Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:49 (GMT +7)

Nhìn lại những tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc 30 năm qua

Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Phức, cố Tổng thư kí Hội NSNA Việt Nam trong lời giới thiệu cuốn sách Ảnh xuất sắc 1993 – 1998 đã khẳng định: “Với sự tài trợ kinh phí của Nhà nước, Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc hàng năm chính thức thực hiện từ năm 1993… Giải thưởng do một Hội đồng giám khảo gồm 11 thành viên thẩm định và được trao hàng năm cho các tác phẩm và công trình nhiếp ảnh của hội viên Hội NSNA Việt Nam”.

Nếu tính đến mốc giới của năm 2023, thì “Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc hàng năm” của Hội NSNA Việt Nam đã tồn tại được 30 năm. 30 năm là quá trình hoạt động của sáu nhiệm kỳ. Đây là giải thưởng được giới chuyên môn ở trong nước cho là cao quý nhất của chuyên ngành Nhiếp ảnh. Với khoảng thời gian hơn một phần tư thế kỷ, nên chăng chúng ta cần phải có một cuộc hội thảo khoa học, để đánh giá về những thành tựu sáng tác của các nghệ sĩ trong từng giai đoạn thời gian. Từ kết quả thu được, chúng ta có thể lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho hoạt động nhiếp ảnh của hôm nay và ở tương lai.

Thời gian là thước đo, là môi trường ăn mòn và làm ải mục mọi loại vật liệu, nó thử thách cả giá trị của văn học nghệ thuật. Thực tế có những cuốn sách là tâm điểm của dư luận khi vừa mới xuất bản, nhưng sau khoảng dăm năm nó đã không còn được ai nhắc tới và mười năm sau thì bị phủ bụi trên kệ sách. Nhiếp ảnh nghệ thuật cũng vậy, nhiều thứ mới hôm qua còn được ánh vàng của tấm huy chương phủ lên, nhưng khi con mắt “điều tiết” lại, thì người ta bỗng chốc không nhận ra vẻ hào quang tự nó phát sáng ra nữa.

Để đánh giá về công tác thẩm định ảnh trong cả chặng đường dài, tôi hiểu đây là công việc quá sức cho một cá nhân, nhưng với tâm thế lấy Nhiếp ảnh làm trọng, và vận dụng cả quyền yêu thích riêng tư của một khán giả thưởng lãm ảnh nghệ thuật, xin mạnh dạn có đôi điều cảm nhận.

Sau khi chiêm ngưỡng những tác phẩm Nhiếp ảnh xuất sắc mà Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tuyển chọn trong suốt 30 năm (1993 – 2023 ), trình tự theo năm, tôi lựa ra một số tác phẩm hay, vẫn đọng lại trong trí nhớ bất chấp sự thử thách của thời gian. Xin đưa ra biểu đồ sau để bạn đọc có thể xem chi tiết và tham khảo.

Biểu đồ khảo sát “các tác phẩm ưa thích”
Biểu đồ khảo sát “các tác phẩm ưa thích”

Tuy cảm nhận của mỗi nhà nhiếp ảnh khi nhìn lại những tác phẩm “ảnh xuất sắc” của từng năm sẽ không giống nhau, (một người chuyên đi săn ảnh sẽ có quan điểm khác với người quen chụp theo lối sắp đặt…), nhưng bất luận người chụp đi theo phương pháp nào, những bức ảnh được coi là “xuất sắc” có giá trị, đều phải đạt được sự kỳ vọng chung của người cầm máy: góc nhìn mới lạ, độc nhất, không thể tái hiện, không được bắt chước hoặc sao chép…

Có thể cho rằng “Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc hàng năm” là đầu mối thu gọn từ hàng chục cuộc thi ảnh mỗi năm ở các cấp độ từ địa phương, khu vực đến toàn quốc. Việc thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh là công chuyện của những người tìm cột cờ trong một bó đũa. Kết quả của Hội đồng giám khảo trước hết luôn lệ thuộc vào chất lượng sáng tác của người gửi ảnh dự thi. Ngoài ra cũng như tác phẩm văn học nghệ thuật ở những chuyên ngành khác, Nhiếp ảnh luôn phản chiếu bối cảnh của xã hội đổi thay trong từng thời đoạn lịch sử. Thực tế những tác phẩm như: “Bạn của mẹ” (Đoàn Đức); “Vũ khúc trên đồi sương” (Võ Văn Thành); “Trong hiệu cắt tóc” (Phan Công Thức) hay “Nụ hôn của gió” (Trần Thế Long)…, nằm trong bộ giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc, nó không những đã như một ấn triện hồng, tạc vào tài danh của tác giả, nó còn là dấu ấn ghi nhận đức độ, sự nhạy cảm tinh tế và trách nhiệm của các Hội đồng giám khảo.

Nếu quan sát giản đồ “các tác phẩm ưa thích” của cá nhân, người xem sẽ thấy, chất lượng ảnh chuyển qua các năm không ổn định, có xu thế giảm dần về số lượng, thậm chí thứ bậc. Hẳn rằng phải có cái gì đó thiếu logic ở đây(?). Kỳ Đại hội IV (1994 – 1999) hội viên nhiếp ảnh cả nước mới có 314 người, đến kỳ Đại hội IX (2020 – 2025) số hội viên cả nước đã lên con số 1035 người. Đặc biệt, thiết bị hỗ trợ cho các nghệ sỹ Nhiếp ảnh ở trước những năm 2000 rất thô sơ, trong khi thiết bị của năm 2020, phải thừa nhận là rất hiện đại. Ngoài ra, lại còn được cuộc cách mạng số nâng đỡ… Tuy vậy, điểm nổi cộm là “Ảnh xuất sắc” của chúng ta đang nhạt dần và dễ dãi đến bất ngờ. Dường như Hội đồng thẩm định đang bối rối thành xao lãng, khi cố tìm cách đưa “ảnh bộ” vốn dĩ thuộc lĩnh vực ảnh phóng sự báo chí sang với nhiếp ảnh nghệ thuật. Đơn cử một ví dụ: Người ta không hiểu sao năm 2017, bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” của Lê Trọng Khang lại được trao Cup VAPA(?). Tất cả những ảnh trong bộ đó đều được chụp xuôi sáng (Cách chụp mà Cố Tổng thư kí Hội NSNA Việt Nam Lê Phức vẫn coi là: “Không có ánh sáng nhiếp ảnh nghệ thuật”), thực tế bộ ảnh rất thiếu gợi cảm.

Bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” của Lê Trọng Khang
Bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” của Lê Trọng Khang

Chưa hết, năm 2012 đã trao giải A cho “Hoa nắng” của Trần Đình Thương, thì năm 2013 sao lại tiếp tục trao giải A cho “Nào cùng bay lên” của Phan Văn Hiền? Nhìn qua hai hai bức ảnh người xem dễ thấy, hai tác phẩm này hầu như chỉ khác nhau ở cái tên ảnh và hơn nhau một con người nằm ở vị trí phụ.

“Hoa nắng” của Trần Đình Thương
“Hoa nắng” của Trần Đình Thương
“Nào cùng bay lên” của Phan Văn Hiền
“Nào cùng bay lên” của Phan Văn Hiền

Tương tự như thế, năm 2001 trao giải C cho “Thiếu nữ” của Đỗ Diên Khánh, đến năm 2004 lại tiếp tục trao giải C cho “Tóc bím” cũng của Đỗ Diên Khánh...? Có phải nguyên nhân tại hàng trăm ảnh của hội viên đoạt giải ở các cuộc thi trong năm gửi tham dự giải xuất sắc là quá kém, hay tại Hội đồng thẩm định khi xét ảnh xuất sắc đã không tham khảo những thành tựu nhiếp ảnh những năm trước đó? Nhưng rõ ràng khi nhìn những giải thưởng được trao như lặp lại, chỉ khiến cho người xem thấy rằng sự nghèo nàn trong sáng tạo nhiếp ảnh là có thực!

“Thiếu nữ” của Đỗ Diên Khánh
“Thiếu nữ” của Đỗ Diên Khánh
“Tóc bím” cũng của Đỗ Diên Khánh
“Tóc bím” cũng của Đỗ Diên Khánh

Điều vô cùng đáng tiếc là, đã qua ba chục năm tồn tại, sách ảnh xuất sắc đã in được nhiều cuốn, nhưng tịnh không có lấy một cuốn sách mỏng Lý luận phê bình nói về cái hay, cái đẹp ca ngợi những thành tựu của những tác giả hay tác phẩm đã đoạt Giải thưởng xuất sắc. Văn hóa của “cái nhìn” đã chưa được diễn giải thông qua ngôn ngữ và ngấm sâu nhờ sự đọc. Ngoài ra khi có những trao đổi chuyên môn thẳng thắn tác động vào, thì trách nhiệm của các Hội đồng thẩm định sẽ được nâng cao, sẽ sàng lọc ra nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc phục vụ công chúng nhiếp ảnh.

Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc của 30 năm qua, là giá trị đọng lại của nhiếp ảnh Việt Nam trong thời điểm giao nhau giữa hai thế kỷ. Nó là thành tựu mang giá trị lịch sử, nên nó có tính truyền thống, sự kế thừa và nếu nghiên cứu kĩ lưỡng sẽ đúc rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho tổ chức Hội và đắc lực giúp cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi thực tế sáng tác. Làm nghệ thuật nói chung và chụp ảnh nghệ thuật cũng không được từ bỏ nguyên tắc là tác phẩm mới phải có tính sáng tạo. Việc sáng tạo là trách nhiệm của cá nhân người nghệ sĩ. Phát hiện ra sự sáng tạo, đánh giá và sắp đặt thứ bậc phải được coi là nghĩa vụ, là bổn phận, là đạo đức của Hội đồng giám khảo.

Phần phụ lục

Đi tìm những tác phẩm xuất sắc hàm chứa tính nhân văn, dẫn dắt lối chụp và khó thể hiện.

a/ Giai đoạn 6 năm (1993 – 1998) “Cuốn sách Ảnh xuất sắc 1993 – 1998 tập hợp 165 tác phẩm đoạt giải A,B,C, phản ảnh khá trung thực thành tựu sáng tác ảnh những năm qua, chủ yếu là trong nhiệm kỳ IV Hội NSNA Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị trí xã hội của nghệ thuật nhiếp ảnh trong đời sống văn hóa văn nghệ của đất nước”, (Lời giới thiệu của Cố NSNA Lê Phức).

- Năm 1993 trao 6 giải A; 8 giải B và 2 giải C. Có các tác phẩm: Bà cháu (Đỗ Ngọc), Bạn của mẹ (Đoàn Đức), Xuân về trên cánh đồng hoang (Bùi Bé Tư), Vũ khúc trên đồi sương (Võ Văn Thành), Dáng núi (Trần Phong), Con người và biển cả (Mạnh Sinh).

- Năm 1994 trao 5 giải A; 6 giải B và 7 giải C. Có các tác phẩm: Dự hội bản em (Đồng Khắc Thọ); Những chiến sĩ thông tin (Xuân Gụ); Suối Yến ngày hội Hương Sơn (Hà Tường); Đôi chân và bánh xích (Triệu Hùng); Cuộc đời của mẹ (Long Thành).

- Năm 1995 trao 3 giải A; 12 giải B; 23 giải C. Có các tác phẩm: Ở Hiệu cắt tóc (Phan Công Thức); À ơi tiếng mẹ (Thảo Ngân).

- Năm 1996 có 5 giải A; 10 giải B; 10 giải C. Có tác phẩm: Ngôi nhà của chúng em (Lê Nguyễn); Những điểm sáng (Hoàng Thêm).

- Năm 1997 trao 4 giải A; 9 giải B; 22 giải C. Có tác phẩm: Xa khơi (Trương Hữu Hùng); Sóng lúa (Tất Bình); Tung cánh (Vũ Anh Tuấn).

- Năm 1998 trao 4 giải A; 13 giải B; 16 giải C. Có tác phẩm: Gái đồng chiêm (Hoàng Tác); Nghề truyền thống (Hữu Thành).

Giai đoạn: (1993 – 1998) còn trao cả giải Khuyến khích, nhưng rồi dừng lại và những giải Khuyến khích giai đoạn đó được tính như giải C, khi xét tước hiệu cho Hội viên. Hội đồng nghệ thuật khi đó gồm 11 người là các cố nghệ sĩ: Thu An, Văn Bảo, Nguyễn Mạnh Đan, Đỗ Huân, Mai Nam, Lê Phức (Chủ tịch), Lâm Tấn Tài, Lê Minh Trường và các nghệ sĩ Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Đào Hoa Nữ.

b/ Giai đoạn 6 năm (1999 – 2004) “Cuốn sách Ảnh xuất sắc 1999 – 2004 là tập hợp 159 tác phẩm ảnh đoạt giải A, B, C trong khuôn khổ ảnh xuất sắc hàng năm thuộc nhiệm kỳ V của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam”. (Trích lời giới thiệu của Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Chu Chí Thành).

- Năm 1999 trao 3 giải A; 8 giải B; 23 giải C. Có tác phẩm: Ánh sáng từ lòng đất Yaly (Khắc Hường); Nụ hôn của gió (Trần Thế Long); Má Hai anh hùng (Nguyễn Lành); Việc nhỏ ngày hè (Nguyễn Gia Tòng).

- Năm 2000 trao 2 giải A; 5 giải B; 19 giải C. Có tác phẩm: Cầu Mỹ Thuận (Trương Hoàng Thêm); Lắng nghe (Thế Huyền); Cuộc sống trên sông (Trần Vĩnh Nghĩa).

- Năm 2001 không trao giải A; 8 giải B; 13 giải C. Có tác phẩm: Tình Mẹ (Bùi Minh Sơn); Chiều thu (Ngọc Thái).

- Năm 2002 không trao giải A; 8 giải B; 17 giải C. Có tác phẩm: Băng đồng (Hoàng Thạch Vân).

- Năm 2003 trao 3 giải A; 8 giải B; 14 giải C. Có tác phẩm: Trên nền sỏi đá (Nguyễn Tất Bê); Nét cao nguyên (Trần Phong); Nhộn nhịp công trường (Võ Dũng); Chợ trung du (Vũ Nhật).

- Năm 2004 trao 7 giải A; 7 giải B; 14 giải C. Có tác phẩm: Sau mùa gặt (Đình Vinh); Xuân về (Trương Vũ); Bà Cả Sợi ( Trần Lam).

Hội đồng giám khảo (1999 – 2004) có 14 người tham gia, gồm các cố nghệ sĩ: Thu An, Văn Bảo, Mai Nam, Lê Phức, Lâm Tấn Tài, Lê Minh Trường và các nghệ sĩ: Lê Cường, Vũ Đạt, Hoàng Kim Đáng, Vũ Huyến, Đào Hoa Nữ, Mạnh Sinh, Vũ Đức Tân, Chu Chí Thành.

c/ Giai đoạn 5 năm (2005 – 2009): Giai đoạn này vì thiếu tư liệu nên tôi không khảo sát được.

d/ Giai đoạn 5 năm (2010 – 2014) “Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc giai đoạn 2009 – 2014, với 191 tác phẩm, công trình nhiếp ảnh xuất sắc, trong đó có 4 Cup VAPA, giải thưởng cao nhất của Hội…” (trích Lời giới thiệu cuốn sách của nguyên Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Vũ Quốc Khánh).

- Năm 2010 trao 1 Cup VAPA; 9 giải A; 18 giải B; 16 giải C. Có tác phẩm: Tinh khiết (Dương Quốc Định); Hoa thép (Đặng Quang Vinh); Vô đề (Lại Diễn Đàm); Về miền cổ tích (Bùi Đăng Thanh).

- Năm 2011 trao 1 Cup VAPA; 10 giải A; 15 giải B; 19 giải C. Có tác phẩm: Thiên sứ (Đỗ Thùy Mai); Nhịp sống mới (Trần Trọng Thắng); Cô bé H Mông vùng cao Mù Cang Chải (Nguyễn Huỳnh Mai); Thượng nguồn sông Chu ( Lê Công Bình).

- Năm 2012 trao: 1 Cup VAPA; 6 giải A; 14 giải B; 18 giải C. Có tác phẩm: Vượt lên số phận (Hà Văn Đông); Cõng em (Võ Thị Huỳnh).

- Năm 2013 trao: 5 giải A; 8 giải B; 17 giải C. Có tác phẩm: Thân thiện (Bạch Ngọc Tư).

- Năm 2014 trao: 1 Cup VAPA; 6 giải A; 6 giải B; 20 giải C. Có tác phẩm: Mây tre xuất khẩu (Nguyễn Văn Thương).

Cuốn sách “Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc 2009 – 2014” đáng tiếc đã không nêu danh sách những nghệ sĩ tham gia thẩm định ảnh. Nhưng Hội đồng nghệ thuật nhiệm kỳ VII bao gồm các nghệ sĩ: Lê Hồng Linh (Chủ tịch), Đặng Ngọc Thái (Phó chủ tịch), Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Văn Dần, Lý Hoàng Long, Long Thành, Hoàng Trung Thủy.

e/ Giai đoạn 5 năm (2015 – 2019) “Sách ảnh Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc nhiệm kỳ 2014 – 2019 trực tiếp vinh danh 101 lượt NSNA với 136 tác phẩm, công trình nhiếp ảnh xuất sắc” (trích lời giới thiệu cuốn sách).

- Năm 2015 trao: 1 Cup VAPA; 3 giải A; 10 giải B; 11 giải C. Có tác phẩm: Nhạc trưởng (Huỳnh Phạm Anh Dũng); Cô giáo Mông trên bản Lao Chải (Nguyễn Vinh Hiển); Hiên ngang giữa trùng khơi (Vũ Ngọc Hoàng).

- Năm 2016 trao: 1 cúp VAPA; 3 giải A; 6 giải B; 14 giải C. Có tác phẩm: Nắng công trình (Bùi Tiến Phong); Trước gương than ( Vũ Quang Ngọc).

- Năm 2017 trao: 1 Cup VAPA; 7 giải A; 7 giải B; 16 giải C. Có tác phẩm: Sơn trà một mùa hoa (Huỳnh Văn Truyền); Thăm Rớ (Trương Vững).

- Năm 2018 trao: 1 Cup VAPA; 8 giải A; 12 giải B; 13 giải C. Có tác phẩm: Đưa tang ngày lũ (Đặng Kế Cường).

- Năm 2019 trao: 1 Cup VAPA; 5 giải A; 6 giải B; 10 giải C. Có tác phẩm: Phút quyết định (Lê Ngọc Huy); Ngày hy vọng (Trần Bảo Hòa).

Cuốn sách “Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc nhiệm kỳ 2014 – 2019” cũng không thấy lưu danh Hội đồng thẩm định. Hội đồng nghệ thuật khóa VIII bao gồm những nghệ sĩ: Lý Hoàng Long (Chủ tịch), Nguyễn Dần (Phó Chủ tịch), Các ủy viên: Nguyễn Duy Anh, Trương Hữu Hùng, Trần Phong, Bùi Minh Sơn, Đồng Đức Thành.

g/ Nhiệm kỳ (2020 - 2025) chưa tập hợp đủ Tác phẩm xuất sắc để in sách, nên tôi không thể thống kê.­­­

 

Vũ Kim Khoa

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy