Những chương thăng trầm trong quan hệ Việt Mỹ
VNTN - Ngày 4/7/1776, một quốc gia mới ra đời: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America). Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ với những chân lý vang vọng khắp hoàn cầu: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ của bản tuyên ngôn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn, đưa vào đoạn đầu tiên trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.
Hơn 200 năm trước, những hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ đã được khởi động. Dấu mốc đặt nền móng cho quan hệ Việt – Mỹ là sự kiện chuyến đi của thuyền trưởng người Mỹ tên là John White trên con tàu Franklin tới Vũng Tàu và Gia Định vào năm 1819 và ở đến năm 1820 mới rời đi. Ngày 30/4/1975, những nhân viên cuối cùng của Cơ quan Tùy viên quân sự (DAO) của Mỹ rời khỏi Việt Nam, kết thúc khoảng thời gian dài người Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam. Quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua biết bao thăng trầm, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện. Mối quan hệ thăng trầm giữa hai nước Việt - Mỹ đúng như hai câu Kiều mà Tổng thống Bill Clinton đã lẩy trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam tháng 11/2000: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”.
Những cuộc tiếp xúc đầu tiên
Cho tới đầu thế kỷ XIX, vùng đất Gia Định, Đồng Nai đã khá trù phú và trở thành nơi giao thương, buôn bán nhộn nhịp. Nhiều đoàn tàu buôn của Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Nhật Bản đã vào đây buôn bán. Thế nhưng, mãi tới năm 1819, lần đầu tiên lịch sử mới ghi nhận đoàn thuyền buôn của các thương nhân người Mỹ, đó là sự kiện vào năm 1819, thương nhân John White mà sử Việt gọi là "Hôn Viết" chỉ huy tàu buôn Franklin vào "Canjeo" (cửa Cần Giờ). Biên Hòa Sử lược toàn biên của Lương Văn Lựu cho biết đất Đồng Nai lúc bấy giờ trực thuộc thành Gia Định do Chưởng hữu quân Nguyễn Văn Nhân tổng trấn. Tác giả Lương Văn Lựu cho biết thương nhân John White xuất phát từ Massachusetts ngày 2/1/1819 và đến cửa biển Việt Nam ngày 28/5/1819. Ngày 29/5/1819, đoàn thuyền buôn của John White áp sát bờ và có những trao đổi với dân cư. Sau khi kê khai hàng hóa và số vũ khí chở trên thuyền, nhà chức trách thông báo phải có lệnh của Tổng trấn Nguyễn Văn Nhân tàu mới được vào Gia Định. John White đã xin với các quan chức người Việt được đi thăm thú Cần Giờ và sau đó ông xin đi thăm thú, săn bắn nhiều nơi ở vùng Đồng Nai, Vũng Tàu. Khi ở đất Đồng Nai, John White đã viết tác phẩm với tựa là “A Voyage to Cochin-China” (Cuộc du hành sang Đại Nam). Cũng theo Lương Văn Lựu, “cuốn sách này mô tả cảnh vật cùng tình trạng chung của Trấn Biên khi ấy qua cảm tưởng của một thương khách Mỹ quốc”.
Một phần bản đồ City of Saigon 1820 và hình vẽ con tàu Franklin của John White - ảnh ghép. Nguồn: nguoidothi.net.vn
Đây được xem là cột mốc đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Mỹ và người Việt.
Cuộc tiếp xúc chính thức giữa chính phủ hai nước diễn ra vào năm 1836 khi sứ giả Edmund Roberts (sử Việt ghi là "Nghĩa-đức-môn La-bách") được Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson giao mang quốc thư trình lên vua Minh Mạng. Trước đó 4 năm, vào năm 1832, phái bộ của Edmund Roberts do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cử đi giao thiệp với nước ta đã không thành công.
Bản quốc thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng bằng tiếng Anh đề ngày 31/1/1832 (in trong cuốn Văn hóa Việt Nam tổng hợp, Vũ Ngọc Khánh, 1999):
“Andrew Jackson, tổng thống Hoa Kỳ ở Mỹ châu.
Kính gửi đại quý hữu!
Thư này sẽ dâng lên hoàng thượng do Edmund Roberts, công dân danh vọng Hoa Kỳ, đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên của chính phủ, tới thương thuyết với Hoàng thượng những vấn đề quan trọng. Tôi xin Hoàng thượng chở che và cho đương sự được đối đãi tử tế khi thừa hành nhiệm vụ được giao. Đương sự sẽ đề nghị lên Hoàng thượng tình hữu nghị và thiện chí hoàn toàn của tôi, là điều tôi đã phó thác.
Tôi cầu xin Thượng đế luôn luôn phù hộ ngài.
Để chứng thực những điều trên, tôi đóng quốc ấn Hoa Kỳ trên thư này, kèm theo con dấu riêng của tôi. Làm tại thành phố Washington ngày 31 tháng 01 năm 1832 là năm thứ 56 nền độc lập của Hoa Kỳ.
Andrew Jackson.
Tổng thống,
Quốc vụ khanh
Edw. Livingston”.
Khi ấy, Vua Minh Mạng đã cử Đào Trí Phú, Thị lang Bộ hộ cùng Lê Bá Tú đến cửa biển đón tiếp phái đoàn. Khi phái đoàn đến nơi, chỉ mới cử được một người phiên dịch xuống tàu, chưa có buổi thương thuyết nào thì tàu phía Mỹ nhổ neo ra khơi. Sở dĩ tàu Mỹ nhổ neo ra đi bất thình lình bởi trưởng đoàn phía Hoa Kỳ đã bị bệnh nặng. Sau đó, trên đường trở về Mỹ, Edmund Roberts đã mất tại Macao ngày 12/6/1836. Đại Nam thực lục cho biết Đào Trí Phú tâu sự tình lên vua Minh Mạng, nhà vua dụ rằng không phải bận tâm vì “Cai giả phất cự, khứ giả phất trung” (Họ đến mình không cự tuyệt, họ đi mình không theo tìm).
Bằng bản quốc thư này, đây là lần đầu tiên nước Mỹ đặt vấn đề giao thiệp chính thức với phía Việt Nam.
Mối quan hệ lỡ làng và những chương đen tối trong quan hệ giữa hai nước
Ngay từ khi về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam và thành lập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra những chỉ thị để bắt liên lạc với phía Đồng Minh, trong đó có Hoa Kỳ. Người đã chỉ thị cho lực lượng Việt Minh ở chiến khu Việt Bắc phải chú ý giúp đỡ những phi công Mỹ bị pháo phòng không của phát xít Nhật bắn rơi. Không những vậy, Hồ Chí Minh đã tự tay viết bài báo có tranh minh họa hướng dẫn cách cứu phi công Mỹ nhảy dù: “Bộ đội Mỹ là bạn của ta. Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh…”.
Lực lượng Việt Minh ở Tân Trào đã đón tiếp một đơn vị thuộc lực lượng OSS mang tên Con nai (Dear Team) đến huấn luyện lực lượng quân sự của Việt Minh cách dùng vũ khí Mỹ và giữ liên lạc với Đồng Minh ở Côn Minh, Trung Quốc. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ kêu gọi ủng hộ nền độc lập của Việt Nam. Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người bạn Mỹ của Bác Hồ đã soạn thảo kế hoạch và qua họ gửi các bức thư đề nghị Mỹ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng quan hệ ngoại giao hai nước gửi Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ đã không chìa bàn tay ra để rồi quan hệ hai nước cứ mãi xa nhau. Cuối cùng, khi người Mỹ can dự vào tình hình Nam Việt Nam và sau đó đổ quân vào Việt Nam đã tạo ra những chương bi thảm trong quan hệ hai nước.
Vào ngày 7/7/1959, tại Biên Hòa đã diễn ra một trận đánh táo bạo của quân dân cách mạng Biên Hòa vào Đoàn cố vấn Quân sự Mỹ tại Nhà Xanh (địa điểm này trong khuôn viên Trường Cao đẳng Nghề Đồng Nai, thuộc địa bàn phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa hiện nay). Trận đánh táo báo giữa lòng đô thị Biên Hòa của phía quân cách mạng đã tiêu diệt thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand, bắn bị thương đại úy Howard B. Boston. Đây là những người Mỹ đầu tiên chết trận trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Trong danh sách 58.245 quân nhân Mỹ chết trận tại Việt Nam hiện diện trên bức tường đá ở thủ đô Washington, tên của 2 quân nhân Mỹ này đứng thứ nhất và thứ nhì của danh sách.
Ngày 30/4/1975, những nhân viên cuối cùng của Cơ quan Tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO) rời khỏi Việt Nam, kết thúc khoảng thời gian dài người Mỹ can thiệp vào tình hình Việt Nam. Quan hệ thăng trầm giữa 2 nước Việt Mỹ đã trải qua đúng 20 năm sau chiến tranh cho đến ngày 12/7/1995, khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hướng tới tương lai
Tháng 11 năm 2000, năm năm sau ngày hai nước Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Hà Nội, mở đầu cho một chương mới tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã lẩy hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”. Trước khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, những người có trách nhiệm của Nhà Trắng đã dự liệu các tình huống đối phó vì nghĩ rằng với những gì quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam chắc chắn họ sẽ phải đối mặt với sự phản ứng của người dân. Điều ngược lại hoàn toàn đã xảy ra, người Việt đón Tổng thống Bill Clinton với tất cả sự thân thiện và hiếu khách của mình. Đó là điều gây ngạc nhiên đối với người Mỹ nhưng không xa lạ với bề dày và chiều sâu văn hóa Việt. Nếu ai đó đến đất nước Việt Nam bằng bom và súng đạn, người Việt sẽ đón tiếp họ đúng với những gì mà họ mang tới. Ngược lại, nếu ai đó đến đất nước Việt Nam bằng hòa bình, người Việt sẽ đón họ bằng tinh thần yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Mỹ Bill Clinton duyệt đội danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ năm 2000. Ảnh: Reuters
Tháng 7/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Obama. Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên đối tác toàn diện. Đặc biệt, trong tuyên bố chung, hai bên cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây chính là một cam kết chìa khóa để mở rộng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Chính cam kết này đã đưa tới chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Sở dĩ đây là chuyến thăm đặc biệt bởi lần đầu tiên nước Mỹ đón một tổng bí thư của một đảng cộng sản với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Các tổng bí thư đảng cộng sản khác mà phía Mỹ đón với nghi thức này là vì họ đảm nhiệm cương vị người đứng đầu nhà nước. Trong chuyến thăm lịch sử này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Tổng thống Joe Biden (nay là Tổng thống) đã đọc hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du khi nâng ly chúc mừng quan hệ Việt - Mỹ cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” (Thank heaven we are here today. To see the sun through parting fog and clouds).
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, cả hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, hàn gắn những vết thương chiến tranh đặc biệt là các chương trình tìm kiếm hài cốt lĩnh Mỹ ở Việt Nam, khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc da cam/dioxin. Sau xử lý ô nhiễm dioxin thành công tại Đà Nẵng, năm 2019, Mỹ và Việt Nam đã chính thức thức khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, nơi từng là căn cứ lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh và nay là điểm nóng dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam. Đây được xem là dự án môi trường thuộc hàng lớn nhất thế giới. Việc khởi động dự án này là nỗ lực không mệt mỏi của cả 2 phía Việt Nam và Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Patrick Leahy, người có thâm niên nhất tại Thượng viện Mỹ từ năm 1974 là người bấm nút khởi động dự án với phát biểu: "44 năm sau, tại Mỹ cũng như tại Việt Nam, chúng ta vẫn đang đấu tranh với sự chia rẽ gây ra bởi chiến tranh. Nhưng từ năm này qua năm khác, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua di sản của cuộc chiến".
Tổng thống Mỹ Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ năm 2015 (Ảnh tư liệu).
Năm 2021, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 26 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Còn nhớ, tháng 5/2016, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã chốt lại bằng câu Kiều nổi tiếng: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”. Từ hai nước cựu thù, Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua nhiều cay đắng, mất mát nhưng tương lai và mối quan hệ bền chặt giữa hai nước đã được gây dựng lại đã và sẽ phát triển tốt đẹp trong tương lai./.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...