Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:30 (GMT +7)

Những điều sẽ nói với con

VNTN - Tôi nhớ một ngày cuối năm 2014, con trai tôi đang học lớp 2, sau khi đi học về cậu bé bảo tôi, ở trường học của con đang phát động cuộc thi vẽ với chủ đề “Em yêu biển đảo quê hương”, và con nhờ tôi hướng dẫn giúp. Những ngày ấy, giàn khoan Hải Dương - 981 phía Trung Quốc đặt trái phép đã dời đi, nhưng câu chuyện biển Đông vẫn còn sôi nóng. Quả thật lúc đó tôi cũng chưa biết phải làm thế nào. Đây là vấn đề nóng, trên các tờ báo mạng, báo giấy, truyền hình liên tục có những bài viết, phóng sự về Hoàng Sa, Trường Sa, về sự ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền Việt Nam. Thế nhưng để nói cho con trẻ về vấn đề này lại không dễ, bởi suy nghĩ của chúng còn đơn giản và rất ngây thơ, chúng hiểu sao hết được về những cụm từ “phản đối”, “đường lối”, “chủ trương”… Giúp con làm bài tập, tôi có dịp lấy tấm bản đồ Việt Nam ra xem và chỉ cho con thấy đất liền, biển, 2 quần đảo lớn của đất nước; rồi tôi lên mạng internet tìm đọc, kể lại cho con nghe về các trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, trận chiến giữ đảo Gạc Ma năm 1988, nói với con về sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc.

Bức tranh của con trai với những nét vẽ non nớt đầy màu sắc, có đất liền, biển, đảo, lá cờ Tổ quốc, có mặt trời, con tàu và chú bộ đội hải quân. Trong đất liền có một đôi nam nữ cầm tay nhau, hai quần đảo là hai hình trái tim được xếp bởi các hòn đảo nhỏ, có hai chú hải quân đang đứng gác. Con khoe bức tranh đã đoạt giải nhì toàn khối, rồi giải thích: “Đôi nam nữ ở đất liền là bố mẹ, hai chú bộ đội hải quân ở hai quần đảo là con và em Khang, con vẽ hai quần đảo hình trái tim thể hiện đó là tình yêu của bố mẹ đối với chúng con, hai quần đảo là một phần máu thịt của đất liền”. Bồi hồi và xúc động vô cùng, tôi không ngờ con đã cảm nhận, đã tư duy thật sâu sắc như vậy.

Chúng ta ai cũng có một cuộc đời để sống, là học tập, vui chơi, phấn đấu cho sự nghiệp, tình yêu, gia đình... Nhưng đối với những người chiến sĩ nơi biển đảo, cuộc đời họ là sống và bảo vệ sự bình yên cho dân tộc ở thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều khi được thong thả đi chơi biển, tôi đã nghĩ, bao nhiêu người (trong đó có tôi) đang vui thú với biển đẹp, chúng ta nghĩ gì về trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam? Tôi tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền về biển đảo hướng tới đoàn viên thanh niên tỉnh nhà, tôi nhắn tin góp đá xây Trường Sa; thăm hỏi, tặng quà các gia đình của chiến sỹ ngoài biên giới, hải đảo… Với nhiệm vụ công tác của mình, tôi đã làm mọi việc một cách say mê, nhiệt huyết nhất có thể. Nhưng rồi đôi lúc tôi thấy thế vẫn chưa đủ. Tôi muốn một lần ra thăm Trường Sa, muốn đằm mình cảm nhận sóng vỗ và hơi thở biển đảo. Tôi luôn mường tượng rằng mỗi cánh hải âu trên biển đều mang thông điệp của hòa bình, hi vọng từ Trường Sa, gió biển cũng như mang vị mồ hôi của người lính trẻ.

Không đặt mình tư duy trong nhiệm vụ một Bí thư Đoàn đậm màu chính trị, nhưng tôi tin rằng thế hệ tôi, sau tôi - chúng tôi ưa chuộng hòa bình, chúng tôi sẽ gieo tình yêu thành sức mạnh, và hành động. Và tôi, sẽ nói với con mình nhiều hơn, về vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương đất nước, về tình yêu, về những khó khăn, gian khổ của nhân dân và chiến sỹ nơi đầu sóng, ngọn gió, về niềm tự hào dân tộc…, truyền cho con tình yêu với dải đất hình chữ S tuyệt đẹp này.

Doãn Chí Kiên (Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước