Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:38 (GMT +7)

Nhen lên tình yêu tự thẳm sâu tâm hồn

VNTN - Cuộc sống ở một vùng quê “nửa đồng nửa núi” phần nhiều là yên lành, tôi và gia đình mình bao năm qua đã bình yên sống, dù chẳng dư dả gì nhiều, song cũng gọi là ổn định. Tôi cùng cả nhà có cơ hội “gặp biển” qua những chuyến du lịch ngắn ngày, chúng tôi thư thả sải chân lên dải cát vàng mềm mại, đắm mình trong vị mặn mòi, tận mắt thấy tàu thuyền ngư dân rẽ sóng ra khơi… Tự bao đời nay, biển cả đã đem đến nguồn lợi đáng kể về kinh tế cho ngư dân, hải phận biển đảo còn là phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Cái nghiệp của tôi, may mắn thay được là người “đưa đò” qua sông chữ. Tôi luôn nhủ lòng không chỉ truyền thụ đến các em những kiến thức có trong sách vở, mà phải giáo dục về tình yêu quê hương đất nước, nói với các em về những chiến tích hào hùng của cha ông nơi phên giậu Tổ quốc.

Do đặc thù lứa tuổi học sinh tiểu học, cấu trúc của kiến thức trên sách giáo khoa chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, gói gọn trong lược đồ địa lý. Những kiến thức có phần sơ đẳng và lý thuyết cứng nhắc. Những bài học về sự đấu tranh bảo vệ chủ quyền của thế hệ cha anh, hay đơn giản là bài học về tình yêu, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với chủ quyền biển đảo… chưa được tìm hiểu sâu, chưa được đưa vào các buổi học hay chương trình chính khóa. Thỉnh thoảng cũng có những buổi sinh hoạt ngoại khóa, học sinh nghe nói chuyện truyền thống…, nhưng chừng ấy, làm sao đủ “chất và lượng” để truyền đến các em những giá trị thiêng liêng về biển, đảo nước nhà.

Hằng ngày lên lớp với những tiết học mĩ thuật, tôi dạy cho các em biết trân trọng, yêu quý vẻ đẹp đời sống. Trong các chủ đề vẽ về cảnh đẹp quê hương đất nước con người, vẽ về chú bộ đội của em, tôi cũng mạnh dạn chia sẻ tình hình biển Đông, về nỗi vất vả, gian khổ của các thế hệ cha anh, để học sinh có thể thỏa sức sáng tạo trong bài vẽ của mình. Ngoài giờ học tôi còn tham gia tổ chức các cuộc thi vẽ tranh trong nhà trường, trong đó có cuộc thi vẽ tranh về biển đảo đã được các em hưởng ứng và tham gia hết sức nhiệt tình.

Theo dõi tin tức về tình hình biển Đông trên truyền hình quốc gia, các trang báo chính thống, nghe/xem những hành động từ phía nước lớn xâm phạm, gây hấn, sử dụng tàu lớn truy đuổi, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, gây thiệt hại về người và của, lòng dạ nhiều lúc bất an. Nhưng rồi cũng thấy rằng, trong nhiều thời khắc nguy khó, ngư dân ta vẫn kiên trì bám biển. Nhiều người trong số họ đã phải hy sinh tính mạng, nhưng họ đã và đang thể hiện trách nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương không chỉ bằng lời nói. Nước mắt đau thương vẫn ám ảnh và hiện hữu, nhưng thuyền vẫn vững vàng vượt sóng xa khơi, biển cả là nhà, luôn luôn là thế.

Thế hệ trẻ hôm nay sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, họ được thụ hưởng nền độc lập và cuộc sống đủ đầy, thì phần nào đó đã quên đi trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc. Nói về chủ quyền, về tình yêu và trách nhiệm với biển đảo với thế hệ măng non, là điều không dễ làm được ngày một ngày hai. Chúng ta có đang xem nhẹ khi chỉ đưa chủ đề này vào các buổi học ngoại khóa, các bài lịch sử địa phương, các giờ tuyên truyền có phần giáo điều và nhạt nhẽo?

Thiển nghĩ, phải làm thế nào để các buổi học mà ở đó các em được thoải mái tìm hiểu, tranh luận, được thấy/nghe những hình ảnh/điều từ thực tiễn sinh động nhiều nhất. Giáo dục kiến thức thôi hẳn là chưa đủ, cái khó nhất chính là nhen nhóm tình cảm tự thẳm sâu tâm hồn của những đứa trẻ.

Liệu chúng ta có làm được không?

Doãn Long (Chi hội thơ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước