Những cánh hoa mua
VNTN - Quân luôn nghe lời bác sĩ, cố gắng để tự mình ngồi dậy mỗi ngày. Khi anh xỏ được đôi dép dưới nền nhà rồi điều khiển hai tay chống xuống giường, đẩy được cơ thể lên, ấy là lúc, anh sắp nhìn thấy thế giới bên ngoài kia. Anh men theo mép bàn để dắt mình ra cửa sổ. Từ cửa sổ căn nhà ngang nhìn lên nhà trên, Quân sẽ thấy mẹ hoặc vợ hay các con đang làm gì. Như lúc này, anh thấy Xoa lấy chiếu trải ra thềm, ngồi đếm tiền lẻ bán hàng cùng mẹ chồng. Dạo gần đây, Xoa gầy, người Xoa vốn đã mỏng, giờ lại càng mỏng thêm bởi những lo toan…
Mỗi lần tôi sang nhà kê thuốc an thần cho Quân, anh lại tiếng to tiếng nhỏ với tôi về vợ mình rồi rớm nước mắt. Tôi chỉ biết bảo: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, biết làm thế nào được”. Vừa gạt chân chống xe hai đứa nhỏ con Quân - thằng Minh chín tuổi, cái Nguyệt bảy tuổi - ở ngõ chạy về, tay cầm bông mua tím lịm, chắc vừa hái ven đường. Con bé Nguyệt kéo tay tôi chạy vào nhà ngang, chỗ Quân nằm, ríu rít:
- Chú Trung ơi. Hoa mua bố cháu thích đây này. Đẹp không hả chú?
- Không đẹp bằng cháu. - Tôi nhéo tai con bé.
- Con… mang cái lọ, cắm vào bình… cho bố. - Quân lại cố gắng vịn tay xuống giường ngồi rồi chậm rãi từng tiếng bảo con gái.
- Con phải tranh nhau với mấy đứa trong xóm mới hái được đấy bố ạ - Nguyệt nhanh nhảu. Rồi con bảo con hái về cho bố ngắm để bố nhanh khỏi bệnh. Thế mà chúng nó cứ nói, bố mày bị tai biến rồi, liệt nửa người đến già không khỏi. Mày đừng có mà mơ. Con tức mình, cấu bạn ấy sứt tai rồi bố ạ.
Quân lập cập giơ tay ôm con gái vào lòng.
Tôi an ủi con bé:
- Con gái của bố Quân phải dịu dàng, đằm thắm như bông hoa này chứ. Sao lại cấu bạn ấy thế. Nhỡ bạn ấy chảy máu, khóc nhè thì làm sao?
- Cho bạn ấy chừa. Cháu phải bảo vệ bố. Nguyệt hồn nhiên ôm tay bố vuốt ve và líu lo hàng mớ những câu chuyện: con muỗi đanh đá trong rừng, con ong trêu cây trám, quả sim bắt đầu mọc tai xanh, cây mua chi chít nụ tím…
Vậy là, đã bảy mùa hoa mua nở, kể từ khi con bé Nguyệt chào đời cũng là năm Quân bị tai biến, liệt nửa người. Thời gian trôi đi nhanh quá, cơn gió độc về đêm năm nào thổi đời Quân sang một ngả khác, từ một cơ thể cường tráng, cân đối, khỏe mạnh sang một cơ thể lệch lạc, méo mó, đau đớn. Tôi biết, những ngày tháng ấy, Xoa sưng mòng mắt những đêm khóc thầm, vừa chăm chồng đau ốm, vừa phải vật lộn với con nhỏ, với mẹ chồng bệnh già, lại còn khoản nợ vài trăm triệu với cái xưởng cơ khí mới xây xong chưa kịp khánh thành của Quân. Giờ xưởng bỏ không, đang rao bán mà chưa có ai đất này mua giúp.
***
Cuối tuần, tôi xách túi sang tiêm cho Quân. Lũ trẻ lúc nào cũng ríu ra rít rít chạy ra đón tôi:
- Cháu chào chú Trung ạ. Chú sang tiêm cho bố cháu đỡ đau ạ?
- Ừ. Bệnh nhân thì phải có bác sĩ mới khỏi được chứ.
- Yêu chú Trung nhất.
Tôi xoa đầu hai đứa nhỏ rồi vào nhà ngang. Quân nằm như người đàn ông đã bảy mươi, gầy gò, yếu ớt trên giường. Tôi bảo:
- Sao anh không lên nhà trên, cứ ở đây ngủ một mình, đêm hôm làm sao ai biết.
Khó khăn lắm, tôi mới có thể nghe được những tiếng không tròn của Quân:
- Tôi không muốn… ở nhà trên. Sợ nhà có khách, Xoa lại ngại…. Mà bao năm nay rồi, tôi ngủ đây… cũng có sao đâu.
Tôi lặng người. Mỗi lần đến nhà, tôi không chỉ ái ngại với chỗ ngủ của Quân, với sức khỏe của anh, tôi ngại với cả vào nỗi buồn của Xoa. Khi thì thấy Xoa ngồi băm rau lợn, mặt cúi gằm, như thể cô đang cố băm cho đứt cái u sầu của cuộc đời mình, nhát một, nhát một, đến nỗi tôi có hỏi vài câu cũng chẳng nghe thấy cô đáp lại một lời. Khi thì thấy cô bắc ghế sửa bóng điện, lúc lại bắc thang lên lấy những trái bầu trên giàn ra chợ bán; có lúc thấy đang tiêm gà trong chuồng, cũng có khi đi chợ; hoặc có hôm đi nộp lãi ngân hàng, nhưng cũng có hôm thấy cô đang dọn vệ sinh cho Quân. Chẳng khi nào Xoa nói quá hai câu với tôi, cũng chẳng mấy khi thấy Xoa ngồi gần chồng xem tôi tiêm cả. Có lần, tôi định nói với Xoa: “Sao không bảo anh Quân lên nhà trên ngủ cho yên tâm, anh bệnh tật, nào có phải bệnh nhẹ, có bẩn thỉu một chút nhưng dù sao cũng là chồng mình”. Nghĩ vậy, nhưng tôi cũng chỉ nói ra được mấy lời tếu táo: “Bảo anh lên nhà cho có hơi ấm của chồng chứ, để chồng lọ mọ mãi dưới xó nhà ngang, bao giờ mới khỏe được như xưa ấy”. Nghe xong, Xoa bỏ đi hái chè trên đồi, có khi bỏ ra đồng, không để lọt tai.
***
Bệnh tình của Quân tương đối nặng. Thỉnh thoảng, Quân cố gắng vận động, nhưng chân tay mới giơ lên đã run cầm cập, đành phải dùng xe lăn. Có hôm, anh định ra sân cho gà, vịt ăn giúp vợ, nhưng mới lăn xe ra đến chái nhà xúc được ít thóc, định đặt bát vào lòng thì bát đã tuột khỏi tay, thóc vãi vương đầy nền nhà. Giá mà nỗi đau cũng cứ rải ra xung quanh theo những hạt thóc, cho gà cho vịt nhặt ăn hết thì tốt. Bất lực, anh lại gắng lăn xe vào nhà, làm bạn với nắm thuốc an thần Aminazin trên đầu giường mình.
Buổi chiều, Quân không có ý định làm gì nữa, anh đẩy xe ra cửa xem vợ làm. Xoa đang lấy dây rơm nếp buộc những nhánh dưa non vào gièo tre đã cắm sẵn. Đợt mưa vừa rồi, chắc đã hỏng hết sào dưa ở bên đồng Mễ. Ruộng này, Xoa bảo đẹp hơn. Chợt Xoa vứt chỏng trơ bó rơm dưới ruộng, ngồi phệt xuống bờ vẻ chán nản. Ánh mắt Xoa nhìn xa xăm như thể có mũi tên đang nhìn xuyên qua dãy núi kia, bắn tới đích trên tận phố huyện. Ai như cô Thảo, xúng xính váy áo lượt thượt ra bờ ruộng rồi vén gọn gàng, ngồi cạnh Xoa nói chuyện gì không biết. Thảo là dân buôn bán, sắc sảo, tiền kiếm như nước. Chẳng lẽ, Xoa định vay tiền Thảo? Chợt Xoa thu dây rơm, nón áo về nhà, mau mắn cơm cháo.
Buổi tối, bưng cơm vào nhà ngang cho chồng, Xoa nói với anh:
- Tôi định lên huyện làm ca chiều, bưng bê trên quán bia nhà cô Thảo. Hôm nọ Thảo về làng, bảo dạo này, quán đông khách quá. Mùa hè mà, khách uống bia nhiều. Ngân hàng thì cứ đến tháng lại phải đóng cả gốc lẫn lãi, xưởng thì có ai thuê đâu, chợ búa càng ngày càng buôn bán khó khăn, tôi đành phải làm ca từ ba giờ đến sáu giờ, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Chứ hai đứa ăn học, rồi tiền thuốc men của mẹ, của anh, cũng tốn kém. Tôi quay không kịp.
Quân nóng ruột, chỉ muốn đứng phắt dậy cản Xoa mà không thể được. Giờ đến tự chải cho mình cái tóc, Quân còn phải nhờ đến vợ, đến con gái thì còn đứng lên cái nỗi gì. Quân ấp úng, đầy vẻ bất lực:
- Em… đã làm bao giờ… đâu. Chỗ bia… bọt, lắm loại… khách.
- Tôi già rồi, mình xem. Có ma nào nó thèm nữa mà lo.
Quân nhìn kĩ Xoa, càng muốn nhìn lâu vào đôi mắt to tròn biết nói chuyện và lông mi cong vút ngày xưa mà càng nhìn càng thấy mắt mình mờ dần, vì đọng nước. Đôi mắt ấy giờ vẫn dịu dàng trước mặt Quân, chỉ là thêm mảng màu vàng hoe của những đêm lo xoay đóng đủ tiền lãi ngân hàng. Đêm còn kẻ thêm cả vết chân chim nơi đuôi mắt xinh đẹp đó nữa.
- Mình… bắt đầu đi làm… từ hôm nào?
- Chiều mai tôi đi.
Quân nằm quay mặt vào tường, xoay nỗi buồn vào trong. Bao năm nay, Quân đã quen với cảm giác bất lực khi không thể làm ra được một đồng xu nào giúp vợ, càng quen với cảm giác xa dần Xoa. Sự cô đơn của Quân ngày càng được bồi đắp thêm, rõ ràng hơn bởi nỗi lo cơm áo, gạo tiền mà Xoa phải gánh. Có khi cả ngày, Quân chỉ thấy Xoa có lúc cô mang cơm vào cho anh, hoặc lúc anh gọi vợ vệ sinh cho. Xoa bận rộn đến nỗi, không còn thời gian mà nặn chân, nặn tay cho anh đỡ co quắp nữa. Quân nằm đếm khoảng cách, vợ chồng không gần gũi nhau lâu ngày, sinh ra thế. Xoa ngủ riêng ở nhà trên mà Quân đã cảm thấy như xa nhau vạn dặm. Giờ Xoa lại còn muốn đi làm trên huyện, lại ít trông thấy vợ hơn, Quân càng thấy hoang mang. Quân giờ như đứa trẻ, lúc nào cũng dễ mủi lòng.
Thời gian đầu Quân mới ốm, Xoa còn kiên nhẫn an ủi chồng, còn ôm chồng động viên mỗi khi anh đau. Dần dần, Xoa chỉ còn nước im lặng khi anh tỏ ra cáu giận với bản thân, bẳn gắt với vợ. Anh cố khua vỡ bộ tích chén cho thỏa cơn giận. Anh chửi Xoa thậm tệ, đuổi cô đi. Nhưng Xoa hiểu Quân thương Xoa nhường nào. Càng muốn yêu vợ, ôm vợ vào lòng thì cơn đau càng không cho phép. Xoa hiểu nỗi đau cùng cực ấy và từ đó, ánh mắt Xoa bắt đầu vô hồn hơn. Thanh xuân của Xoa, đáng ra phải được yêu thương nhiều biết dường nào, thì giờ đây, Xoa phải chịu đựng, chịu những đêm cô đơn, những đêm sờ tay lên ngực, sờ tay vào khoảng không mà chới với. Xoa phải ngủ riêng là vì nghĩ cả cho chồng. Một căn nhà, từ lâu như chia thành hai thế giới, cách biệt nhau bởi những ốm đau, bệnh tật, lo toan, nhọc nhằn. Thế giới của Quân, lặng lẽ làm bạn với thuốc men. Thế giới của Xoa, cô đơn, vật vã với những cơm, áo, gạo, tiền. Mọi thứ, người ta chỉ có thể nhờ vào thời gian mới làm quen, mới thích nghi được. Thời gian đã biến Quân thành người khác, không còn quá đỗi ích kỉ, anh muốn bù đắp cho vợ những thiệt thòi bằng sự tự do. Anh muốn Xoa sống thoải mái, vợi bớt những khát khao mà người đàn bà nào cũng có. Nhiều lần anh cố tình dùng lời nói, ánh mắt, đẩy vợ đi…
***
Quân đẩy xe lăn ra sân bảo cu Minh trải chiếu ra thềm cho bà ngồi, ngóng Xoa đi làm về. Sáu giờ tối, Xoa về đầy phấn chấn.
- Ra phố mới biết người ta kiếm tiền như nước thế nào. Một buổi chiều, bao nhiêu là khách - Xoa vui vẻ.
- Giữ cái thân - Mẹ chồng nhăn nhó với Xoa.
Mọi ngày, Xoa có đi ra đồng thôi rồi về nhà. Quân chẳng phải lo nghĩ gì. Giờ đây, vợ làm tít trên huyện, Quân có phần bất an. Quân tự trấn an mình rằng cái đầu của người bị bệnh, nghĩ cái gì cũng chỉ có một đoạn ngắn ngủi. Mà ngày nào, cả mẹ chồng với Quân cũng mong Xoa như mong mẹ đi chợ về. Cả ngôi nhà này, đều trông vào Xoa, trông vào đôi vai bé nhỏ gánh vác.
Buổi tối, Xoa vừa đưa tay ra đón cốc nước từ tay con bé Nguyệt thì nó đã kêu toáng lên:
- Sao tay mẹ lại có vết cào dài thế này. Bố ơi. Bố ơi. - Nó nhanh nhảu chạy xuống nhà mách Quân.
Xoa bực dọc:
-Hôm nay, vài thằng choai choai, giơ cái móng tay út dài ra vẻ con nhà đại gia, cào bất ngờ, như yêu tinh ý. Bực mình. Hôm nay, tôi định mắng khách, nhưng phải nhẫn nhịn, nên thôi.
Rồi có hôm, Xoa về, Nguyệt chạy vào khoe bố là ngửi đầu mẹ, tai mẹ thấy toàn mùi thuốc lá. Xoa lại thở dài:
- Hôm nay, có thằng khách tai to mặt lớn, kéo tay tôi, ghé sát vai, thì thầm: “Đến chỗ anh làm đi, anh trả lương cao hơn gấp bảy chỗ này”. Nó hút nhiều thuốc thì ám vào, thế thôi. Thoáng chút bối rối. Xoa vội vã ngưng lại, nếu không Xoa đã phô là bị hắn hôn trộm lên má.
Được năm hôm thì Quân thấy Xoa bỏ quán chị Thảo. Quân gặng hỏi, hóa ra vì cả đoạn đường Xoa về, bọn lêu lổng chúng nó rú ga đuổi theo đánh võng trêu Xoa: “Nhân viên mới. Chồng liệt giường đấy. Chúng mày. Thử đi. Chắc lâu lắm rồi không có hơi giai đây. Của nả lại như mới tinh đấy”. Hôm đó, may có vài anh cảnh sát giao thông đuổi theo nên thoát khỏi bọn ranh con đó. Xoa bực bội kể lại cho chồng.
Những chuyện ấy, mỗi khi tôi sang, Quân đều kể lại. Tôi thấy giọng Quân có vẻ mừng hơn, vì có vậy Xoa mới chịu làm quanh quẩn, ít tiền thôi nhưng gần chồng con. Những đứa trẻ thì hễ thấy tôi là suốt ngày khoe mua tím đẹp. Một lần, tôi buột miệng:
-Không đẹp bằng mẹ cháu.
May mà chúng nó không nghe thấy.
***
Nhưng Quân mừng chẳng được bao lâu. Hôm nay, Xoa bảo đi họp phụ nữ trên phố huyện. Quân nhìn theo cho đến khi chẳng thấy Xoa cuối cổng nữa. Trời trong veo, mây xanh mát mắt. Quân biết, lên đến huyện, thể nào Xoa cũng dán mắt vào tờ giấy tuyển dụng của công ty. Dạo này, người ta hay kháo nhau, đi công ty lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Hôm trước, thím Hòa sang đã muốn rủ Xoa đi cùng. Y rằng, buổi chiều Xoa về và bàn với mẹ chồng, với chồng, đi cùng thím. Vậy thì, tiền thuốc men của chồng, tiền thuốc men của mẹ già, tiền học hành, tiền nợ của hai con sẽ được giải quyết gọn ghẽ. Xoa lại muốn đi. Mẹ chồng chỉ than thở:
- Rõ khổ. Mình con lăn lộn ở cái nhà này. Con làm gì thì làm, giữ cái thân.
Cái số Xoa chẳng ra gì. Những kẻ chồng con đau yếu hay rơi vào mắt những tên đàn ông trăng hoa. Cô lại có tí nhan sắc. Làm qua Tết chẳng được mấy thời gian mà Xoa bị con đàn bà xóm Chiêng chặn đường đánh ghen, chỉ vì vài ba cái tin nhắn trêu đùa vớ vẩn, không đầu không cuối của gã bảo vệ công ty. Đánh xong, chúng nó mới biết đánh nhầm người, vội vã bỏ chạy.
Áo xống tơi tả, mặt mũi bị cào, tóc tai xõa xượi, Xoa về nhà trong bộ dạng thất thần. Cô lăn ra giường, khóc rưng rức. Quân lại nhìn qua ô cửa, cảm thấy mình thật vô dụng, chẳng tích sự gì, để vợ con khổ sở thế. Mẹ chồng ngồi đờ đẫn bảo:
- Con à, ở nhà mà lo mấy sào ruộng. Chè xuân cũng hái được rồi. Ở nhà với chồng với con cho nó lành.
Xoa nằm đó, mình đau nhưng nhức, định dậy ăn cơm nhưng Xoa thấy người nôn nao, cổ nghẹn ứ rồi cô lại nằm bẹp. Quân men mép tường, dò dẫm từng bước, muốn lên nhà trên, an ủi vợ mà giọng cứ lạc đi, mãi mới thốt được mấy lời: “Mẹ nó… nghỉ làm… cho lành.”
Tôi nghe người làng kể đi kể lại chuyện Xoa bị đánh ghen, đến đâu cũng nghe thấy họ kể, không biết chán thì phải. Một sớm, tôi sang tiêm cho Quân. Tiêm xong, tôi đặt vấn đề mua cái xưởng cơ khí, giúp gia đình anh trả bớt nợ nần. Quân mừng ra mặt và rối rít cảm ơn tôi, mắt lại bắt đầu rưng rưng vì cảm động. Bữa đó, Xoa lại lên huyện, không có nhà. Xoa bảo đi lấy nốt tiền lương ở công ty.
***
Sau bữa cơm tối, Quân sẽ mang lại bất ngờ cho Xoa. Tôi có thể tưởng tượng ra khung cảnh hạnh phúc ấy, tưởng tượng ra nụ cười rạng rỡ trên môi cô ấy. Nụ cười mà cuộc sống tàn nhẫn đã cướp đi bấy lâu nay trên gương mặt cô. Quân vui mừng khi thấy Xoa đi huyện về. Anh hoan hỉ lăn xe ra đón Xoa như ngày chuẩn bị cau trầu đón cô về trước ngõ. Mẹ chồng Xoa mừng rỡ bảo:
- Cái xưởng cơ khí thằng Trung nó đã đồng ý mua làm quầy thuốc và phòng khám rồi con à. Lỗ một tí nhưng trả hết nợ cho mẹ mày đỡ vất vả. Mẹ nghĩ rồi. Không tiếc nữa. Con cứ đi ra ngoài, chả phải đầu cũng phải tai. Ở nhà mà làm chè rồi mình có gì ăn nấy. Bố thằng Minh, cái Nguyệt cũng cố dậy rắc ít thóc chăn gà, chăn vịt hộ vợ là được rồi. Phải cảnh nào chịu cảnh đấy, biết làm sao.
Xoa cố gắng nhoẻn cười, bối rối nhưng Quân thấy cơ mặt Xoa giãn ra, như thể mọi nỗi cực nhọc dồn lại từ bao ngày mưa, giờ gặp nắng, được hong ra, thoáng đãng và dễ chịu hơn. Bữa ấy, tự dưng Xoa khó ăn và bỏ dở. “Chắc là mẹ nó mừng quá đấy mà” - Mẹ chồng Xoa vui vẻ.
Xoa mừng quá thật. Trả hết nợ ngân hàng, Xoa như cởi bỏ được chiếc áo giáp sắt nặng nề và xấu xí bao năm trời khoác lên mình. Người Xoa như nhẹ bẫng. Lũ trẻ con rối rít chạy vòng quanh mẹ, đùa vui.
Chỉ mới có hơn một tuần, sau khi xóa nợ mà Quân nhận ra, Xoa như béo hơn. Quân thấy vợ để ý, trau chuốt đến mình hơn và bắt đầu tham gia những chương trình văn nghệ trong xóm. Xoa hát chèo rất hay. Xoa bảo sẽ dạy con hát, dạy con múa thật đẹp. Chiều tan học về, Nguyệt lại ríu rít khoe bố những bông mua đầu mùa mới nở ở ven đường, chưa nỡ hái về. Vậy là, thêm một mùa hoa nữa lại đến.
***
Vài hôm sau, biết mẹ chồng Xoa được cậu út đón sang nhà chơi, tôi sang kê thuốc an thần cho Quân. Kê xong, tôi dặn Quân nghỉ trưa và lên nhà lấy tiền thuốc. Tôi lên nhà nhưng không lấy tiền mà mang cho Xoa ít thuốc bổ. Tôi ôm Xoa vào lòng:
- Tôi thương Xoa lắm! Hôm nọ, em đi huyện một mình, tôi lo. Một lần sẩy bằng bẩy lần đẻ. Em bỏ thì cũng phải kiêng như đẻ. Xin lỗi Xoa! Em khổ nhiều rồi. Tôi sẽ bên cạnh Xoa suốt đời này.
- Còn vợ con anh. Họ mà biết thì tôi lại bị một trận đòn nhừ tử như bữa hôm nọ. Khi ấy, thì chẳng phải oan nữa đâu. Xoa nghẹn ngào.
- Tôi với vợ li thân rồi. Tôi lo được tất. Em yên tâm!
Tôi hôn Xoa. Tôi đẩy Xoa đến mép bàn và làm cái chén rơi xoảng trên nền nhà. Tôi ngó xung quanh. Tôi chắc chắn không ai có thể thấy.
Nhưng không may bữa đó, cửa sổ gian buồng tôi và Xoa ở, lại khép hờ hững. Tôi hơi giật mình khi biết Quân chưa ngủ. Tôi thấy Quân đứng vịn tay ở ô cửa sổ nhà ngang, đã thấy hết. Nếu là tay một người khỏe mạnh, chắc đã bẻ gãy thanh gỗ ô cửa vì giận dữ. Quân nhìn tôi, như muốn chạy lên trên nhà, cho cái thằng cướp vợ mình kia một trận nhừ tử nhưng chân anh đang dính chặt lại giữa cửa. Quân mấp máy môi, như muốn gào to lên: “Cút đi” nhưng cổ họng như có miếng xương cá to chẹn lại. Tôi hiểu, giờ đây, Quân muốn phá rất nhiều, muốn vơ tay lấy bất cứ thứ gì, ví như cái lọ hoa đang cắm những bông mua, ném ra sân nhưng anh không thể thao tác nhanh được để chống lại những cử chỉ nhẹ nhàng, chậm rãi đang diễn ra trên căn buồng, trước mắt mình. Từ nhà ngang này, lên nhà trên kia, có là bao xa, nhưng giờ Quân không thể chạy lên mà giữ Xoa được nữa.
Bất ngờ, tôi thấy Quân men về giường, những viên thuốc Aminazin chạy lăn ra sân như ám hiệu với tôi rằng: “Tôi thua rồi. Thua anh rồi. Trung à”.
- Anh sao thế? Xoa còn rúc vào lòng tôi, không hay biết gì.
- À. Không có gì.
Tôi không hiểu tôi đang làm gì nữa. Tôi không thể thôi việc ôm người phụ nữ này. Tôi còn ôm chặt hơn. Tôi không muốn để bất cứ nỗi đau thương nào len vào lòng người đàn bà này thêm nữa. Nhưng còn Quân? Quân đang nghĩ gì? Có phải Quân lui về giường và đang nghĩ cho Xoa không? Liệu Quân có biết Xoa đã từ chối tôi ít nhất sáu năm trời không? Giờ đây, khi không thể gắng gượng để chống đỡ mọi thứ đè lên vai mình nữa, Xoa mới chịu ngả vào lòng tôi như thế. Và chẳng còn lí do gì khiến tôi lại dễ dàng đồng ý mua lại xưởng cơ khí của anh như vậy.
Hơn ai hết. Tôi hiểu những suy nghĩ của một thằng đàn ông. Bao năm rồi, dù Xoa muốn, có nằm cùng, Quân cũng có làm gì được cho Xoa đâu. Biết bao nhiêu đêm, Xoa khó ngủ, chăm con làm niềm vui, đem cô đơn nén chặt hạnh phúc nơi tim mình, Quân chắc hiểu hơn ai hết. Mình đã là gánh nặng của Xoa, Xoa phải chăm sóc mình cả đời, ơn huệ này kiếp nào mới trả được thì sao đòi hỏi được Xoa chung tình với mình. Nếu không có ai sưởi ấm Xoa, làm mềm rã trái tim đóng đá của Xoa thì người đàn bà trong căn nhà này sẽ trọn kiếp cô đơn cho đến chết. Xoa đâu thể giữ mình mãi được. Thân hình này của cô còn rất đẹp. Trái tim này của cô còn rất nóng. Quân chắc chắn hiểu. Anh đã xác định một mình ở dưới căn nhà ngang, thì sẽ biết chắc đến ngày, phải có một người đàn ông, làm cho Xoa hạnh phúc, mới có thể bù đắp cho những đau khổ dài đằng đẵng của người phụ nữ này”. Quân phải học cách chấp nhận thôi. “Mỗi cây mỗi hoa, biết làm sao được”.
Ngoài kia, trăng chiều đã lên. Mấy đứa trẻ đi học về ríu rít ngoài sân. Tôi cũng phải ra về.
***
Đêm chớm hạ, Quân nằm nghe tiếng hát của vợ, ngân từ nhà văn hóa vọng về, như tiếng chim hót. Cô ấy hát hay thế kia. Cô ấy còn đẹp đến thế kia. Cô ấy có quyền được yêu, được hạnh phúc. Đó mới là Xoa của ngày xưa, là con người Xoa. Chợt mất điện, mắt Quân chỉ thấy màu đen. Con gái thắp đèn dầu rồi mang xuống nhà cho bố. Quân xoay người, lại đau nhức khắp mình mẩy, không thể duỗi được các khớp tay. Dưới ánh đèn, Nguyệt thấy thương bố nhiều:
- Sao bố không lên trên nhà ở với chúng con?
- Bố ở đây quen rồi. Bệnh tật một mình cho thoải mái. Rồi sau này lớn, các con sẽ hiểu.
- Mẹ bảo con lớn rồi mà. Sao con chưa hiểu, hả bố?
Quân nhoẻn miệng cười mà mắt rớm nước. Quân lập cập ôm con, không nói thêm được nữa, chỉ nói với lòng mình cho bớt đau: “Bố có cô đơn một mình dưới căn nhà này đâu. Bố còn có bà, có mẹ Xoa, có hai con đó thôi. Bố bệnh tật nên phải một mình dưới này, để giữ sạch sẽ cho ngôi nhà trên, cho sĩ diện của mẹ, cho tuổi xuân của mẹ, cho tự do của mẹ. Mẹ vất vả nhiều rồi, mẹ xứng đáng được như vậy”.
Xoa đã về đến cổng, miệng còn lẩm nhẩm lời hát. Tiếng hát của Xoa như gọi lại ngày xưa, gọi về những kí ức đẹp trong tiềm thức Quân. Những bông hoa mua đầu mùa trong lọ con gái cắm, đã khép cánh ngủ im lìm. Những viên thuốc an thần cũng đã nằm im trong hộc bàn, an phận là Aminazin một kiếp. Quân tự co duỗi tay, vặn nhỏ bấc đèn đủ sáng cho thế giới của riêng mình.
Tôi nằm trong xưởng cơ khí, mường tượng lại tiếng hát của Xoa ban sớm, tiếng hát ấy phảng phất sự dịu dàng của những cánh mua tím, dìu tôi vào giấc ngủ êm đềm.
Trần Thị Nhung
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...