từ) tôi có cơ hội gặp là một trường hợp như thế.

Là Phó Trưởng Công an xã Tiên Hội từ năm 2020 đến nay, chị Lý Thị Quyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi mới gặp được Quyên tại trụ sở Công an xã. Ngồi uống chén nước trà nóng hổi, Quyên chia sẻ: Ngày cuối năm bận lắm chị ạ. Bọn em đang dồn sức thực hiện kế hoạch cao điểm 90 ngày đêm của Bộ Công an, triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06.

- Vậy thì lo Tết cho gia đình thế nào? Tôi hỏi.

- Phải tranh thủ thôi chị. Được cái em có ông bà hỗ trợ nên chịu khó thu xếp một chút là cũng ổn, chị ạ.

Quyên lấy điện thoại mở camera an ninh khoe với tôi căn nhà gọn gàng, ngăn nắp. Nhà Quyên ở thị trấn Hùng Sơn, khu vườn rộng rãi bốn mùa Quyên và mẹ chồng đều trồng rau trái xanh tươi cho gia đình và đơn vị. Như hiểu được thắc mắc của tôi, Quyên nói: Để chu toàn việc nhà lẫn việc cơ quan em phải sắp xếp rất khoa học chị ạ. Lúc nào cũng chỉ ước ngày có nhiều hơn 24 giờ mới đủ làm hết việc.

Nghe cuộc trò chuyện của tôi và Quyên, anh Lê Duy Hiệp, Trưởng Công an xã Tiên Hội góp vào: Lực lượng Công an xã may mắn có em Quyên đảm đang nên mọi công tác hậu cần hằng tháng của đơn vị, nhất là dịp Tết đều được lo chu đáo. Tết cơ quan cũng đủ bánh chưng, kẹo, mứt và đồ trang trí.

Về đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng Công an xã Tiên Hội từ năm 2020 đến nay, Quyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chiến sĩ thi đua cơ sở. Cùng với tập thể đơn vị, đã góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Trong đêm 30, cùng với các đơn vị Công an của huyện, Công an xã Tiên Hội tập trung toàn bộ lực lượng để tuần tra, đảm bảo lễ giao thừa diễn ra an toàn. “Năm nào cũng gần sáng em mới về nhà, các con đều đã ngủ. Thú thật là, dù cũng quen rồi nhưng nhiều lúc vẫn ngậm ngùi thương hai cậu con trai (một lớp 8 một lớp 3) vì bù đắp nào cũng cảm thấy chưa đủ. Quyên tâm sự.

Trực Tết – câu chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng quả thật đó là sự hy sinh lặng lẽ của các chiến sĩ công an, phải gác lại hạnh phúc riêng, để đảm bảo sự yên vui cho mọi người. Trong không khí Tết đã về rất gần, tôi nghe đâu đây lời bài hát “Những bàn chân lặng lẽ” viết về những chiến sĩ công an vất vả, và thầm cảm ơn sự hy sinh thầm lặng của các anh, các chị đã giữ bình yên cho nhà nhà, người người đón biết bao cái Tết đầm ấm, bình yên...

Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước