Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
08:02 (GMT +7)

Những bí ẩn của tình yêu và nỗi buồn

VNTN - Bà ngoại tôi Frieda là một người căn cơ, vô cùng tằn tiện. Bà để một bát đường lớn trên bếp chứa đầy mỡ từ thịt lợn xông khói. Bà múc nó ra chiên khoai tây, đậu bắp hay đậu que. Bất kì thứ đồ ăn còn thừa nào cũng được cho vào những cái chén đậy bằng giấy nến với dây thun cột chặt lại. Bà không bao giờ bỏ đi bất kì tấm chăn, khăn lau mặt, nồi niêu, một cái áo sơ mi đã sờn rách nào. Vải lanh mỏng được gấp gọn gàng. Quần áo mòn sờn trở thành giẻ lau hoặc may chần thành chăn. Nhà của bà phình ra với những món đồ được cất lại để dùng sau này, chúng còn quá tốt nên không thể vứt đi được. Khi bà mất vẫn còn những vỏ bao thực phẩm từ nông trại của ông bà cố gấp lại để trong tủ buffe cùng với mớ khăn.

Kể từ hồi chồng mất năm 1936, bà đã nấu ăn trong những toa tàu lửa và rồi sau đó, khi chiến tranh tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, bà đóng gói bột cho General Mills. Tôi sống với bà trong gần hết thời thơ ấu.

 

Cái tủ lạnh ở nhà mẹ tôi hồi bà mất năm 1959 vẫn còn dùng được trong bếp nhà bà Frieda khi bà mất năm 1983. Tất nhiên là có nhân tố kinh tế, nhưng tôi không bao giờ mở nó ra mà không nghĩ: đây là tủ lạnh của mẹ tôi. Bà Frieda giữ chiếc ghế bành của mẹ tôi bọc trong vải hoa Damacus màu vàng kim trong phòng ngủ của mình nơi sẽ không ai ngồi lên hết. Hồi sống cùng bà, tôi mang về nhà những bọc quần áo từ trạm giặt ủi tự động rồi quẳng chúng lên giường bà, sau đó chất đống quần áo gấp rồi trên ghế. Lúc nào tôi cũng nhìn nó một thoáng, lòng nặng trĩu vì việc mẹ mất. Chiếc ghế có câu chuyện hẳn hỏi: mẹ đã làm việc bồi bàn để mua trả góp; mẹ đã cầm cố những thứ khác như đèn, một cái đồng hồ đeo tay, những bộ váy và mất chúng vì không trả được tiền. Tôi ngồi trên nó ở chân giường mẹ khi bà hấp hối. Bà Frieda không bao giờ bán nó cho người lạ, hay tệ hơn là để bố tôi lấy đi.

Tôi sống với bà Frieda đến năm 10 tuổi rồi sau đó lại ở tiếp sau khi mẹ mất năm 1959 dù rằng không phải trong ngôi nhà này. Tôi đi học trung học ở Odessa còn bà Frieda thuê một ngôi nhà nhỏ cho cả hai và nghỉ việc ở nhà máy bột. Bà tham gia khóa huấn luyện ở trường Cao đẳng Odessa để trở thành y tá có bằng cấp. Đó là một chương trình khắc nghiệt. Bà học hai năm trong khi làm bán thời gian ở bệnh viện. Bà tự hào được làm y tá; bà để mũ và đinh ghim trong một chiếc hộp đề là dành cho tôi khi bà mất.

Chúng tôi chuyển mọi thứ từng thuộc về mẹ tôi theo cùng tới chỗ thuê mới, và khi bà Frieda trở lại Wichita Falls, bà mang những thứ đó theo cùng. Quần áo của mẹ được nhồi vào những cái túi vải và đồ đạc bỏ trong cái tủ quần áo bên cạnh bình nước nóng. Đồ ăn bằng bạc của bà bị đen và xỉn màu bọc trong túi với dây cột bằng nhung cất trong một cái rương dưới gầm giường. Có đầy những món đồ dùng cá nhân của tín đồ Công giáo: tượng Chúa đóng đinh trên thánh giá, tràng hạt, tượng, sách kinh. Những cái đĩa trắng xinh đẹp trang trí màu xanh. Những cái hộp đựng kẹp, giấy, ảnh. Bà Frieda nhét mọi thứ có thể dưới gầm giường và giữa giường với bức tường rồi xây một cái nhà kho trong sân sau để giữ những thứ thừa ra.

Sau này khi mẹ bà mất còn cha dượng bà tới sống cùng con gái ruột của mình, bà Frieda lại nhét tiếp đồ đạc từ nông trại vào nhà mình, làm ngôi nhà chật tới nỗi không thể đi mà không quẹt phải thứ gì đó. Bà giữ tất cả những thứ này cho cháu mình, nhưng đáng buồn là bà lại không có người nhận chúng. Bà nói sau này chúng tôi sẽ cần những thứ này; chúng tôi sẽ nhận ra được giá trị của chúng. Tôi luôn nghĩ bà đã cự tuyệt quá khứ vì nó không thể cứu vãn, nhưng giờ tôi lại nghĩ bà muốn tôi nhớ đến mẹ mình, bà cố, và bà; những điều chứa đựng kí ức và sự tôn trọng không nói ra đối với bà.

Sự kiên nhẫn của bà khắc kỉ mà cũng thật đáng lên án. Ngay khi tôi kết hôn, bà gọi đến hỏi liệu tôi có đến lấy đồ đạc của mẹ mình không. Bà sẽ bỏ thêm cái xe của bố mẹ mình vào cho đủ bộ. Tôi trì hoãn. Bà không hiểu được mối liên hệ giữa tôi và cuộc hôn nhân, với công việc, với tài sản mong manh đến mức nào. Bà không sống đủ lâu để thấy tôi sẽ thay đổi sâu sắc ra sao, dù tôi chắc chắn rằng bà vui khi thấy tôi “ổn định”. Tôi dành những năm tháng tuổi trẻ để trôi tự do, di chuyển mà không báo trước. Đó là nguồn cơn khiến bà phải khổ não, thế mà bà vẫn không hề quở trách gì hết. Tôi để đồ đạc của mình lại sau lưng như một kẻ tị nạn, đi hết bờ biển này đến bờ biển khác và đến tận cùng phía nam ở Huatulco.

Tôi không có chỗ để cái bàn nhỏ mặt cẩm thạch của mẹ hay những cái khăn mũi chữ thập ở đâu hết. Tôi tin rằng những thứ đó đã hỏng và tốt nhất là sớm bỏ đi cho rồi. Tôi không có sức dành cho quá khứ, và không một chút hiểu được rằng không phải quá khứ được giữ lại trong nhà của bà tôi mà là trong linh hồn của bà nhiều hơn. Bà đã mất cha mình hồi còn nhỏ, rồi cha của con bà lúc chúng còn nhỏ và một đứa con gái lúc chỉ mới 33 tuổi. Không hiểu sao tất cả những thứ đó đều chuyển qua tôi, và tôi tiếp nhận chúng như một câu thần chú: mất mát bây giờ hay sau này cũng đều như nhau cả. Lúc đứa con đầu của tôi mất 12 ngày sau khi sinh, tôi để bệnh viện mang thi thể đi; tôi chỉ đơn giản là không thể giải quyết được. Tôi không thể nào nghĩ tới một cái đám tang, một nấm mồ được. Đối với tôi, đã từ lâu rồi mất mát không hề mang hệ quả kí ức. Đó là thứ để trốn chạy. Nó bất công với tôi. Giờ tôi mơ về những nấm mồ, một cánh đồng những người tôi yêu quý; cả đứa bé nữa. Và tôi.

Khi bà Frieda mất, bà để lại ngôi nhà đã được phân loại gọn gàng. Bà hẳn đã dành cả mùa hè sắp xếp và dán nhãn. Tôi cố tin rằng bà được an ủi bởi niềm xác tín là trong cái chết, cuối cùng bà cũng sẽ đạt được mong muốn của mình: chúng tôi những đứa cháu của bà sẽ đem những hiện vật bà đã lưu giữ cho chúng tôi về nhà mình, chúng tôi sẽ đem chúng ra khỏi hộp, dùng chúng và tôn vinh chúng vì mối liên hệ của chúng với những người đã từng yêu chúng vô cùng.

Có lẽ bà tưởng tượng tất cả bọn tôi đều đỗ xe đủ kiểu trên bãi cỏ chết khô, mang đồ đạc đi trong những chiếc xe moóc nhỏ hay cột trên nóc xe. Bà không thể nào đoán ra rằng mọi thứ đều sẽ bị bán đi trên khoảnh sân trước nhà bà, bị bán đấu giá bởi quyết tâm đến điên cuồng của con trai bà. Bà hẳn chưa từng mơ rằng kho báu của bà sẽ đi về nhà những kẻ xa lạ. Chiếc bàn của mẹ bà! Chiếc giường của con gái bà!

Tôi ước mình đã đến bên bà trong mấy tháng trước khi bà mất, nhưng đôi khi tôi lại nghĩ cuối cùng thì - lúc đó bà cũng rất muốn kết thúc cho rồi - bà rộng lòng hướng tới lãng quên, cuối cùng cũng thoát khỏi mẹ tôi, không thực sự tin rằng sẽ gặp mẹ tôi ở thiên đường nhưng lại tin rằng rốt cuộc cũng sẽ được thanh thản, bỏ lại quá khứ, tìm thấy an nhiên tự tại như người mộ đạo trong đầu hàng.

Điều tôi biết về bà ngoại đến theo những cách sau: từ kí ức về cách ăn ở của bà, thứ đã che chở và nâng niu tôi nhưng đồng thời cũng nhiều lần làm tôi rối trí; từ những hiện vật gửi đến cho tôi trong mấy cái hộp từ ngôi nhà chúng tôi được phép chia khi bà mất theo lệnh của người thi hành di chúc do tòa chỉ định; từ việc tôi nghiên cứu những nơi bà từng sống theo kiểu nghiệp dư; và từ kí ức của dì Mae.

Tôi ước mình đã học được nhiều hơn từ bà Frieda. Khi bà kể chuyện, thường thì hóa ra chúng lại là mấy giai thoại về thời thơ ấu của chính tôi, những chuyện tôi đã nghe rồi, những chuyện dành để nhắc nhở tôi rằng tôi đã từng là trung tâm của một vũ trụ nào đó. Giờ tôi tự hỏi liệu bà có nghĩ rằng sẽ không ai quan tâm đến cuộc đời mình không. Có lần bà kể bà phải đi bộ 2 dặm từ nông trại của cha dượng tới trường trên đường làng, và rằng vào mùa đông bà mang mỗi túi một củ khoai tây nóng hổi để làm ấm tay, và sau đó ăn chúng cho bữa trưa. Tôi nghĩ chuyện này nghe hay hay như chuyện Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên vậy, nhưng giờ nghĩ về nó tôi lại nhớ phần khác: đứa em gái cùng mẹ khác cha của bà đi học thì được chở đi bằng ô tô có máy sưởi. Những củ khoai tây chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện thật sự có liên quan tới việc bà Frieda mất cha và vị trí không yên ổn của bà trong cái gia đình mới mà cuộc hôn nhân thứ hai của mẹ bà mang lại.

Bà kể rằng mình chơi bóng rổ hồi trung học trong một đội bóng thắng mọi trận đấu của bang, nhưng bà không kể tôi nghe về người phụ nữ trẻ đi tới Chickasha học đại học thương mại và gặp Ira Hambleton. Không một lời về cô dâu trẻ gầy trơ xương yêu đương đến mê mụ đó. Thế rồi mấy năm sau khi bà mất, tôi cầm trong tay một tấm ảnh của hai người bọn họ, ông ấy thật đẹp trai ôm bà mới dịu dàng làm sao, tôi bật khóc. Tôi chỉ đơn giản là không thể tin vào niềm hân hoan trên gương mặt họ. Tôi chưa từng nghe bà nhắc tới tên ông bao giờ. (Có ít lần bà nói về ông, bà gọi ông là “bố bọn trẻ”).

Tôi đã không biết rằng bà đã từng hạnh phúc.

Lúc tôi mở mấy cái hộp gửi đến cho mình sau cái chết của bà, tôi hết sức kinh ngạc bởi mọi thứ không hề bị xáo trộn chút nào. Tôi ngạc nhiên về ý thức riêng tư của bà; tôi vẫn có nhiều thứ để học về lòng trung thành của bà với những bí mật bị ràng buộc. Tôi nhận ra rằng ý nghĩa của mớ tài liệu và di vật không nằm trong chữ nghĩa và hình ảnh bên trong chúng mà là ở sự tồn tại của chúng. Đối với bà, chúng là kỉ vật. Quá khứ, mòn cũ mong manh như những cái khăn trong tủ buffe của bà, cũng có thể truyền lại. Người tiếp theo có thể nhìn và phân tích ý nghĩa của nó vì bà đã chăm lo cho nó. Bà hẳn đã phải biết tôi sẽ là người đó chứ không ai khác sẽ hiểu rõ giá trị của món quà. Tôi ước gì bà biết được tôi biết ơn đến mức nào.

Bà phát bệnh ung thư miệng khoảng vào năm 35 tuổi. Bà đang làm việc cho công ty đường sắt, đi với đội khắp New Mexico và Arizona, sống trong một toa xe và nấu ăn cho cánh đàn ông. Cuối cùng bà cũng có thể chuyển tới Gallup, New Mexico và mang các con tới đoàn tụ.

Bà phải bắt xe buýt tới Albuquerque cách Gallup cả mấy tiếng để điều trị. Dì tôi nói dì không biết làm cách nào mà bà trả được chi phí. Họ nghèo lắm. Bọn trẻ chăm sóc lẫn nhau - mấy đứa con gái còn ở tuổi thiếu niên và Sonny là thằng nhỏ nhất - đứa bằng mọi giá phải làm được điều nó muốn.

Các bác sĩ cắt bỏ khối u và cho bà tiến hành một chuỗi những đợt xạ trị giày vò khổ sở; những mẩu ra-đi gắn chặt vào vòm miệng bà. Bà ở ngoại trú qua hết đợt điều trị, ở qua đêm trong một căn phòng thuê tồi tàn gần đó, đi bộ ra vào bệnh viện. Sau đó bà lại bắt xe về Gallup đến đợt điều trị sau. Về tới nhà là bà lại trở lại làm việc.

Tôi cố hình dung chuyện đó xảy ra như thế nào. Hẳn phải có một cục u nhỏ trên vòm miệng bà, hoặc có lẽ là một chỗ loét. Chắc chắn là hồi bà mới để ý thấy nó thì không đau. Bà dùng lưỡi chạm vào nó, tự hỏi liệu nó có biến mất hay không nhưng lại thích nghi với sự hiện diện của nó nên nó trở thành bình thường. Rồi có sự thay đổi và cơn đau đến, có lẽ không phải ở chỗ khối u, có lẽ ở trong họng hoặc tai, mà có lẽ nếu bề mặt bị loét thì từng mẩu da bong ra đã rớt xuống lưỡi bà. Bà gặp vấn đề ăn uống. Bà không thể cứ dũng cảm mà chịu đựng được; nếu bà chết con bà sẽ mồ côi. Có lẽ bà mượn tiền của chủ mình. Cả đời bà sẽ mượn những số tiền nhỏ rồi trả trong cái vòng luẩn quẩn gần như tuyệt vọng.

Bà rất gầy nhưng dẻo dai và cứng cáp. Suốt quãng thời gian phẫu thuật và xạ trị, bà hầu như không nuốt được đồ ăn, thậm chí cả chất lỏng, bà trở nên hốc hác. Răng bà từng cái một long ra. Chẳng mấy chốc mà bà đi nhổ hết.

Xen giữa các đợt điều trị, bà nằm trên cái giường đi thuê nhìn trần nhà, lo cho đàn con. Bọn chúng sẽ ra sao nếu bà không hồi phục? Hồi ông Ira Hambleton mất gia đình bà còn sống ở Chickasha, Oklahoma, và ở đó có họ hàng nhà ông - những người thuyết giáo, giáo viên, và doanh nhân - nhưng không ai giúp bà hết. Bà mất nhà và đi làm ở công ty đường sắt, kí thác con cái ở nông trại của mẹ mình.

Bà nằm trên cái giường đi thuê, môi bà võng xuống, lợi bà sưng lên đau rát, và tôi nghĩ bà đã chọn mặc cả với Chúa Trời. Bà biết mình đang đi hơi xa - tín đồ phái Luther không làm những việc như thế - nhưng bà nghĩ có thể mình đã có được chút may mắn. Nếu sống, bà sẽ chăm sóc các con mình rồi sau đó là chăm cháu nếu cần; bà sẽ sống như thể những cánh cửa đời bà không cài then; bà sẽ không giữ lại gì cho mình hết nếu họ hàng cần. Bà chỉ muốn được sống tiếp.

Có phải đó là khi bà đưa ra những lời hứa chi phối đời mình như tôi thấy khi lớn lên?

Tôi sẽ không bao giờ phàn nàn. Tôi sẽ không bao giờ hỏi tại sao lại là tôi.

Tôi sẽ không bao giờ nói xấu về cái chết.

Tôi sẽ không bao giờ nhắc đi nhắc lại về sự bất công của tai họa.

Tôi sẽ làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.

Tôi sẽ chăm sóc tất cả những người tôi yêu thương.

Tôi sẽ chống lại mọi kẻ bên ngoài làm họ tổn thương.

Tôi sẽ không kêu than.

Có phải bà đã soạn một bản hợp đồng như thế và nhờ đó mà hồi phục? Căn bệnh ung thư không bao giờ tái phát dù bà mất hết răng. Bà không hề phàn nàn.

Nét mặt của bà nói thế này: Môi tôi đã bịt kín.

Sự im lặng dữ dội của bà chi phối tất cả chúng tôi. Sự tức giận của bà tiêm nhiễm vào chúng tôi, nhưng tình yêu của bà là tuyệt đối.

Hồi kí. SANDRA SCOFIELD (Mĩ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước