Những câu chuyện đằng sau sự thành công
VNTN - Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV (diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh trong 2 ngày 27, 28/8), nhằm tôn vinh các điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015. Đằng sau mỗi tấm gương là những số phận và bài học đáng suy nghĩ. Bằng sự trân trọng, ngưỡng mộ, VNTN chia sẻ với bạn đọc câu chuyện của 4 trong số 219 cá nhân tiêu biểu về dự Đại hội.
Đôi chân tật nguyền không gục ngã
Số phận nghiệt ngã khiến em Nguyễn Thị Thu Hoài (lớp 12 chuyên Địa lý, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên) bị mắc bệnh dày sừng lòng bàn tay bàn chân bẩm sinh mà theo các bác sĩ chuyên khoa là không thể chữa khỏi. Không chỉ nước da màu đen làm cho em tự ti mặc cảm, mà hai lòng bàn chân bàn tay quanh năm suốt tháng bị mọc mụn sần da và phải cắt bỏ dần lớp tế bào chết còn khiến em đau đớn khổ sở.
Từ khi Hoài lên một tuổi thì bố đã bỏ mặc không chăm lo. Hai mẹ con phải chuyển về gần nhà ông bà ngoại của Hoài, tự nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ tại tổ 22, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên. Mẹ em đi bán hàng rong, một công việc tự do chủ động về thời gian để có thể vừa mưu sinh vừa chăm sóc cho đứa con duy nhất của mình. Hằng ngày, mẹ đèo em tới tận cửa lớp và đón em về. Lòng bàn chân của em không bước được mạnh và thoải mái, kể cả đứng cũng phải lựa từng tí. Lòng bàn tay rất khó khăn trong việc cầm nắm cử động, tốc độ viết chữ khá chậm. Nhiều năm nay, tháng nào em cũng phải cùng mẹ về Bệnh viện Da liễu Trung ương để điều trị, vừa phải vay mượn tiền tốn kém lại vừa đau đớn, có lần phải điều trị cả tháng khiến em rất vất vả để tiếp tục duy trì việc học. Với một học sinh trường Chuyên, yêu cầu học tập rất cao, đây là một thiệt thòi và khó khăn rất lớn với em. Những ngày đông giá rét thì đau buốt lòng bàn chân bàn tay, những ngày hè nóng thì làn da chết ở đó mủn ra. Chưa bao giờ em dám đi chơi nhà bạn bè hoặc một nơi nào. Tất cả phải dồn sức chống chọi cái đau. Mẹ Hoài kể, có lúc ngồi học ở nhà và chịu đựng cơn đau, em không biết làm thế nào, chỉ biết khóc một mình. Còn ở lớp, em không muốn bạn bè và thầy cô thấy những giọt nước mắt của mình…
Tôi đến thăm Hoài đúng ngày em đang chuẩn bị xuống bệnh viện. Rất cẩn thận và chậm rãi, em mới có thể đứng dậy rồi lê từng bước khó nhọc di chuyển sang bàn học. Ở đó chính là không gian mà em có thể tìm thấy sức mạnh trong cơ thể yếu ớt của mình. Việc em dám thi và thi đỗ vào trường Chuyên là một chuyện đáng khâm phục. Đến nay, Hoài đã có 11 năm là học sinh giỏi toàn diện, năm học lớp 10 và 11 đều đoạt Giải Nhì Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lí. Kết quả này đối với một cô bé như Hoài, thực sự đáng nể.
Được biết, điều luôn thôi thúc Hoài học chính là vì em nghĩ đến người mẹ đã quá hi sinh và vất vả để chăm nuôi mình. Không chỉ vậy, em còn luôn mong muốn sau này sẽ có thể làm nghề gì đó để tự nuôi sống bản thân. Năm học cuối cấp này cũng chính là lúc em sẽ phải khó khăn để lựa chọn một ngành nghề thuận lợi và phù hợp nhất cho mình. Đây là những dòng tâm tư mà Hoài đã viết ra từ gan ruột: Dù ai nói thế nào, con cũng vô cùng hạnh phúc vì con có mẹ. Từng ngày, từng giờ mẹ đã chắt chiu và nuôi dưỡng ước mơ cho con trở thành nhà văn để viết về những điều bình dị trong cuộc sống đời thường, viết về niềm vui, nỗi buồn, khát vọng của mẹ con mình và của biết bao những con người và những mảnh đời khác trong cuộc sống.
Chúc em luôn bước thật vững, chúc đôi chân đau yếu kia không gục ngã!
Một tư duy kinh tế có tầm
Để có thể làm giàu thực sự trên mảnh đất của chính mình, người nông dân rất cần một tư duy kinh tế độc lập và nhạy bén. Nếu không, đó sẽ mãi chỉ là sự học theo, làm theo, thành quả thu được vì vậy khó có thể bền vững. Tôi nhận ra điều đó khi đến thăm cơ ngơi bạc tỷ và cùng trò chuyện với chủ nhân của nó - cựu chiến binh Lý Văn Thiệp (xóm Bậu 2, xã Văn Yên, huyện Đại Từ).
Không cam chịu để cái nghèo khổ đeo bám, phục viên về quê, ông Thiệp liền thực hiện ước muốn thoát nghèo bằng cách làm kinh tế gia đình. Ông khởi nguồn bằng một suy luận giản đơn về chăn nuôi: “Lợn trong rừng, không ai chăm vẫn tự lớn, vậy mình thả 1 đàn lợn vào rừng, vừa tận dụng nguồn thức ăn hoang dã, vừa thêm công nuôi dưỡng, chắc chắn sẽ cho thu nhập”. Nghĩ là làm, ông bắt đầu việc thoát nghèo chỉ với… 3 nái lợn! Quyết định táo bạo tiếp theo khiến nhiều người trong gia đình ban đầu phản đối, nghi ngại là việc ông bán đổi đất ruộng để mua đất rừng, với quyết tâm gây dựng một mô hình trang trại tổng hợp, lấy cái nhỏ nuôi cái lớn. Địa điểm ông lựa chọn nằm sát vùng đệm vườn Quốc gia Tam Đảo, khí hậu mát mẻ, lại xa khu dân cư, có nguồn nước chảy tự nhiên nên đã giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, rất phù hợp với hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn của gia đình ông khi đó. Sau những ngày đầu khó khăn chồng chất, nào nổ mìn, san đất, rồi hì hục cùng cuốc, xẻng, lều bạt, xe cải tiến… Qua gần 30 năm, gia đình ông Thiệp đã từng bước biến một vùng rừng núi hoang vu thành một trang trại trù phú với diện tích là 19,5 ha, gồm 15 ha trồng cây lâm nghiệp, 1 ha trồng cây ăn quả, còn lại 3,5 ha làm chuồng trại chăn nuôi và ao thả cá, cho tổng thu nhập bình quân hằng năm vào khoảng 8,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Khi công việc làm ăn phát triển đi vào ổn định, ông lại nghĩ cách giải quyết việc làm cho những hộ lao động còn khó khăn quanh mình. Việc ông hỗ trợ về mọi mặt cho 8 hộ dân trong vùng chăn nuôi lợn nái, từ xây dựng chuồng trại đến bao tiêu sản phẩm, khi bán mới thu tiền gốc và không tính lãi…, thực sự là một cách làm nhân văn và vô cùng hiệu quả.
Chưa dừng lại với những thành quả đó, trong đầu người cựu binh ấy vẫn luôn đầy ắp các kế hoạch phát triển. Ông hào hứng chia sẻ với tôi về dự định sẽ làm khu du lịch sinh thái tại đây. Những nguồn thực phẩm trang trại sản xuất ra sẽ được bán cho du khách. Theo ông, hướng đi này giúp mình chủ động trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế hiện nay, đặc biệt là biến động giá cả từ việc cạnh tranh hội nhập… Được thuyết phục trước những điều tai nghe mắt thấy từ ông, tôi tin đó tiếp tục là một hướng đi đầy triển vọng!
Đến với dân làng bằng sự giản dị, thật lòng
Là cán bộ hưu trí từ năm 2010, ông Triệu Văn Hà (xóm Kim Tân, Xã Kim Sơn, huyện Định Hóa) với những hiểu biết về đồng bào Dao của mình đã nhanh chóng hòa nhịp với mọi công việc của dân làng. Không giữ một chức vụ Đảng hoặc chính quyền nào ở cơ sở, nhưng liên tục từ 2011 đến nay, ông được người dân suy tôn là “Người có uy tín trong cộng đồng”.
Từ những chuyện nhỏ cá nhân thường ngày đến những chuyện liên quan đến cả thôn xóm, cứ việc gì “khó nói” là người làng lại nghĩ ngay đến ông Hà. Nào là chuyện đường ống nước nhà này đi qua đất nhà kia, khi thì chuyện vợ chồng lục đục, có lúc lại là chuyện thống nhất đóng góp quỹ cho các cháu nhỏ, thậm chí là chuyện tài chính làm đường, làm cầu cống.v.v.. Mỗi việc đều có cái khó riêng, và thường khá “tế nhị”. Thường thì ông phải đến từng nhà để thăm hỏi rồi tìm cách chuyện trò. Để dân làng nghe và tin tưởng, ông luôn tự đặt chính mình vào cuộc với những cách khuyên giải mềm dẻo như “Nếu là tôi thì…”, “Tôi thấy là…”. Đó là những lời tâm sự gần gũi, chứ không phải sự giáo điều gò ép, khiên cưỡng. Cũng có lúc, ông chủ động đặt bút viết ra những việc cần làm, những cách thức triển khai, rồi lặng lẽ đem đưa cho Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn. Những gợi ý đó về sau thành hiện thực, nhưng “tác giả ý tưởng” thì dân làng không ai biết. Không dừng lại ở lời nói, có lúc ông tự nguyện trực tiếp tham gia nhiều ngày công cùng lực lượng làm đường bê tông (ở xóm khác, nhưng có đồng bào Dao của ông). “Bản thân mình được vận động giúp cơ thể sảng khoái mà thôn xóm lại có đường đi, việc vui như thế phải “xin” làm cùng chứ sao” - ông giải thích.
Cũng có lúc ông bị người khác cho là tuổi già nhàn rỗi, là vác tù và hàng tổng, nhưng chẳng bao giờ ông bận tâm. Ông chỉ chia sẻ: mình không giữ chức vụ gì cho nên cũng rất khó khăn trong việc khuyên giải dân làng, chỉ có cách duy nhất là phải đến với họ bằng sự giản dị và thật lòng. Điều tưởng như đơn giản ấy, biết đâu lại chính là điều khó nhất?
Nhìn những tấm bằng khen giấy khen, tôi hỏi ông xem đó là những thành tích gì. Ông chỉ giới thiệu sơ sơ rồi nhấn mạnh: mình làm những việc này có phải để được khen thưởng đâu, nếu vì khen thưởng thì đã chẳng làm được. Trước khi ra về, ông còn dặn lại một lần nữa: “Đừng nói gì về thành tích của tôi nhé”.
Người “chịu” đầu tư cho học hỏi
Cuộc sống lam lũ khiến con người ta “biết” an phận đến cam chịu. Tôi đã hình dung về những người phụ nữ nông thôn người dân tộc thiểu số như vậy cho đến khi được đến thăm gia đình chị Đàm Thị Quy (Dân tộc Nùng, xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình). Chị đã cho tôi một cách nhìn khác.
Lập gia đình từ khi mới 21 tuổi (2006) nhưng chị đã sớm có chí hướng vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo. Gia đình chị cũng đã lao đao, khốn đốn suốt mấy năm đầu khởi sự, bị lỗ nên phải nợ đến 400, 500 triệu khi đầu tư buôn gà thịt rồi gà giống. Nhưng “bại không nản”, lấy chính sự thất bại đó làm bài học cho mình, chị tìm hiểu, mở rộng quan hệ và chuyển sang mô hình nuôi gà mái ấp nở. Để có kiến thức chuyên môn, chị không quản khó khăn, mạnh dạn về Viện Chăn nuôi, đầu tư học hỏi mở rộng tầm hiểu biết. Ở đó chị đã được tiếp thu nhiều kỹ thuật hiện đại, bài bản. Đáng kể nhất là kỹ thuật tách con trống - con mái, chị đã phải bỏ ra 30 triệu đồng để học. Song song với đó, chị rất tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn có liên quan đến công việc chăn nuôi do địa phương tổ chức. Đó là nơi chị thu nhận được rất nhiều kiến thức thiết thực cho công việc của mình. Hiện nay, với trang trại quy mô 4.000 gà đẻ trứng, lò ấp trứng 3 ngày 1 phiên nở với số lượng 5.000 con mỗi phiên, gia đình chị còn thuê thêm lao động, mua ô tô vận chuyển gà giống tận nơi để cung cấp cho các trang trại trong địa phương và một số tỉnh trong khu vực như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc... Lợi nhuận 400 - 500 triệu một năm như gia đình chị hiện nay là con số đáng mơ ước của nhiều người, không chỉ nông dân.
Có người chồng đồng lòng chung tay lo lắng phát triển trang trại, có hai con nhỏ sớm biết tự giác và chăm chỉ học hành, chị Quy càng vững tin với hướng đi của mình. Chia tay ra về, tôi cứ nhớ mãi nụ cười tươi trẻ, hồn nhiên của chị. Dường như nỗi nhọc nhằn vất vả đã tan biến hết, chỉ còn lại niềm vui của người phụ nữ dám vượt lên khó khăn, làm chủ cuộc sống.
***
Niềm yêu sống, yêu lao động, ý chí, nghị lực mạnh mẽ của những con người mà tôi được gặp không chỉ là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cho riêng họ, đáng trân quý hơn, nó còn đem đến niềm tin và sự thôi thúc cho những người đang đi tìm thành công. Họ cho chúng ta hiểu rằng, mỗi người chỉ có thể tự viết nên câu chuyện của mình nếu quyết theo đuổi đến cùng những gì đã lựa chọn.
Nghĩ về họ, tôi thấy cuộc đời luôn thật đẹp và đáng yêu!
Thanh Tâm
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...