Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:10 (GMT +7)

Những điều ít biết về Đức thánh Linh Lang của “Tứ trấn” Thăng Long xưa

Thăng Long - Hà Nội là vùng đất kinh kỳ, là nơi hội tụ những nét đẹp, tinh hoa của dân tộc. Đây còn là vùng đất cổ, mang nhiều dấu ấn tín ngưỡng của các thời kỳ lịch sử, thể hiện trong tâm thức cũng như tục lệ thờ cúng trong dân gian. Một trong những vị thần thuộc “Tứ trấn” Thăng Long, chuyên bảo hộ và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của mỗi người dân vùng đất kinh kỳ phải kể đến là Đức thánh Linh Lang.

Đền Voi phục thờ đức thánh Linh Lang có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn nằm trên phố Kim Mã, Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
Đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang có ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn nằm trên phố Kim Mã, Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội

Theo cách phân loại các vị thần của GS. Nguyễn Duy Hinh trong cuốn sách“Các thành hoàng và tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội” thì đây là vị thần Chiến đấu. Không chỉ vậy, nếu đi sâu bóc tách các lớp văn hóa thì theo nhiều nhà nghiên cứu, việc thờ thánh Linh Lang thực chất bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ thủy thần của người Việt cổ, một nét văn hoá đặc trưng của cư dân trồng lúa nước.

Cùng là một nhân vật Linh Lang nhưng trong các tài liệu lại có cách gọi khác nhau. Một số xếp Linh Lang vào nhóm Thánh, trong khi một số khác lại xếp vào nhóm Thần. Thực chất Linh Lang và sự thờ phụng Đức Linh Lang là một dạng thờ thần linh nguyên thủy bản địa cua người Việt, sau được lịch sử hóa, nhân thần hóa, nhân vật hóa và thờ với tư cách là thành hoàng làng có công chiến đấu. Phát tích, Linh Lang có nguồn gốc thủy thần, cụ thể là thần rắn ở phạm vi vùng sông nước.

Tượng thờ đức thánh Linh Lang
Tượng thờ đức thánh Linh Lang

Đức thánh Linh Lang gắn với thủy thần

Khởi đầu, Linh Lang đại vương là một thủy thần gắn với nguồn phúc thủy của nông nghiệp. Thực chất của việc thờ Linh Lang là tín ngưỡng thờ thần sông nước rất phổ biến ở vùng đất cổ châu thổ Bắc Bộ. Người nông dân đã từng đúc kết “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Là cư dân trồng lúa nước, nước là mối quan tâm lớn nhất nên họ đưa việc thờ thần sông nước lên hàng đầu.

Sông nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng, thủy thần là người quản lý sông nước. Hình tượng Linh Lang là một biểu hiện của yếu tố cầu nước, bên cạnh các nhân vật huyền thoại như Sơn thần, Mộc thần... Các vị thần có nguồn gốc thủy thần gồm các thần biển, thần sông… Thần biển được thờ phụng phổ biến dưới danh tính: Nam Hải đại vương, Long vương, Cá Ông... Còn các thần sông được phụng thờ ở nhiều nơi là: Linh Lang, Tam Giang, Trương Hống - Trương Hát... Các thủy thần thường được thờ là ở nơi ven biển, ven sông lớn, các hồ, đầm... Gắn với các thủy thần, thường có các thần mang dạng Rắn, Cá, Rồng, Ba ba... Như các Long vương thường mang dạng Rồng, thần Sông mang dạng Rắn, Hà bá, thần biển mang dạng Cá Ông...

Lễ hội đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang được tổ chức vào ngày 9/2 đến ngày 10/2 âm lịch hàng năm
Lễ hội đền Voi Phục thờ Đức thánh Linh Lang được tổ chức vào ngày 9/2 đến ngày 10/2 âm lịch hàng năm

Đức thánh Linh Lang trong tín ngưỡng thờ Rắn

Thủy thẩn phổ biến là thần Rắn ở đồng bằng Bắc Bộ nơi có con sông Hồng là nguồn nước cho cư dân Việt cổ định cư, nơi đời sống tinh thần tâm linh gắn với nước. Ý thức về thần Rắn luôn hiện trong tâm tưởng của người Việt.

Rắn là tô tem của người Việt vùng sông nước, khi ước vọng của họ được khơi dậy thì họ đều nghĩ tới Rắn. Rắn được diễn đạt theo văn hóa Hán thành Rồng, mang tính chất cao quý, thiêng liêng. Hình tượng tô tem Rắn được thần thoại hóa, Hán hóa rồi phong kiến hóa. Lạc Long Quân là một vị thần Rồng đứng đầu xứ Lạc, tượng trưng cho vật tổ của người Việt. Câu chuyện Âu Cơ - Lạc Long Quân chính là thần thoại về cặp chim tổ và rắn tổ. Rắn là một loài động vật đứng đầu mọi loài thủy tộc.

Các thần tích về Rắn đều kể người cha thường từ nơi khác đến; trái lại bà mẹ nói chung là người địa phương, nơi diễn ra sự hóa thân của Rắn thành người hùng. Thần tích về thánh Linh Lang cùng phản ánh rõ điều này. Cho nên “tô tem Rắn còn là một sợi dây huyết thống liên kết cộng đồng cư dân cùng dòng máu”. Rắn Tổ sinh ra toàn con đực, rắn con sau này cũng vậy. Vì giống Đực mới là người hùng theo quan niệm phụ hệ thời phong kiến.

Nhiều khi Rắn được nhân cách hóa, mang tính chất của vị anh hùng có yếu tố văn hóa. Cụ thể, chúng ta gặp một dạng hóa thân của rắn thần là Linh Lang đại vương. Trên danh nghĩa, ngài là con vua song thực chất đây là con rắn thần. Về sau, với sự tích thần kỳ, ngài được người đời gắn cho những kỳ tích chống giặc và thoáng có nét của Phù Đổng Thiên Vương. Linh Lang thường gắn với dòng sông Tô Lịch, có công với dân làng nên được phụng thờ trong nhiều ngôi đền cổ ở Hà Nội, nhằm ca tụng sức mạnh và tác dụng tốt đẹp của dòng sông chính là thánh Linh Lang trong tín ngưỡng thờ Rắn.

Nghi lễ rước chân nhang Độ cửu cung phi Hạo Nương và đức thánh Linh Lang ra nơi tổ chức lễ hội
Nghi lễ rước chân nhang Độ cửu cung phi Hạo Nương và Đức thánh Linh Lang ra nơi tổ chức lễ hội

 Đức thánh Linh Lang biểu tượng truyền thuyết chống giặc ngoại xâm

 Truyền thuyết thứ nhất: Trong sách “Việt thường thị Lý triều Tông đế tử hoàng tử Linh Lang Đại vương ngọc phả cổ lục” viết: Đến đời Lý Thánh Tông, người đời truyền rằng: Bấy giờ ở giáp Đông Đoài, xã Bồng Lai, huyện Từ Liêm có một gia đình họ Nguyễn tên là Thực, lấy bà họ Lê tên Năng. Vợ chồng họ vốn là gia đình hào phú, ông bà hiền lành chất phác. Bấy giờ, ông Nguyễn đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn chưa có con. Một hôm, bà Lê nằm mơ màng ngủ thiếp đi, bỗng nhiên trông thấy một con rắn mây đuổi theo mặt trăng. Bà nằm ngửa lên nhìn, bỗng nhiên mặt trăng giá đúng vào miệng. Bà bàng hoàng tỉnh giấc, liền đem những điều thấy trong mộng mị nói lại cho chồng nghe. Ông Nguyễn nói: “Điềm lành thấy trong giấc mộng ắt hẳn trời cho ta sinh được quý nữ. Vả lại đạo trời màu nhiệm huyền vy, họa phúc không sao lường hết được. Những điều thấy trong mộng thực hư thế nào phải đợi sau này mới biết được”.

Một trăm ngày sau quả nhiên bà có thai. Khi thai được mãn kỳ, bà sinh được một người con gái yểu điệu, mắt phượng long lanh, mặt ngọc phương phi, sắc đẹp có thể sánh với Hằng Nga, thân hình rất đượm sắc xuân. Cha mẹ rất yêu quý nàng, đặt tên cho nàng là Hạo Nương. Năm nàng ba tuổi người cha mắc bệnh rồi mất.

Khi tròn 17 tuổi, nàng Hạo như một đóa hoa đào mười phần xuân sắc, vẻ đẹp khiến chim sa cá lặn, ngọc thẹn hoa hờn. Công dung ngôn hạnh, tứ đức kiêm toàn, song cung thiềm còn đương khóa ngọc nhuỵ phong kín. Nhan sắc ấy đáng giá ngàn vàng, song số trời đã định, duyên lành vẫn còn đợi đó.

Một hôm, vua Lý Thánh Tông ngoại giá tuần qua vùng ngoại thành, nhân dân nô nức kéo đến xem, bấy giờ nàng Hạo cùng đến xem. Nhà vua thấy có dung nghi nhan sắc tốt tươi, nghĩ rằng người thường không thể như thế được “Không phải tiên nữ chốn Bồng Doanh thì cũng phải là kiều nương ở nơi Lãng Uyển. Nhà vua liền sai sứ thần đến hỏi, rồi đón về cung ban cho nàng làm độ cửu cung phi và vô cùng yêu quý nàng.

Được ba bốn năm, mẹ nàng bị bệnh rồi mất, nàng Hạo xin phép Vua được về mai táng mẹ và ở lại chịu tang. Khi tròn hai năm, một hôm nàng ra Hồ Tây giặt lụa và tắm rửa để chuẩn bị vào cung, trong khi đang tắm, bỗng nhiên thấy một con giao long từ ngoài hồ lao thẳng đến quấn chặt lấy thân nàng ba vòng, phun rớt rãi ra đầy người, có mùi hương thơm nức. Lát sau, giao long lao ra giữa hồ, phun nước thành mây ngũ sắc bay thẳng lên không trung biến mất, kể từ đó từ đó nàng có mang.

Khi mang thai được 14 tháng, một hôm nàng ngồi chơi ở vườn hoa, bỗng nhiên mơ màng ngủ thiếp đi, thấy một bậc đại trượng phu mình dài chín thước, đầu đội mũ rồng sáng chói, mình mặc áo bào đai ngọc rực rỡ, cưỡi mây, đạp mưa đến thẳng trước mặt nàng tâu rằngThần vốn là con trai Long Vương, tên Hoàng Lang, có lệnh cho xuất thế thác sinh làm con vua”. Nói chưa hết lời, cung phi tự nhiên tỉnh giấc.

Hôm ấy là sinh nhật nàng, tức ngày 13 tháng Chạp năm Giáp Thìn (1064), bỗng có một trận cuồng phong nổi lên, trời đất tối tăm mịt mù, cung phi sinh ra một cậu con trai. Đứa bé sinh ra có mắt phượng cổ rồng, mày hùm hàm én, hình dung to lớn, thể mạo khôi kỳ, sau lưng có 28 vì tinh tú, trước bụng có ngôi sao Bắc Đẩu... Sinh được bảy ngày, nhà vua dựa theo mộng triệu mà đặt tên là Hoàng Lang và mở tiệc lớn ăn mừng.

Sau khi Hoàng tử sinh được một tháng bảy ngày thì bỗng nhiên có giặc Vĩnh Trinh ở phương Bắc nổi loạn kéo đến xâm lược đất nước, thế nước nghiêng ngả. Nhà vua bèn cho lập đàn trai giới cáo thiên địa, lại truyền cho bách quan đi cầu đảo bách thần ở các đền thờ thượng đẳng tối linh để xin các thần âm phù, giúp nước đánh giặc. Lập đàn cầu tế vừa được ba ngày, đêm ấy nhà vua mơ màng ngủ thiếp đi, bỗng nhiên nghe thấy tiếng  thơ rõ ràng như rót bên tai:

Thế nước gieo neo, có thánh tài

Vận trời đã định há lo hoài

Nếu cầu người giỏi nơi phường trại

Giặc Vĩnh Trinh kia chết chẳng sai

Nghe xong tiếng ngâm tụng, nhà vua chợt tỉnh giấc. Nhà vua nghĩ rằng, những điều thấy trong mộng chắc là thiên địa quỷ thần báo cho biết, bèn sai quan đi cầu các bậc anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, xem ai là người tài giỏi có mưu lược phá được giặc, ắt sẽ trọng thưởng.

Lại nói chuyện bấy giờ, Hoàng Lang mới sinh được một tháng bảy ngày, khi nghe tiếng quân rao cầu bên ngoài, Hoàng Lang đang nằm trên sập, liền nhỏm dậy, tự nhiên cất tiếng hỏi mẹ “Xá nhân đi rao có việc gì vậy?” Bà mẹ quá đỗi ngạc nhiên nói “Nay nước có giặc Vĩnh Trinh đến xâm chiếm kinh đô, sinh dân lầm than, thế nước nghiêng ngả. Do vậy, nhà vua sai xá nhân đi rao cầu tìm người tài giỏi trong thiên hạ về giúp nước. Con còn thơ dại, chẳng nhẽ lại muốn đánh giặc để đền ơn đáp nghĩa vua tôi hay sao mà lại hỏi thế?”

Hoàng Lang lại giục mau mau mời xá nhân vào cung phủ. Hoàng Lang nói với xá nhân rằng “Ngươi hãy mau mau về báo với nhà vua, xin sắm sửa cho ta một lá cờ lớn, cán dài mười thước và một con voi rồi mang lại cho ta ngay, đủ để một mình ta đánh giặc, xin nhà vua đừng lo ngại gì cả”. Xá nhân nghe nói xong quay trở về tâu với nhà vua. Nhà vua hết sức vui mừng, liền sai làm một cán cờ dài mười thước, chọn một con voi lớn với năm ngàn binh lính chiêu mộ cùng Lê Công Bảo và Hoa Công Hoàng làm tỳ tướng hành khiển, luôn ở hai bên giúp sức cho Hoàng Lang.

Hoàng Lang nghiêng mình lắc mạnh, thân hình bỗng nhiên cao lớn chừng chín thước, tay cầm lá cờ hơn mười thước nhảy lên lưng voi, vung cờ thét lớn“Ta là thiên tướng”. Con voi lồng lên chạy như bay, vút một cái lao như tên bắn đến thẳng đồn giặc, đánh một trận rất lớn, trời đất tối tăm mù mịt. Hoàng Lang cưỡi trên mình voi, tay phải cầm cờ vẩy mạnh, chỉ vào đám giặc. Tướng giặc Vĩnh Trinh sợ hãi ngã ra liền bị chém đầu treo dưới cờ. Quân giặc chết như ngả rạ, sợ hãi, thua chạy tán loạn.

 Dẹp yên giặc giã, Hoàng Lang liền trở về triều đình. Nhà vua nghe được tin ấy rất vui, cho mở tiệc lớn ăn mừng và thưởng công cho các tướng sĩ công thần. Trong lúc vui vầy, lòng vua rung động bèn ngự đề bài thơ:

Trời cao đã định có tài minh

Quét sạch bụi trần, nước thái bình

Đức trầm tỏ tường trời chẳng phụ

Ngàn năm bất hủ đời quang minh

Hoàng Lang đáp lễ rằng:

Tự trời giáng xuống quét phong trần

Để đức từ nay càng sáng hơn

Thế nước thanh bình đều vững chắc

Một nhà yên am hội quần thần.

Nhân dân nô nức đến trẩy hội và tế lễ tưởng thớ đức thánh Linh Lang
Nhân dân nô nức đến trẩy hội và tế lễ tưởng nhớ Đức thánh Linh Lang

Truyền thuyết thứ hai: Theo “Cổ lục thuỷ văn thứ nhất”, bản chính của Bộ Lễ, mục Quốc lễ và sách. Vào năm Nhâm Tý 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, vua Lý Nhân Tông lên ngôi thay cha mới bảy tuổi. Đã từ lâu nhà Tống vẫn có ý thôn tính nước ta, được tin vua Lý Thánh Tông băng hà, vua mới còn ít tuổi, vua nhà Tống mừng lắm, chúng ráo riết sửa soạn việc động binh xâm lược nước ta.

Ngày 27 tháng 10 năm 1075, mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống của quân dân Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy bắt đầu bằng những trận đánh “phản chuẩn bị” mãnh liệt bất ngờ tiến công phá tan các căn cứ của địch rồi thừa thắng tiến về hướng thành Ung Châu vây đánh. Với đầy mưu trí và quả cảm, quân ta đã chiếm được thành Ung Châu vào ngày 1 tháng 3 năm 1076.

Biết nhà Tống sẽ trả thù, Lý Thường Kiệt tiến hành xây dựng một thế trận phòng ngự sâu, có nhiều tầng bên hữu ngạn sông Cầu. Đúng như nhận định, cuối năm 1076, giặc Tống vượt biên giới ào ạt kéo quân vào xâm chiếm nước ta, nhưng chúng đã bị chặn lại trên tuyến sông Cầu. Chiến cuộc trên chiến tuyến sông Cầu giằng co, địch bị đánh hất về bên kia sông.

Nắm được tình hình địch đã nao núng ta quyết định phản công. Theo kế hoạch của Lý Thường Kiệt, thủy quân của hoàng tử Hoàng Chân và hoàng tử Chiêu Văn từ Vạn Xuân ngược lên Khao Túc (sông Cầu) đánh thẳng vào trận tuyến phía đông của giặc Tống, nhằm hút đại quân của chúng về phía ấy để quân ta vượt sông tấn công vào doanh trại chính của giặc. Bị đánh bất ngờ, giặc trở tay không kịp, cả doanh trại chìm trong khói lửa, phần bị chết, phần bị bắt, đám tàn quân phải tháo chạy về nước. Trong trận này, soái thuyền của hoàng tử Hoàng Chân bị súng bắn đá của địch bắn trúng, thuyền chao đảo dữ dội, nước tràn vào thuyền, ngập thắt lưng rồi tới vai, chủ soái Hoàng Chân vẫn hiên ngang tay cầm kim bài, tay cầm kiếm chỉ huy quân sỹ tấn công quân địch và anh dũng hy sinh. Hôm đó là ngày 10 tháng 2 năm Đinh Tỵ (1077).

Hoàng tử Hoàng Chân hy sinh anh dũng, song chiến công của Người đã góp phần cùng toàn quân Đại Việt đánh thắng giặc Tống xâm lược. Công lao của hoàng tử Hoàng Chân đã được vua Lý Nhân Tông sắc phong: Linh Lang Đại vương - Thượng đẳng phúc thần. Sang đời Trần, Đức thánh Linh Lang lại hiển linh phù quốc dẹp giặc, vua Trần Nhân Tông sắc phong: Bình vương Mông thượng đẳng thần. Đời Lê Trang Tông, Đức thánh Linh Lang hiển linh phù quốc thống nhất bờ cõi, vua Lê sắc tặng gia phong “Phối đồng thiên địa, vạn c lưu truyền.

Không gian ngôi đền và ban thờ chính thực hiện các nghi lễ tế
Không gian ngôi đền và ban thờ chính thực hiện các nghi lễ tế

Thông qua Truyền thuyết về Đức thánh Linh Lang trong tín ngưỡng dân gian, ta thấy được dư âm thần thoại, bóng dáng lịch sử, những đặc trưng văn hóa cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của thời đại hòa quyện một cách hết sức độc đáo, tạo nên lòng tin cùa người dân ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ và Tứ trấn Thăng Long xưa cho đến tận ngày nay đối với vị thần được thờ phụng. Nổi lên là hai hình tượng của thánh Linh Lang: hình ảnh thủy thần và hình tượng người anh hùng dân tộc. Truyền thuyết phản ánh việc trị thủy và chống xâm lăng là hai việc trọng đại của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ thời dựng nước. Dù là nhân vật hư cấu, huyền thoại nhiều hơn lịch sử thì Đức thánh Linh Lang vẫn là kết quả của sự chuyển hóa từ thần tự nhiên thành anh hùng cứu nước. Biểu tượng người anh hùng ấy rất gần gũi quen thuộc trong đời sống của dân tộc Việt nên được nhân dân tôn thờ cho đến hôm nay.

Diệp Tuấn

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy