Những bước chân mùa Thu
Tản văn. Vũ Thị Thanh Hòa
Bạn đã từng đứng bên ô cửa sổ để ngắm nhìn mùa Thu bao giờ chưa? Có rất nhiều điều thú vị từ nơi khung cửa, mở ra trước mắt một bức họa thiên nhiên tuyệt vời. Chỉ có mùa Thu mới có được nét riêng quyến rũ ấy mà không phải mùa nào cũng có được. Một chút trầm mặc, tĩnh lặng êm đềm, chút dịu dàng của cỏ hoa, thêm chút bảng lảng khói sương mong manh, mơ hồ. Nhưng sớm nay đây, từ ô cửa ấy có điểm xuyết thêm sắc màu hân hoan, rạng rỡ của ngày Tết Độc lập 2/9, phơi phới rộn ràng trong từng sắc cỏ cây làm xuyến xao đất trời.
Làng tôi đẹp thơ mộng với những rặng tre rặng dừa chạy dọc dài men theo bờ sông quanh năm hiền hòa xanh mát. Bước chân vào làng dịp này không còn không khí yên bình vốn có của ngày thường mà rộn lên bởi những tiếng nói cười phấn khởi. Câu chuyện của những người con xa quê về nghỉ lễ hân hoan cùng sắc màu ngày hội với tiếng trống thiếu nhi rộn ràng, tiếng còi huýt vang, tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt từ những trận bóng đá bóng chuyền giao hữu mừng ngày Quốc khánh khiến nao nức lòng người. Bài biểu diễn thể dục dưỡng sinh nơi sân đình của các bà các mẹ từ các câu lạc bộ trong thôn xóm mang lại khí thế hẳn. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bay phần phật trên nóc những ngôi nhà hai tầng, mái ngói thắm tươi như chạm vào trái tim mỗi người lòng tự hào, kiêu hãnh về những tháng năm xưa của dân tộc. Sống dậy trong ký ức xa xôi của những bậc cao niên là một mùa Thu lịch sử, mùa Thu của kháng chiến, mùa Thu độc lập đã đem lại quyền sống, quyền làm người cho nhân dân sau bao năm chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Bắt đầu từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám cách nay 77 năm lay trời chuyển đất với biết bao giọt mồ hôi và xương máu đã quyện rơi để có được ấm no trên dải đất hình chữ S quê nhà.
Năm nào dịp này bà cũng về thăm quê. Bà không phải là họ hàng nhưng lại thân thiết với gia đình tôi chẳng khác nào máu mủ ruột rà. Bà là dân nơi khác về làng tôi cùng với một số cán bộ xây dựng cơ sở cách mạng, ở ngay nhà ông bà tôi trong những năm kháng chiến. Thế nên bà gắn bó và coi quê tôi như là quê hương thứ hai của mình. Biết ý nguyện của bà, lần này tôi đưa bà đi thăm lại ngôi đình làng nơi cất giữ nhiều kỷ niệm từ thuở thanh xuân. Trước sân đình là cây thị cổ thụ tỏa bóng trầm mặc. Đứng dưới gốc cây bà chậm rãi kể tôi nghe chuyện năm nào. Nơi tôi và bà đang đứng chính là nơi phát động phong trào sưu cao thuế nặng, là điểm tập kết của dân làng mà khi ấy hễ có hiệu lệnh người người một lòng lại hăm hở về đây trên tay nào búa, liềm, gậy gộc. Làng tôi nhất loạt theo kháng chiến. Đồng khởi đồng lòng chống càn của giặc. Ngày ấy nhờ có bà mà nhiều người dân được giác ngộ, hăng hái đứng vào hàng ngũ tham gia kháng Pháp. Cây gạo trên đê ở chỗ khúc quanh của con sông là nơi đặt hòm thư và trao đổi tài liệu tuyên truyền. Dạo ấy địch khủng bố và rình mò gắt gao nhưng cũng không dập tắt nổi ý chí kiên cường, lòng quyết tâm của những người như ông Cả, ông Ba, bà Nhẫn xóm dưới, gia đình ông Thạc, ông Bến ở xóm trên cùng bao người dân khác. Người làng vẫn kể lại chuyện ông Điền bị tra tấn bêu xác hôm trước, hôm sau dân làng đã kéo hàng dài hô vang khẩu hiệu biểu tình với ngọn lửa đấu tranh càng bùng lên mạnh mẽ. Tôi ngắm nhìn ngôi đình và hình dung về những tháng ngày xa lắc. Ngôi đình làng tôi qua năm tháng ngói đã ngả màu thâm nâu, rêu phong cổ kính, hiên ngang như khí phách của dân làng với kiến trúc cổ, mái đao cong vút gồm 3 gian, hai chái, một hậu cung. Nơi đây cũng chính là điểm cất giấu cờ và khẩu hiệu tuyên truyền chống Pháp - Nhật.
“Cháu biết không, không có tự do hạnh phúc nào mà không phải đi lên từ những mất mát hy sinh đâu cháu”. Giọng bà bỗng dưng trầm hẳn xuống. Tôi khẽ gật đầu và lặng người nghĩ tới con số hơn 2 triệu người bị chết vì nạn đói năm 1945. Theo bước chân bà ra đến bờ sông, đi qua cánh đồng lúa mỡ màng đang thì con gái. Mùa này nước sông êm đềm và lặng trôi như đang dạt về những tháng ngày xa thẳm. Bà dõi mắt sang bên kia sông. Lục bình trên sông đang trổ một sắc màu yên ả tím luênh loang. Nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thấy rưng rưng một miền hoài niệm.
Bên kia sông của ngày xưa ấy có chàng trai tên Mộc hiền lành, chăm chỉ. Chàng trai mồ côi phải làm thuê, ở đợ cho tay địa chủ khét tiếng trong làng. Cô gái bên này sông là bà, gặp chàng trai bên kia sông trong những lần cắt cỏ, thả trâu. Hai làng chung một dòng. Cùng thề non hẹn ước... Ấy vậy mà ngày đường làng rợp cờ hoa, dân làng trong niềm vui vỡ òa của ngày thoát khỏi những năm tháng lầm than dưới ách đô hộ thì chàng trai ấy không còn nữa. Đi đầu trong đoàn biểu tình sục sôi của làng vượt sông sang bên này thì bị trúng đạn giặc. Lịch sử được viết bằng mồ hôi và xương máu nào ai dám quên.
Sắc thu tràn trong mắt, hương thu dịu dàng quyện trong gió dâng hương. Hương của ngày đầu tháng Chín thơm lành mùa kết quả. Tôi cùng Bà về trên con đường được bê tông hóa rộng bước thênh thang. Đất trời rạo rực cùng tiếng chim líu lo trên hàng cây ven đường. Ngày xưa là nạn đói, dân ta phải chịu cảnh lầm than khổ cực dưới sự cai trị của thực dân Pháp và Đế quốc Nhật. Bây giờ bao làng quê trù phú, khang trang sạch đẹp vươn mình. Nhưng vẫn còn đâu đó những thảm họa lũ quét, thiên tai dồn dập ở nơi này nơi kia mỗi độ Thu về. Và mong sao mỗi người lại đồng lòng sẻ chia và đùm bọc để ấm no được tỏa khắp mọi miền. Những mùa Thu với những bước chân lặng lẽ cứ thế trôi qua. Song mỗi dịp Quốc khánh của dân tộc lại làm sống dậy những giai điệu cách mạng của một mùa Thu năm nào. Mùa Thu của kháng chiến, mùa Thu của độc lập. Niềm tự hào dân tộc mãi chẳng hề phai.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...